Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN VIỆT KIỀU TRUNG ƯƠNG-UỶ BAN NHÀ NƯỚC VỀ HỢP TÁC VÀ ĐẦU TƯ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 497-TTLB

Hà Nội , ngày 24 tháng 3 năm 1994

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA UỶ BAN NHÀ NƯỚC VỀ HỢP TÁC VÀ ĐẦU TƯ VÀ BAN VIỆT KIỀU TRUNG ƯƠNG SỐ 497-TTLB NGÀY 24-3-1994 HƯỚNG DẪN NGHỊ ĐỊNH 29-CP NGÀY 27-5-1993 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG BIỆN PHÁP KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI ĐẦU TƯ VỀ NƯỚC.

Ngày 27-5-1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29-CP về những biện pháp khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước. Căn cứ vào những điều khoản của Nghị định này và căn cứ vào Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định số 18-CP ngày 16-4-1993 quy định chi tiết việc thi hành Luật Đầu tư và các văn bản pháp lý có liên quan, Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư, Ban Việt Kiều Trung ương hướng dẫn thi hành Nghị định 29-CP như sau:

1. Đối tượng.

Đối tượng được hưởng những biện pháp khuyến khích đầu tư quy định tại Điều 2 Nghị định 29-CP bao gồm:

- Người Việt Nam ở nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam, hoặc quốc tịch khác và phải được Ban Việt kiều Trung ương xác nhận.

- Tổ chức kinh tế của người Việt Nam ở nước ngoài có tư cách pháp nhân, được thành lập theo pháp luật của nước cư trú, khi đầu tư vào Việt Nam theo các hình thức của Luật đầu tư thì phần góp vốn của người Việt Nam ở nước ngoài trong các Bên nước ngoài phải chiếm trên 50%.

Những đối tượng trên đầu tư vào Việt Nam theo các hình thức của Luật đầu tư, dưới đây gọi tắt là người Việt Nam ở nước ngoài.

2. Bảo đảm chuyển quyền sở hữu về vốn, tài sản, quyền chuyển nhượng, thừa kế.

Người Việt Nam ở nước ngoài được Chính phủ Việt Nam bảo hộ quyền sở hữu về vốn đầu tư, tài sản và thu nhập từ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Việc thừa kế, chuyển nhượng tài sản cho công dân Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

3. Việc miễn, giảm thuế.

Thuế lợi tức áp dụng cho người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước được tính trên cơ sở mức thuế lợi tức được quy định tại Điều 66, 67 của Nghị định 18-CP ngày 16-4-1993 quy định chi tiết việc thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và được giảm 20% của mức thuế đó. Trường hợp đối với những dự án được hưởng mức thuế 10% nêu tại điểm 3 Điều 67 của Nghị định 18-CP thì không được hưởng mức ưu đãi miễn giảm trên.

- Thời hạn áp dụng mức thuế suất ưu đãi đối với từng dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài được quy định trong giấy phép đầu tư. Hết thời hạn này mức thuế lợi tức được áp dụng ở mức phổ thông nêu tại Điều 66 Nghị định 18-CP quy định chi tiết việc thi hành Luật Đầu tư, nhưng được giảm 20% so với mức thuế phải nộp.

- Việc miễn, giảm thuế lợi tức được áp dụng theo quy định nêu tại Điều 69 Nghị định 18-CP và Thông tư hướng dẫn số 48-CT/TCT ngày 30-6-1993 của Bộ Tài chính.

- Người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước dưới hình thức đầu tư hoặc góp vốn với các tổ chức, cá nhân trong nước thành Bên Việt Nam để hợp tác với nước ngoài được hưởng mức thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài là 5%.

4. Người Việt Nam ở nước ngoài có thể uỷ quyền cho người thay mặt mình tham gia Hội đồng quản trị hoặc có thể uỷ quyền cho những người đó tham dự các phiên họp của Hội đồng quản trị và biểu quyết thay mình trong phạm được uỷ quyền. Giấy uỷ quyền phải có chữ ký đã được đăng ký của người uỷ quyền và nội dung không được vượt quá những quyền mà người uỷ quyền có.

5. Các ưu đãi cho dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước nêu trong Thông tư này được áp dụng tính từ ngày ban hành Nghị định 29-CP ngày 27-5-1993 của Chính phủ (kể cả các dự án đầu tư đã được cấp giấy phép trước ngày ban hành Nghị định).

Đậu Ngọc Xuân

(Đã ký)

Nguyễn Ngọc Trân

(Đã ký)