Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 53/2014/TT-BGTVT về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ BẢO DƯỠNG, SỬA CHỮA XE CƠ GIỚI

Điều 5. Bảo dưỡng thường xuyên

1. Bảo dưỡng thường xuyên được thực hiện hàng ngày hoặc trước, sau và trong mỗi chuyến đi.

2. Bảo dưỡng thường xuyên phải được chủ xe hoặc lái xe thực hiện để đảm bảo tình trạng kỹ thuật của xe trước khi xuất phát.

3. Nội dung bảo dưỡng thường xuyên thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Bảo dưỡng định kỳ

1. Bảo dưỡng định kỳ được thực hiện theo chu kỳ bảo dưỡng với các cấp bảo dưỡng khác nhau.

2. Việc bảo dưỡng định kỳ được thực hiện tại cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa theo nội dung và chu kỳ như sau:

a) Đối với xe cơ giới có quy định của nhà sản xuất: Thực hiện theo đúng quy định của nhà sản xuất;

b) Đối với xe cơ giới không có quy định của nhà sản xuất: Cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phải xây dựng nội dung bảo dưỡng phù hợp với từng loại xe. Chu kỳ bảo dưỡng thực hiện theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Đối với các thiết bị chuyên dùng lắp trên xe, căn cứ vào đặc tính sử dụng và hướng dẫn của nhà chế tạo để xác định chu kỳ và nội dung công việc bảo dưỡng cho những hệ thống, thiết bị chuyên dùng ngoài những bộ phận của xe cơ giới được quy định tại Thông tư này.

4. Sau khi thực hiện bảo dưỡng định kỳ cho xe cơ giới, cán bộ kỹ thuật của cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phải thực hiện nghiệm thu, kiểm tra đảm bảo chất lượng công việc.

5. Các xe cơ giới xuất xưởng sau khi bảo dưỡng định kỳ phải có biên bản giao xe, trong đó ghi rõ thời hạn và các điều kiện bảo hành chất lượng sau dịch vụ. Thời hạn bảo hành không được nhỏ hơn 02 tháng hoặc 1.500 km xe chạy tùy theo điều kiện nào đến trước, tính từ thời điểm giao xe xuất xưởng.

Điều 7. Xây dựng, quản lý quy trình bảo dưỡng định kỳ xe cơ giới

1. Các cơ sở bảo dưỡng phải căn cứ vào nội dung, chu kỳ bảo dưỡng để xây dựng quy trình bảo dưỡng phù hợp.

2. Các bước trong quy trình bảo dưỡng định kỳ phải do kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn phù hợp đảm nhận.

Điều 8. Kiểm tra xe

1. Trước và sau khi tiến hành bảo dưỡng định kỳ phải có biên bản kiểm tra xác nhận tình trạng kỹ thuật của xe.

2. Kết quả bảo dưỡng định kỳ của cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phải được thể hiện trong Sổ bảo dưỡng, sửa chữa.

Điều 9. Sửa chữa xe cơ giới

1. Xe cơ giới bị hư hỏng, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phải được đưa đi sửa chữa để tiếp tục tham gia giao thông.

2. Việc sửa chữa phải được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu của nhà sản xuất.

3. Sau khi hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng của xe cơ giới, cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phải kiểm tra và vận hành thử phương tiện, đảm bảo phương tiện vận hành ổn định, an toàn mới cho phép xuất xưởng để tham gia giao thông.

4. Cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa chịu trách nhiệm bảo hành nội dung sửa chữa trong thời hạn tối thiểu 02 tháng hoặc 1.500 km tùy theo điều kiện nào đến trước, tính từ thời điểm giao xe xuất xưởng.

Thông tư 53/2014/TT-BGTVT về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 53/2014/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/10/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 975 đến số 976
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra