Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI THƯƠNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 53-BNgT/VP

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 1982

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NGOẠI THƯƠNG SỐ 53-BNG/VP NGÀY 2 THÁNG 10 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 947-BNGT/VP NGÀY 2-10-1982 CỦA BỘ NGOẠI THƯƠNG VỀ THỦ TỤC XIN VÀ CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ

Ngày 2 tháng 10 năm 1982, Bộ Ngoại thương đã ra Quyết định số 947 - BNgT/VP ban hành bản Quy định về thủ tục xin và cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá (dưới đây gọi tắt là bản quy định).

Để thi hành quyết định nói trên, Bộ hướng dẫn cụ thể một số điểm sau đây:

I. CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ

Căn cứ Điều 13 của Nghị định số 200-CP ngày 25-5-1981 của Hội đồng Chính phủ về chế độ cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, bản quy định đã ghi rõ trong điều 1 và điều 2 như sau: "Mọi việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu. Cơ quan duy nhất có thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá là Bộ Ngoại thương".

Theo quy định này, mọi loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu dưới bất kỳ hình thức nào, đều do Bộ Ngoại thương thống nhất quản lý và cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.

Các văn bản uỷ nhiệm cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu Bộ Ngoại thương ký trước đây đều bãi bỏ. Từ ngày 1 tháng 1 năm 1983, mọi hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đều do Bộ Ngoại thương cấp giấy phép. (Đơn xin phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá do Cục hải quan in theo mẫu thống nhất và bán cho các tổng công ty, công ty xuất nhập khẩu Trung ương và địa phương).

II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU,NHẬP KHẨU

Căn cứ Điều 4 bản quy định, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng mậu dịch cấp cho các đối tượng sau đây:

1. Các tổng công ty, công ty xuất, nhập khẩu Trung ương (kể cả các đơn vị do Bộ Ngoại thương trực tiếp quản lý).

2. Các công ty xuất nhập khẩu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập theo các quy định của nghị định số 200 - CP ngày 26 - 5 - 1981 của Hội đồng Chính phủ (mỗi tỉnh, thành phố cần tập trung đầu mối giao dịch, ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu vào một công ty xuất nhập khẩu).

Đối với các tổ chức kinh tế xã hội và cá nhân, Bộ Ngoại thương chỉ cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng phi mậu dịch.

III. THỂ THỨC THI HÀNH GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG MẬU DỊCH

A. ĐỐI VỚI CÁC TỔNG CÔNG TY, CÔNG TY XUẤT NHẬP KHẨU TRUNG ƯƠNG:

1. Xuất khẩu, nhập khẩu với các nước Xã hội chủ nghĩa:

a) Theo Điều 8 bản quy định, các tổng công ty, công ty xuất nhập khẩu làm đơn xin phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá một lần cho mỗi hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu ký với công ty ngoại thương các nước Xã hội chủ nghĩa, kể cả trường hợp hợp đồng được thực hiện bằng nhiều chuyến, tại nhiều cửa khẩu và trong một thời gian dài.

b) Khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu từng chuyến hàng, tổng công ty hoặc công ty xuất nhập khẩu làm tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu với cơ quan hải quan cửa khẩu và xuất trình giấy phép do Bộ Ngoại thương cấp. (Tờ khai hàng phải phù hợp với giấy phép, theo mẫu do Cục hải quan ấn định).

c) Cơ quan hải quan cửa khẩu ghi rõ tên hàng, số lượng, trọng lượng, trị giá chuyến hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu vào giấy phép, làm căn cứ cho việc theo dõi thực hiện giấy phép cấp cho mỗi hợp đồng.

2. Xuất khẩu, nhập khẩu với các nước ngoài hệ thống Xã hội chủ nghĩa:

a) Theo Điều 9 bản quy định, các tổng công ty, công ty xuất nhập khẩu, căn cứ hợp đồng đăng ký và lưu ở Bộ Ngoại thương, phải làm đơn xin phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu từng chuyến hàng. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu từng chuyến chỉ có giá trị xuất khẩu, nhập khẩu hàng tại cửa khẩu và trong thời hạn ghi trong giấy phép.

b) Khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chuyến hàng đó, tổng công ty, công ty xuất nhập khẩu làm tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu và xuất trình với cơ quan Hải quan cửa khẩu giấy phép Bộ đã cấp cho chuyến hàng đó.

c) Cơ quan hải quan cửa khẩu chỉ được làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu những hàng ghi trong giấy phép và tờ khai hàng

B. ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TY XUẤT NHẬP KHẨU TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG:

1. Trường hợp trực tiếp xuất nhập khẩu:

a) Theo Điều 7 bản quy định, công ty xuất nhập khẩu tỉnh, thành phố được trực tiếp xuất nhập khẩu, căn cứ kế hoạch xuất nhập khẩu hàng năm của đơn vị, gửi Bộ Ngoại thương đơn xin phép xuất nhập khẩu 6 tháng theo mẫu quy định (đơn xin phép xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm gửi trước ngày 5 tháng 12 năm trước, đơn xin phép xuất nhập khẩu 6 tháng cuối năm gửi trước ngày 5 tháng 6 năm thực hiện).

b) Sau khi Bộ Ngoại thương cấp giấy phép 6 tháng, công ty vẫn có quyền xin phép xuất nhập khẩu bổ sung.

c) Trong trường hợp có một số mặt hàng, số lượng ghi trong đơn xin phép xuất nhập khẩu 6 tháng phải sửa đổi, cơ quan cấp giấy phép có thể sửa trực tiếp vào đơn xin phép nhưng phải có chữ ký và dấu xác nhận của Bộ. Nếu phải sửa đổi hầu hết về tên hàng, số lượng, cơ quan cấp giấy phép có thể thay thế bằng một danh mục hàng được phép xuất khẩu, nhập khẩu khác kèm theo, nhưng phải huỷ bỏ các mặt hàng đã ghi trong đơn xin phép, hoặc yêu cầu công ty làm đơn xin phép xuất nhập khẩu khác thay thế.

d) Trên cơ sở, giấy phép 6 tháng Bộ Ngoại thương cấp, đối với từng chuyến hàng xuất nhập khẩu, công ty làm thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu từng chuyến với từng chuyến với tổ cấp giấy phép xuất nhập khẩu do Bộ Ngoại thương thành lập ở cửa khẩu. (Đơn xin phép xuất khẩu, nhập khẩu từng chuyến của công ty cũng phải theo đúng mẫu in sẵn như đối với các tổng công ty, công ty xuất nhập khẩu Trung ương. Công ty phải mua mẫu này tại cơ quan hải quan).

e. Căn cứ giấy phép 6 tháng và trong phạm vi mặt hàng, số lượng ghi trong giấy phép tổ cấp giấy phép nói trên làm thủ tục cấp giấy phép chuyến cho công ty xuất nhập khẩu tỉnh, thành phố.

g. Khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chuyến hàng, công ty làm tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu với cơ quan hải quan cửa khẩu và xuất trình giấy phép do tổ cấp giấy phép cấp.

h). Cơ quan hải quan cửa khẩu chỉ được làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng ghi trong giấy phép chuyến và tờ khai hàng.

2. Trường hợp uỷ thác xuất nhập khẩu

a) Công ty xuất nhập khẩu tỉnh, thành phố chưa được trực tiếp xuất nhập khẩu, uỷ thác xuất nhập khẩu hàng cho các tổng công ty, công ty xuất nhập khẩu Trung ương hoặc công ty xuất nhập khẩu tỉnh, thành phố được trực tiếp xuất nhập khẩu phải làm đơn xin phép xuất nhập khẩu từng thời kỳ 6 tháng, trên cơ sở bản kế hoạch xuất nhập khẩu hàng năm của đơn vị, theo mẫu quy định gửi Bộ Ngoại thương (đơn xin phép xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm gửi trước ngày 5 tháng 12 năm trước, 6 tháng cuối năm gửi trước ngày 5 tháng 6 năm thực hiện).

b) Trường hợp công ty uỷ thác xuất nhập khẩu cho nhiều công ty, công ty xuất nhập khẩu Trung ương và địa phương, công ty phải ghi rõ trong đơn xin phép xuất nhập khẩu 6 tháng, tên tổng công ty, công ty nhận uỷ thác và đề nghị Bộ cấp cho mỗi tổng công ty, công ty nhận uỷ thác 1 giấy phép xuất nhập khẩu 6 tháng về những mặt hàng có liên quan để tổng công ty, công ty này làm thủ tục xin cấp giấy phép chuyến.

c) Căn cứ giấy phép 6 tháng Bộ Ngoại thương cấp, tổng công ty, công ty xuất nhập khẩu Trung ương nhận uỷ thác làm thủ tục xin cấp giấy phép chuyến tại Bộ Ngoại thương. Công ty xuất nhập khẩu tỉnh, thành phố, nhận uỷ thác làm thủ tục tại tổ cấp giấy phép của Bộ ở cửa khẩu.

IV. THỦ TỤC THI HÀNH

1. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng mậu dịch đối với các tổng công ty, công ty xuất nhập khẩu Trung ương do Bộ Ngoại thương cấp.

2. Giấy phép xuất nhập khẩu từng thời kỳ 6 tháng đối với các công ty xuất nhập khẩu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giấy phép xuất nhập khẩu chuyến đối với các công ty xuất nhập khẩu tỉnh, thành phố được trực tiếp xuất nhập khẩu từ Quảng Ninh đến Nghệ Tĩnh do Bộ Ngoại thương cấp.

3. Giấy phép xuất nhập khẩu chuyến đối với các công ty xuất nhập khẩu tỉnh, thành phố, được trực tiếp xuất nhập khẩu từ Bình Trị Thiên, đến Phú Khánh do tổ cấp giấy phép xuất nhập khẩu của Bộ Ngoại thương tại Đà Nẵng cấp.

4. Giấy phép xuất nhập khẩu chuyến đối với các công ty xuất nhập khẩu tỉnh, thành phố được trực tiếp xuất nhập khẩu từ Thuận Hải trở vào Nam do tổ cấp giấy phép xuất nhập khẩu của Bộ Ngoại thương tại thành phố Hồ Chí Minh cấp.

5. Các tổng công ty, công ty xuất nhập khẩu Trung ương và địa phương (tỉnh, thành phố được trực tiếp xuất nhập khẩu) phải mở sổ ghi chép và theo dõi việc thực hiện các giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; hàng tháng phải báo cáo với Bộ Ngoại thương và Cục hải quan về việc thực hiện các giấy phép đã cấp để Cục tổng hợp báo cáo Bộ Ngoại thương.

Nguyễn Tu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 53-BNgT/VP-1982 hướng dẫn thi hành Quyết định 974-BNgT/VP-1982 về thủ tục xin và cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá do Bộ Ngoại thương ban hành

  • Số hiệu: 53-BNgT/VP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/10/1982
  • Nơi ban hành: Bộ Ngoại thương
  • Người ký: Nguyễn Tu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: 17/10/1982
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản