Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/2017/TT-BQP

Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2017

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CỤC THI HÀNH ÁN BỘ QUỐC PHÒNG VÀ PHÒNG THI HÀNH ÁN CẤP QUÂN KHU

Căn cứ Luật thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng và Phòng Thi hành án cấp quân khu.

Điều 1. Vị trí, chức năng

1. Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng

a) Vị trí: Là cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan quản lý thi hành án dân sự trong Quân đội.

b) Chức năng: Tham mưu với Quân ủy Trung ương, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án và thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự trong Quân đội theo quy định của pháp luật.

2. Phòng Thi hành án quân khu và tương đương (sau đây gọi chung là Phòng Thi hành án cấp quân khu)

a) Vị trí: Là cơ quan thuộc quân khu và tương đương, cơ quan thi hành án dân sự trong Quân đội.

b) Chức năng: Tham mưu với Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu và tương đương về thi hành án dân sự trên địa bàn; tổ chức hoạt động thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng

1. Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:

a) Phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm của Bộ đã được phê duyệt; các đề án, dự án, báo cáo về công tác thi hành án dân sự trong Quân đội;

b) Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Chấp hành viên, Thẩm tra viên thi hành án dân sự trong Quân đội;

c) Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị về thi hành án dân sự và công tác cán bộ ngành; đề xuất kiện toàn tổ chức, biên chế cơ quan quản lý và cơ quan thi hành án dân sự trong Quân đội.

2. Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thuộc thẩm quyền, văn bản cá biệt, văn bản quy phạm nội bộ theo quy định của pháp luật. Cử cán bộ dự thi Chấp hành viên. Bổ nhiệm, miễn nhiệm Thư ký thi hành án dân sự trong Quân đội.

3. Tổ chức thực hiện văn bản pháp luật, chiến lược, chương trình quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về thi hành án dân sự trong Quân đội sau khi được phê duyệt, ban hành. Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào công tác thi hành án dân sự; thực hiện công tác thống kê, thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu về thi hành án dân sự trong Quân đội.

4. Tổ chức kiểm tra thực hiện trình tự, thủ tục, áp dụng pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự; kiểm tra chế độ thống kê, báo cáo, thu, chi tiền, tài sản thi hành án và các hoạt động khác liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Thanh tra việc sử dụng ngân sách, thực hiện chế độ chính sách và bố trí, sử dụng cán bộ thi hành án theo quy định của pháp luật.

5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.

6. Quản lý, phân cấp, hướng dẫn, kiểm tra việc lập dự toán, chi tiêu, thanh quyết toán kinh phí nghiệp vụ ngành; bảo đảm, theo dõi, quản lý, sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang bị, phương tiện cho hoạt động thi hành án dân sự trong Quân đội. Quản lý, điều tiết, sử dụng phí thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

7. Phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; hoạt động thi đua, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Thi hành án dân sự trong Quân đội.

8. Tổng kết thực tiễn công tác thi hành án dân sự. Thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo mục tiêu, chương trình được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt. Thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự. Tuyên truyền, giáo dục, vận động tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.

9. Thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án, dự án và đánh giá kết quả hợp tác quốc tế về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.

10. Xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc cấp có thẩm quyền giao.

Điều 3. Mối quan hệ công tác của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng

1. Với Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là quan hệ phục tùng lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy.

2. Với Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam là quan hệ phục tùng chỉ huy, chỉ đạo về hành chính quân sự.

3. Với Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác đảng, công tác chính trị.

4. Với các cơ quan của Bộ Quốc phòng là quan hệ chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ và phối hợp, hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.

5. Với Bộ Tư pháp là quan hệ chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo trong thực hiện các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

6. Với Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp là quan hệ phối hợp, hiệp đồng để giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong Quân đội.

7. Với Đảng ủy, Tư lệnh quân khu và tương đương là quan hệ phối hợp để quản lý, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và thống nhất công tác cán bộ, nhân viên Ngành Thi hành án dân sự theo quy định của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

8. Với Phòng Thi hành án cấp quân khu là quan hệ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ, thanh tra việc sử dụng ngân sách, thực hiện chế độ chính sách, bố trí sử dụng cán bộ, nhân viên thi hành án.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Thi hành án cấp quân khu

1. Trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự; phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự trong Quân đội trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện và đặc xá cho người có nghĩa vụ thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù.

4. Giúp Tư lệnh quân khu và tương đương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn: Quản lý hoạt động thi hành án dân sự; chỉ đạo việc tổ chức phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quân khu và tương đương theo quy định của pháp luật.

5. Phối hợp với các cơ quan chức năng của quân khu và tương đương trong việc quản lý cán bộ, nhân viên, cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện hoạt động của Phòng Thi hành án cấp quân khu theo hướng dẫn, chỉ đạo của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng.

6. Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn công tác thi hành án dân sự; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng; báo cáo Tòa án về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu.

7. Xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác được Tư lệnh quân khu và tương đương hoặc cấp có thẩm quyền giao.

Điều 5. Mối quan hệ công tác của Phòng Thi hành án cấp quân khu

1. Với Đảng ủy, Tư lệnh quân khu và tương đương là quan hệ phục tùng lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy.

2. Với Tham mưu trưởng quân khu và tương đương là quan hệ phục tùng chỉ huy, chỉ đạo về hành chính quân sự.

3. Với Đảng ủy Bộ Tham mưu quân khu và tương đương là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác đảng, công tác chính trị.

4. Với Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng là quan hệ chịu sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ; thanh tra việc sử dụng ngân sách, thực hiện chế độ chính sách, bố trí sử dụng cán bộ, nhân viên thi hành án.

5. Với các cơ quan của quân khu và tương đương là quan hệ chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ và phối hợp, hiệp đồng để thực hiện các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan.

6. Với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan là quan hệ phối hợp, hiệp đồng để thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 4 năm 2017.

2. Bãi bỏ Khoản 2, 3, 4 Điều 1 và Điều 2 Thông tư số 103/2010/TT-BQP ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thi hành án dân sự trong Quân đội và Điều 2, Quyết định số 93/2005/QĐ-BQP ngày 07 tháng 7 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng.

3. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tư lệnh Quân khu, Quân chủng Hải quân, Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng, Chỉ huy các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 50/2017/TT-BQP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng và Phòng Thi hành án cấp quân khu do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 50/2017/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/03/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Ngô Xuân Lịch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 205 đến số 206
  • Ngày hiệu lực: 25/04/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản