Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Thông tư 57/2016/TT-BCA quy định mua sắm tài sản, hàng hóa trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Mục 1. THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ ĐẤU THẦU MUA SẮM

Điều 7. Điều kiện tổ chức mua sắm

1. Đối với mua sắm theo dự án đầu tư, chỉ tổ chức thực hiện mua sắm khi đủ các điều kiện sau:

a) Có quyết định phê duyệt dự án đầu tư;

b) Có quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán;

c) Có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của toàn bộ dự án hoặc kế hoạch lựa chọn nhà thầu của một hoặc một số gói thầu cần thực hiện trước;

d) Có thông báo chỉ tiêu kế hoạch vốn;

đ) Trường hợp có sự thay đổi về nội dung dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu của dự án đầu tư thì phải có văn bản phê duyệt của người có thẩm quyền.

2. Đối với mua sắm không lập dự án đầu tư, chỉ tổ chức thực hiện mua sắm khi đủ các điều kiện sau:

a) Có quyết định phê duyệt dự toán mua sắm;

b) Có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của toàn bộ dự toán mua sắm hoặc quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của một hoặc một số gói thầu cần thực hiện trước;

c) Có thông báo chỉ tiêu kinh phí mua sắm.

Điều 8. Thẩm quyền phê duyệt trong đấu thầu

1. Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với:

a) Các dự án do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định đầu tư;

b) Mua sắm từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu, dự trữ quốc gia, dự phòng chiến đấu; mua sắm quân trang, mua sắm cấp I từ nguồn kinh phí chi an ninh thường xuyên Bộ giao cho các Tổng cục, Bộ Tư lệnh và các đơn vị thực hiện; mua sắm tập trung cấp Bộ và mua sắm từ nguồn kinh phí khác do Bộ trưởng phê duyệt dự toán.

2. Thẩm quyền của thủ trưởng đơn vị mua sắm

a) Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án; kế hoạch lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư, dự toán mua sắm được Bộ trưởng phân cấp quyết định đầu tư, phê duyệt dự toán (trừ quy định tại khoản 1 Điều này);

b) Phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, danh sách ngắn; hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu; danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; danh sách xếp hạng nhà thầu; kết quả lựa chọn nhà thầu. Đối với gói thầu có giá trị trên 10 tỷ đồng hoặc gói thầu có yêu cầu đặc biệt (gói thầu mua sắm tài sản đặc biệt; mua sắm trong trường hợp cấp bách để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ), thủ trưởng đơn vị mua sắm phải có văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ phụ trách đơn vị trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định;

c) Thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu, giao cho đơn vị thuộc quyền có đủ năng lực làm Bên mời thầu. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép lựa chọn một đơn vị tư vấn hoặc đơn vị đấu thầu chuyên nghiệp để thay mình làm bên mời thầu hoặc thực hiện một số nhiệm vụ của Bên mời thầu nhưng phải bảo đảm yêu cầu bảo mật theo quy định;

d) Quyết định chọn đơn vị hoặc thành lập tổ chức có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện công tác thẩm định trong đấu thầu thuộc thẩm quyền phê duyệt;

đ) Trong trường hợp cần thiết, có thể ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện nhiệm vụ của thủ trưởng đơn vị mua sắm đối với toàn bộ dự án đầu tư, dự toán mua sắm hoặc từng gói thầu cụ thể.

Việc ủy quyền phải bằng văn bản, người được ủy quyền làm nhiệm vụ thủ trưởng đơn vị mua sắm không được tham gia thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu; không được ủy quyền lại và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật và trước thủ trưởng đơn vị mua sắm trong quá trình thực hiện mua sắm.

Điều 9. Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

1. Việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại các Điều 33, 34 và 35 Luật Đấu thầu và Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu (Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT) và có các tài liệu sau để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu:

a) Bảng tổng hợp khảo sát giá tài sản, hàng hóa trên cơ sở báo giá của ít nhất 03 nhà cung cấp;

b) Bảng tổng hợp so sánh cấu hình, thông số kỹ thuật cơ bản đối với tài sản, hàng hóa mua sắm của ít nhất 03 nhà sản xuất. Trường hợp có ít hơn 03 nhà sản xuất thì phải có văn bản giải trình;

c) Các tài liệu sau đây (nếu có): Kết quả khảo sát giá trên mạng internet, kết quả thẩm định giá của cơ quan chức năng, hợp đồng tương tự đã ký trước đó.

2. Đối với các dự án đầu tư được bố trí kế hoạch vốn hàng năm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu có thể được lập theo từng năm để thực hiện.

3. Đối với kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh, bổ sung: Thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT.

Điều 10. Thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu

1. Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu

a) Đối với dự án đầu tư, dự toán mua sắm do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định đầu tư, phê duyệt dự toán, thủ trưởng đơn vị mua sắm có trách nhiệm gửi hồ sơ trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến đơn vị chủ trì thẩm định theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này để tổ chức thẩm định, hồ sơ gồm:

- Dự thảo Tờ trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT);

- Các tài liệu làm căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu quy định tại Điều 34 Luật Đấu thầu và các tài liệu làm cơ sở xây dựng giá gói thầu quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này;

- Dự thảo quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT);

- Các tài liệu khác có liên quan.

Đơn vị chủ trì thẩm định tổ chức thẩm định và báo cáo Bộ trưởng kết quả thẩm định (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT), đồng thời gửi thủ trưởng đơn vị mua sắm để hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

b) Đối với dự án đầu tư, dự toán mua sắm thuộc thẩm quyền phê duyệt của thủ trưởng đơn vị mua sắm:

- Đơn vị thực hiện mua sắm có trách nhiệm gửi hồ sơ trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến đơn vị hoặc tổ chức được giao thẩm định theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này để tổ chức thẩm định, hồ sơ thẩm định gồm các tài liệu quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

- Đơn vị hoặc tổ chức được giao thẩm định tổ chức thẩm định và báo cáo thủ trưởng đơn vị mua sắm kết quả thẩm định, đồng thời gửi đơn vị thực hiện mua sắm để hoàn thiện hồ sơ trình thủ trưởng đơn vị mua sắm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

2. Trách nhiệm trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu

a) Đối với dự án đầu tư, dự toán mua sắm do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định đầu tư, phê duyệt dự toán, thì thủ trưởng đơn vị mua sắm có trách nhiệm trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

b) Đối với dự án đầu tư, dự toán mua sắm thuộc thẩm quyền phê duyệt của thủ trưởng đơn vị mua sắm thì đơn vị thực hiện mua sắm có trách nhiệm trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

3. Hồ sơ trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm:

a) Tờ trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

b) Các tài liệu làm căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 34 Luật Đấu thầu và các tài liệu làm cơ sở xây dựng giá gói thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này;

c) Dự thảo Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

d) Báo cáo thẩm định của cơ quan chủ trì thẩm định hoặc của Hội đồng thẩm định;

e) Các tài liệu khác có liên quan.

Điều 11. Hình thức lựa chọn nhà thầu

1. Hình thức chỉ định thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Các trường hợp quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu, theo hạn mức quy định tại Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP;

b) Mua sắm tài sản đặc biệt mang tính chất bí mật nhà nước;

c) Mua sắm trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mang tính chất bí mật nhà nước để lắp đặt, trang bị cho mục tiêu trọng điểm về an ninh, trật tự;

d) Mua sắm trong trường hợp cấp bách (cần thực hiện ngay để khắc phục kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng hoặc cần thực hiện ngay theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội) mang tính chất bí mật nhà nước.

2. Hình thức đấu thầu hạn chế được áp dụng đối với gói thầu mua sắm tài sản đặc biệt (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này), tài sản chuyên dùng và máy móc, trang thiết bị y tế có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.

3. Đối với gói thầu đủ điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu nhưng vẫn có thể áp dụng được các hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại các Điều 20, 21, 23 và 24 Luật Đấu thầu thì khuyến khích áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu này.

Điều 12. Lựa chọn nhà thầu

1. Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 38 Luật Đấu thầu và từ Điều 11 đến Điều 53, các điều 55, 56, 58, 59, 60, 62, 66, 70 và 74 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

2. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày kế hoạch lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với mua sắm không lập dự án) hoặc nhận được thông báo chỉ tiêu kế hoạch vốn (đối với mua sắm theo dự án đầu tư), đơn vị thực hiện mua sắm phải hoàn thành việc xây dựng hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu, lựa chọn danh sách ngắn (nếu cần thiết) gửi cơ quan thẩm định để tổ chức thẩm định theo quy định.

3. Khi trình duyệt danh sách nhà thầu tham gia chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế, đơn vị thực hiện mua sắm phải gửi kèm theo tài liệu giải trình, chứng minh nhà thầu được đề xuất chỉ định thầu hoặc tham gia đấu thầu hạn chế có đủ năng lực, kinh nghiệm, khả năng cung ứng hàng hóa đáp ứng yêu cầu của gói thầu và có nhu cầu tham gia dự thầu để thực hiện gói thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

4. Lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu dịch vụ tư vấn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2015/TT-BKHĐT ngày 14/02/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu dịch vụ tư vấn; lập hồ sơ mời thầu mua sắm tài sản, hàng hóa thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa; lập hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu, hồ sơ chào hàng cạnh tranh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ yêu cầu đối với chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh; lập hồ sơ mời thầu dịch vụ phi tư vấn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BKHĐT ngày 29/09/2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu dịch vụ phi tư vấn; lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT ngày 21/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu.

5. Đơn vị thực hiện mua sắm có trách nhiệm trình hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, danh sách ngắn; hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu; danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; kết quả lựa chọn nhà thầu đến đơn vị hoặc tổ chức được thủ trưởng đơn vị mua sắm giao nhiệm vụ thẩm định. Đơn vị hoặc tổ chức được giao thẩm định tổ chức thẩm định, gửi báo cáo kết quả thẩm định đến đơn vị thực hiện mua sắm để hoàn thiện hồ sơ và trình thủ trưởng đơn vị mua sắm quyết định, phê duyệt.

6. Trong tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu và quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đều phải nêu rõ danh mục, chủng loại, số lượng, nhãn hiệu, ký hiệu, mã hiệu, cấu hình, thông số kỹ thuật cơ bản, xuất xứ của tài sản, hàng hóa trúng thầu, đơn giá trúng thầu, tổng giá trị trúng thầu, các loại thuế, phí (nếu có), tên và địa chỉ nhà thầu trúng thầu. Đối với các gói thầu do Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, đơn vị mua sắm có trách nhiệm gửi 01 bản về Cục Kế hoạch và đầu tư để theo dõi, quản lý.

7. Các khoản chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu được quản lý, sử dụng theo quy định tại Thông tư số 190/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.

Điều 13. Thẩm quyền thẩm định trong đấu thầu

1. Cục Kế hoạch và đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với Cục Tài chính, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (đơn vị nghiệp vụ chuyên ngành có liên quan) và các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu của dự án đầu tư, dự toán mua sắm thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này.

Trường hợp gói thầu có giá trị trên 10 tỷ đồng hoặc yêu cầu cao về kỹ thuật, nếu thấy cần thiết thì Cục Kế hoạch và đầu tư đề xuất lãnh đạo Bộ thành lập Hội đồng thẩm định, gồm: Lãnh đạo Cục Kế hoạch và đầu tư là Chủ tịch Hội đồng hoặc Thường trực Hội đồng thẩm định (trường hợp lãnh đạo Bộ là Chủ tịch Hội đồng), đại diện Cục Tài chính, đại diện Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (đơn vị nghiệp vụ chuyên ngành có liên quan) và các đơn vị có liên quan là thành viên Hội đồng thẩm định;

b) Thẩm định hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu và các nội dung khác trong đấu thầu khi được lãnh đạo Bộ yêu cầu hoặc các đơn vị đề nghị.

2. Thủ trưởng đơn vị mua sắm quyết định đơn vị hoặc tổ chức có chức năng, năng lực để tổ chức thẩm định:

a) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc thẩm quyền phê duyệt quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Thông tư này.

b) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; kết quả lựa chọn nhà thầu và các nội dung khác theo quy định tại Điều 105 và Điều 106 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

3. Báo cáo thẩm định trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2015/TT-BKHĐT ngày 27/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập báo cáo thẩm định trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Điều 14. Thời hạn thẩm định

1. Thời hạn thẩm định thực hiện theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 12 Luật Đấu thầu, điểm đ khoản 2 Điều 64 Nghị định số 63/2014/NĐ-CPĐiều 3 Thông tư số 19/2015/TT-BKHĐT ngày 27/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập báo cáo thẩm định trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.

2. Thời hạn kiểm tra hồ sơ trình thẩm định là 02 ngày làm việc, kể từ ngày đơn vị chủ trì thẩm định nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, đơn vị chủ trì thẩm định có văn bản đề nghị bổ sung hồ sơ.

3. Trường hợp đơn vị chủ trì thẩm định lấy ý kiến tham gia thẩm định bằng văn bản thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, đơn vị, cá nhân được lấy ý kiến phải có trách nhiệm gửi ý kiến tham gia.

Điều 15. Đăng tải thông tin về đấu thầu

1. Việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 08/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng và quy định tại Thông tư này.

2. Đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa mang tính chất bí mật nhà nước được áp dụng hình thức chỉ định thầu thì không đăng tải thông tin về đấu thầu.

Thông tư 57/2016/TT-BCA quy định mua sắm tài sản, hàng hóa trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 57/2016/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/12/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Tô Lâm
  • Ngày công báo: 03/03/2017
  • Số công báo: Từ số 163 đến số 164
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH