Hệ thống pháp luật

Điều 6 Thông tư 49/2017/TT-BTNMT về quy định kỹ thuật lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Điều 6. Đánh giá hiện trạng vùng bờ khu vực lập chương trình

Hiện trạng vùng bờ phải được đánh giá trên cơ sở thông tin, dữ liệu thu thập, tổng hợp theo quy định tại Điều 5 Thông tư này. Các nội dung đánh giá bao gồm:

1. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

a) Phân tích, đánh giá và xác định tính đặc trưng về địa chất, địa hình; địa mạo; chế độ gió, sóng, dòng chảy, thủy triều;

b) Phân tích, đánh giá và xác định tính đặc trưng về hệ sinh thái và đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên, bao gồm vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan;

c) Phân tích, đánh giá và xác định tính đặc trưng về đa dạng sinh học và sự phân hóa các hệ sinh thái vùng bờ, bao gồm rừng ngập mặn, rong biển, cỏ biển, rạn san hô, cồn cát ven biển, bãi triều, hệ sinh thái cửa sông và bãi bồi;

d) Phân tích, đánh giá đặc điểm và sự biến động của các dạng tài nguyên, bao gồm đất, nước, sinh vật, khoáng sản, năng lượng tái tạo (gió, sóng, thủy triều, mặt trời), tài nguyên vị thế và các dạng tài nguyên khác;

đ) Phân tích, đánh giá tính dễ bị tổn thương và tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên vùng bờ.

2. Điều kiện kinh tế - xã hội

a) Phân tích, đánh giá về hiện trạng và nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng;

b) Phân tích, đánh giá đặc điểm văn hóa - xã hội (dân cư, tập quán văn hóa...);

c) Phân tích, đánh giá thực trạng các di sản, di tích lịch sử - văn hóa;

d) Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;

đ) Phân tích, đánh giá sức ép và tác động của dân số đến tài nguyên, không gian và kinh tế - xã hội vùng bờ; thực trạng về quyền tiếp cận của người dân với biển;

e) Phân tích, đánh giá tình hình phát triển của các ngành kinh tế, cơ cấu ngành nghề, thực trạng sinh kế của cộng đồng phụ thuộc vào biển;

g) Phân tích, đánh giá rủi ro thiên tai bao gồm đánh giá hiểm họa, tính dễ bị tổn thương và năng lực thích ứng của cộng đồng.

3. Hiện trạng thể chế, chính sách quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ

a) Phân tích, đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật, cơ chế điều phối, phối hợp liên quan đến quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ;

b) Phân tích, đánh giá tổ chức bộ máy, nguồn lực để quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ ở trung ương và địa phương;

c) Phân tích, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình về khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ của các bộ, ngành và địa phương;

d) Phân tích, đánh giá tình hình triển khai công tác thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển;

đ) Phân tích, đánh giá sự tham gia của các bên liên quan gồm các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đoàn thể tại địa phương trong quá trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ;

e) Phân tích, đánh giá tình hình giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về tài nguyên, môi trường ở vùng bờ;

g) Phân tích, đánh giá tình hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ.

4. Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường vùng bờ

a) Phân tích, đánh giá hiện trạng, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và không gian vùng bờ; mức độ suy giảm tài nguyên, giá trị các hệ sinh thái ở vùng bờ do hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và không gian vùng bờ của các tổ chức, cá nhân;

b) Phân tích, đánh giá mâu thuẫn, xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên của các ngành, lĩnh vực, các hoạt động kinh tế;

c) Phân tích, đánh giá hiện trạng và dự báo xu thế biến đổi của các thành phần môi trường không khí, đất, nước, trầm tích; sự cố môi trường; phân tích, đánh giá, xác định các vùng rủi ro ô nhiễm môi trường;

d) Phân tích, đánh giá hiện trạng và dự báo xu thế biến động đa dạng sinh học; xác định các vùng, các hệ sinh thái nhạy cảm và dễ bị tổn thương, mức độ suy giảm đa dạng sinh học;

đ) Phân tích, đánh giá hiện trạng và dự báo hiện tượng sạt lở, bồi tụ; diễn biến, phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thông tư 49/2017/TT-BTNMT về quy định kỹ thuật lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 49/2017/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/11/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Linh Ngọc
  • Ngày công báo: 30/12/2017
  • Số công báo: Từ số 1063 đến số 1064
  • Ngày hiệu lực: 15/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH