Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 55/2011/TT-BTC về hướng dẫn chế độ báo cáo giá thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước, giá hàng hóa nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Các loại báo cáo

1. Đối với báo cáo giá thị trường trong nước

a) Báo cáo tuần, tháng, quý, năm: Sở Tài chính thực hiện báo cáo giá thị trường hàng tuần, tháng, quý, năm. Tuần cuối tháng là báo cáo cả tháng. Các tháng cuối quý (3, 6, 9, 12) là báo cáo giá thị trường tương ứng: 3 tháng, 6, tháng, 9 tháng, 12 tháng (gọi chung là báo cáo dài hạn).

b) Báo cáo đột xuất: Sở Tài chính chủ động thực hiện báo cáo đột xuất khi trên thị trường địa phương có giá một số hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá quy định tại Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá, Nghị định 75/2008/NĐ-CP ngày 9/6/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP và Thông tư số 122/2010/TT-BTC ngày 12/8/2010 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 104/2008/TT-BTC hoặc giá một loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác tại địa phương xảy ra biến động bất thường.

2. Đối với báo cáo giá hàng hóa nhập khẩu:

Tổng cục Hải quan thực hiện báo cáo giá hàng hóa nhập khẩu 15 ngày, hàng tháng quy định tại Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này và chủ động gửi báo cáo đột xuất khi giá hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục báo cáo giá có biến động bất thường.

Điều 7. Nội dung báo cáo

1. Đối với báo cáo giá thị trường trong nước

a) Báo cáo tuần:

- Tổng quan về tình hình thị trường, giá cả trong kỳ báo cáo.

- Phân tích diễn biến, nguyên nhân biến động (hoặc bình ổn) chung của mặt bằng giá và của từng loại giá hàng hóa, dịch vụ cụ thể.

- Thống kê mức giá hàng hóa, dịch vụ theo danh mục quy định tại Phụ lục số 1 (ban hành kèm theo Thông tư này).

b) Báo cáo tháng, quý, năm:

Phần thứ nhất: Tổng quan về tình hình thị trường, giá cả trong kỳ:

- Báo cáo diễn biến của giá thị trường hàng hóa, dịch vụ, phân tích thực trạng, nguyên nhân;

- Dự báo sự vận động của giá cả thị trường trong tháng sau (quý sau, năm sau).

- Thống kê mức giá hàng hóa, dịch vụ theo danh mục quy định tại Phụ lục số 1 (ban hành kèm theo Thông tư này).

Đối với những địa phương có sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp làm nguyên liệu cung cấp cho nông nghiệp chế biến, khi đến vụ thu hoạch, trong báo cáo ngoài những nội dung trên còn phải báo cáo giá mua sản phẩm tại nơi sản xuất, trong đó phân tích diễn biến, nguyên nhân, kiến nghị những giải pháp bình ổn giá theo quy định tại Phụ lục số 1 (ban hành kèm theo Thông tư này).

Phần thứ hai: Đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý chỉ đạo giá của địa phương, bao gồm các nội dung:

- Chủ trương, biện pháp, những công việc đã thực hiện;

- Tác động của những việc đã thực hiện đến giá cả thị trường, đến tình hình kinh tế xã hội của địa phương;

- Những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị về quản lý điều hành giá, bình ổn giá.

c) Báo cáo đột xuất:

- Nhận xét về diễn biến giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ có biến động giá;

- Nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp bình ổn thị trường, giá cả;

- Báo cáo phải có biểu thống kê về mức giá của loại hàng hóa, dịch vụ trước và sau ngày có biến động giá.

2. Đối với báo cáo giá hàng hóa nhập khẩu:

- Nhận xét về diễn biến giá hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục báo cáo tại Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này;

- Nguyên nhân tăng, giảm giá hàng hóa nhập khẩu (nếu có); các vấn đề có liên quan khác.

Điều 8. Hình thức, địa chỉ và thời gian gửi báo cáo

Cơ quan báo cáo giá thị trường thực hiện cập nhật, tổng hợp thông tin giá thị trường và gửi các báo cáo quy định tại Thông tư này theo hình thức, địa chỉ và thời gian gửi báo cáo như sau:

1. Đối với báo cáo giá thị trường trong nước

Cơ quan báo cáo giá thị trường thực hiện gửi báo cáo về Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đồng thời bằng hai hình thức: văn bản và bằng hệ thống mạng thông tin (thư điện tử, Chương trình Quản lý giá thị trường hàng hóa, dịch vụ phiên bản 1.0):

1.1. Gửi báo cáo bằng văn bản theo địa chỉ: Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính số 28 Trần Hưng Đạo - Hà Nội.

1.2. Gửi báo cáo bằng hệ thống mạng thông tin:

a) Qua thư điện tử:

Sở Tài chính gửi báo cáo về Cục Quản lý giá theo địa chỉ thư điện tử: csgia@mof.gov.vn

Riêng các Sở Tài chính khu vực phía Nam tính từ Khánh Hòa trở vào, ngoài việc gửi báo cáo về Cục Quản lý giá theo địa chỉ thư điện tử csgia@mof.gov.vn nêu trên, phải đồng thời gửi Đại diện cơ quan Bộ Tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh theo địa chỉ thư điện tử: csgia2@mof.gov.vn.

Đại diện cơ quan Bộ Tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tổng hợp tình hình giá thị trường các tỉnh phía Nam và báo cáo kịp thời bằng văn bản và bằng thư điện tử về Cục Quản lý giá theo địa chỉ quy định tại điểm 1.1 và 1.2 khoản 1, Điều này.

b) Qua Chương trình Quản lý giá thị trường hàng hóa, dịch vụ phiên bản 1.0 theo Quyết định số 346/QĐ-BTC ngày 20/2/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc triển khai áp dụng Chương trình Quản lý giá thị trường hàng hóa, dịch vụ phiên bản 1.0 (sau đây gọi tắt là Chương trình Quản lý giá thị trường hàng hóa, dịch vụ phiên bản 1.0):

Từ ngày 01/7/2011, ngoài việc gửi báo cáo qua thư điện tử theo địa chỉ tại tiết a, điểm 1.2, khoản 1 Điều 8 Thông tư này, Sở Tài chính thực hiện cập nhật, tổng hợp thông tin và gửi báo cáo qua Chương trình Quản lý giá thị trường hàng hóa, dịch vụ phiên bản 1.0 theo địa chỉ: http://qlg.btc

c) Mọi thông tin gửi qua thư điện tử theo địa chỉ: csgia@mof.gov.vn và qua Chương trình Quản lý giá thị trường hàng hóa, dịch vụ phiên bản 1.0 theo địa chỉ: http://qlg.btc phải được dùng thống nhất bộ mã tiếng Việt Unicode.

d) Quy ước ký hiệu tệp văn bản báo cáo bằng hệ thống mạng thông tin:

Thực hiện theo quy định tại Phụ lục 3 (ban hành kèm theo Thông tư này).

đ) Các báo cáo định kỳ về tình hình giá cả thị trường cả nước của Cục Quản lý giá gửi Sở Tài chính, ngoài việc gửi công văn theo đường bưu điện, phải đưa lên mạng theo mục “Giá thị trường” trên trang tin điện tử của Bộ Tài chính.

1.3. Thời gian gửi báo cáo:

Sở Tài chính các địa phương gửi báo cáo về Cục Quản lý giá như sau:

Báo cáo tuần: trước 15 giờ ngày Thứ Sáu hàng tuần.

Báo cáo tháng và dài hạn: trước ngày 25 hàng tháng.

Báo cáo đột xuất: ngay khi có biến động giá.

2. Đối với báo cáo giá hàng hóa nhập khẩu

2.1. Tổng cục Hải quan gửi báo cáo giá hàng hóa nhập khẩu bằng văn bản định kỳ 15 ngày, hàng tháng và trường hợp báo cáo đột xuất về Cục Quản lý giá theo địa chỉ: Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - 28 Trần Hưng Đạo, Hà Nội; đồng thời gửi file bằng hệ thống mạng thông tin theo địa chỉ thư điện tử: csgia@mof.gov.vn. Báo cáo gửi qua thư điện tử phải được dùng thống nhất bộ mã tiếng Việt Unicode

2.2. Thời gian gửi báo cáo:

a) Báo cáo 15 ngày đầu tháng: Trước ngày 20 hàng tháng.

b) Báo cáo 15 ngày cuối tháng và báo cáo tháng: trước ngày 10 hàng tháng của tháng tiếp theo (gồm 15 ngày cuối tháng và tổng hợp cả tháng báo cáo).

2.3. Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải báo cáo giá quy định tại Phụ lục số 2 (ban hành kèm theo Thông tư này).

Điều 9. Kinh phí thực hiện chế độ báo cáo giá thị trường

1. Cán bộ giá thị trường theo quy định tại Điều 2 Thông tư này được hỗ trợ kinh phí khoán là 300.000 đồng/người/tháng theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị công lập. Trường hợp Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 nêu trên thì thực hiện theo quy định của Thông tư đó.

2. Kinh phí mua thông tin giá thị trường:

2.1. Trường hợp cơ quan báo cáo giá thị trường không tự tổ chức thu thập được thông tin giá thị trường bằng khảo sát trực tiếp mà phải mua thông tin thì cơ quan báo cáo giá thị trường thực hiện thanh toán kinh phí mua thông tin theo hợp đồng ký với các tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cần thu thập thông tin giá thị trường hoặc tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin khác.

2.2. Các trường hợp được thanh toán kinh phí mua thông tin:

- Hàng hóa, dịch vụ không được mua bán, giao dịch phổ biến trên thị trường dẫn đến không thể nắm bắt được chính xác mức giá của hàng hóa, dịch vụ;

- Hàng hóa, dịch vụ tại các thị trường không có niêm yết giá theo quy định;

- Mua tin đối với nhiều loại giá hàng hóa tại các Siêu thị, Trung tâm thương mại …;

- Các trường hợp mua tin khác do thủ trưởng cơ quan báo cáo thị trường quy định phù hợp với dự toán được duyệt, đảm bảo tiết kiệm, có hiệu quả.

2.3. Chứng từ thanh toán kinh phí mua thông tin:

- Hợp đồng và biên bản thanh lý hợp đồng mua thông tin hoặc hợp đồng cung cấp thông tin, hợp đồng cộng tác viên cung cấp thông tin.

- Hóa đơn hợp pháp hoặc phiếu thu hoặc giấy biên nhận của các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin theo hợp đồng đã ký.

3. Kinh phí chi hỗ trợ cho công tác thu thập thông tin và thực hiện chế độ báo cáo giá thị trường:

Ngoài các khoản kinh phí quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, cơ quan báo cáo giá thị trường được phép chi:

3.1. Kinh phí hỗ trợ cho việc họp tổ chức hoặc triển khai công tác theo dõi, báo cáo giá thị trường, họp hướng dẫn các quận, huyện, đơn vị liên quan triển khai thực hiện chế độ báo cáo giá thị trường thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị công lập.

3.2. Kinh phí thu thập, báo cáo giá thị trường đột xuất trong các trường hợp triển khai công tác theo dõi báo cáo giá thị trường trong các dịp lễ, Tết, thiên tai, bão lụt … theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân tỉnh cấp tỉnh) được áp dụng như quy định về chế độ bồi dưỡng làm ngoài giờ đối với cán bộ, công chức theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.

4. Cơ quan báo cáo giá thị trường quy định tại Điều 2 Thông tư này có trách nhiệm lập dự toán kinh phí phục vụ cho việc thu thập, tổng hợp thông tin và thực hiện báo cáo giá thị trường trong dự toán ngân sách hàng năm của đơn vị:

4.1. Dự toán kinh phí phục vụ cho việc thu thập, tổng hợp thông tin và thực hiện chế độ báo cáo giá thị trường trong dự toán ngân sách hàng năm được xây dựng bao gồm các khoản kinh phí như sau:

DTKPHN = KPCBTT KPHT KPMT KPĐX

Trong đó:

a) Các cụm từ viết tắt (DTKPHN, KPCBTT, KPHT, KPMT, KPĐX) được hiểu như sau:

- DTKPHN: Dự toán kinh phí hàng năm.

- KPCBTT: Kinh phí chi trả cho cán bộ giá thị trường.

- KPHT: Kinh phí hỗ trợ

- KPMT: Kinh phí mua thông tin giá thị trường.

- KPĐX: Kinh phí thu thập, báo cáo giá thị trường đột xuất.

b) Cách tính các mục chi phí:

- KPCBTT = Số lượng cán bộ giá thị trường x (nhân) mức tiền hỗ trợ hàng tháng x (nhân) 12 tháng.

- KPHT = [Số cuộc họp trong năm x (nhân) số người tham dự họp x (nhân) mức tiền hỗ trợ/01 người] [mức hỗ trợ cho người chủ trì x (nhân) số lần họp trong năm].

- KPMT = KPMT của cơ quan chủ quản KPMT của các đơn vị phụ thuộc.

- KPĐX = Số người tham gia thu thập, tổng hợp báo cáo giá thị trường đột xuất x (nhân) số ngày hoặc thời gian làm công tác thu thập, tổng hợp báo cáo giá thị trường đột xuất x (nhân) đơn giá bồi dưỡng làm ngoài giờ theo quy định.

4.2. Trường hợp kinh phí phục vụ cho việc thu thập, tổng hợp thông tin và thực hiện báo cáo giá thị trường vượt dự toán thì cơ quan báo cáo giá thị trường đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét bổ sung theo quy định của Nhà nước.

4.3. Căn cứ vào những quy định trên đây, cơ quan báo cáo giá thị trường quy định tại Điều 2 Thông tư này có trách nhiệm quản lý, sử dụng khoản kinh phí này theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện có liên quan và đảm bảo tiết kiệm, có hiệu quả.

Thông tư 55/2011/TT-BTC về hướng dẫn chế độ báo cáo giá thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước, giá hàng hóa nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 55/2011/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/04/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Văn Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 289 đến số 290
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra