Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 54-TC/TCCB

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 1995

THÔNG TƯ

BỘ TÀI CHÍNH SỐ 54 TC/TCCB NGÀY 14/7/1995 HƯỚNG DẪN VỀ NỘI DUNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÔNG SẢN CỦA SỞ TÀI CHÍNH-VẬT GIÁ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 347 TC/QĐ/TCCB ngày 26/4/1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Cục Qủan lý công sản trực thuộc Bộ; và Thông tư số 03 - TC/TT/TCCB ngày 04/1/1995 của Bộ Tài chính hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Sở Tài chính - Vật giá.
Để Sở Tài chính - Vật giá các Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) có cơ sở quy định chức năng, nhiệm vụ của phòng Quản lý công sản; Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể một số nội dung công tác quản lý công sản của Sở như sau:

I - NHỮNG NHIỆM VỤ CHUNG VỀ QUẢN LÝ CÔNG SẢN:

1/ Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, các quy định về tài chính nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên - công sản thuộc phạm vi địa phương quản lý theo đúng chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước quy định;

2/ Hướng dẫn các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc tỉnh thực hiện các chế độ quản lý tài sản thuộc sở hữu Nhà nước và chế độ quản lý Tài chính đối với tài nguyên Quốc gia bao gồm cả tài nguyên đã thăm dò, xác định trữ lượng chưa đưa vào khai thác.

3/ Hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác thống kê, tổng hợp, phân tích tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và tài nguyên quốc gia do tỉnh quản lý hoặc được uỷ quyền quản lý; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và không định kỳ theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ trưởng Bộ Tài chính;

4/ Tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên - công sản của các cơ quan hành chính sự nghiệp (HCSN) và các tổ chức kinh tế, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về các biện pháp xử lý nhằm đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Nhà nước.

5/ Tham gia với các ngành chức năng của địa phương thu hồi các tài sản, tài nguyên thuộc sở hữu Nhà nước trong các cơ quan HCSN và các tổ chức kinh tế, thực hiện việc điều chuyển tài sản, tài nguyên theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính;

6/ Quản lý và lưu trữ các hồ sơ, tài liệu, số liệu có liên quan đến việc quản lý tài sản công và quản lý tài chính đối với tài nguyên.

II - NHỮNG NHIỆM VỤ CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ CÔNG SẢN:

1/ Đối với tài sản công trong các cơ quan HCSN của địa phương thuộc nguồn Ngân sách Nhà nước đầu tư trang bị hoặc có nguồn gốc Ngân sách, Sở Tài chính - Vật giá có nhiệm vụ:

a - Lập sổ sách theo dõi, quản lý toàn bộ tài sản của các cơ quan HCSN do địa phương quản lý và các tài sản của các cơ quan HCSN khác được Trung ương uỷ quyền theo đúng danh mục do Bộ Tài chính quy định;

b - Thẩm định kế hoạch chi mua sắm, sửa chữa tài sản cho các đơn vị HCSN của địa phương hàng năm, để trình HĐND và UBND phê duyệt đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ, chính sách Nhà nước quy định;

c - Tham gia các Hội đồng chọn thầu hoặc đấu thầu trong việc mua sắm tài sản và Hội đồng thanh lý tài sản cho các cơ quan HCSN thuộc địa phương quản lý;

d - Quản lý và thực hiện việc điều chuyển tài sản từ nơi thừa sang nơi thiếu, tổ chức việc mua bán đấu gía tài sản hư hỏng, không cần dùng trong các đơn vị HCSN thuộc địa phương quản lý theo quyết định của UBND cấp tỉnh.

2/ Đối với tài sản thuộc kết cấu hạ tầng, bao gồm: đường xá, cầu cống, bến cảng, đê điều, các công trình văn hoá, giáo dục.... thuộc địa phương quản lý, Sở Tài chính - Vật gía có nhiệm vụ:

a - Thống kê, tổng hợp tài sản thuộc kết cấu hạ tầng của địa phương theo quy định của Bộ Tài chính;

b - Tham gia với các ngành có liên quan về qui hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng của địa phương;

c - Thẩm định và tham gia ý kiến vào kế hoạch chi xây dựng, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên và tôn tạo các tài sản thuộc kết cấu hạ tầng hàng năm năm để trình HĐND và UBND phê duyệt và tham gia nghiệm thu công trình đã hoàn thành do địa phương quản lý.

3/ Đối với tài sản tịch thu, tịch biên, vắng chủ và tài sản tạm thu, tạm giư, Sở Tài chính - Vật giá có nhiệm vụ:

a - Tổ chức việc tiếp nhận và quản lý theo chức năng đối với tài sản tịch thu, tịch biên, tài sản vắng chủ, tài sản tạm thu, tạm giữ theo quyết định của UBND tỉnh hoặc các cơ quan có thẩm quyền;

b - Lập hồ sơ ghi chép, theo dõi tài sản kèm theo hồ sơ, chứng từ phản ánh giá trị, hiện trạng của những tài sản nói trên;

c - Nghiên cứu, đề xuất, trình UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền về các biện pháp xử lý; thực hiện việc hoàn trả, bán hoặc cho thuê các tài sản tịch thu, tịch biên, vắng chủ, tạm thu, tạm giữ theo quyết định của UBND tỉnh hoặc các cơ quan có thẩm quyền.

4/ Trong lĩnh vực quản lý Tài chính đối với tài nguyên Quốc gia, Sở Tài chính - Vật giá có nhiệm vụ:

a - Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên quốc gia, lập hồ sơ quản lý, theo dõi số lượng, trữ lượng.... các nguồn tài nguyên được Nhà nước giao cho địa phương quản lý, sử dụng;

b - Thẩm định và tham gia ý kiến vào kế hoạch chi hàng năm cho công tác khảo sát, tìm kiếm, thăm dò và bảo vệ các nguồn tài nguyên được Nhà nước giao cho địa phương đảm nhận để trình HĐND và UBND phê duyệt;

c - Tham gia với các cơ quan có liên quan tổ chức đấu thầu các nguồn tài nguyên thuộc địa phương quản lý cho các tổ chức, cá nhân khai thác và thu hồi khi hết hạn giao thầu, hoặc theo quyết định của UBND tỉnh hoặc các cơ quan có thẩm quyền.

5/ Trong lĩnh vực quản lý đất, Sở Tài chính - Vật gía có nhiệm vụ:

a - Phối hợp với Sở Địa chính và các ngành có liên quan tổng hợp quỹ đất, các loại đất và việc sử dụng đất, tình hình cấp đất, cho thuê đất và định giá các loại đất được Nhà nước giao cho địa phương quản lý;

b - Thẩm định và tham gia ý kiến vào kế hoạch chi hàng năm cho công tác đo đạc, khoanh vùng và quản lý đất để trình UBND và HĐND phê duyệt.

6/ Trong lĩnh vực quản lý tài sản viện trơ, Sở Tài chính - Vật giá có nhiệm vụ:

a - Mở sổ sách theo dõi những tài sản viện trợ (cả hiện vật và giá trị) của địa phương theo thông báo của Nhà nước; và viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ, cá nhân trong và ngoài nước trực tiếp trao cho địa phương;

b - Cùng với các ngành, cơ quan có liên quan xác định số lượng và giá trị các tài sản viện trợ, ghi tăng tài sản cho các đơn vị được hưởng và phối hợp thực hiện việc ghi thu, ghi chi cho tổ chức đơn vị được nhận tài sản viện trợ, định kỳ đối chiếu với cơ quan quản lý viện trợ của Bộ Tài chính về số tài sản viện trợ của địa phương.

7/ Trong khi thực hiện nhiệm vụ về quản lý công sản, Gíam đốc Sở Tài chính - Vật giá được quyền:

a - Yêu cầu các cơ quan hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh được giao sử dụng, khai thác tài sản, tài nguyên thuộc sở hữu Nhà nước báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cần thiết về tài sản, tài nguyên

b - Yêu cầu các tổ chức trực thuộc Bộ Tài chính đóng trên địa bàn tỉnh cung cấp các tài liệu quản lý Tài chính có liên quan đến tài sản và tài nguyên thuộc sở hữu Nhà nước, phục vụ cho nhiệm vụ quản lý được giao.

c - Dự toán kinh phí triển khai các nhiệm vụ quản lý công sản được giao ngoài định mức chi hành chính sự nghiệp trình UBND tỉnh duyệt.

III - TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÔNG SẢN TẠI SỞ TÀI CHÍNH:

Theo hướng dẫn tại Thông tư 03 - TC/TT/TCCB ngày 4/1/1995 của Bộ Tài chính, Sở Tài chính có Phòng Quản lý công sản để giúp Giám đốc Sở thực hiện các nhiệm vụ về quản lý công sản tại địa phương.

Sở Tài chính - Vật giá căn cứ đặc điểm tình hình, nhiệm vụ cụ thể về quản lý tài nguyên - công sản tại địa phương để xác định biên chế quản lý công sản, đề nghị UBND tỉnh bổ sung biên chế cho Sở để lập Phòng quản lý công sản, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 54-TC/TCCB-1995 hướng dẫn nội dung công tác quản lý công sản của Sở tài chính - Vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 54-TC/TCCB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/07/1995
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/07/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản