Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 50/2006/TT-BTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 06 năm 2006

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ƯU ĐÃI VỀ THUẾ NHẬP KHẨU,THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI DỰ ÁN NHÀ MÁY LỌC DẦU DUNG QUẤT

Căn cứ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 8 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
Căn cứ Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh dự án đầu tư Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất như sau:

I. ƯU ĐÃI VỀ THUẾ NHẬP KHẨU

1. Đối tượng được miễn nộp thuế nhập khẩu

Các đối tượng thực hiện nhập khẩu hàng hoá nêu tại điểm 2, Mục I Thông tư này để phục vụ cho xây dựng, bảo hành dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất (sau đây gọi là dự án) là đối tượng được miễn nộp thuế nhập khẩu, bao gồm:

- Tổng công ty dầu khí Việt Nam là chủ đầu tư dự án (sau đây gọi là chủ đầu tư) hoặc tổ chức được chủ đầu tư uỷ nhiệm;

- Nhà thầu (bao gồm cả nhà thầu chính và nhà thầu phụ) trong nước và nước ngoài tham gia thực hiện gói thầu của dự án;

Nhà thầu chính là tổ chức trong nước hoặc nước ngoài trúng thầu một trong các gói thầu của dự án và trực tiếp ký hợp đồng với chủ đầu tư (hoặc tổ chức được chủ đầu tư uỷ nhiệm).

Nhà thầu phụ là tổ chức hoặc cá nhân hành nghề độc lập, ký hợp đồng với nhà thầu chính để thực hiện một phần công việc của hợp đồng mà Nhà thầu chính ký với chủ đầu tư (hoặc tổ chức được chủ đầu tư uỷ nhiệm).

- Các doanh nghiệp được nhà thầu uỷ thác nhập khẩu theo quy định của pháp luật về uỷ thác nhập khẩu.

2. Hàng hoá được miễn thuế nhập khẩu

Hàng hoá nhập khẩu phục vụ cho quá trình xây dựng, bảo hành dự án được miễn thuế nhập khẩu, bao gồm:

2.1. Hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án, bao gồm:

2.1.1. Thiết bị, máy móc;

2.1.2. Phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ được Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận, phương tiện vận chuyển đưa đón công nhân gồm xe ô tô từ 24 chỗ ngồi trở lên và phương tiện thủy;

2.1.3. Linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nêu tại tiết 2.1.1 và tiết 2.1.2 điểm này;

2.1.4. Nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo thiết bị, máy móc nằm trong dây chuyền công nghệ hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với thiết bị, máy móc nêu tại tiết 2.1.1, điểm này;

2.1.5. Vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.

Vật tư xây dựng phục vụ cho dự án bao gồm cả vật tư cấu thành vào các hạng mục của dự án và vật tư tiêu hao (hoá chất, khí, dầu mỡ bôi trơn, chất xúc tác chuyên dụng) sử dụng trong quá trình vận hành máy móc thi công.

2.2. Thiết bị, máy móc, phụ tùng, linh kiện chi tiết đi kèm và phương tiện vận tải chuyên dùng (trừ ôtô dưới 24 chỗ ngồi) do nhà thầu nhập khẩu theo phương thức tạm nhập - tái xuất để thi công dự án.

3. Thủ tục giải quyết miễn thuế

3.1 Trách nhiệm của đối tượng nhập khẩu hàng hoá

- Trách nhiệm của chủ đầu tư (hoặc tổ chức được chủ đầu tư uỷ nhiệm): Chủ đầu tư (hoặc tổ chức được chủ đầu tư uỷ nhiệm) chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác nhận Danh mục chi tiết về số lượng, chủng loại và trị giá hàng hoá nhập khẩu (đối với vật tư tiêu hao phải có định mức tiêu hao).

- Trách nhiệm của nhà thầu thực hiện gói thầu:

Nhà thầu thực hiện gói thầu chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi Danh mục hàng tạm nhập – tái xuất phục vụ thi công trong quá trình xây dựng, bảo hành dự án. Kết thúc thời hạn xây dựng, bảo hành dự án, nhà thầu thực hiện gói thầu có trách nhiệm tái xuất các máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng nêu trên, kể cả máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng đã bị hư hỏng. Khi tái xuất nhà thầu thực hiện gói thầu không phải nộp thuế xuất khẩu.

Trường hợp hết thời hạn tạm nhập - tái xuất mà hàng tạm nhập - tái xuất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng thì nhà thầu thực hiện gói thầu có trách nhiệm kê khai nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) theo quy định hiện hành.

3.2. Thủ tục, hồ sơ miễn thuế

Đối tượng nhập khẩu hàng hoá được miễn thuế nêu tại điểm 2, Mục I Thông tư này ngoài việc phải có đủ hồ sơ hải quan theo Thông tư số 112/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, phải nộp cho cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục các giấy tờ sau:

a. Đối với lần nhập khẩu đầu tiên của từng gói thầu:

- Giấy phép nhập khẩu do Bộ Thương mại hoặc các cơ quan quản lý chuyên ngành cấp (đối với hàng hoá nhập khẩu phục vụ cho dự án thuộc loại phải có giấy phép theo quy định của pháp luật);

- Danh mục chi tiết về số lượng, chủng loại và trị giá hàng hoá nhập khẩu (đối với vật tư tiêu hao phải có định mức tiêu hao) do nhà thầu thực hiện gói thầu lập có xác nhận của chủ đầu tư (hoặc tổ chức được chủ đầu tư uỷ nhiệm);

- Bản cam kết sử dụng hàng hoá đúng mục đích được miễn thuế của đối tượng nộp thuế;

- Phiếu theo dõi trừ lùi (theo mẫu của cơ quan Hải quan) do nhà thầu thực hiện gói thầu hoặc doanh nghiệp do nhà thầu đó uỷ thác nhập khẩu lập và đăng ký với Cục Hải quan nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính hoặc cơ quan Hải quan nơi doanh nghiệp thấy thuận tiện nhất.

- Danh mục chi tiết về số lượng, chủng loại và trị giá hàng hoá nhập khẩu và phiếu theo dõi trừ lùi được lập làm 2 bản. Cục Hải quan nơi nhà thầu thực hiện gói thầu hoặc doanh nghiệp do nhà thầu đó uỷ thác nhập khẩu đăng ký làm thủ tục hải quan có trách nhiệm tiếp nhận và đóng dấu xác nhận đã tiếp nhận Danh mục và phiếu theo dõi trừ lùi, đồng thời giữ lại 01 bản để lưu.

- Hợp đồng uỷ thác nhập khẩu (đối với trường hợp doanh nghiệp được nhà thầu uỷ thác nhập khẩu);

b/ Đối với lần nhập khẩu tiếp theo của gói thầu (đối tượng nhập khẩu tiếp tục thực hiện nhập khẩu theo Danh mục đã được cơ quan Hải quan nơi doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu lần đầu đóng dấu xác nhận):

- Phiếu theo dõi trừ lùi đã có dấu xác nhận của cơ quan Hải quan nơi doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu lần đầu;

- Danh mục về số lượng, chủng loại và trị giá hàng hoá nhập khẩu đã có dấu xác nhận của cơ quan Hải quan nơi doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan lần đầu;

- Bản cam kết sử dụng hàng hoá đúng mục đích được miễn thuế của đối tượng nộp thuế;

- Hợp đồng uỷ thác nhập khẩu (đối với trường hợp doanh nghiệp được nhà thầu uỷ thác nhập khẩu);

Cơ quan Hải quan nơi đối tượng nhập khẩu làm thủ tục hải quan có trách nhiệm kiểm tra hàng hoá thực tế nhập khẩu, đối chiếu với hồ sơ để xác định hàng hoá nhập khẩu thuộc đối tượng được miễn thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này, đồng thời thực hiện trừ lùi theo số lượng, trị giá, chủng loại hàng hoá theo từng lần nhập khẩu vào phiếu theo dõi trừ lùi.

4. Truy thu thuế

Trường hợp hàng hoá nhập khẩu thuộc diện miễn thuế nhập khẩu nếu sử dụng vào mục đích khác với mục đích miễn thuế thì đối tượng nhập khẩu phải kê khai, nộp đủ các khoản thuế đã được miễn khi nhập khẩu, trừ trường hợp chuyển nhượng cho đối tượng thuộc diện được miễn hoặc xét miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật hiện hành.

II. ƯU ĐÃI VỀ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

- Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm, kể từ khi nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 04 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế; được giảm 50% số thuế phải nộp cho 09 năm tiếp theo.

Để được hưởng ưu đãi thuế, Tổng công ty dầu khí Việt Nam phải hạch toán riêng thu nhập chịu thuế của dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Nguyên tắc, thủ tục miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại Mục IV, Phần E Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ảnh về Bộ Tài chính để kịp thời giải quyết./

Nơi nhận:

- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Toà án Nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
khác trực thuộc Chính phủ;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- UBND, Sở TC, Cục thuế, KBNN, Cục Hải quan các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Tổng công ty dầu khí;
- Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, đơn vị
trực thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu VT (2); CST (2).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 50/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện ưu đãi về thuế nhập khẩu,thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 50/2006/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/06/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trương Chí Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 22 đến số 23
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản