Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 56/1999/TT-BNN-KL

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 1999

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 56/1999/TT-BNN-KL NGÀY 30 THÁNG 3 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG QUY ƯỚC BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ THÔN, LÀNG, BUÔN, BẢN, ẤP

Thi hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 1998 của Chính phủ về việc ban hành quy chế dân chủ thực hiện ở xã, sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ: Tư pháp, Văn hoá - Thông tin và Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng quy ước bảo về và phát triển rừng như sau:

I. YÊU CẦU XÂY DỰNG QUY ƯỚC BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG:

1- Luật pháp thừa nhận quy ước của thôn, làng, buôn, bản, ấp (sau đây gọi chung là thôn, bản) là những quy tắc xử sự trong nội bộ cộng đồng và do cộng đồng "thoả thuận đa số" và tự nguyện thực hiện. Các quy định về bảo vệ và phát triển rừng trong quy ước của cộng đồng thôn, bản một mặt phải phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và tuân thủ những quy định của pháp luật; mặt khác phải kế thừa, phát huy thuần phong mỹ tục những tập quán tốt của địa phương.

2- Bài trừ các hủ tục mê tín dị doan, phạt vạ trái pháp luật, gây chia rẽ mất đoàn kết trong cộng đồng.

3- Những nội dung trong quy ước về bảo vệ và phát triển rừng phải rõ ràng, dễ hiểu dễ thực hiện.

II - NỘI DUNG CHỦ YẾU VỀ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TRONG QUY ƯỚC CỦA THÔN, BẢN

Tuỳ theo tình hình kinh tế - xã hội, phong tục tập quán và đặc thù của từng thôn, bản cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn gợi ý và thảo luận với trưởng thôn, bản xác định và lựa chọn những nội dung cơ bản trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương, sắp xếp theo thứ tự quan trọng và cách giải quyết để đưa ra cộng đồng thôn, bản xem xét, thống nhất trong quy ước.

Những nội dung chủ yếu cần bàn bạc để xây dựng quy ước về bảo vệ và phát triển rừng là:

1- Quyền lợi và nghĩa vụ của mọi thành viên cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sống. Thực hiện có hiệu quả phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác" khuyến khích các quy định của cộng đồng thôn, bản trong quy ước về những tập quán tốt, chẳng hạn: trồng một số cây lưu niệm tại những nơi quy định như "Vườn hạnh phúc", "Vườn cây nhớ ơn Bác hồ", "vườn trường"...

2- Về phát nương làm rẫy trên địa bàn thôn, bản ngoài việc cam kết chấp hành các quy định của Nhà nước, các thôn, bản có thể quy định những vấn đề về thâm canh, xen canh tăng năng suất cây trồng.

3- Những quy định về bảo vệ rừng và việc huy động nội lực để chăm sóc, nuôi dưỡng... phát triển những khu rừng do cộng đồng thôn, bản làm chủ rừng, những khu rừng sinh thuỷ quan trọng; những khu rừng lịch sử, phong cảnh, tín ngưỡng của cộng đồng.

4- Về khai thác, mua bán vận chuyển gỗ và lâm sản.

5- Về bảo vệ, săn bắn, bẫy bắt và sử dụng động vật rừng.

6- Về việc chăn thả gia súc trong rừng.

7- Về phòng cháy, chữa cháy rừng, sử dụng lửa trong rừng và các vấn đề về phòng trừ sâu bệnh hại rừng.

8- Về việc phối hợp tổ chức nhận khoán bảo vệ rừng; nhận rừng, đất lâm nghiệp của từng thành viên trong cộng đồng để bảo vệ, kinh doanh, trồng mới và sản xuất nông - lâm kết hợp.

9- Vấn đề sử dụng, tạo giống, nhân giống cây trồng trong sản xuất lâm nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh rừng.

10- Vấn đề phát hiện, ngăn chặn những tác nhân xâm hại đến rừng, người các địa phương khác đến địa bàn thôn, bản phá rừng làm rẫy, khai thác, mua bán, vận chuyển, săn bắt động vật rừng trái phép và hành vi chứa chấp những việc làm sai trái đó.

11- Về việc tương trợ giúp đỡ nhau giữa các thành viên của cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng và tổ chức dịch vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

12- Bảo vệ và phát triển rừng không chỉ là công việc nội bộ của từng thôn, bản; Do vậy trong quy ước cần đề cập khía cạnh phối hợp "liên thôn", "liên bản" để đảm bảo quản lý bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả.

13- Quy ước thôn, bản có thể quy định việc xem xét giải quyết của cộng đồng đối với những vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát trển rừng như các quy định về bồi thường thiệt hại và xử phạt, tuy nhiên việc giải quyết ở thôn, bản chủ yếu bằng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, hoà giải, và phù hợp với tình hình cụ thể của mỗi thôn, bản, không được quy định việc xử phạt trái với quy định của pháp luật.

14- Những việc có tính chất công ích chung của thôn, bản về bảo vệ và phát triển rừng như: tổ chức các tổ tuần tra rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.... có thể quy định việc huy động đóng góp của nhân dân nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện và đúng quy định tại Nghị định 29/CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ về việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã.

III - TỔ CHỨC XÂY DỰNG QUY ƯỚC VỀ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

1- Trước khi tổ chức xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng thôn, bản, kiểm lâm địa bàn tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã, trao đổi và thống nhất với Trưởng thôn, bản những nội dung cần đưa ra trước Hội nghị thôn, bản để bàn bạc, thảo luận, biểu quyết nhất trí và cam kết thực hiện.

2- Trưởng thôn, bản triệu tập Hội nghị dưới 2 hình thức: Hội nghị toàn thể nhân dân hoặc Hội nghị đại diện gia đình trong thôn, bản.

Trình tự Hội nghị như sau:

a. Trưởng thôn, bản trình bày các nội dung cần thể hiện trong quy ước bảo vệ và phát triển rừng để nhân dân thảo luận, biểu quyết công khai thông qua nội dung từng phần và thông qua tổng thể quy ước; biên bản Hội nghị phải được ghi đầy đủ, trung thực có chữ ký của Trưởng thôn, bản và thư ký Hội nghị. Biên bản Hội nghị này được gửi kèm theo cùng với bản dự thảo quy ước đến Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã.

b. Nếu các nội dung quy ước được từ hai phần ba số người dự Hội nghị trở lên tán thành thì Hội đồng nhân dân xã xem xét, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện chuẩn y.

3- Sau khi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện chuẩn y quy ước về bảo vệ và phát triển rừng của thôn, bản, Uỷ ban nhân dân xã tổ chức Hội nghị nhân dân trong thôn, bản thông báo nội dung và biện pháp thực hiện bản quy ước của cộng đồng.

4 - Thôn, bản cử ra Tổ bảo vệ và phát triển rừng, Uỷ viên thanh tra nhân dân để tổ chức, giám sát việc thực hiện quy ước đó.

5- Khi có những tranh chấp, vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, nếu thuộc nội bộ của cộng đồng đã dược quy định trong quy ước thôn, bản sẽ được nhắc nhở, giải quyết trên tinh thần thương lượng, hoà giải trong cộng đồng, trường hợp hành vi và mức độ vi phạm đã được pháp luật quy định phải xử lý hành chính hoăc truy cứu trách nhiệm hình sự thì trưởng thôn, bản lập biên bản báo cáo Uỷ ban nhân dân xã đồng thời báo cho Kiểm lâm địa bàn để xử lý.

6- Nghị quyết của Hội nghị thôn, bản xem xét, giải quyết những vi phạm quy ước của hộ gia đình, cá nhân trong thôn, bản có giá trị khi được ít nhất quá nửa số người dự họp tán thành và không trái với các quy định Nhà nước.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Kiểm lâm chỉ đạo việc triển khai thực hiện Thông tư này, theo dõi, kiểm tra định kỳ tổng hợp tình hình báo cáo Bộ.

Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Văn hoá - Thông tin và Ban tổ chức Chính quyền tỉnh hướng dẫn xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn, bản theo Thông tư này, phù hợp với quy định của pháp luật, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và phong tục, tập quán của từng dân tộc.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị Uỷ ban nhân dân các cấp, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm phản ảnh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét giải quyết.

Nguyễn Văn Đẳng

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 56/1999/TT-BNN-KL về việc xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn, làng, buôn, bản, ấp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 56/1999/TT-BNN-KL
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/03/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Văn Đẳng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: 14/04/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 05/09/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản