Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 49-NV/DC | Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 1959 |
VỀ KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA CHÍNH QUYỀN CẤP XÃ
Kính gửi: | - Ủy ban Hành chính các Khu Tự trị Việt Bắc, Thái Mèo |
Hiện nay, hầu hết các địa phương vùng đồng bằng và một số địa phương miền núi đã hoàn thành bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp. Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính cấp xã bao gồm những phần tử ưu tú của phong trào đổi công, hợp tác tác ở nông thôn, tiêu biểu cho các tầng lớp nhân dân lao động, các dân tộc ở địa phương, bảo đảm đường lối cách mạng của Đảng và Chính phủ; chính quyền xã đã được kiện toàn thêm một bước. Tuy nhiên, nhận thức của các bộ xã và nhân dân về vai trò và tác dụng của chính quyền trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội chưa được đầy đủ; chưa thực hiện đúng Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực của Nhà nước, cơ quan đại diện cho nhân dân; Ủy ban Hành chính là cơ quan hành chính của Nhà nước, cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân; quan niệm về Đảng lãnh đạo chính quyền chưa rõ ràng nên ỷ lại vào Đảng hoặc coi nhẹ sự lãnh đạo của Đảng. Tổ chức chính quyền xã còn nặng nề, cồng kềnh chưa phù hợp với đặc điểm tình hình từng vùng, trìng độ và khả năng cán bộ, hoàn cảnh sinh hoạt của nhân dân. Lề lối làm việc còn lúng túng, chắp vá, chưa có nề nếp. Công việc dồn dập giấy tờ nhiều, hội họp liên miên, nhiều cán bộ xã hầu như thoát ly sản xuất, chưa thực hiện được nguyên tắc dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và đường lối quần chúng của chính quyền.
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VỀ KIỆN TOÀN TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN XÃ
Cuộc vận động, hợp tác hóa nông nghiệp hiện nay đang phát triển trên một quy mô rộng lớn ở đồng bằng và bắt đầu thực hiện ở miền núi. Tình hình nông thôn đang đổi mới. Chính quyền xã giữ vai trò hết sức quan trọng: một mặt, nó động viên, giáo dục nhân dân hăng hái xây dựng hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật; mặt khác, nó ngăn chặn những âm mưu phá hoại của bọn phản động, bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ phong trào xây dựng xã hội chủ nghĩa của nhân dân. Bởi vậy tổ chức chính quyền xã phải được kiện toàn, lề lối làm việc của chính quyền phải được cải tiến cho thích hợp với đặc điểm từng vùng từng nơi, với hoàn cảnh sinh hoạt đã và đang đổi mới của cán bộ và nhân dân.
Việc kiện toàn chính quyền xã nhằm:
- Làm cho chính quyền xã thực sự là chính quyền của nhân dân lao động lấy công nông liên minh làm nền tảng dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam. Chính quyền xã có đủ khả năng động viên, giáo dục, tổ chức và chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn và tham gia xây dựng chính quyền, quản lý Nhà nước.
- Làm cho bộ máy ở xã gọn, nhẹ, thích hợp với đặc điểm tình hình, trình độ, khả năng cán bộ và nhân dân từng vùng, từng dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân vừa bảo đảm nhiệm vụ công tác, vừa bảo đảm sản xuất.
- Làm cho chính quyền xã dần dần thực hiện đúng nguyên tắc dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách đi đúng đường lối quần chúng, phát huy được tính tích cực và sáng tạo của quần chúng đẩy mạnh mọi mặt công tác ở xã, bảo đảm thì giờ sản xuất, bảo đảm sức khỏe của cán bộ và nhân dân.
II. NỘI DUNG CÔNG TÁC KIỆN TOÀN CHÍNH QUYỀN CẤP XÃ
1. Tổ chức bộ máy chính quyền xã:
Bộ máy xã phải gọn, nhẹ, đơn giản để cán bộ có nhiều điều kiện đi sát thực tế công việc, sát cơ sở sản xuất, bảo đảm công tác đồng thời bảo đảm sản xuất.
Bộ máy chính quyền xã gồm Hội đồng nhân dân, Ủy ban Hành chính và các bộ phận chuyên môn.
a) Hội đồng nhân dân: (có văn bản hướng dẫn riêng).
b) Ủy ban Hành chính: Ủy ban Hành chính xã phải tôn trọng quyền hạn của Hội đồng nhân dân. Những việc gì thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thì Ủy ban Hành chính xã phải trình Hội đồng nhân dân quyết định không được tự quyền giải quyết hoặc lấy Hội nghị nhân dân chính thay thế hội nghị Hồi đồng nhân dân.
Về số lượng thành viên Ủy ban Hành chính xã, Ủy ban Hành chính tỉnh căn cứ vào tình hình chính trị, kinh tế, dân số, địa lý của xã và sự cần thiết cho lãnh đạo mà quy định cho Ủy ban Hành chính xã có đủ ủy viên phụ trách các mặt công tác trong phạm vi luật tổ chức chính quyền địa phương và thông tư kiện toàn chính quyền các cấp đã quy định, không nhất thiết chỉ căn cứ vào dân số của xã.
Ủy ban Hành chính xã của một bộ phận thường trực 3, 4 ủy viên để tập thể giải quyết những công tác hàng ngày và những việc tương đối quan trọng mà chưa đến mức phải hợp hội nghị bất thường của Ủy ban Hành chính.
Bộ phận thường trực gồm chủ tịch, các phó chủ tịch (nếu có nhiều phó chủ tịch) hoặc phó chủ tịch và 1 hay 2 thành viên;
Bộ phận thường trực có nhiệm vụ:
- Nghiên cứu thông tư, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, dự kiến kế hoạch thực hiện đưa ra hội nghị Ủy ban Hành chính quyết định.
- Kiểm tra, đôn đốc các bộ phận chuyên môn, nhắc nhở các ủy viên không thường trực thực hiện nhiệm vụ công tác và truyền đạt những công tác gấp cần thi hành.
- Làm báo cáo thường kỳ và bất thường về tình hình thực hiện mọi mặt công tác lên cấp trên.
- Nhận đơn của nhân dân, tiếp xúc với nhân dân để giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân hoặc đề đạt lên cấp trên, hoặc bàn với các ủy viên phụ trách Hợp tác xã, xóm giải quyết.
- Chuẩn bị báo cáo và chương trình, kế hoạch công tác cho các hội nghị Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính.
- Điều hòa sinh hoạt và công tác giữa Ủy ban Hành chính và các ngành.
- Đăng ký hộ tịch và thống kê mọi mặt.
- Chứng nhận và thị thực giấy tờ.
Những việc chưa có chủ trương chung của Ủy ban Hành chính xã thì bộ phận thường trực phải chuẩn bị ý kiến trước để đưa ra hội nghị thường kỳ của Ủy ban Hành chính giải quyết. Trường hợp cần kíp thì phải triệu tập hội nghị bất thường của Ủy ban Hành chính.
Giúp việc Ủy ban Hành chính xã có một thư ký văn phòng làm nhiệm vụ:
- Giữ gìn sổ sách, giấy tờ, công văn.
- Tiếp phát công văn, sắp xếp hồ sơ cho ngăn nắp.
- Giúp bộ phận thường trực, nhắc nhở các ủy viên thực hiện chương trình công tác do Ủy ban Hành chính đề ra.
- Giữ gìn sổ sách về hộ tịch thống kê và đăng ký hộ tịch, ghi số liệu thống kê.
- Giúp các ủy viên làm những giấy tờ hành chính.
c) Các bộ phận chuyên môn:
Tùy theo tình hình và nhu cầu công tác, tùy trình độ, khả năng cán bộ của địa phương, Ủy ban Hành chính tỉnh hoặc Ủy ban Hành chính khu tự trị (đối với các xã trong khu tự trị) quyết định thành lập, bãi bỏ, hoặc sữa đổi các bộ phận chuyên môn ở xã sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Ở xã không nhất thiết phải có đầy đủ các bộ phận chuyên môn như ở tỉnh, huyện hay châu. Trừ công an và xã đội mà nhiệm vụ có tính chất đặc biệt tổ chức theo hệ thống dọc, các công tác chuyên môn khác hoặc có thể lập thành Ban hoặc chỉ cần từ 1 đến 3 cán bộ giúp việc ủy viên Ủy ban Hành chính xã phụ trách. Có thể thành lập Ban chuyên môn trong những trường hợp:
- Một công tác cần phải có một tập thể nhỏ nghiên cứu lâu dài và chỉ đạo thực hiện giúp Ủy ban Hành chính.
- Một số công tác có liên quan chặt chẽ với nhau phải bàn bạc thường xuyên để thống nhất kế hoạch cùng thi hành như ban sản xuất nông nghiệp, ban tài chính v.v…
Trưởng ban chuyên môn nên là ủy viên Ủy ban Hành chính, cần thiết, có thể có phó ban.
Những ủy viên khác trong ban chuyên môn phải là những người chuyên trách về chuyên môn, không nên cử những người chỉ có tính chất đại diện các giới.
Ngoài ra, những công tác cần thiết phải có sự phối hợp các ngành, các giới, tập trung chỉ đạo để hoàn thành trong một thời gian nhất định thì thành lập Ban tạm thời như Ban chống úng, chống hạn, cứu rét, cứu đói, v.v… khi hòan thành công tác thì giải tán.
Những công tác do nhân dân quản lý và thành lập tổ chức như Ban bảo trợ học đường, Ban phụ huynh học sinh v.v… tuy phải chịu sự chỉ đạo và kiểm soát của chính quyền nhưng không kể là những tổ chức chuyên môn của chính quyền. Tuy nhiên, không nên tổ chức nhiều ban có tính chất nhân dân gây trở ngại cho việc sản xuất.
d)Tổ chức hợp tác xã và xóm:
Hợp tác xã là tổ chức sản xuất tập thể của nhân dân. Ngoài việc lãnh đạo sản xuất, hợp tác xã cũng có nhiệm vụ thực hiện các công tác của Nhà nước. Do đó, trong hợp tác xã cần có những cán bộ phụ trách các mặt công tác chính quyền. Những cán bộ này do Hợp tác xã chọn và đề cử, có thể là những ủy viên trong Ban Quản trị kiêm nhiệm hoặc những người có khả năng, có tín nhiệm trong xã viên. Những cán bộ này, ngoài việc thực hiện công tác chính quyền, còn phải bảo đảm sản xuất của hợp tác xã nên phải tranh thủ thực hiện công tác ngoài giờ sản xuất. Ủy ban Hành chính cần phân công ủy viên trực tiếp truyền đạt chủ trương kế hoạch công tác và chỉ triệu tập đi hợp trong những trường hợp thật cần thiết.
Ở những xã đã căn bản hoàn thành hợp tác hóa thì bỏ tổ chức xóm và lấy hợp tác xã làm cơ sở để thực hiện mọi mặt công tác chính quyền. Bên cạnh mỗi hợp tác xã, còn một số gia đình và tổ đổi công chưa vào hợp tác xã thì cần sắp xếp lại và do ủy viên Ủy ban Hành chính phụ trách hợp tác xã trực tiếp chỉ đạo các tổ trưởng tổ đổi công tiến hành công tác chính quyền.
Ở những xã phong trào hợp tác hóa chưa phát triển thì vẫn sử dụng xóm nhưng các ủy viên Ủy ban Hành chính phụ trách xóm phải quán xuyến công việc và tình hình phong trào của xóm nhất là xóm mình ở. Trưởng xóm giúp đỡ các ủy viên trong việc truyền đạt kế hoạch, kiểm tra công tác trong xóm. Riêng ở miền núi, vì hoàn cảnh địa lý khó khăn nên những xóm, bản, mường không có ủy viên Ủy ban Hành chính ở, còn có thể sử dụng trưởng xóm thay ủy viên để truyền đạt, phổ biến, chỉ đạo các tổ trưởng tổ đổi công tiến hành công tác.
2. Chế độ làm việc của chính quyền xã:
A. – NGUYÊN TẮC CHUNG:
1. Để đảm bảo nguyên tắc dân chủ tập trung, Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính xã phải tuyệt đối phục tùng chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, không được quyết định việc gì trái với luật lệ Nhà nước, trái với mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên. Trường hợp chỉ thị, nghị quyết của cấp trên không hợp với địa phương thì Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính phải báo cáo xin chỉ thị, trong khi chờ đợi vẫn phải thi hành chỉ thị nghị quyết đã nhận được.
Ủy ban Hành chính phải phục tùng nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Cán bộ chuyên môn phải phục tùng nghị quyết của Ủy ban Hành chính…
Các ủy viên và cán bộ chuyên môn ở xã phải thi hành nghị quyết của Hộ đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính không được tự ý thay đổi kế hoạch đã được Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính quyết định.
2. Để đề cao và phát huy vai trò và tác dụng của chính quyền, để bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Hành chính phải họp đúng kỳ hạn đã quy định để bàn bạc chương trình công tác kế hoạch đẩy mạnh mọi mặt công tác ở xã. Cá nhân mỗi cán bộ được phân công phụ trách thực hiện từng phần nghị quyết của tập thể Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính, phải mạnh dạn phát huy khả năng sáng tạo và tinh thần trách nhiệm trước tập thể, trước nhân dân mà thực hiện nhiệm vụ của mình. Tập thể phải chú ý theo dõi thường xuyên giúp ý kiến.
3. Để bảo đảm đường lối quần chúng, chống quan liêu xa thực tế, mỗi cán bộ xã phải thực sự sản xuất, sinh hoạt trong một hợp tác xã, hoặc tổ đổi công (nếu chưa có hợp tác xã ). Phải chú ý lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và trên cơ sở thực sự sản xuất mà cải tiến lề lối làm việc, khắc phục nạn nhiều giấy tờ, nhiều hội nghị hại đến sản xuất.
B. – CHẾ ĐỘ CỤ THỂ:
1. Thường trực ở trụ sở:
Hàng ngày bộ phận thường trực có một ủy viên thường trực tại trụ sở 1 buổi (sáng, trưa, chiều, tùy theo hoàn cảnh sinh hoạt của nhân dân trong xã, do xã đề nghị và Ủy ban Hành chính huyện duyệt). Các ủy viên thường trực khác thì phân công đi truyền đạt, kiểm tra, đôn đốc, nắm tính hình ở các khu vực trong xã.
Ở miền núi, tùy theo hoàn cảnh địa phương, có thể 2, 3 ngày mới thường trực ở trụ sở hoặc định ngày thường trực vào những ngày áp phiên.
Các ủy viên không thường trực hàng ngày không phải lên trụ sở nhưng phải sắp xếp và tranh thủ công tác ngoài giờ sản xuất để có thể tham gia sản xuất với hợp tác xã, tổ đổi công, trừ những trường hợp đi họp hoặc những khi có công tác cần thiết bất thường.
2. Phân công trong Ủy ban Hành chính:
Tùy theo khối lượng công tác ở xã, trình độ và khả năng cán bộ mà phân công hợp lý cho các ủy viên. Nguyên tắc là bộ phận thường trực bán thoát ly thì phân công mỗi ủy viên kiêm nhiệm những công tác quan trọng, có quan hệ mật thiết với nhau, có tính chất từng khối công việc, và những công tác phải giải quyết thường xuyên hàng ngày; những ủy viên không thường trực thì không kiêm nhiệm nhiều để vừa bảo đảm công tác vừa bảo đảm thì giờ sản xuất.
Phân công theo khối là một phương pháp làm việc để các ủy viên thường trực nắm được tình hình chung và điều hòa phối hợp các công tác cùng một tính chất, có quan hệ mật thiết với nhau và để các ủy viên Ủy ban Hành chính trong khối giúp đỡ nhau bảo đảm nhiệm vụ công tác chứ không phải là một hình thức tổ chức. Do đó khối không có sinh hoạt riêng, không có chương trình kế hoạch công tác riêng. Các ủy viên trong khối có thể hội ý, hội báo trao đổi tình hình và tiến hành công tác.
Ủy ban hành chính có thể phân công như sau:
a) Các ủy viên trong bộ phận thường trực:
- Chủ tịch bao quát chung và phụ trách khối sản xuất nông nghiệp bao gồm các công tác: kế hoạch thống kê, trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, đê đường v.v… và trực tiếp củng cố tổ đổi công xây dựng hợp tác xã nông nghiệp.
- Phó Chủ tịch thay Chủ tịch khi vắng mặt phụ trách khối tài chính, công thương nghiệp bao gồm các công tác ngân sách xã, thuế nông nghiệp, công thương nghiệp, sát sinh, thu mua, phát triển thủ công nghiệp, nghề phụ gia đình v.v… và trực tiếp xây dựng hợp tác xã mua bán, vay mượn.
- Phó Chủ tịch hoặc ủy viên thường trực phụ trách khối nội chính bao gồm các công tác an ninh trật tự, bảo vệ mùa màng, hộ tịch, dân công, thương binh, phục viên, liệt sĩ, nghĩa vụ quân sự v.v… và trực tiếp phụ trách tư pháp, địa chính.
- Ủy viên thường trực phụ trách khối văn hóa, xã hội bao gồm các công tác vệ sinh phòng bệnh, xây dựng nếp sống mới, bài trừ hủ tục mê tín, cứu đói cứu rét, giáo dục phổ thông, bình dân học vụ, tuyên truyền văn nghệ, thể dục thể thao v.v… và trực tiếp phụ trách giáo dục, thông tin văn hóa.
b) Các ủy viên không ở bộ phận thường trực:
- Ủy viên công an phụ trách an ninh trật tự bảo vệ mùa màng…
- Ủy viên quân sự phụ trách thêm thương binh, phục viên, liệt sĩ…
- Ủy viên phụ trách thủy lợi đê đường…
Trường hợp có 9 ủy viên thì thêm:
- Ủy viên phụ trách giáo dục phổ thông, bình dân học vụ.
- Ủy viên phụ trách thủ công nghiệp, nghề phụ gia đình. Trường hợp có 11 ủy viên thì thêm:
- Ủy viên phụ trách chăn nuôi.
- Ủy viên phụ trách thuế công thương nghiệp, sát sinh.
Ngoài ra mỗi ủy viên Ủy ban Hành chính phân công phụ trách mọi mặt công tác chính quyền trong một, hai hợp tác xã hoặc một số tổ đổi công, một, hai xóm (tùy theo tình hình từng xã đã hợp tác hóa hoặc chưa hoàn toàn hợp tác hóa).
Các ủy viên không thường trực phụ trách mọi mặt công tác chính quyền trong hợp tác xã hoặc xóm, hoặc tổ đổi công, có nhiệm vụ trực tiếp truyền đạt nghị quyết của Ủy ban Hành chính cho các cán bộ chuyên môn của hợp tác xã, các tổ trưởng tổ đổi công, bàn bạc kế hoạch thực hiện, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện ở các hợp tác xã, xóm mình phụ trách, giải quyết thắc mắc nguyện vọng cho nhân dân hoặc phản ảnh lên Ủy ban Hành chính bàn cách giải quyết và chịu trách nhiệm trước Ủy ban Hành chính về phong trào hợp tác xã hoặc xóm, tổ đổi công mình phụ trách.
Đối với công tác chuyên môn thì ủy viên phụ trách cùng với cán bộ chuyên môn nghiên cứu đặt kế hoạch trình Ủy ban hành chính quyết định để các ủy viên về thực hiện trong phạm vi hợp tác xã, xóm mà mỗi người phụ trách. Ủy viên phụ trách chuyên môn chỉ đạo thực hiện chủ yếu ở hợp tác xã, xóm mình phụ trách lấy kinh nghiệm cho Ủy ban hành chính lãnh đạo chung và tranh thủ lẩn lượt đi kiểm tra các xóm khác nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.
Đối với các ủy viên thường trực thì việc phụ trách hợp tác xã hoặc xóm là để sát thực tế và có thực tế mà uốn nắn kịp thời những lệch lạc chung toàn xã.
3. Chế độ hội họp:
Hàng ngày bộ phận thường trực hội ý với nhau về công tác trong ngày và tập thể giải quyết những công việc cần thiết. Ở những xã miền núi, bộ phận thường trực hội ý vào những ngày thường trực ở trụ sở.
Hàng tuần, tất cả ủy viên trong Ủy ban Hành chính phải hội ý báo cáo với bộ phận thường trực để nắm tình hình công tác và kịp thời uốn nắn lệch lạc, có biện pháp đẩy mạnh công tác. Phải định ngày hội ý hội báo nhất định và không nhất thiết phải có mặt đủ các ủy viên mới hội ý hội báo, ai đến trước thì hội ý với bộ phận thường trực trước, ai đến sau thì hội ý sau, người nào xong trước thì về trước để khỏi mất thì giờ chờ đợi nhau.
Hàng tháng Ủy ban Hành chính xã họp thường lệ 2 kỳ:
- Kỳ đầu tháng để kiểm điểm sự thực hiện chương trình công tác tháng trước của các ủy viên và của Ủy ban Hành chính nói chung; thảo luận chủ trương của cấp trên; định chương trình công tác trong tháng; thực hiện phê bình và tự phê bình. Nếu đến ký họp Hội đồng nhân dân thì chuẩn bị cho cuộc hội nghị Hội đồng nhân dân.
- Kỳ giữa tháng để kiểm điểm tình hình thực hiện công tác trong 1/2 tháng, có biện pháp đẩy mạnh những công tác còn yếu, uốn nắn lệch lạc và trao đổi kinh nghiệm công tác.
Những tuần Ủy ban Hành chính họp thì không hội ý hội báo nữa.
Các ngành có thể được mời đến dự để báo cáo và tham gia ý kiến nếu hội nghị có bàn đến công tác của ngành.
Hàng tháng các ủy viên phụ trách chuyên môn họp với cán bộ chuyên môn một lần để kiểm điểm tình hình công tác chuyên môn và đề nghị kế hoạch đẩy mạnh công tác với Ủy ban Hành chính tiến hành phê bình và tự phê bình, uốn nắn những sai lệch để đẩy mạnh công tác.
Ngoài những cuộc họp của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Hành chính và các ngành chuyên môn, còn có các cuộc họp để phổ biến, học tập chính sách, phát động và tổng kết thi đua, các cuộc họp của các đoàn thể nhân dân, Ủy ban Hành chính cần phối hợp với các ngành, các đoàn thể lập lịch sinh hoạt cho xã để khỏi trùng nhau mất thì giờ, hại sản xuất mà không có kết quả.
4. Quan hệ giữa chính quyền và các đoàn thể nhân dân:
Các đoàn thể nhân dân ở xã là hậu thuẫn mạnh mẽ của chính quyền xã. Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính thông qua các đoàn thể nhân dân để nắm tình hình sinh hoạt, thu thập ý kiến nguyện vọng của nhân dân để đề ra kế hoạch công tác cho sát rồi dựa vào các đoàn thể nhân dân mà tổ chức, vận động nhân dân thực hiện. Mặt khác, các đoàn thể nhân dân cũng thông qua Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính mà tham gia quản lý công việc Nhà nước, giám đốc chính quyền, làm chủ đất nước. Cho nên quan hệ giữa cơ quan chính quyền ở xã với các đoàn thể nhân dân ở xã là quan hệ hợp tác, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Hành chính và các đoàn thể nhân dân phối hợp hoạt động dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng. Trong công tác lớn, Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính hỏi ý kiến các đoàn thể nhân dân, mỗi đại biểu các đoàn thể nhân dân tham gia các cuộc hội nghị, trình bày kế hoạch công tác với các đoàn thể. Ngược lại, các Ban chấp hành các đoàn thể cũng cần thường xuyên phản ảnh thắc mắc, nguyện vọng, ý kiến của đoàn thể mình với Ủy ban Hành chính và Hội đồng nhân dân, đồng thời giáo dục vận động các đoàn viên tích cực thực hiện công tác của chính quyền xã.
Công tác kiện toàn tổ chức, cải tiến lề lối làm việc ở xã là một công tác phức tạp. Nó có liên quan đến lề lối làm việc của huyện, tỉnh. Nó thay đổi nề nếp làm việc lâu nay hầu như đã thành tập quán trong cán bộ, nhân dân xã. Đó là những khó khăn cho việc kiện toàn. Nhưng nhiệm vụ công tác đòi hỏi, cán bộ và nhân dân tha thiết mong mỏi, và qua việc thực nghiệm ở một số địa phương ta đã thu được một số kết quả bước đầu nên việc kiện toàn tổ chức, cải tiến lề lối làm việc ở xã là cần thiết và có thể làm được.
Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, huyện cần nghiên cứu, tổ chức hướng dẫn địa phương gấp rút thực hiện thông tư này. Nên lấy một, hai xã làm thí điểm rút kinh nghiệm lãnh đạo chung và chú ý mấy điểm sau:
- Nghiên cứu kỹ tình hình thực tế địa phương, tiến hành sửa đổi dần dần lề lối làm việc của khu, tỉnh, huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác ở xã.
- Tổ chức học tập cho cán bộ và nhân dân ở xã về mục đích yêu cầu công tác kiện toàn tổ chức để thông suốt chủ trương, giải quyết tư tưởng ngại khó và đề phòng tư tưởng bảo thủ của cán bộ và nhân dân.
- Thường xuyên giúp đỡ và giải quyết những khó khăn lúc đầu trong việc sắp xếp tổ chức, cải tiến lề lối làm việc.
Nhận được thông tư này, Ủy ban Hành chính các cấp nghiên cứu kỹ và tích cực thực hiện để đẩy mạnh mọi mặt công tác ở xã và báo cáo về Bộ những kinh nghiệm cũng như những khó khăn đã giải quyết để Bộ phổ biến chung.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
Thông tư 49-NV/DC năm 1959 về việc kiện toàn tổ chức và lề lối làm việc của chính quyền cấp xã do Bộ Nội Vụ ban hành
- Số hiệu: 49-NV/DC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 13/10/1959
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Tô Quang Đẩu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 42
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra