Hệ thống pháp luật

PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 533-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 1978

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC NHANH CHÓNG KHÔI PHỤC VÀ MỞ LẠI CÁC TRƯỜNG HỌC TRONG CÁC VÙNG BỊ LỤT SAU KHI NƯỚC RÚT

Trận lụt lớn từ cuối tháng 8 năm 1978 đến nay đã làm cho hàng triệu học sinh phải tạm nghỉ học, làm đổ sập và hư hại hàng vạn phòng học cùng nhiều cơ sở vật chất khác của trường học ở các tỉnh miền Bắc và miền Nam.

Hiện nay mực nước đã bắt đầu xuống ở nhiều nơi. Cùng với việc vận động nhân dân khắc phục hậu quả của lũ lụt, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh bị lụt kịp thời có kế hoạch mở lại các trường học mẫu giáo, phổ thông, bổ túc văn hóa và sư phạm sau khi nước rút. Cụ thể là cần quan tâm giải quyết tốt các vấn đề sau đây:

1. Nơi nào nước rút trước và khôi phục được cơ sở vật chất thì mở lại trường cho trẻ em đi học trước, không nền chờ đợi mở lại các trường cùng một lúc trong tỉnh hoặc huyện.

Đối với học sinh ở các vùng bị lụt và có chiến sự phải sơ tán đi các tỉnh, huyện và xã khác để học tập cần được các trường nơi học sinh sơ tán sẵn sàng tiếp nhận và giúp đỡ tận tình. Tất nhiên, trường cũ phải giới thiệu và có học bạ gửi theo đến trường mới nhưng không nên quá khắt khe về thủ tục. Cần tạo điều kiện dễ dàng và hết lòng giúp đỡ con em nhân dân bị thiên tai dịch họa đang gặp khó khăn trong học tập.

2. Về chương trình học tập, cần cố gắng tổ chức học tăng giờ, tăng buổi để thực hiện được chương trình học bình thường. Ở những nơi phải nghỉ học nhiều không thể thực hiện được chương trình chung thì các Sở, Ty giáo dục cần báo cáo ngay với Bộ Giáo dục phần chương trình không giảng dạy được và đề nghị với Bộ những biện pháp cụ thể để áp dụng chương trình hạn chế sát hợp với từng vùng, từng cấp học, như giảm bớt số tiết của một số môn học, tăng số tiết học trong ngày, kéo dài thời gian học đối với một số trường, lớp…

3. Trước khi nước rút hết, Ủy ban nhân dân các xã phải cùng với các ban giáo dục xã, và các ban giám hiệu nhà trường tổ chức đi kiểm tra từng trường phổ thông, mẫu giáo. Đối với các phòng học bị hư hại nhưng còn sử dụng được thì cho sửa chữa để có thể học lại sớm. Đối với các phòng bị hư hại nặng, có thể gây tai nạn nguy hiểm cho thầy và trò thì kiên quyết không cho sử dụng, mà phải tìm cách học nhờ nơi khác hoặc cất phòng học tạm cho đến khi sửa chữa xong. Đối với các phòng học đã bị sập, trôi thì cất lại bằng tre lá và làm bàn ghế tạm để học lại được sớm. Các trường học nào hiện đang bị mượn để làm chỗ ở, chỗ làm việc, làm kho tàng phải được giải tỏa ngay để trả lại chỗ học cho con em nhân dân. Các trường ở gần vùng có chiến sự cần tu bổ lại và gia cố thêm hầm, hào bị sụp lở để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Ở những nơi nào có nhiều con em đồng bào chạy lụt, đồng bào vùng có chiến sự và Việt kiều sơ tán về xin học tập thì nên đề nghị huyện, tỉnh cất thêm trường tạm thời để thu nhận con em nhân dân bị tai nạn chiến tranh và lũ lụt.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh cần quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên vùng bị lụt giải quyết khó khăn trong công tác cũng như trong đời sống (cung cấp xuồng đi lại cho các ban giám hiệu và giáo viên phải đi lại bằng xuồng; cung cấp lương thực, thực phẩm theo chế độ chung, trả lương kịp thời, trợ cấp khó khăn đột xuất cho cán bộ, giáo viên bị thiệt hại và thiếu đói vì bị lũ lụt v.v…)

5. Ra sức vận động nhân dân cho con em đi học, ưu tiên việc xét cấp học bổng, cấp không giấy, vở, bút, mực cho học sinh ở vùng bị lụt, mở cuộc vận động trong nhân dân và học sinh các nơi khác san sẻ, giúp đỡ cho học sinh vùng bị lũ lụt về sách giáo khoa, vở, bút, mực và các nhu cầu khác trong học tập, các tỉnh cần báo cáo số sách, vở và dụng cụ học tập, thí nghiệm thiếu về Bộ Giáo dục.

6. Các trường học cần tích cực tham gia phong trào vệ sinh phòng bệnh trong và ngoài trường để ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra sau lũ lụt, bảo vệ sức khỏe cho giáo viên và học sinh và đảm bảo cho số học sinh đi học được đông đủ và liên tục. Các trạm y tế, phòng y tế và ty y tế cần hướng dẫn thực hiện công tác vệ sinh phòng bệnh cho các trường học sau khi nước rút.

Công việc khắc phục những thiệt hại về cơ sở vật chất và khoa học các trường học, lớp học sau khi nước rút đòi hỏi một cố gắng lớn của nhân dân cũng như chính quyền các cấp, Phủ thủ tướng đã có thông tư số 4390-VP2 ngày 24-10-1978 về việc trợ cấp đột xuất một số vật tư như xi măng, gỗ, tre… cho các tỉnh bị lũ lụt để xây dựng hoặc sửa chữa các trường lớp bị hư hỏng. Các địa phương cần sử dụng những vật tư này một cách tiết kiệm nhất vào việc tu sửa trường, lớp, bàn ghế… nhằm phục vụ tốt việc dạy và học của thầy và trò. Các địa phương không được phép sử dụng những vật tư này vào việc khác. Đi đôi với sự giúp đỡ của Nhà nước, cần động viên nhân dân và thầy, trò các trường học tham gia góp công góp của khôi phục, sửa chữa trường sở, bàn ghế, thiết bị, phương tiện dạy học, thư viện…

Quán triệt lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Dù khó khăn đến đâu, cũng phải dạy tốt và học tốt”, Ủy ban nhân dân các tỉnh bị lụt có trách nhiệm hướng dẫn và đôn đốc các ngành, các cấp ở địa phương đặc biệt là Ủy ban nhân dân các xã thực hiện đầy đủ thông tư này để sớm mở lại các trường học trong các vùng bị lụt.

Các Bộ Xây dựng, Vật tư, Lâm nghiệp, Giao thông vận tải, Nội thương, Tài chính, Văn hóa, Y tế phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục thực hiện có hiệu quả thông tư này. Cùng với việc thực hiện thông tư này, Bộ Giáo dục cần hướng dẫn các tỉnh chuẩn bị và thực hiện ngay kế hoạch xây dựng lại các trường, các phòng học bị trôi, sập sao cho thích hợp với điều kiện của từng vùng.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

PHÓ THỦ TƯỚNG

Phạm Hùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 533-TTg-1978 về việc nhanh chóng khôi phục và mở lại các trường học trong các vùng bị lụt sau khi nước rút do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 533-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/11/1978
  • Nơi ban hành: Phó Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 25/11/1978
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản