Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 49/2010/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 04 năm 2010

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC PHÂN LOẠI, ÁP DỤNG MỨC THUẾ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Căn cứ Luật hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03 tháng 06 năm 2008; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008; Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và các Nghị định quy định chi tiết thi hành các Luật nêu trên;
Căn cứ Quyết định số 49/QĐ-CTN ngày 06 tháng 3 năm 1998 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc Việt Nam tham gia Công ước HS;
Căn cứ Nghị định số 06/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 1 năm 2003 của Chính phủ quy định về việc phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Nghị định thư quy định việc thực hiện Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN (AHTN);
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn việc phân loại và áp dụng mức thuế (bao gồm mức thuế theo tỷ lệ phần trăm, mức thuế tuyệt đối) đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

2. Tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, cơ quan hải quan, công chức hải quan và các tổ chức, cá nhân khác khi thực hiện các công việc có liên quan đến phân loại và áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là đối tượng thực hiện Thông tư này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ sử dụng trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. Danh mục Biểu thuế quan hài hòa ASEAN (viết tắt là AHTN) là danh mục hàng hóa của các nước ASEAN, được xây dựng trên cơ sở Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (viết tắt là HS) của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO).

2. Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu, Biểu thuế giá trị gia tăng, Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được hướng dẫn cụ thể tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

3. Phân tích, phân loại: là việc cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật để xác định tên gọi, mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu và các Biểu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

4. Phân loại hàng hóa trước khi làm thủ tục hải quan (sau đây viết tắt là “phân loại trước”): là việc trước khi hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, theo đề nghị của người khai hải quan, cơ quan hải quan xác định tên gọi, mã số của một mặt hàng và ra quyết định để áp dụng có thời hạn tên gọi, mã số của mặt hàng đó.

5. Cơ sở dữ liệu phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế (sau đây viết tắt là “Cơ sở dữ liệu”): là các thông tin liên quan đến phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan hải quan tổng hợp, thu thập, cập nhật, sử dụng để phục vụ công tác phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 3. Quyền, nghĩa vụ của người khai hải quan, người nộp thuế trong phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

1. Người khai hải quan có quyền:

1.1. Được cơ quan hải quan cung cấp thông tin, được xem hàng hoặc lấy mẫu hàng dưới sự giám sát của công chức hải quan trước khi tiến hành thủ tục hải quan phục vụ cho việc khai hải quan, phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế;

1.2. Đề nghị cơ quan hải quan hướng dẫn việc phân loại, áp dụng mức thuế theo đúng quy định của pháp luật;

1.3. Khiếu nại, khởi kiện và được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hải quan, công chức hải quan và các tổ chức, cá nhân khác trong phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế;

1.4. Tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan hải quan, công chức hải quan và tổ chức, cá nhân khác trong việc phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế theo quy định của pháp luật;

1.5. Thực hiện các quyền khác theo quy định tại Điều 6 Luật quản lý thuế.

2. Người khai hải quan có nghĩa vụ:

2.1. Tự kê khai chính xác, trung thực, đầy đủ tên hàng (mô tả rõ đặc điểm, cấu tạo, tính chất, công dụng), mã số, mức thuế của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khai báo, tính chính xác, trung thực, hợp pháp của các chứng từ, tài liệu nộp cho cơ quan hải quan;

2.2. Cung cấp mẫu hàng, chứng từ, tài liệu liên quan để phục vụ mục đích phân loại hàng hóa và kiểm tra thuế theo yêu cầu của cơ quan hải quan;

2.3. Chấp hành quyết định hành chính về phân loại hàng hóa, ấn định mã số, mức thuế của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật;

2.4. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 7 Luật quản lý thuế;

2.5. Xác nhận, ký tên, đóng dấu vào các chứng từ, tài liệu do mình lập, các giấy tờ là bản sao, bản dịch thuộc hồ sơ phân loại trước nộp cho cơ quan hải quan theo hướng dẫn tại Thông tư này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, hợp pháp của các giấy tờ đó.

Điều 4. Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan hải quan trong phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

1. Cơ quan hải quan có trách nhiệm:

1.1. Kiểm tra tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế do người khai hải quan khai báo theo quy định của pháp luật;

1.2. Thực hiện việc phân tích, phân loại hàng hóa, xác định mã số, áp dụng mức thuế theo đúng quy định của pháp luật;

1.3. Giải quyết khiếu nại, bồi thường thiệt hại đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính do cơ quan hải quan, công chức hải quan thực hiện trái quy định của pháp luật;

1.4. Giữ bí mật thông tin về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do người khai hải quan khai báo theo đúng quy định của pháp luật;

1.5. Cung cấp thông tin, hướng dẫn người khai hải quan phân loại, áp dụng mức thuế khi có đề nghị;

1.6. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Điều 8 Luật quản lý thuế.

2. Cơ quan hải quan, công chức hải quan có quyền:

2.1. Yêu cầu người khai hải quan, người nộp thuế cung cấp mẫu hàng, chứng từ, tài liệu liên quan để phục vụ mục đích phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế;

2.2. Ấn định thuế, thu đủ tiền thuế còn thiếu, xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp kê khai chưa đúng mã số, mức thuế theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc ấn định thuế;

2.3. Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định tại Điều 9 Luật quản lý thuế.

Chương 2.

PHÂN LOẠI HÀNG HÓA, ÁP DỤNG MỨC THUẾ

MỤC 1. NGUYÊN TẮC, CĂN CỨ PHÂN LOẠI HÀNG HÓA, ÁP DỤNG MỨC THUẾ

Điều 5. Nguyên tắc phân loại hàng hóa

1. Khi phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phải tuân thủ:

1.1. Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam (các Chú giải Phần, Chương; Danh sách các Phần, Chương, nhóm hàng, phân nhóm hàng);

1.2. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi;

1.3. 6 (sáu) Quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này);

1.4. Nghị định số 06/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 1 năm 2003 của Chính phủ quy định về việc phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Ngoài các nguyên tắc nêu tại Khoản 1 Điều này, trong quá trình phân loại phải tham khảo các tài liệu sau đây:

2.1. Chú giải chi tiết HS;

2.2. Tuyển tập ý kiến phân loại của WCO;

2.3. Danh mục phân loại hàng hóa theo Bảng chữ cái của WCO;

2.4. Văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định đặc điểm, tính chất, cấu tạo, công dụng hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng hóa;

2.5. Chú giải bổ sung AHTN (Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này).

3. Một mặt hàng sau khi phân loại phải có mã số đầy đủ theo số chữ số nhiều nhất của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và chỉ được xếp vào một mã số duy nhất theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Điều 6. Căn cứ phân loại hàng hóa

Khi phân loại hàng hóa phải căn cứ vào nguyên tắc phân loại hàng hóa quy định tại Điều 5 Thông tư này và tùy theo từng trường hợp cụ thể phải căn cứ vào một hay nhiều căn cứ sau đây:

1. Các tài liệu trong hồ sơ hải quan liên quan đến phân loại hàng hóa;

2. Thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

3. Các tài liệu kỹ thuật, catalogue của hàng hóa cần phân loại;

4. Mô tả tên hàng, mã số hàng hóa ghi tại Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi;

5. Cơ sở dữ liệu phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế công bố trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.

Điều 7. Nguyên tắc, căn cứ, cách thức áp dụng mức thuế

1. Nguyên tắc, căn cứ, cách thức áp dụng chung:

1.1. Nguyên tắc, căn cứ: Trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, khi áp dụng mức thuế cho một mặt hàng, người khai hải quan, cơ quan hải quan và các tổ chức cá nhân có liên quan phải căn cứ vào:

1.1.1. Kết quả phân loại hàng hóa;

1.1.2. Biểu thuế tại thời điểm tính thuế và điều kiện, thủ tục, hồ sơ để được áp dụng mức thuế quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

1.2. Cách thức áp dụng:

1.2.1. Từ mã số tìm được theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi như quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư này, đối chiếu với mô tả tên hàng, mã số hàng hóa ghi tại Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, Biểu thuế giá trị gia tăng, Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt để tìm mã số cho mặt hàng đó theo từng Biểu thuế.

1.2.2. Từ mã số tìm được theo từng Biểu thuế như quy định tại Điểm 1.2.1 Điều này, đối chiếu với điều kiện, thủ tục, hồ sơ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để tìm mức thuế cho mặt hàng đó.

2. Đối với các trường hợp đã thực hiện áp dụng mức thuế theo quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng là mặt hàng mới, dễ lẫn, phức tạp, khó phân loại hoặc Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn nhưng vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, thì Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn áp dụng mức thuế đối với mặt hàng đó phù hợp với yêu cầu bảo hộ sản xuất có chọn lọc, có điều kiện, có thời hạn, khuyến khích đầu tư, sản xuất trong nước và bảo đảm bình ổn thị trường, tránh gây xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh.

MỤC 2. PHÂN LOẠI TRƯỚC

Điều 8. Trường hợp thực hiện phân loại trước

Phân loại trước được thực hiện trong các trường hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Hàng hóa chưa được chi tiết tên cụ thể trong Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam hoặc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi;

2. Hàng hóa có thể xác định được tên gọi, phân loại được mã số trên cơ sở căn cứ vào mô tả mặt hàng, tài liệu kỹ thuật, hình ảnh, mẫu hàng và các tài liệu khác trong hồ sơ phân loại trước, không phải dựa trên kết quả phân tích, giám định bằng trang thiết bị kỹ thuật;

3. Hàng hóa chưa có trong Cơ sở dữ liệu phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế công bố trên thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.

Điều 9. Hồ sơ phân loại trước

1. Phiếu đề nghị phân loại trước, trong đó mô tả chi tiết hàng hóa yêu cầu phân loại trước và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu mô tả chi tiết hàng hóa và cung cấp các tài liệu kèm theo yêu cầu phân loại trước không đúng với hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu (theo mẫu tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này): 01 bản chính;

2. Tài liệu kỹ thuật, hình ảnh, catalogue hàng hóa: 01 bản chính. Trường hợp là bản sao phải có dấu sao y bản chính;

3. Mẫu hàng hóa (nếu có);

4. Các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cần phân loại trước: 01 bản chính. Trường hợp là bản sao phải có dấu sao y bản chính;

Các giấy tờ, tài liệu nêu tại khoản 1, 2 và 4 Điều này phải là bản tiếng Việt hoặc bản tiếng Anh, nếu là ngôn ngữ khác thì người khai hải quan phải nộp kèm bản dịch ra tiếng Việt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bản dịch.

5. Bảng kê danh mục tài liệu của hồ sơ: 01 bản chính.

Điều 10. Thẩm quyền và thủ tục phân loại trước

1. Tổng cục Hải quan (hoặc Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi thực hiện xử lý dữ liệu tập trung) tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ phân loại trước do người yêu cầu phân loại trước gửi.

2. Trường hợp nội dung mô tả trong Phiếu đề nghị phân loại trước hoặc các tài liệu do người yêu cầu phân loại trước cung cấp không đầy đủ thông tin để phân loại trước thì chậm nhất trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ phân loại trước, Tổng cục Hải quan (hoặc Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi thực hiện xử lý dữ liệu tập trung) phải có văn bản thông báo để người yêu cầu phân loại trước cung cấp bổ sung.

3. Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, nội dung mô tả trong Phiếu đề nghị phân loại trước hoặc các tài liệu do người yêu cầu phân loại trước cung cấp đã rõ ràng, có đủ thông tin cho việc phân loại trước thì chậm nhất trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ phân loại trước, Tổng cục Hải quan (hoặc Cục hải quan tỉnh, thành phố nơi thực hiện xử lý dữ liệu tập trung) phải có quyết định phân loại trước.

4. Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, nội dung mô tả trong Phiếu đề nghị phân loại trước hoặc các tài liệu do người yêu cầu phân loại trước cung cấp đã rõ ràng, nhưng hàng hóa phải phân tích hoặc giám định mới đủ căn cứ để phân loại thì chậm nhất trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ phân loại trước, Tổng cục Hải quan (hoặc Cục hải quan tỉnh, thành phố nơi thực hiện xử lý dữ liệu tập trung) phải có văn bản từ chối phân loại trước nêu rõ lý do không thực hiện phân loại trước và chuyển trả hồ sơ cho người yêu cầu phân loại biết.

Điều 11. Thông báo, sử dụng kết quả phân loại trước

1. Kết quả phân loại trước được gửi cho người khai hải quan (theo mẫu tại Phụ lục 5 kèm theo Thông tư này) kèm theo ảnh của hàng hóa phân loại và được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu.

2. Kết quả phân loại trước có thời hạn sử dụng trong vòng 1 năm (tính tròn là 365 ngày), kể từ ngày ký quyết định.

3. Người khai hải quan được sử dụng kết quả phân loại trước nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

3.1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đúng với mô tả của hàng hóa được phân loại trước tại Phiếu yêu cầu phân loại trước và hồ sơ phân loại trước;

3.2. Trong thời gian từ khi có quyết định phân loại trước đến khi làm thủ tục hải quan, không có sự thay đổi các quy định của pháp luật liên quan đến mặt hàng được phân loại trước.

MỤC 3. KIỂM TRA VIỆC PHÂN LOẠI HÀNG HÓA, ÁP DỤNG MỨC THUẾ TRONG KHI LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN

Điều 12. Nguyên tắc, mục đích, đối tượng, hình thức, mức độ kiểm tra

1. Nguyên tắc kiểm tra: Cơ quan hải quan, công chức hải quan áp dụng phương pháp quản lý rủi ro để thực hiện kiểm tra kê khai của người khai hải quan về tên hàng (mô tả đặc điểm, cấu tạo, tính chất, thành phần, hàm lượng, công dụng), mã số, mức thuế của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Mục đích kiểm tra: Việc kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa, mức thuế nhằm xác định sự phù hợp về nội dung giữa khai báo của người khai hải quan với các chứng từ trong hồ sơ hải quan và giữa thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với nội dung khai báo của người khai hải quan và các chứng từ trong hồ sơ hải quan, trên cơ sở đó xác định chính xác mã số, mức thuế của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cần phân loại, xác định mức thuế.

3. Hình thức, mức độ kiểm tra:

Hình thức, mức độ kiểm tra: Thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3, 4, 6 Điều 3 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây viết tắt là Thông tư số 79/2009/TT-BTC).

Điều 13. Nội dung kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan

1. Khi kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra nội dung khai báo và kiểm tra tính chính xác, sự trung thực về tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế khai báo trên tờ khai hải quan với các thông tin ghi trên các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan. Cụ thể:

1.1. Tên hàng phải mô tả rõ ràng, đầy đủ thành phần, hàm lượng, tính chất, cấu tạo, đặc điểm và công dụng, đáp ứng được yêu cầu về phân loại và áp dụng mức thuế;

1.2. Mã số hàng hóa phải được ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác theo mức độ chi tiết hàng hóa của mặt hàng cần phân loại tại Biểu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

1.3. Mức thuế phải được ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác theo Biểu thuế áp dụng có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai;

1.4. Kiểm tra tính chính xác, sự trung thực về tên hàng, mã số hàng hóa khai báo trên tờ khai hải quan với các thông tin ghi trên các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan (như so sánh đối chiếu giữa tên hàng ghi trên hợp đồng, hóa đơn thương mại (invoice), phiếu đóng gói hàng hóa (packing list), vận đơn (bill of lading), catalogue, giới thiệu công dụng và hướng dẫn sử dụng của hàng hóa .v.v..

2. Xử lý kết quả kiểm tra:

2.1. Trường hợp người khai hải quan khai báo tên hàng, mã số, mức thuế không rõ ràng, không đầy đủ thì yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung;

2.2. Trường hợp người khai hải quan khai báo tên hàng, mã số, mức thuế rõ ràng, đầy đủ thì chuyển sang kiểm tra theo hướng dẫn tại Khoản 1.4 Điều này đồng thời đối chiếu với Cơ sở dữ liệu (khi đã có Cơ sở dữ liệu);

2.3. Trường hợp sau khi kiểm tra theo hướng dẫn tại Khoản 1.4 Điều này và đối chiếu với Cơ sở dữ liệu mà có cơ sở để xác định việc kê khai của người khai hải quan là chưa chính xác, chưa trung thực, có sự sai lệch về tên hàng, mã số hàng hóa khai báo trên tờ khai hải quan với các thông tin ghi trên các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan thì thực hiện ấn định mã số hàng hóa, mức thuế, số tiền thuế phải nộp theo hướng dẫn tại Điều 23 Thông tư số 79/2009/TT-BTC, xử phạt hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật;

2.4. Trường hợp sau khi kiểm tra theo hướng dẫn tại Khoản 1.4 Điều này và đối chiếu với Cơ sở dữ liệu mà có dấu hiệu nghi ngờ nhưng chưa có cơ sở để xác định việc kê khai của người khai hải quan là chưa chính xác, chưa trung thực do có sự sai lệch với các thông tin ghi trên các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan nhưng hàng hóa chưa được kiểm tra thực tế thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa theo hướng dẫn tại Điều 14 Thông tư này để có cơ sở xác định về việc kê khai của người khai hải quan;

2.5. Trường hợp sau khi kiểm tra theo hướng dẫn tại Khoản 1.4 Điều này và đối chiếu với Cơ sở dữ liệu mà xác định được việc kê khai của người khai hải quan không có sự sai lệch về tên hàng, mã số hàng hóa với các thông tin ghi trên các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan thì chuyển sang thực hiện kiểm tra thuế theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư này.

Điều 14. Nội dung kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa

1. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa (sau đây gọi là kiểm hóa) do công chức hải quan thực hiện trực tiếp (đối với những mặt hàng thực hiện mô tả được tên hàng, đặc tính kỹ thuật thông qua việc kiểm tra trực tiếp bằng mắt thường) hoặc bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật (đối với những mặt hàng không thực hiện mô tả được tên hàng, đặc tính kỹ thuật thông qua việc kiểm tra trực tiếp bằng mắt thường) nhằm xác định tên gọi, thành phần, hàm lượng, tính chất, cấu tạo, đặc điểm, công dụng (sau đây gọi chung là đặc tính) và mã số của hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Khi kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức hải quan thực hiện:

2.1. Đối chiếu tên hàng (kiểm tra mô tả cấu tạo, đặc điểm, thành phần, hàm lượng, tính chất, công dụng…), mã số hàng hóa ghi trên Tờ khai hải quan và các chứng từ khác có liên quan với hàng hóa thực tế kiểm tra;

2.2. Mô tả tên hàng, đặc tính và mã số của hàng hóa được kiểm tra trên tờ khai hải quan (phần kết quả kiểm tra của kiểm hóa viên) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc mô tả này.

Đối với hàng hóa không thể mô tả được tên hàng, đặc tính trực tiếp bằng mắt thường, Chi cục hải quan nơi làm thủ tục hải quan cùng chủ hàng lấy mẫu hoặc yêu cầu chủ hàng cung cấp tài liệu kỹ thuật (catalogue…) gửi Trung tâm Phân tích, phân loại hoặc Chi nhánh Trung tâm Phân tích, phân loại (sau đây gọi chung là Trung tâm Phân tích, phân loại) thuộc Tổng cục Hải quan (đối với các trường hợp Trung tâm Phân tích, phân loại có đủ điều kiện để phân tích, phân loại) hoặc thống nhất lựa chọn Công ty kinh doanh dịch vụ giám định hoạt động theo quy định của Luật Thương mại (sau đây gọi tắt là cơ quan giám định) thực hiện giám định (đối với các trường hợp Trung tâm Phân tích, phân loại chưa có đủ điều kiện để phân tích, phân loại hoặc không có tài liệu kỹ thuật) để thực hiện kiểm tra hàng hóa bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật và sử dụng kết quả phân tích phân loại, kết quả giám định của các cơ quan này để có kết luận kiểm tra thực tế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định.

3. Xử lý kết quả kiểm tra:

3.1. Trường hợp kết quả kiểm tra xác định không có sự sai lệch về tên hàng, mã số khai báo trên tờ khai hải quan và các thông tin ghi trên các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan với hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu, thì chuyển sang thực hiện kiểm tra mức thuế theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư này;

3.2. Trường hợp kết quả kiểm tra xác định có sự sai lệch về tên hàng, mã số khai báo trên tờ khai hải quan và các thông tin ghi trên các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan với hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan hải quan thực hiện ấn định mã số theo hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu, trên cơ sở đó xác định mức thuế và số tiền thuế phải nộp theo hướng dẫn tại Điều 23 Thông tư số 79/2009/TT-BTC và xử phạt hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật;

3.3. Trường hợp người khai hải quan không nhất trí với kết luận của cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan về tên hàng, mã số hàng hóa thì cùng cơ quan hải quan lựa chọn tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra phục vụ quản lý nhà nước (sau đây gọi tắt là tổ chức kỹ thuật) hoặc cơ quan giám định (đối với trường hợp tổ chức kỹ thuật có văn bản từ chối). Nếu người khai hải quan và cơ quan hải quan không thống nhất được việc lựa chọn tổ chức kỹ thuật hoặc cơ quan giám định, thì cơ quan hải quan lựa chọn tổ chức kỹ thuật hoặc cơ quan giám định.

3.3.1. Kết luận của tổ chức kỹ thuật hoặc cơ quan giám định có giá trị để các bên thực hiện;

3.3.2. Nếu người khai hải quan không đồng ý với kết luận này thì thực hiện khiếu nại theo quy định của pháp luật. Tổ chức kỹ thuật hoặc cơ quan giám định chịu trách nhiệm về kết luận kiểm tra hàng hóa của mình;

3.3.3. Trường hợp cơ quan hải quan không nhất trí hoặc có căn cứ để xác định kết quả kiểm tra hàng hóa của tổ chức kỹ thuật hoặc cơ quan giám định chưa đúng, chưa chính xác thì thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm 9 Thông tư số 44/2001/TT-BKHCNMT ngày 25/7/2001 của Bộ Khoa học Công nghệ và môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) hướng dẫn về hoạt động kiểm tra hàng hóa của các đơn vị sự nghiệp kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước.

Điều 15. Nội dung kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra mức thuế

1. Kiểm tra mức thuế được tiến hành đồng thời với việc kiểm tra thuế theo hướng dẫn tại Khoản 2e Điều 14 Thông tư số 79/2009/TT-BTC.

Khi kiểm tra mức thuế, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra thời điểm đăng ký tờ khai để xác định văn bản quy phạm pháp luật áp dụng, trên cơ sở đó thực hiện kiểm tra:

1.1. Mức thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu;

1.2. Mức thuế nhập khẩu (ưu đãi, ưu đãi đặc biệt, hạn ngạch thuế quan, thuế tuyệt đối), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.

2. Xử lý kết quả kiểm tra mức thuế:

2.1. Trường hợp có cơ sở để xác định việc kê khai của người khai hải quan là đúng thì thực hiện thông quan theo kê khai của người khai hải quan;

2.2. Trường hợp có cơ sở để xác định việc kê khai của người khai hải quan là không đúng thì thực hiện ấn định mức thuế và số tiền thuế phải nộp theo hướng dẫn tại Điều 23 Thông tư số 79/2009/TT-BTC và xử phạt hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

MỤC 4. KIỂM TRA VIỆC PHÂN LOẠI HÀNG HÓA, ÁP DỤNG MỨC THUẾ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA ĐÃ THÔNG QUAN

Điều 16. Nguyên tắc, đối tượng kiểm tra

Cơ quan hải quan áp dụng phương pháp quản lý rủi ro để thực hiện kiểm tra hồ sơ hải quan; các chứng từ, tài liệu khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nơi sản xuất nếu cần thiết và còn điều kiện thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa kiểm tra hồ sơ hoặc chưa kiểm tra thực tế hàng hóa, mức thuế trong quá trình làm thủ tục hải quan.

2. Cơ quan hải quan phát hiện hồ sơ thuế có nội dung cần làm rõ liên quan đến số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, được giảm, được hoàn.

Điều 17. Nội dung, cách thức kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra

Kiểm tra việc phân loại hàng hóa, xác định mã số, mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan được tiến hành như sau:

1. Đối với bộ phận phúc tập tại Chi cục hải quan:

1.1. Kiểm tra hồ sơ hải quan, tên hàng, mã số, mức thuế khai báo và các tài liệu có liên quan đến việc phân loại hàng hóa, xác định mã số, mức thuế của hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện chưa được kiểm tra chi tiết hồ sơ tại khâu thông quan.

1.2. Nội dung kiểm tra, trình tự kiểm tra được thực hiện tương tự theo hướng dẫn tại Điều 13, Điều 14, Điều 15 Thông tư này.

1.3. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các sai phạm về hồ sơ, chứng từ, nguyên tắc và căn cứ phân loại thì không chấp nhận tên hàng khai báo và thực hiện ấn định tên hàng, mã số, mức thuế, số tiền thuế phải nộp theo hướng dẫn tại Điều 23 Thông tư số 79/2009/TT-BTC và xử phạt hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Trường hợp phát hiện có nghi ngờ về hồ sơ hải quan, tên hàng, mã số, mức thuế khai báo nhưng chưa đủ căn cứ kết luận hành vi gian lận thì chuyển các nghi vấn sang bộ phận kiểm tra sau thông quan để tiếp tục xác minh, làm rõ theo quy định về kiểm tra sau thông quan.

2. Đối với bộ phận kiểm tra sau thông quan:

2.1. Trên cơ sở các nghi ngờ về hồ sơ, chứng từ hoặc mức thuế khai báo do bộ phận phúc tập chuyển hoặc qua đánh giá mức độ rủi ro theo mặt hàng, ngành hàng, theo doanh nghiệp nhập khẩu để tổ chức kiểm tra sau thông quan tại cơ quan hải quan hoặc trụ sở của doanh nghiệp.

2.2. Nội dung kiểm tra, trình tự kiểm tra, xử lý kết quả kiểm tra được thực hiện theo hướng dẫn về kiểm tra sau thông quan tại Phần VI Thông tư số 79/2009/TT-BTC.

3. Đối với bộ phận điều tra chống buôn lậu:

Tổ chức, xác minh các vụ việc có dấu hiệu gian lận như: làm giả hồ sơ, chứng từ; móc ngoặc để đồng loạt khai sai tên hàng, khai thấp mức thuế suất do bộ phận kiểm tra sau thông quan chuyển hoặc những vụ việc gian lận nổi cộm, có tính chất hệ thống, phạm vi rộng do lực lượng chống buôn lậu phát hiện.

4. Đối với các lô hàng đã được kiểm tra tại khâu thông quan về phân loại hàng hóa, xác định mức thuế bao gồm cả các trường hợp đã ấn định mã số, mức thuế nhưng qua công tác phúc tập, kiểm tra sau thông quan phát hiện các sai phạm hoặc trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép… lực lượng điều tra chống buôn lậu phát hiện các sai phạm thì vẫn tiến hành xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, thực hiện thu đủ số tiền thuế thiếu, thuế trốn, gian lận và làm rõ trách nhiệm của bộ phận kiểm tra tại khâu thông quan, nếu có sai phạm thì xử lý kỷ luật theo quy định của ngành Hải quan và của pháp luật.

5. Kết quả kiểm tra về phân loại hàng hóa, xác định mức thuế sau khi hàng hóa đã thông quan phải thông báo cho khâu thông quan trong vòng 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày có kết quả kiểm tra để làm cơ sở thu thập, cập nhật Cơ sở dữ liệu.

Chương 3.

PHÂN TÍCH, PHÂN LOẠI VÀ GIÁM ĐỊNH ĐỂ PHÂN LOẠI HÀNG HÓA TRONG KHI LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN

Điều 18. Đối tượng, phân tích, giám định và việc gửi yêu cầu phân tích, giám định để phân loại hàng hóa

1. Đối tượng phân tích, giám định để phân loại hàng hóa là mẫu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi tắt là mẫu hàng hóa).

Cơ quan hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa lấy mẫu hàng hóa gửi Trung tâm Phân tích, phân loại để phân tích, phân loại hoặc gửi cơ quan giám định hoạt động theo quy định của Luật Thương mại để trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 20, Điều 21 Thông tư này.

2. Gửi yêu cầu phân tích, giám định:

2.1. Trung tâm Phân tích, phân loại thuộc Tổng cục Hải quan thực hiện phân tích, phân loại hàng hóa đối với những mặt hàng không phân biệt được bằng mắt thường, phải dùng máy móc, thiết bị kỹ thuật để xác định tên gọi và đặc tính của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

2.2. Các trường hợp phải phân tích, phân loại hàng hóa theo quy định tại Điểm 2.1 Điều này nhưng Trung tâm Phân tích, phân loại thuộc Tổng cục Hải quan chưa có đủ điều kiện để phân tích, phân loại hoặc không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan gửi mẫu hàng hóa đến cơ quan giám định để trưng cầu giám định theo đúng quy định của pháp luật và tham khảo kết quả giám định của các cơ quan này để kết luận kiểm tra hải quan về tên hàng, mã số, mức thuế của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan công bố Danh mục những mặt hàng Trung tâm Phân tích, phân loại chưa đủ điều kiện phân tích, phân loại;

2.3. Các trường hợp gửi yêu cầu phân tích, phân loại hoặc giám định và sử dụng kết quả phân tích, phân loại hoặc giám định trái với quy định tại Điều này thì không có giá trị pháp lý để làm căn cứ phân loại hàng hóa.

Điều 19. Hồ sơ yêu cầu phân tích, phân loại hoặc trưng cầu giám định

1. Hồ sơ yêu cầu phân tích, phân loại:

1.1. Hồ sơ yêu cầu phân tích, phân loại do Chi cục hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa lập, đóng dấu tròn giáp lai của đơn vị, gửi Trung tâm Phân tích, phân loại, gồm:

a) Phiếu yêu cầu phân tích, phân loại kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa (theo mẫu tại Phụ lục 6 kèm theo Thông tư này): lập thành 02 bản chính, đơn vị yêu cầu phân tích, phân loại lưu 01 bản và gửi cho Trung tâm Phân tích, phân loại: 01 bản;

b) Tài liệu kỹ thuật có liên quan: 01 bản sao;

1.2. Ngoài các tài liệu nêu tại khoản 1 Điều này, hồ sơ yêu cầu phân tích, phân loại còn phải có:

a) Tờ khai hải quan của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu yêu cầu phân tích, phân loại. Trường hợp đã kiểm tra thực tế hàng hóa thì phải ghi rõ kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa của kiểm hóa viên: 01 bản sao;

b) Hợp đồng thương mại (phần liên quan đến yêu cầu phân tích): 01 bản sao;

c) Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O): 01 bản sao;

d) Bảng kê danh mục tài liệu của hồ sơ: 01 bản chính.

2. Hồ sơ trưng cầu giám định: Thực hiện theo quy định của văn bản về giám định hàng hóa.

Điều 20. Lấy mẫu, lưu mẫu hàng hóa phục vụ yêu cầu phân tích, phân loại hoặc trưng cầu giám định

1. Mẫu hàng hóa để phân tích, phân loại hoặc trưng cầu giám định phải được lấy từ chính lô hàng được kiểm tra việc phân loại, áp dụng mức thuế. Tổng cục Hải quan quy định cụ thể yêu cầu về mẫu hàng hóa và kỹ thuật lấy mẫu hàng hóa để phân tích, phân loại, trưng cầu giám định.

2. Thủ tục lấy mẫu hàng hóa, lưu mẫu hàng hóa thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư số 79/2009/TT-BTC.

Điều 21. Giao, nhận mẫu hàng hóa và hồ sơ yêu cầu phân tích, phân loại hoặc trưng cầu giám định

1. Cơ quan hải quan yêu cầu phân tích, phân loại hoặc trưng cầu giám định trực tiếp chuyển hoặc gửi qua đường bưu điện, hoặc ủy quyền bằng văn bản cho người khai hải quan chuyển mẫu hàng hóa và hồ sơ yêu cầu phân tích, phân loại hoặc trưng cầu giám định tới Trung tâm Phân tích, phân loại hoặc cơ quan giám định.

2. Khi nhận được mẫu hàng hóa và hồ sơ yêu cầu phân tích, phân loại, Trung tâm Phân tích, phân loại phải lập Phiếu tiếp nhận yêu cầu phân tích, phân loại (theo mẫu tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này). Phiếu tiếp nhận yêu cầu phân tích, phân loại được lập thành 02 bản, Trung tâm Phân tích, phân loại lưu 01 bản, gửi cơ quan hải quan yêu cầu phân tích, phân loại 01 bản.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Trung tâm Phân tích, phân loại phải gửi Phiếu tiếp nhận yêu cầu phân tích, phân loại cho cơ quan hải quan yêu cầu phân tích, phân loại để theo dõi.

3. Trường hợp mẫu hàng hóa và hồ sơ yêu cầu phân tích, phân loại không đáp ứng quy định, Trung tâm Phân tích, phân loại phải thông báo bằng văn bản, trả lại mẫu hàng hóa và hồ sơ trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được. Cơ quan hải quan nơi yêu cầu phân tích, phân loại có trách nhiệm nhận lại hồ sơ và mẫu hàng hóa để bổ sung theo quy định.

Điều 22. Hủy mẫu, trả lại mẫu hàng hóa đã phân tích, phân loại hoặc trưng cầu giám định

1. Hủy mẫu hàng hóa đã phân tích, phân loại:

1.1. Trung tâm Phân tích, phân loại tiến hành thủ tục hủy đối với các mẫu hàng hóa đã hết hạn lưu giữ theo quy định, mẫu hàng hóa dễ gây nguy hiểm, mẫu hàng hóa đã bị biến chất hoặc mẫu hàng hóa không còn khả năng lưu giữ;

1.2. Việc hủy mẫu hàng hóa đã phân tích, phân loại phải có quyết định của Giám đốc Trung tâm Phân tích, phân loại và phải lập biên bản hủy mẫu. Quyết định và biên bản hủy mẫu được lưu theo quy định về lưu giữ hồ sơ.

2. Trả lại mẫu hàng hóa đã phân tích, phân loại:

2.1. Trường hợp người khai hải quan có ghi rõ “yêu cầu trả lại mẫu” trong Phiếu yêu cầu phân tích phân loại đã được lập tại Chi cục Hải quan thì Trung tâm Phân tích, phân loại thực hiện trả lại mẫu cho Chi cục Hải quan hoặc cho người khai hải quan (nếu Chi cục Hải quan nơi yêu cầu phân tích ủy quyền cho người khai hải quan nhận mẫu) đối với những mẫu có khả năng trả lại.

2.2. Giám đốc Trung tâm Phân tích, phân loại quyết định việc trả lại mẫu hàng hóa đang lưu giữ và không chịu trách nhiệm về phẩm chất hàng hóa đối với những mẫu được trả lại do đã chịu tác động của quá trình phân tích mẫu để phân loại.

2.3. Trường hợp trả lại mẫu hàng hóa còn đang trong thời hạn lưu, chủ hàng hóa phải có văn bản cam kết không khiếu nại về kết quả phân tích, phân loại.

2.4. Khi trả lại mẫu hàng hóa, phải lập biên bản trả mẫu (theo mẫu tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư này).

3. Việc trả mẫu hàng hóa đã giám định thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về giám định hàng hóa.

Điều 23. Thông báo kết quả phân tích, phân loại

1. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận mẫu hàng hóa và hồ sơ yêu cầu phân tích, phân loại đủ điều kiện theo quy định của Thông tư này, Trung tâm Phân tích, phân loại phải thông báo bằng văn bản kết quả phân tích, phân loại mẫu hàng hóa đã tiếp nhận (theo mẫu tại Phụ lục 9 kèm theo Thông tư này) cho đơn vị yêu cầu phân tích, phân loại.

Trường hợp mẫu hàng hóa phức tạp hoặc hồ sơ yêu cầu phân tích phân loại có trên 02 mẫu hàng hóa, cần phải có thêm thời gian phân tích, phân loại thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận mẫu hàng hóa và hồ sơ yêu cầu phân tích, phân loại đủ điều kiện theo quy định, Trung tâm Phân tích, phân loại phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan hải quan nơi yêu cầu phân tích, phân loại biết và dự kiến thời gian trả lời kết quả phân tích, phân loại.

2. Thông báo kết quả phân tích, phân loại phải nêu rõ đặc tính, tên gọi và mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

3. Thông báo kết quả phân tích, phân loại do chuyên viên phân tích, phân loại lập, có đóng dấu và chữ ký của Giám đốc Trung tâm Phân tích, phân loại.

Điều 24. Sử dụng kết quả phân tích, phân loại

1. Kết quả phân tích, phân loại do Trung tâm Phân tích, phân loại thông báo là cơ sở để cơ quan hải quan xác định tên gọi, mã số, mức thuế của hàng hóa xuất nhập khẩu. Trung tâm Phân tích, phân loại chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả phân tích, phân loại;

2. Trường hợp cơ quan hải quan nơi yêu cầu phân tích, phân loại có đủ cơ sở xác định mã số hàng hóa do Trung tâm Phân tích, phân loại thông báo chưa đúng với hồ sơ hải quan hoặc thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, thì chậm nhất trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được Kết quả phân tích, phân loại do Trung tâm Phân tích, phân loại thông báo phải có văn bản nêu rõ nội dung, lý do chưa thống nhất gửi Trung tâm Phân tích, phân loại và Cục Hải quan tỉnh, thành phố;

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản nêu rõ nội dung và lý do chưa thống nhất của cơ quan hải quan nơi yêu cầu phân tích, phân loại, Trung tâm Phân tích, phân loại phải có ý kiến trả lời bằng văn bản;

4. Trường hợp Trung tâm Phân tích, phân loại và cơ quan hải quan nơi yêu cầu phân tích, phân loại đã trao đổi ý kiến nhưng chưa thống nhất thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Trung tâm Phân tích, phân loại, Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải có văn bản báo cáo Tổng cục Hải quan nêu rõ ý kiến và lý do chưa thống nhất kèm theo toàn bộ hồ sơ có liên quan;

5. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ báo cáo của Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan phải có văn bản hướng dẫn giải quyết về kết quả phân loại. Trường hợp phức tạp, cần có thời gian trao đổi thêm với các cơ quan có liên quan, Tổng cục Hải quan có thể kéo dài thời hạn hướng dẫn, nhưng tối đa không quá 60 ngày.

Chương 4.

CƠ SỞ DỮ LIỆU

Điều 25. Nội dung, nguồn của Cơ sở dữ liệu

1. Cơ sở dữ liệu gồm:

1.1. Cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa, Biểu thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu;

1.2. Cơ sở dữ liệu về phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

2. Cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa, Biểu thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu gồm:

2.1. Mã số hàng hóa;

2.2. Mô tả tên hàng hóa bằng tiếng Anh, tiếng Việt;

2.3. Đơn vị tính hàng hóa bằng tiếng Anh, tiếng Việt;

2.4. Mức thuế suất của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Cơ sở dữ liệu về phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu gồm:

3.1. Mã số hàng hóa của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi;

3.2. Mô tả tên hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (tùy theo từng loại hàng, ghi rõ tính chất, đặc điểm về cấu tạo, thành phần, nguyên vật liệu cấu thành, chủng loại, công dụng… của hàng hóa);

3.3. Tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

3.4. Thời gian (ngày … tháng … năm…) cập nhật thông tin;

3.5. Hình ảnh hàng hóa (nếu có).

4. Cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa, Biểu thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được hình thành từ:

4.1. Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam;

4.2. Biểu thuế xuất khẩu;

4.3. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, ưu đãi đặc biệt;

4.4. Biểu thuế giá trị gia tăng;

4.5. Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt.

5. Cơ sở dữ liệu về phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế được hình thành từ:

5.1. Bản dịch Cơ sở dữ liệu về phân loại hàng hóa của WCO;

5.2. Kết quả phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế do Tổng cục Hải quan thu thập, cập nhật từ:

5.2.1. Các văn bản giải quyết khiếu nại về phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan;

5.2.2. Các văn bản hướng dẫn về phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan;

5.2.3. Thông báo kết quả phân tích, phân loại của các Trung tâm Phân tích phân loại thuộc Tổng cục Hải quan đã được Tổng cục Hải quan thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu;

5.2.4. Kết quả kiểm tra, thanh tra thuế;

5.2.5. Quyết định phân loại trước.

Điều 26. Cập nhật, thay đổi, sửa chữa nội dung thông tin trong Cơ sở dữ liệu

1. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm cập nhật Cơ sở dữ liệu về phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế.

2. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu được thay đổi, sửa chữa khi thông tin từ nguồn của Cơ sở dữ liệu thay đổi.

3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có thẩm quyền quyết định thay đổi, sửa chữa thông tin do Tổng cục Hải quan cập nhật vào Cơ sở dữ liệu.

4. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định việc cập nhật, thay đổi, sửa chữa Cơ sở dữ liệu.

Điều 27. Khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu

1. Công chức hải quan khi phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế có trách nhiệm khai thác Cơ sở dữ liệu về phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế.

2. Sử dụng Cơ sở dữ liệu:

2.1. Cơ sở dữ liệu là một trong những căn cứ để phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế.

2.2. Khi phân loại hàng hóa, nếu mặt hàng cần phân loại là mặt hàng đã có trong Cơ sở dữ liệu công bố trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan thì phải áp dụng mã số theo Cơ sở dữ liệu; nếu mặt hàng cần phân loại tương tự với mặt hàng đã có trong Cơ sở dữ liệu và không phân loại được theo các quy tắc 1, 2 và 3 thì áp dụng Quy tắc 4 giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam.

Chương 5.

KHIẾU NẠI, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VÀ KHỞI KIỆN

Điều 28. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với kết luận phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế

1. Người khai hải quan không đồng ý với kết luận phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế của cơ quan hải quan thì có quyền khiếu nại;

2. Thời hạn khiếu nại thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

3. Trình tự giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định của pháp luật có liên quan.

4. Trong thời gian giải quyết khiếu nại, người khai hải quan, người nộp thuế phải nộp thuế theo kết luận về phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan hải quan.

Điều 29. Khởi kiện

Người khai hải quan không đồng ý với giải quyết khiếu nại của cơ quan hải quan các cấp thì có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Chương 6.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 30. Trách nhiệm thực hiện

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan căn cứ vào Thông tư này ban hành quy trình thủ tục hải quan về phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; quy chế xây dựng, thu thập, cập nhật Cơ sở dữ liệu và hướng dẫn các đơn vị hải quan thực hiện thống nhất, bảo đảm vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vừa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hải quan.

2. Cơ quan hải quan, người khai hải quan, người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện việc phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế theo đúng quy định hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư này; Trường hợp phát sinh vướng mắc phản ánh về Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để được xem xét, hướng dẫn giải quyết.

Điều 31. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký, thay thế Thông tư số 85/2003/TT-BTC ngày 29 tháng 08 năm 2003 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn trước đây của Bộ Tài chính trái với Thông tư này.

2. Quá trình thực hiện, nếu các văn bản liên quan đề cập tại Thông tư này và các phụ lục kèm theo Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó./.

Nơi nhận:
- VP TW Đảng và các Ban của Đảng;
- VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước, VPCP;
- Viện kiểm sát NDTC, Tòa án NDTC;
- Văn phòng Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Công báo;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Website Bộ Tài chính;
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; Các đơn vị thuộc và trực thuộc TCHQ, Website TCHQ;
- Lưu VT; TCHQ (05)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

PHỤ LỤC 1

(Ban hành kèm theo Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài chính)

NỘI DUNG, CẤU TRÚC DANH MỤC HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU VÀ CÁC BIỂU THUẾ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Phần 1.

NỘI DUNG, CẤU TRÚC DANH MỤC HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VIỆT NAM

1. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo quyết định số 107/2007/QĐ-BTC ngày 25/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính được xây dựng trên cơ sở áp dụng đầy đủ Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới 2007 (viết tắt là Danh mục HS/2007), Biểu thuế quan hài hòa ASEAN 2007/1 (viết tắt là AHTN/2007/1); Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi;

2. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm:

2.1. Các Chú giải bắt buộc (nằm ở đầu các phần, chương của Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam);

2.2. Danh mục hàng hóa chi tiết, gồm 21 Phần, 97 Chương (Chương 77 là chương để dự phòng), các nhóm hàng, phân nhóm hàng và danh mục chi tiết các mặt hàng.

3. Mỗi Chương của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được chia thành 6 cột:

3.1. Cột 1: Mã hàng;

3.2. Cột 2: Mô tả hàng hóa bằng tiếng Việt;

3.3. Cột 3: Đơn vị tính;

3.4. Cột 4: Code (Mã hàng);

3.5. Cột 5: Description (Mô tả hàng hóa bằng tiếng Anh);

3.6. Cột 6: Unit of quantity (Đơn vị tính);

Phần 2.

NỘI DUNG, CẤU TRÚC CÁC BIỂU THUẾ

I. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi

1. Các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi gồm:

1.1. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo tỷ lệ phần trăm:

1.2. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo mức thuế tuyệt đối.

2. Cấu trúc các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi:

2.1. Cấu trúc Biểu thuế ưu đãi theo tỷ lệ phần trăm.

2.1.1. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo tỷ lệ phần trăm được xây dựng dựa trên cơ sở áp dụng đầy đủ Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới 2007 (viết tắt là Danh mục HS/2007), Biểu thuế quan hài hòa ASEAN 2007/1 (viết tắt là AHTN/2007/1), được ban hành kèm theo Thông tư số 216/2009/TT-BTC ngày 12/11/2009 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung Thông tư này.

2.1.2. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo tỷ lệ phần trăm gồm:

a) Các Chú giải bắt buộc (nằm ở đầu các phần, chương);

b) Danh mục Biểu thuế chi tiết gồm 21 Phần, 97 Chương (Chương 77 là chương để dự phòng), các nhóm, phân nhóm và danh mục chi tiết các mặt hàng cấp độ mã hóa 10 chữ số, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định cho từng phân nhóm hàng;

c) Hướng dẫn phân loại đối với một số nhóm mặt hàng trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

2.1.3. Các chương của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi được chia thành 3 cột:

a) Cột 1: Mã hàng. Cột này được chia thành 04 cột nhỏ ghi mã hiệu nhóm hàng (cấp độ mã hóa 04 chữ số)/phân nhóm hàng (cấp độ mã hóa từ 06 chữ số đến 10 chữ số, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa) và được hướng dẫn cụ thể như sau:

(i) Nhóm hàng: Tại mỗi Chương của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có chi tiết thành các nhóm hàng. Mỗi nhóm hàng được mã hóa bằng 4 chữ số.

Ví dụ: Nhóm hàng “Quặng kim loại quý và tinh quặng kim loại quý” được mã hóa bằng mã hiệu 26.16, trong đó hai chữ số dầu (26) là mã hiệu của Chương (Chương thứ 26), hai chữ số sau (16) là mã hiệu xác định vị trí của nhóm đó trong Chương (nhóm thứ 16 của Chương).

(ii) Phân nhóm hàng: mỗi nhóm hàng của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có thể không chi tiết hoặc được chi tiết thành nhiều phân nhóm hàng. Mỗi phân nhóm hàng được mã hóa ở cấp độ 6 chữ số, 8 chữ số, 10 chữ số.

- Phân nhóm hàng 6 chữ số: có hai loại phân nhóm 6 chữ số: Phân nhóm hàng 6 số một gạch (-): là phân nhóm có chữ số cuối cùng là 0 và được ký hiệu bằng 1 gạch (-) ở cột mô tả mặt hàng. Ví dụ: phân nhóm 1 gạch 0101.90, 1901.10, 8703.10 và Phân nhóm hàng 6 chữ số hai gạch (--): là phân nhóm có chữ số cuối cùng là 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và được ký hiệu bằng 2 gạch (--) ở cột mô tả mặt hàng. Ví dụ: phân nhóm 2 gạch 1602.32, 2101.11, 2839.19.

- Phân nhóm hàng 8 chữ số: mỗi phân nhóm hàng 6 chữ số có thể không chi tiết hoặc được chi tiết thành nhiều phân nhóm hàng 8 chữ số. Tùy theo cách thức, mức độ chi tiết, có phân nhóm hàng 8 chữ số không có gạch ( ), một gạch (-), hai gạch (--), ba gạch (---), bốn gạch (----), 5 gạch (-----). Ví dụ: phân nhóm hàng 8 chữ số 5 gạch (8704.32.81: “----- Xe đông lạnh”.)

- Phân nhóm hàng 10 chữ số hoặc 12 chữ số: mỗi phân nhóm hàng 8 chữ số có thể không chi tiết hoặc được chi tiết thành nhiều phân nhóm hàng cấp độ 10 hoặc 12 chữ số. Tùy theo cách thức, mức độ chi tiết, có các loại phân nhóm hàng cấp độ 10 hoặc 12 chữ số không gạch ( ), một gạch (-), hai gạch (--), ba gạch (---), bốn gạch (----), 5 gạch (-----), 6 gạch (------). Ví dụ: phân nhóm cấp độ 10 chữ số 6 gạch (8704.32.81.10: “------ Loại có tổng trọng lượng tối đa trên 45 tấn”).

b) Cột 2: Mô tả hàng hóa;

c) Cột 3: Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo tỷ lệ phần trăm áp dụng cho nhóm hàng, phân nhóm hàng tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa.

Chú ý: Mặt hàng bộ linh kiện CKD của ô tô thuộc các nhóm 87.02, 87.03, 87.04 (ký hiệu bằng dấu ** tại cột thuế suất trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi), tại cột 3 không quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi cho bộ linh kiện CKD mà thực hiện tính thuế theo từng linh kiện, phụ tùng theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 216/2009/TT-BTC ngày 12/11/2009 của Bộ Tài chính.

2.2. Cấu trúc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo mức thuế tuyệt đối

2.2.1. Biểu thuế nhập khẩu theo mức thuế tuyệt đối không bao gồm các Chú giải bắt buộc; không ghi đầy đủ 21 Phần, 97 Chương, các nhóm, phân nhóm và Danh mục hàng hóa chi tiết như Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi nêu tại Mục I Phần 2 Phụ lục này; chỉ ghi tên mặt hàng thuộc nhóm hàng áp dụng thuế tuyệt đối.

2.2.2. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo mức thuế tuyệt đối được chia thành 4 cột:

a) Cột 1: Mô tả mặt hàng;

b) Cột 2: Thuộc nhóm mã số trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (Mã hiệu nhóm hàng HS);

c) Cột 3: Đơn vị tính;

d) Cột 4: Mức thuế nhập khẩu tuyệt đối (số tiền thuế nhập khẩu phải nộp) quy định cho đơn vị mặt hàng thuộc nhóm hàng được ghi cụ thể tên tại cột 1.

II. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo tỷ lệ phần trăm đối với hàng hóa nằm ngoài hạn ngạch thuế quan (sau đây gọi tắt là Biểu thuế nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan)

2.2.1. Biểu thuế nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hiện hành là Biểu thuế ban hành kèm theo Thông tư 188/2009/TT-BTC ngày 29/9/2009 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư này.

2.2.2. Biểu thuế nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan không bao gồm các Chú giải bắt buộc; không ghi đầy đủ 21 Phần, 97 Chương, các nhóm, phân nhóm và danh mục chi tiết các mặt hàng như Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi nêu tại Mục I Phần 2 Phụ lục này.

2.2.3. Biểu thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nằm ngoài hạn ngạch thuế quan được chia thành 3 cột:

a) Cột 1: Mã hàng. Cột này được chia thành 04 cột nhỏ ghi mã hiệu nhóm hàng (cấp độ mã hóa 04 chữ số)/phân nhóm hàng (cấp độ mã hóa từ 06 chữ số đến 10 chữ số, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa);

b) Cột 2: Mô tả hàng hóa;

c) Cột 3: Thuế suất ngoài hạn ngạch theo lộ trình từng giai đoạn.

III. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt

1. Các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt

1.1. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là Biểu thuế để thực hiện các cam kết của Việt Nam với nước/khối nước/vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế với Việt Nam.

1.2. Để thực hiện cam kết của Việt Nam với nước/khối nước/vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế với Việt Nam, Bộ Tài chính đã và sẽ ban hành một số Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, ví dụ như:

1.2.1. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN giai đoạn 2008 - 2013;

1.2.2. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2009 - 2011;

1.2.3. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2009 - 2011;

1.2.4. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2008 - 2012;

1.2.5. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Úc - Niu Di-lân giai đoạn 2010 - 2012;

1.2.6. Danh mục hàng hóa nhập khẩu giảm 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CEPT của các nước ASEAN giai đoạn 2008 - 2013 đối với hàng hóa có xuất xứ từ Lào;

1.2.7. Danh mục hàng hóa không được giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo chương trình ưu đãi Việt - Lào;

1.2.8. Danh mục hàng nông sản có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% (không phần trăm);

1.2.9. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2009 - 2012.

2. Cấu trúc các Biểu thuế ưu đãi đặc biệt

2.1. Các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt không bao gồm các Chú giải bắt buộc; không ghi đầy đủ 21 Phần, 97 Chương, các nhóm, phân nhóm và danh mục chi tiết các mặt hàng như Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

2.2. Tùy theo mức độ cam kết/loại hàng hóa cam kết, cấu trúc của các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt có thể khác nhau:

2.2.1. Có Biểu đưa hoặc có Biểu không đưa ra mốc thời gian và/hoặc lộ trình thực hiện mức thuế suất;

2.2.2. Có Biểu đưa hoặc có Biểu không đưa ra mức thuế suất cụ thể cho từng nhóm, phân nhóm hàng mà áp dụng mức cắt giảm thuế suất chung cho toàn bộ hàng hóa trong Biểu.

2.2.3. Có Biểu ghi đầy đủ hoặc có Biểu không ghi đầy đủ các nhóm, phân nhóm hàng như Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Những nhóm, phân nhóm hàng không có trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là những nhóm, phân nhóm hàng không thuộc danh mục cắt giảm thuế, do đó áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

2.2.4. Số lượng các cột có thể khác nhau để phù hợp với quy định của từng thỏa thuận:

2.2.4.1. Đối với các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đã ban hành:

a) Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của các nước ASEAN giai đoạn 2008 - 2013 gồm:

- Cột 1: Mã hàng. Cột này được chia thành 03 cột nhỏ ghi mã hiệu nhóm hàng (cấp độ mã hóa 04 chữ số)/phân nhóm hàng (cấp độ mã hóa từ 06 chữ số đến 08 chữ số, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa);

- Cột 2: Mô tả hàng hóa;

- Cột 3: Mức thuế suất CEPT (%). Cột này được chia thành nhiều cột nhỏ ghi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng cho từng năm để áp dụng cho nhóm/phân nhóm hàng, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa.

b) Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2009 - 2011 gồm:

- Cột 1: Mã hàng. Cột này được chia thành 04 cột nhỏ ghi mã hiệu nhóm hàng (cấp độ mã hóa 04 chữ số)/phân nhóm hàng (cấp độ mã hóa từ 06 chữ số đến 10 chữ số, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa);

- Cột 2: Mô tả hàng hóa;

- Cột 3: Thuế suất ACFTA (%). Cột này được chia thành nhiều cột nhỏ ghi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng cho từng năm để áp dụng cho nhóm hàng/phân nhóm hàng, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa;

- Cột 4: Nước không được hưởng ưu đãi. Ghi nước/vùng lãnh thổ không được hưởng mức thuế suất ACFTA.

c) Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) giai đoạn 2009 - 2011 gồm:

- Cột 1: Mã hàng. Cột này được chia thành 04 cột nhỏ ghi mã hiệu nhóm hàng (cấp độ mã hóa 04 chữ số)/phân nhóm hàng (cấp độ mã hóa từ 06 chữ số đến 10 chữ số, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa);

- Cột 2: Mô tả hàng hóa;

- Cột 3: Thuế suất AKFTA (%). Cột này được chia thành nhiều cột nhỏ ghi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng cho từng năm để áp dụng cho nhóm hàng/phân nhóm hàng, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa;

- Cột 4: Nước không được hưởng ưu đãi. Ghi nước/vùng lãnh thổ không được hưởng mức thuế suất AKFTA;

- Cột 5: GIC. GIC là những hàng hóa sản xuất tại Khu công nghiệp Khai Thành thuộc lãnh thổ Bắc Triều Tiên, được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt AKFTA của Việt Nam nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Quyết định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Hàn Quốc.

d) Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) giai đoạn 2008 - 2012 gồm:

- Cột 1: Mã hàng hóa. Cột này được chia thành 05 cột nhỏ ghi mã hiệu nhóm hàng (cấp độ mã hóa 04 chữ số)/phân nhóm hàng (cấp độ mã hóa từ 06 chữ số đến 12 chữ số, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa);

- Cột 2: Mô tả hàng hóa;

- Cột 3: Thuế suất AJCEP (%). Cột này được chia thành nhiều cột nhỏ ghi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng cho từng giai đoạn để áp dụng cho nhóm hàng/phân nhóm hàng, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa.

đ) Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Úc-Niu Di-lân (AANZFTA) giai đoạn 2010 - 2012 gồm:

- Cột 1: Mã hàng hóa. Cột này được chia thành 04 cột nhỏ ghi mã hiệu nhóm hàng (cấp độ mã hóa 04 chữ số)/phân nhóm hàng (cấp độ mã hóa từ 06 chữ số đến 10 chữ số, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa);

- Cột 2: Mô tả hàng hóa;

- Cột 3: Thuế suất AANZFTA (%). Cột này được chia thành nhiều cột nhỏ ghi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng cho từng năm để áp dụng cho nhóm hàng/phân nhóm hàng, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa;

e) Danh mục hàng hóa nhập khẩu giảm 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CEPT của các nước ASEAN giai đoạn 2008 - 2013 đối với hàng hóa có xuất xứ từ Lào gồm:

- Cột 1: Mã hàng. Cột này ghi mã hiệu nhóm hàng (cấp độ mã hóa 04 chữ số)/phân nhóm hàng (cấp độ mã hóa 10 chữ số);

- Cột 2: Mô tả hàng hóa;

Những hàng hóa được mô tả tại cột 2 là những mặt hàng được giảm 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CEPT.

g) Danh mục hàng hóa không được giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo chương trình ưu đãi Việt - Lào gồm:

- Cột 1: Mã hàng. Cột này ghi mã hiệu nhóm hàng (cấp độ mã hóa 04 chữ số)/phân nhóm hàng (cấp độ mã hóa 10 chữ số);

- Cột 2: Mô tả hàng hóa;

Những hàng hóa được mô tả tại cột 2 là những mặt hàng không được giảm thuế nhập khẩu ưu đãi.

h) Danh mục hàng nông sản có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% (không phần trăm) gồm:

- Cột 1: Mã HS. Cột này ghi mã hiệu nhóm hàng (cấp độ mã hóa 04 chữ số)/phân nhóm hàng (cấp độ mã hóa từ 06 chữ số đến 10 chữ số, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa);

- Cột 2: Mô tả hàng hóa;

Những hàng hóa được mô tả tại cột 2 là những mặt hàng được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% (không phần trăm).

j) Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) giai đoạn 2009 - 2012 gồm:

- Cột 1: Mã hàng hóa. Cột này được chia thành 05 cột nhỏ ghi mã hiệu nhóm hàng (cấp độ mã hóa 04 chữ số)/phân nhóm hàng (cấp độ mã hóa từ 06 chữ số đến 12 chữ số, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa);

- Cột 2: Mô tả hàng hóa;

- Cột 3: Thuế suất VJEPA (%). Cột này được chia thành nhiều cột nhỏ ghi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng cho từng giai đoạn để áp dụng cho nhóm hàng/phân nhóm hàng, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa.

2.2.4.1. Đối với các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt chưa ban hành: Việc hướng dẫn các cột của các Biểu thuế này sẽ được hướng dẫn trong các văn bản quy định về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

IV. Biểu thuế xuất khẩu

1. Các loại Biểu thuế xuất khẩu:

1.1. Biểu thuế xuất khẩu (theo tỷ lệ phần trăm) được ban hành kèm theo Thông tư số 216/2009/TT-BTC ngày 12/11/2009 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung Thông tư này;

1.2. Biểu thuế xuất khẩu theo mức thuế tuyệt đối (sau đây gọi tắt là Biểu thuế xuất khẩu tuyệt đối) hiện hành là Biểu thuế xuất khẩu tuyệt đối áp dụng cho các mặt hàng quặng Barite (thuộc phân nhóm 2511.10.00.00 và 2511.20.00.00) và Apatit (thuộc phân nhóm 2510.10.10.00 và 2510.20.10.00) ban hành kèm theo Quyết định số 129/2008/QĐ-TTg ngày 19/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Cấu trúc:

2.1. Cấu trúc Biểu thuế xuất khẩu theo tỷ lệ phần trăm:

2.1.1. Biểu thuế xuất khẩu theo tỷ lệ phần trăm không bao gồm các Chú giải bắt buộc; không ghi đầy đủ 21 Phần, 97 Chương, các nhóm, phân nhóm và danh mục chi tiết các mặt hàng như Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo tỷ lệ phần trăm.

2.1.2. Biểu thuế xuất khẩu theo tỷ lệ phần trăm được chia thành 4 cột:

- Cột 1: Số thứ tự. Ghi số thứ tự của nhóm mặt hàng chịu thuế xuất khẩu.

- Cột 2: Mô tả hàng hóa.

- Cột 3. Thuộc các nhóm, phân nhóm. Cột này được chia thành 04 cột nhỏ ghi mã hiệu nhóm hàng (cấp độ mã hóa 04 chữ số)/phân nhóm hàng (cấp độ mã hóa từ 06 chữ số đến 10 chữ số, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa);

- Cột 4: Thuế suất (%). Mức thuế suất thuế xuất khẩu để áp dụng cho nhóm hàng/phân nhóm hàng, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa.

2.1.3. Những nhóm, phân nhóm hàng không ghi trong Biểu thuế xuất khẩu là những nhóm, phân nhóm hàng có thuế suất thuế xuất khẩu 0% (không phần trăm).

2.2. Cấu trúc Biểu thuế xuất khẩu tuyệt đối: Biểu thuế xuất khẩu tuyệt đối được chia thành 03 cột

- Cột 1: Số thứ tự. Ghi số thứ tự mức giá xuất khẩu và mức thuế tuyệt đối.

- Cột 2: Giá xuất khẩu (USD/tấn).

- Cột 3: Mức thuế tuyệt đối (USD/tấn). Ghi mức thuế xuất khẩu tuyệt đối tương ứng với từng mức giá xuất khẩu.

V. Biểu thuế giá trị gia tăng

1. Biểu thuế giá trị gia tăng ban hành kèm theo Thông tư số 131/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung Thông tư này.

2. Cấu trúc Biểu thuế giá trị gia tăng:

2.1. Biểu thuế giá trị gia tăng không bao gồm các Chú giải bắt buộc như Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo tỷ lệ phần trăm.

2.2. Biểu thuế giá trị gia tăng được chia thành 3 cột:

- Cột 1: Mã hàng. Cột này được chia thành 04 cột nhỏ ghi mã hiệu nhóm hàng (cấp độ mã hóa 04 chữ số)/phân nhóm hàng (cấp độ mã hóa từ 06 chữ số đến 10 chữ số, tùy theo mức độ chi tiết của hàng hóa);

- Cột 2: Mô tả hàng hóa;

- Cột 3: Thuế suất (%).

Một số dòng thuế của Biểu thuế giá trị gia tăng, tại cột 3 không ghi mức thuế suất cụ thể mà chỉ ghi dấu (*) hoặc (*,5) hoặc (*,10). Một số nhóm hàng, phân nhóm hàng có ghi dòng “Riêng cho nhóm/phân nhóm hàng tại cột mô tả tên và mức thuế suất cho dòng “Riêng”. Cách ghi này được hiểu như sau:

a) Dấu (*): nhóm/phân nhóm hàng đó thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng;

b) Dấu (*,5): nhóm/phân nhóm hàng đó vừa có loại thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng vừa có loại thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5%.

c) Dấu (*,10): nhóm/phân nhóm hàng đó vừa có loại thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng vừa có loại thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%;

2.3. Dòng “Riêng…” và mức thuế suất cho dòng “Riêng…”: áp dụng mức thuế suất ghi cho dòng “Riêng…” đối với:

- Hàng hóa thuộc nhóm hàng (nếu ghi “Riêng…” cho nhóm hàng);

- Hàng hóa thuộc phân nhóm hàng (nếu ghi “Riêng…” cho phân nhóm hàng).

VI. Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt

1. Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại Điều 7 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 ngày 14/11/2008.

2. Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm 11 nhóm mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế.

3. Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt được chia thành 3 cột:

- Cột 1: Số thứ tự;

- Cột 2: Hàng hóa, dịch vụ. Mô tả nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;

- Cột 3: Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ phần trăm, áp dụng cho mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

PHỤ LỤC 2

(Ban hành kèm theo Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài chính)

SÁU QUI TẮC TỔNG QUÁT

Giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam

Việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam phải tuân theo các qui tắc sau:

Qui tắc 1:

Tên của các phần, của chương hoặc của phân chương được đưa ra chỉ nhằm mục đích dễ tra cứu. Để đảm bảo tính pháp lý, việc phân loại hàng hóa phải được xác định theo nội dung của từng nhóm và bất cứ chú giải của các phần, chương liên quan và theo các qui tắc dưới đây nếu các nhóm hoặc các chú giải đó không có yêu cầu nào khác.

Chú giải qui tắc 1:

(I) Hàng hóa là đối tượng của thương mại quốc tế được sắp xếp một cách có hệ thống trong Danh mục của Hệ thống hài hòa theo các phần, chương và phân chương. Tên của phần, chương và phân chương được ghi ngắn gọn, súc tích để chỉ ra loại hoặc chủng loại hàng hóa được xếp trong đó. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp vì sự đa dạng của chủng loại và số lượng hàng hóa nên tên các phần, chương và phân chương không thể bao trùm hết toàn bộ hoặc liệt kê hết các hàng hóa trong đề mục đó.

(II) Ngay đầu qui tắc 1 quy định rằng những tên đề mục “chỉ nhằm mục đích dễ tra cứu”. Điều đó có nghĩa là tên các phần, chương và phân chương không có giá trị pháp lý trong việc phân loại hàng hóa.

(III) Phần thứ hai của qui tắc này quy định rằng việc phân loại hàng hóa được xác định theo:

(a) Nội dung của nhóm hàng và bất cứ chú giải phần hoặc chương nào có liên quan, và

(b) Các qui tắc 2, 3, 4 và 5 khi nội dung nhóm hàng hoặc các chú giải không có yêu cầu nào khác.

(IV) Rất nhiều hàng hóa có thể được phân loại trong Danh mục mà không cần xem xét thêm bất cứ qui tắc giải thích nào, nghĩa là chúng đã thể hiện rõ ràng theo chú giải qui tắc 1 nêu tại mục (III) (a). Ví dụ: Ngựa sống (nhóm 01.01), dược phẩm được nêu cụ thể trong chú giải 4 của chương 30 (nhóm 30.06)

(V) Trong chú giải qui tắc 1 phần (III) (b) có nêu “khi nội dung nhóm hàng hoặc các chú giải không có yêu cầu nào khác” là nhằm khẳng định rằng nội dung của nhóm hàng và bất kỳ chú giải phần hoặc chương nào có liên quan có giá trị tối cao, nghĩa là chúng phải được xem xét trước tiên khi phân loại.

Ví dụ: Ở chương 31, các chú giải nêu rằng các nhóm nhất định chỉ liên quan đến những hàng hóa nhất định. Vì vậy, những nhóm hàng đó không được mở rộng cho những mặt hàng khác bằng việc áp dụng qui tắc 2 (b).

Qui tắc 2:

a) Một mặt hàng được phân loại trong một nhóm hàng, thì những mặt hàng đó ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện nhưng đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện cũng thuộc nhóm đó. Cũng phân loại như vậy đối với hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện hoặc đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện nhưng chưa lắp ráp hoặc tháo rời.

b) Nếu một nguyên liệu, một chất được phân loại trong một nhóm nào đó thì hỗn hợp hay hợp chất của nguyên liệu hoặc chất đó với những nguyên liệu hoặc chất khác cũng thuộc nhóm đó. Hàng hóa làm toàn bộ bằng một loại nguyên liệu hay một chất, hoặc làm một phần bằng nguyên liệu hay chất đó được loại trong cùng nhóm. Việc phân loại những hàng hóa làm bằng hai loại nguyên liệu hay hai chất trở lên phải tuân theo qui tắc 3.

Chú giải qui tắc 2:

Chú giải qui tắc 2(a):

(Các mặt hàng ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện)

(I) Phần đầu của qui tắc 2(a) đã mở rộng phạm vi của một số nhóm hàng đặc thù không chỉ bao gồm hàng hóa hoàn chỉnh mà còn bao gồm cả hàng hóa ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện, với điều kiện chúng có những đặc trưng cơ bản của hàng đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện.

(II) Nội dung của qui tắc này cũng được mở rộng áp dụng cho phôi đã có hình phác của sản phẩm hoàn chỉnh. Thuật ngữ “phôi đã có hình phác của sản phẩm hoàn chỉnh” có nghĩa là những loại hàng chưa sử dụng trực tiếp ngay được, đã có hình dạng hoặc đường nét bên ngoài gần giống với sản phẩm hoặc bộ phận hoàn chỉnh, được sử dụng (trừ những trường hợp ngoại lệ) để hoàn thiện thành những sản phẩm hoặc bộ phận hoàn chỉnh.

Các hàng hóa là bán sản phẩm chưa có hình dạng cơ bản của sản phẩm hoàn thiện (như thanh, đĩa, ống, v.v…) không được coi là “phôi đã có hình phác của sản phẩm hoàn chỉnh”.

(III) Qui tắc 2(a) thường không áp dụng cho các sản phẩm thuộc các nhóm của phần I đến phần IV (chương 1 đến chương 24).

(IV) Các trường hợp áp dụng qui tắc này được thể hiện trong các chú giải chung của phần hoặc chương (ví dụ: phần XVI, và chương 61, 62, 86, 87 và 90).

Chú giải qui tắc 2(a):

(Các mặt hàng ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời)

(V) Phần thứ hai của qui tắc 2(a) quy định rằng hàng hóa hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện nhưng ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời được phân loại chung một nhóm với hàng hóa đã lắp ráp. Hàng hóa ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời thường do yêu cầu đóng gói, bảo quản hoặc vận chuyển.

(VI) Qui tắc này cũng được áp dụng cho hàng hóa chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện, ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời nhưng với điều kiện là đã được coi như sản phẩm hoàn chỉnh do có những đặc tính như quy định trong phần đầu của qui tắc này.

(VII) Theo mục đích của qui tắc này, “hàng hóa ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời” có nghĩa là các bộ phận cấu thành hàng hóa phù hợp để lắp ráp được với nhau bằng những thiết bị đơn giản (vít, bu-lông, ê-cu, v.v…), có thể bằng đinh tán hoặc hàn, với điều kiện những hoạt động này chỉ đơn thuần là lắp ráp.

Không tính đến sự phức tạp của phương pháp lắp ráp. Tuy nhiên, các bộ phận cấu thành sẽ không được trải qua bất cứ quá trình gia công thêm nào để sản phẩm trở thành dạng hoàn thiện.

Những cấu kiện chưa lắp ráp nhưng là số dư thừa theo yêu cầu để hoàn thiện sản phẩm thì được phân loại riêng.

(VIII) Các trường hợp áp dụng qui tắc này được thể hiện trong các chú giải chung của phần hoặc chương (ví dụ: phần XVI, và chương 44, 86, 87, và 89).

(IX) Qui tắc 2(a) thường không áp dụng cho các sản phẩm thuộc các nhóm của phần I đến phần VI (chương 1 đến chương 38).

Ghi chú: Để việc áp dụng qui tắc này được phù hợp thực tế, tránh gian lận thương mại, việc áp dụng qui tắc này thống nhất thực hiện như sau:

Hàng hóa ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời phải thực hiện phân loại theo đúng qui tắc này như đã nêu ở trên nhưng khi làm thủ tục hải quan cơ quan hải quan và người khai hải quan chưa đủ cơ sở để phân loại vào cùng nhóm mã số với mặt hàng nguyên chiếc như quy định của qui tắc này nên đã tạm thời phân loại theo từng linh kiện, thì định kỳ mỗi năm 1 lần, chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 của năm sau, chi cục hải quan nơi làm thủ tục sẽ kiểm tra việc sử dụng số linh kiện đã nhập khẩu của năm trước và xử lý theo nguyên tắc:

a) Nếu người nộp thuế sử dụng một phần linh kiện nhập khẩu và xuất trình được chứng từ mua vật tư, nguyên liệu để tự sản xuất linh kiện hoặc chứng từ mua linh kiện của cơ sở sản xuất linh kiện trong nước phục vụ cho việc lắp ráp sản phẩm, thì phân loại theo từng linh kiện;

b) Nếu người nộp thuế sử dụng toàn bộ linh kiện nhập khẩu (bao gồm cả linh kiện mua của đơn vị khác nhập khẩu) hoặc sử dụng linh kiện dạng đã lắp liên kết các cụm linh kiện vào với nhau từ nước ngoài, thì phân loại theo mặt hàng nguyên chiếc;

c) Các trường hợp sử dụng hoặc bán cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng số linh kiện nhập khẩu để làm phụ tùng thay thế thì phân loại theo từng linh kiện.

Chú giải qui tắc 2(b):

(Hỗn hợp và hợp chất của các nguyên liệu hoặc các chất)

(X) Qui tắc 2(b) liên quan đến hỗn hợp và hợp chất của các nguyên liệu hoặc các chất, và hàng hóa cấu tạo từ hai hay nhiều nguyên liệu hoặc chất. Những nhóm mà qui tắc này đề cập tới là những nhóm có liên quan đến nguyên liệu hoặc chất (ví dụ: nhóm 05.03: lông ngựa), và các nhóm có liên quan đến những hàng hóa được cấu tạo từ nguyên liệu hoặc chất nhất định (ví dụ: nhóm 45.03: các sản phẩm bằng lie tự nhiên). Lưu ý rằng chỉ áp dụng qui tắc này khi nội dung của nhóm hoặc các chú giải phần hoặc chương không có yêu cầu khác (ví dụ: nhóm 15.03: dầu mỡ lợn, chưa pha trộn).

Những sản phẩm pha trộn được mô tả trong chú giải phần hoặc chương hoặc trong nội dung của nhóm thì phải được phân loại theo qui tắc 1.

(XI) Tác dụng của qui tắc 2 là mở rộng phạm vi của các nhóm hàng có liên quan đến các nguyên liệu hoặc các chất kể cả hỗn hợp hoặc hợp chất của các nguyên liệu hoặc chất đó với các nguyên liệu hoặc chất khác. Qui tắc này cũng mở rộng phạm vi của các nhóm hàng liên quan đến những hàng hóa cấu tạo từ các nguyên liệu hoặc các chất nhất định kể cả hàng hóa cấu tạo từ một phần nguyên liệu hoặc chất đó.

(XII) Tuy nhiên, qui tắc này không mở rộng đến mức làm cho các nhóm có thể bao gồm những hàng hóa không thể đáp ứng được theo yêu cầu của qui tắc 1; đó là trường hợp khi thêm vào một nguyên liệu hoặc chất khác làm mất đi đặc tính của hàng hóa được nêu trong nội dung của nhóm.

(XIII) Theo qui tắc này, những hỗn hợp và hợp chất của các nguyên liệu hoặc các chất, và hàng hóa cấu tạo từ hai hay nhiều nguyên liệu hoặc chất, nếu thoạt nhìn qua có thể phân loại vào hai hay nhiều nhóm, thì phải được phân loại theo qui tắc 3.

Qui tắc 3:

Khi áp dụng qui tắc 2(b) hoặc vì bất cứ một lý do nào khác, hàng hóa thoạt nhìn có thể phân loại vào hai hay nhiều nhóm, thì sẽ phân loại như sau:

a) Hàng hóa được phân loại vào nhóm có mô tả cụ thể, mang tính đặc trưng cơ bản nhất sẽ phù hợp hơn xếp vào nhóm có mô tả khái quát. Tuy nhiên, khi hai hay nhiều nhóm mà mỗi nhóm chỉ liên quan đến một phần của nguyên liệu hoặc chất chứa trong hàng hóa là hỗn hợp hay hợp chất, hoặc chỉ liên quan đến một phần của hàng hóa trong trường hợp hàng hóa đó ở dạng bộ được đóng gói để bán lẻ, thì những nhóm này được coi như thể hiện đặc trưng ngang nhau về những hàng hóa nói trên, ngay cả khi một trong số các nhóm đó có mô tả đầy đủ hơn hoặc chính xác hơn về những hàng hóa đó.

b) Những hàng hóa hỗn hợp bao gồm nhiều nguyên liệu khác nhau hoặc những hàng hóa được làm từ nhiều bộ phận cấu thành khác nhau, và những hàng hóa ở dạng bộ để bán lẻ, nếu không phân loại được theo qui tắc 3(a), thì phân loại theo nguyên liệu hoặc bộ phận cấu thành tạo ra đặc tính cơ bản của chúng.

c) Khi hàng hóa không thể phân loại theo qui tắc 3(a) hoặc 3(b) nêu trên thì phân loại vào nhóm cuối cùng theo thứ tự đánh số trong số các nhóm tương đương được xem xét.

Chú giải qui tắc 3:

(I) Qui tắc này nêu lên 3 cách phân loại những hàng hóa mà thoạt nhìn có thể xếp vào hai hay nhiều nhóm khác nhau khi áp dụng qui tắc 2(b) hoặc trong những trường hợp khác. Những cách này được áp dụng theo thứ tự được trình bày trong qui tắc. Như vậy, qui tắc 3(b) chỉ được áp dụng khi không phân loại được theo qui tắc 3(a), và chỉ áp dụng qui tắc 3(c) khi không phân loại được theo qui tắc 3(a) và 3(b). Khi phân loại phải tuân theo thứ tự như sau: a) nhóm hàng có mô tả cụ thể đặc trưng nhất; b) đặc tính cơ bản; c) nhóm được xếp cuối cùng theo thứ tự đánh số.

(II) Qui tắc này chỉ được áp dụng khi nội dung các nhóm, chú giải của phần hoặc chương không có yêu cầu nào khác. Ví dụ: chú giải 4(b) chương 97 yêu cầu rằng nếu hàng hóa đồng thời vừa có trong mô tả của một trong các nhóm từ 97.01 đến 97.05, vừa đúng như mô tả của nhóm 97.06 thì được phân loại vào một trong các nhóm đứng trước nhóm 97.06. Trong trường hợp này hàng hóa được phân loại theo chú giải 4(b) chương 97 và không tuân theo qui tắc 3.

Chú giải qui tắc 3(a):

(III) Cách phân loại thứ nhất được trình bày trong qui tắc 3(a): nhóm mô tả cụ thể đặc trưng nhất được ưu tiên hơn nhóm có mô tả khái quát.

(IV) Không thể đặt ra những qui tắc cứng nhắc để xác định một nhóm hàng này mô tả hàng hóa một cách đặc trưng hơn một nhóm hàng khác, nhưng có thể nói tổng quát rằng:

a) Một nhóm hàng chỉ đích danh một mặt hàng cụ thể thì đặc trưng hơn nhóm hàng mô tả một họ các mặt hàng.

Ví dụ: Máy cạo râu và tông đơ có lắp động cơ điện được phân vào nhóm 85.10 mà không phải trong nhóm 84.67 là nhóm các dụng cụ cầm tay có lắp động cơ điện hoặc vào nhóm 85.09 là các thiết bị cơ điện gia dụng có lắp động cơ điện.

b) Một nhóm nào đó được coi như đặc trưng hơn trong số các nhóm có thể phân loại cho một mặt hàng nhập khẩu là khi nhóm đó xác định rõ hơn và kèm theo mô tả mặt hàng cụ thể, đầy đủ hơn các nhóm khác.

Các ví dụ:

Ví dụ 1: Mặt hàng thảm dệt móc và dệt kim được sử dụng trong xe ôtô, tấm thảm này có thể được phân loại như phụ tùng của xe ô tô thuộc nhóm 87.08, nhưng trong nhóm 57.03 chúng lại được mô tả một cách đặc trưng như những tấm thảm. Do vậy, mặt hàng này được phân loại vào nhóm 57.03.

Ví dụ 2: Mặt hàng kính an toàn chưa có khung, làm bằng thủy tinh dai bền và cán mỏng, đã tạo hình và được sử dụng trên máy bay, có thể được phân loại trong nhóm 88.03 như những bộ phận của hàng hóa thuộc nhóm 88.01 hoặc 88.02 nhưng lại được phân loại trong nhóm 70.07 - nơi hàng hóa được mô tả đặc trưng như loại hàng kính an toàn.

(V) Tuy nhiên, khi hai hay nhiều nhóm mà mỗi nhóm chỉ liên quan đến một phần những nguyên liệu hoặc chất cấu thành sản phẩm hỗn hợp hoặc hợp chất, hoặc chỉ liên quan đến một phần trong bộ đóng gói để bán lẻ, thì những nhóm đó được coi là cùng phản ánh tương đương đặc trưng của những hàng hóa trên, ngay cả khi một trong số các nhóm ấy có mô tả chính xác hoặc đầy đủ hơn về những hàng hóa đó. Trong trường hợp này, phân loại hàng hóa áp dụng qui tắc 3(b) hoặc 3(c).

Ví dụ: Mặt hàng băng tải có một mặt là plastic còn mặt kia là cao su; có thể xếp vào hai nhóm:

Nhóm 39.26: “Các sản phẩm khác bằng plastic…”

Nhóm 40.10: “Băng chuyền hoặc băng tải…., bằng cao su lưu hóa”

Nếu so sánh hai mô tả này, nhóm 40.10 thể hiện tính đặc thù hơn nhóm 39.26, vì nhóm 40.10 có từ “băng tải” trong nhóm 39.26 lại không ghi rõ từ “băng tải”, và như vậy có thể xem xét phân loại sản phẩm trên vào nhóm 40.10 theo qui tắc 3(a). Nhưng trong trường hợp này, không thể quyết định phân loại vào nhóm 40.10 theo qui tắc 3(a), vì mô tả của nhóm 40.10 là sản phẩm bằng cao su, chỉ liên quan đến một phần sản phẩm băng tải nói trên. Như vậy, theo qui tắc 3(a) hai nhóm 39.26 và 40.10 mang tính đặc trưng như nhau, mặc dù nhóm 40.10 có mô tả đầy đủ hơn. Do đó, chúng ta không thể quyết định phân loại vào nhóm nào được, mà chúng ta phải áp dụng qui tắc 3(b) hoặc 3(c) để phân loại.

Chú giải qui tắc 3(b):

(VI) Cách phân loại theo qui tắc 3(b) chỉ nhằm vào các trường hợp:

(i) Sản phẩm hỗn hợp.

(ii) Sản phẩm cấu tạo từ nhiều nguyên liệu khác nhau.

(iii) Sản phẩm cấu tạo từ nhiều cấu thành khác nhau.

(iiii) Hàng hóa được đóng gói ở dạng bộ để bán lẻ.

Cách phân loại này chỉ áp dụng nếu không phân loại được theo qui tắc 3(a).

(VII) Trong tất cả các trường hợp trên, hàng hóa được phân loại theo nguyên liệu hoặc cấu thành tạo nên tính chất cơ bản của hàng hóa trong chừng mực tiêu chí này được áp dụng.

(VIII) Yếu tố xác định tính chất cơ bản của hàng hóa đa dạng theo các loại hàng hóa khác nhau. Ví dụ, có thể xác định theo bản chất của nguyên liệu hoặc bộ phận cấu thành, theo thành phần, kích thước, số lượng, trọng lượng, trị giá, hoặc theo vai trò của nguyên liệu cấu thành có liên quan đến việc sử dụng hàng hóa.

(IX) Qui tắc 3(b) này được áp dụng cho những mặt hàng được cấu tạo từ những thành phần khác nhau, không chỉ trong trường hợp những thành phần này gắn kết với nhau thành một tập hợp không thể tách rời trong thực tế, mà cả khi những thành phần đó để rời nhau, nhưng với điều kiện những thành phần này thích hợp với nhau và bổ sung cho nhau, tập hợp của chúng tạo thành một bộ mà thông thường không thể được bán rời.

Có thể kể ra một số ví dụ về loại sản phẩm trên:

Ví dụ 1 - Mặt hàng gạt tàn thuốc gồm một cái khung trong đó có một cái cốc có thể tháo ra lắp vào để đựng tàn thuốc.

Ví dụ 2 - Mặt hàng giá để gia vị dùng trong gia đình gồm có khung được thiết kế đặc biệt (thường bằng gỗ) và một số lượng thích hợp các lọ gia vị có hình dáng và kích thước phù hợp.

Thông thường, những thành phần khác nhau của tập hợp hàng hóa trên được đựng trong cùng bao bì.

(X) Theo qui tắc 3(b) này, hàng hóa được coi như “ở dạng bộ được đóng gói để bán lẻ” phải có những điều kiện sau:

a) Phải có ít nhất hai loại hàng khác nhau, mà ngay từ ban đầu thoạt nhìn có thể xếp vào nhiều nhóm hàng khác nhau. Ví dụ: sáu cái nĩa rán không thể coi là một bộ theo qui tắc này, vì không thể xếp 6 cái nĩa rán vào hai nhóm hàng;

b) Gồm những sản phẩm hoặc hàng hóa được xếp đặt cùng nhau để đáp ứng một yêu cầu nhất định hoặc để thực hiện một chức năng xác định; và

c) Được xếp theo cách thích hợp để bán trực tiếp cho người sử dụng mà không cần đóng gói tiếp (ví dụ: đóng gói trong hộp, tráp, hòm).

Thuật ngữ trên bao trùm những bộ hàng, ví dụ như bộ hàng gồm nhiều thực phẩm khác nhau nhằm sử dụng để chế biến một món ăn hoặc bữa ăn ngay.

Các ví dụ về bộ hàng có thể được phân loại theo qui tắc 3(b) như sau:

Ví dụ 1:

a) Bộ thực phẩm bao gồm bánh xăng đuých làm bằng thịt bò, có và không có pho mát (Nhóm 16.02), được đóng gói với khoai tây chiên (nhóm 20.04): được phân vào nhóm 16.02.

b) Bộ thực phẩm dùng để nấu món Spaghetti (mỳ) gồm một hộp mỳ sống, một gói Pho mát béo và một gói nhỏ sốt cà chua, đựng trong một hộp các - tông.

Spaghetti sống thuộc nhóm 19.02

Pho mát béo thuộc nhóm 04.06

Nước sốt cà chua thuộc nhóm 21.03

Trong trường hợp này Spaghetti sống đem lại cho sản phẩm đặc tính cơ bản. Do đó, sản phẩm được phân loại như thể chỉ bao gồm Spaghetti sống thuộc nhóm 19.02.

Tuy nhiên qui tắc này không bao gồm bộ hàng gồm nhiều sản phẩm được đóng cùng nhau, ví dụ:

- Một thùng đồ hộp gồm: 01 hộp tôm (nhóm 16.05), 01 hộp patê gan (nhóm 16.02), 01 hộp pho mát (nhóm 04.06), 01 hộp thịt xông khói (nhóm 16.02) và 01 hộp xúc xích cocktail (nhóm 16.01); hoặc

- Một hộp gồm: 01 chai rượu mạnh (nhóm 22.08) và 01 chai rượu vang (nhóm 22.04).

Trường hợp 2 ví dụ nêu trên và các bộ hàng hóa tương tự, mỗi mặt hàng sẽ được phân loại riêng biệt vào nhóm phù hợp với chính mặt hàng đó.

Ví dụ 2: Bộ đồ làm đầu gồm: một tông đơ điện, một cái lược, một cái kéo, một bàn chải, một khăn mặt, đựng trong một cái túi bằng da.

Tông đơ điện thuộc nhóm 85.10

Lược thuộc nhóm 96.15

Kéo thuộc nhóm 82.13

Bàn chải thuộc nhóm 96.03

Khăn mặt thuộc nhóm 63.02

Túi bằng da thuộc nhóm 42.02

Trong ví dụ này, tông đơ điện đem lại cho sản phẩm đặc tính cơ bản của bộ đồ làm đầu. Do vậy, sản phẩm được phân loại vào nhóm 85.10.

Ví dụ 3: Bộ dụng cụ vẽ gồm: một thước, một vòng tính, một compa, một bút chì và cái vót bút chì, đựng trong túi nhựa.

Thước thuộc nhóm 90.17

Vòng tính thuộc nhóm 90.17

Compa thuộc nhóm 90.17

Bút chì thuộc nhóm 96.09

Vót bút chì thuộc nhóm 82.14

Túi nhựa thuộc nhóm 42.02

Trong bộ sản phẩm trên, thước, vòng, compa tạo nên đặc tính cơ bản của bộ dụng cụ vẽ. Do vậy, bộ dụng cụ vẽ được phân loại vào nhóm 90.17.

Đối với các sản phẩm không thỏa mãn các điều kiện quy định tại phần X của chú giải qui tắc 3(b), không được coi như đóng bộ để bán lẻ thì mỗi mặt hàng của sản phẩm sẽ được phân loại riêng biệt, vào nhóm phù hợp nhất với nó.

(XI) Qui tắc này không được áp dụng cho những hàng hóa bao gồm những thành phẩm được đóng gói riêng biệt và có hoặc không được xếp cùng với nhau trong một bao chung với một tỷ lệ cố định cho sản xuất công nghiệp, ví dụ như sản xuất đồ uống.

Chú giải qui tắc 3(c):

(XII) Khi không áp dụng được qui tắc 3(a) hoặc 3(b), hàng hóa sẽ được phân loại theo qui tắc 3(c). Theo qui tắc này thì hàng hóa sẽ được phân loại vào nhóm có thứ tự sau cùng trong số các nhóm cùng được xem xét để phân loại.

Ví dụ: Trở lại ví dụ Băng tải một mặt là plastic còn một mặt là cao su nêu tại qui tắc 3(a). Xét thấy mặt hàng này không thể quyết định phân loại vào nhóm 40.10 hay nhóm 39.26 theo qui tắc 3(a), và cũng không thể phân loại mặt hàng này theo qui tắc 3(b). Vì vậy, mặt hàng sẽ được phân loại vào qui tắc 3(c), tức là “phân loại vào nhóm có thứ tự sau cùng trong số các nhóm cùng được xem xét”. Theo qui tắc này, mặt hàng trên sẽ được phân loại vào nhóm 40.10.

Qui tắc 4:

Hàng hóa không thể phân loại theo đúng các qui tắc trên đây thì được phân loại vào nhóm phù hợp với loại hàng hóa giống chúng nhất.

Chú giải qui tắc 4:

(I) Qui tắc này đề cập đến hàng hóa không thể phân loại theo qui tắc 1 đến qui tắc 3. Qui tắc này quy định rằng những hàng hóa trên được phân loại vào nhóm phù hợp với loại hàng hóa giống chúng nhất.

(II) Cách phân loại theo qui tắc 4 đòi hỏi việc so sánh hàng hóa định phân loại với hàng hóa tương tự đã được phân loại để xác định hàng hóa giống chúng nhất. Những hàng hóa định phân loại sẽ được xếp trong nhóm của hàng hóa giống chúng nhất.

(III) Xác định giống nhau có thể dựa trên nhiều yếu tố, ví dụ như mô tả, đặc điểm, tính chất, mục đích sử dụng của hàng hóa.

Qui tắc 5:

Những quy định sau được áp dụng cho những hàng hóa dưới đây.

a) Bao máy tính, hộp đựng nhạc cụ, bao súng, hộp đựng dụng cụ vẽ, hộp tư trang và các loại bao hộp tương tự, thích hợp hoặc có hình dạng đặc biệt để chứa hàng hóa hoặc bộ hàng hóa xác định, có thể dùng trong thời gian dài và đi kèm với sản phẩm khi bán, được phân loại cùng với những sản phẩm này. Tuy nhiên, nguyên tắc này không được áp dụng đối với bao bì mang tính chất cơ bản nổi trội hơn so với hàng hóa mà nó chứa đựng.

b) Ngoài qui tắc 5(a) nêu trên, bao bì đựng hàng hóa được phân loại cùng với hàng hóa đó khi bao bì là loại thường được dùng cho loại hàng hóa đó. Tuy nhiên, nguyên tắc này không áp dụng đối với các loại bao bì mà rõ ràng là phù hợp để dùng lặp lại.

Chú giải qui tắc 5(a):

(Hộp, túi, bao và các loại bao bì chứa đựng tương tự)

(I) Qui tắc này chỉ để áp dụng cho các bao bì ở dạng sau:

1. Thích hợp riêng hoặc có hình dạng đặc biệt để đựng một loại hàng hoặc bộ hàng xác định, tức là bao bì được thiết kế đặc thù để chứa các hàng hóa đó, một số loại bao bì có thể có hình dáng của hàng hóa mà nó chứa đựng;

2. Có thể sử dụng lâu dài, tức là chúng được thiết kế để có độ bền dùng cùng với hàng hóa ở trong. Những bao bì này cũng để bảo quản hàng hóa khi chưa sử dụng (ví dụ: trong quá trình vận chuyển hoặc lưu trữ). Đặc tính này cho phép phân biệt chúng với những loại bao bì đơn giản;

3. Được trình bày với hàng hóa chứa đựng trong chúng, các hàng hóa này có thể được đóng gói riêng hoặc không để thuận tiện cho việc vận chuyển. Trường hợp bao bì được trình bày riêng lẻ được phân loại theo nhóm thích hợp với chúng.

4. Là loại bao bì thường được bán với hàng hóa chứa đựng trong nó; và

5. Không mang tính chất cơ bản của bộ hàng

(II) Những ví dụ về bao bì đi kèm với hàng hóa và áp dụng qui tắc này để phân loại:

1. Hộp trang sức (nhóm 71.13);

2. Bao đựng máy cạo râu bằng điện (nhóm 85.10);

3. Bao ống nhòm, hộp kính viễn vọng (nhóm 90.05);

4. Hộp, bao và túi đựng nhạc cụ (nhóm 92.02);

5. Bao súng (nhóm 93.03).

(III) Những ví dụ về bao bì không áp dụng qui tắc này, có thể kể như: hộp đựng chè bằng bạc hoặc cốc gốm trang trí đựng đồ ngọt.

Chú giải qui tắc 5(b):

(Bao bì)

(IV) Qui tắc này quy định việc phân loại bao bì thường được dùng để đóng gói chứa đựng hàng hóa. Tuy nhiên, qui tắc này không áp dụng cho bao bì có thể dùng lặp lại, ví dụ trong trường hợp thùng kim loại hoặc bình sắt, thép đựng khí đốt dạng nén hoặc lỏng.

(V) Qui tắc này liên quan trực tiếp đến qui tắc 5(a). Bởi vậy, việc phân loại những bao, túi và bao bì tương tự thuộc loại đã nêu tại qui tắc 5(a) phải áp dụng đúng theo qui tắc 5(a).

Qui tắc 6:

Để đảm bảo tính pháp lý, việc phân loại hàng hóa vào các phân nhóm của một nhóm phải được xác định phù hợp theo nội dung của từng phân nhóm, các chú giải phân nhóm có liên quan, và các qui tắc trên với những sửa đổi về chi tiết cho thích hợp, trong điều kiện là chỉ có những phân nhóm cùng cấp độ mới so sánh được. Theo qui tắc này thì các chú giải phần và chương có liên quan cũng được áp dụng, trừ khi nội dung mô tả trong phân nhóm có những yêu cầu khác.

Chú giải qui tắc 6:

(I) Với những sửa đổi chi tiết cho thích hợp, các qui tắc từ 1 đến 5 điều chỉnh việc phân loại ở cấp độ phân nhóm trong cùng một nhóm.

(II) Theo qui tắc 6, những cụm từ dưới đây có các nghĩa được quy định như sau:

a) “Các phân nhóm cùng cấp độ”: phân nhóm một gạch (cấp độ 1) hoặc phân nhóm hai gạch (cấp độ hai).

Do đó, khi xem xét tính phù hợp của hai hay nhiều phân nhóm một gạch trong một phân nhóm theo qui tắc 3(a), tính mô tả đặc trưng hoặc giống hàng hóa cần phân loại nhất chỉ được đánh giá trên cơ sở nội dung của các phân nhóm một gạch có liên quan. Khi đã xác định được phân nhóm một gạch đó có mô tả đặc trưng nhất thì phân nhóm một gạch đó được chọn. Khi các phân nhóm một gạch được phân chia tiếp thì phải xem xét nội dung của các phân nhóm hai gạch để xác định lựa chọn phân nhóm hai gạch phù hợp nhất cho hàng hóa cần phân loại.

b) “Trừ khi nội dung của phân nhóm có yêu cầu khác”, có nghĩa là: trừ khi những chú giải của phần hoặc chương có nội dung không phù hợp với nội dung của phân nhóm hàng hoặc chú giải phân nhóm.

Ví dụ: Tại chương 71, định nghĩa về “bạch kim” nêu trong chú giải 4(b) cùng chương này khác với chú giải phân nhóm 2 của chương này, cụ thể:

+ Chú giải 4(b) chương 71: khái niệm bạch kim có nghĩa là Platin (Pt), Iridi (Ir), Osimi (Os), Paladi (Pd), Rodi (Rh) và Rutheri (Ru).

+ Chú giải phân nhóm 2 chương 71: “mặc dù đã quy định trong chú giải 4(b) của chương này, nhưng theo các phân nhóm 7010.11 và 7010.19, khái niệm bạch kim không bao gồm Iridi (Ir), Osimi (Os), Paladi (Pd), Rodi (Rh) và Rutheri (Ru).”

Do vậy, để giải thích các phân nhóm 7010.11 hoặc 7010.19, chú giải phân nhóm 2 sẽ được áp dụng còn chú giải 4(b) của chương không được áp dụng.

(III) Phạm vi của phân nhóm cấp 2 không vượt quá phạm vi của phân nhóm cấp 1 mà nó trực thuộc; và phạm vi của phân nhóm cấp 1 không vượt quá phạm vi của nhóm mà phân nhóm cấp 1 trực thuộc.

PHỤ LỤC 3

(Ban hành kèm theo Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài chính)

CHÚ GIẢI BỔ SUNG DANH MỤC THUẾ QUAN HÀI HÒA ASEAN (AHTN)

1. Chú giải Bổ sung (SEN) của Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN) là một phần trong phụ lục của Nghị định thư về thực hiện AHTN trong ASEAN (Nghị định được ký kết tháng 8 năm 2003 tại Manila). SEN được phát triển như một công cụ hỗ trợ để giải thích rõ số hàng hóa trong AHTN.

2. AHTN được xây dựng và mở rộng dựa trên Danh mục HS của Tổ chức Hải quan thế giới, việc chi tiết các hàng hóa trong AHTN tuân theo các Quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo HS (GIRs), các Chú giải Pháp lý của HS cũng như các quy định liên quan đến xây dựng HS và Nghị định thư đề cập ở trên. SEN phải sử dụng kết hợp với Chú giải chi tiết HS (EN) của Danh mục HS và đảm bảo để hiểu thống nhất quy định của AHTN.

3. SEN 2002/1 được sửa đổi cùng với sửa đổi HS 2002 (kể cả những sửa đổi đối với EN). SEN 2007/1 gồm các thông tin cụ thể về các sản phẩm thương mại quốc tế quan trọng đối với khu vực ASEAN do các nước thành viên đưa ra. SEN được xây dựng để giúp các nước thành viên hiểu rõ phạm vi điều chỉnh phụ lục Nghị định thư ASEAN và tăng cường chuẩn hóa công tác phân loại.

4. SEN 2007/1 phải được sử dụng song song với Danh mục HS và EN. Trường hợp có sự khác biệt giữa giải thích của HS, EN và SEN, thì phải tuân theo HS và EN.

5. Hình ảnh, biểu đồ và đồ thị trong SEN chỉ được trình bày với mục đích minh họa cho các sản phẩm hàng hóa.

6. Nguyên bản của SEN 2007/1 được trình bày bằng tiếng Anh, là ngôn ngữ làm việc của ASEAN.

Chương 1.

0105.11.10

0105.12.10

0105.19.10

0105.19.30

0105.94.10

0105.99.10

0105.99.30

GIA CẦM GIỐNG

Theo phụ lục ASEAN, nhóm 01.05, thuật ngữ “con giống” được xem là một loại gia cầm sống, còn nhỏ, làm giống để nuôi.

Chương 2.

(Hiện chưa có chú giải bổ sung trong chương này)

Chương 3.

0301.10.10

0301.93.10

0301.99.21

0301.99.29

0301.99.11

0301.99.19

CÁ HƯƠNG HOẶC CÁ GIỐNG

Theo phụ lục ASEAN, đề mục 03.01, cá hương hoặc cá giống là cá nhỏ mới nở từ trứng cá được ương.

0301.99

CÁ BỘT LAPU LAPU

Theo phụ lục ASEAN, nhóm 03.01, Lapu lapu (hay lapo-lapo) là một loài cá của Philippine, thuộc loài Epinephelus, đặc biệt là giống Cephalopholis argus,…, đặc trưng nổi bật của chúng là có màu xanh ánh ngũ sắc. Mình cá có màu cam ngả màu nâu đỏ và được điểm bởi những đốm đen hoặc trắng trên nền xám nhạt với những đường xẫm màu không đều nhau.

0301.93.10

0301.99.11

CÁ CHÉP TRỪ CÁ HƯƠNG HOẶC CÁ LAPU-LAPU, ĐỂ LÀM GIỐNG

Cá giống

Yêu cầu chung về hình dáng; mình cá cân đối, không dị dạng, vây đầy đủ và bình thường, không xây xát, không mất lớp nhầy, kích thước đều nhau, không có dấu hiệu bệnh.

- Hoạt động: cá linh hoạt, chuyển động, bơi dưới nước thành đàn.

- Trọng lượng, kích cỡ: tùy thuộc vào từng loài và thời gian ương.

0306.23.10

TÔM SHRIMPS VÀ TÔM PAN ĐAN, LÀM GIỐNG

- Yêu cầu chung về hình dáng: mình cân đối, không dị dạng, không bị tổn thương ở vỏ và không có dấu hiệu bệnh.

- Tiêu chí về kích cỡ, màu sắc và sự hoạt động: tùy thuộc loài tôm shrimps và pan đan.

0307.99.20

HẢI SÂM BECHES-DE-MER (TREPANG)

Theo phụ lục ASEAN, nhóm 03.07, beches-de-mer là một loại hải sâm, là loại động vật biển không có xương sống, thường được bán trên thị trường Châu Á dưới dạng sấy khô. Loại hải sâm này phải ngâm trong nước ít nhất 24 giờ, trong thời gian đó kích thước nó nở gấp đôi và tiết ra một lượng chất sệt giống gelatin. Thịt dai như cao su và vì vậy thường được nấu thành súp hoặc nấu lẫn với thịt.

Hải sâm beches - de - mer thuộc vào họ Holothuroidea. Mặc dù hải sâm có cấu trúc cơ bản của động vật da gai có tua, chúng lại không có chi trước giống sao biển. Vì khoảng cách từ miệng tới hậu môn khá xa nên cơ thể của chúng giống hình quả dưa chuột. Hải sâm bơi theo kiểu một mặt cố định luôn hướng xuống phía dưới. Giống như các loại động vật da gai khác, hải sâm cũng có hệ thống chân mút; chân hình ống di động được tập trung ở ba khu vực ở mặt bụng, ở dưới hay bên cạnh, một số loài có cơ, có chân trườn bò. Một số loài đào hang trong cát hoặc bùn và mất hết các chân hình ống. Mình có da bọc các xương nhỏ, thưa hay các phiến dẹt giống xương, ở một ít loài có vỏ giáp và các phiến sừng sít nhau. Một số loài ăn thức ăn dưới đáy biển, trong khi một số loài khác sử dụng chân hình ống được chuyển thành các xúc tu bắt lấy các sinh vật phù du đưa vào miệng. Hải sâm xuất hiện tại tất cả các vùng biển và ở mọi độ sâu. Hầu hết có chiều dài không vượt quá 1 feet (30.5 cm), nhưng loài Stichopus Variegatus từ Philippine có thể đạt tới chiều dài 3 feet (91 cm). Chúng được sấy khô và được sử dụng rộng rãi làm thức ăn, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Chương 4.

0405.90.10

DẦU BƠ KHAN

Dầu bơ khan bao gồm các chất béo cần thiết của bơ nguyên chất, không chứa nước.

Chương 5.

(Hiện chưa có chú giải bổ sung trong chương này)

Chương 6.

0602.90.40

CHỒI MỌC TRÊN GỐC CÂY CAO SU

Chồi mọc trên gốc cây cao su là cành được cắt ra từ cây chính, là cây giống được nhân bản vô tính

0602.90.60

CHỒI MỌC TỪ GỖ CÂY CAO SU

Chồi mọc từ gỗ cây cao su là một nhánh được lấy từ cành non hoặc cành già của cây mẹ. Thông thường, nhánh cây này dài khoảng 30 cm, có hai chồi là đảm bảo.

Chương 7.

0703.10.11

0703.10.21

0703.20.10

0703.90.10

HÀNH, TỎI GIỐNG

Đặc điểm: củ cân đối, không dị dạng, không xây xước, còn nguyên vỏ; các củ phải có cùng kích cỡ, to, bóng và chắc.

0712.39.20

NẤM HƯƠNG (SHIITAKE)

Một loại nấm mọc ở Đông Nam Á, ăn được (Lentinus edodes) có mùi thơm, dày cùi, có tai màu vàng hoặc nâu sẫm ngà màu đen. Loài nấm này còn được gọi là nấm đen Trung Quốc, nấm sồi vàng, nấm đen Phương Đông.

Chương 8.

0803.00.10

CHUỐI NGỰ (CHUỐI CAU), CHUỐI TÂY, CHUỐI TIÊU VÀ CHUỐI HỘT RỪNG

Các loại quả thuộc phân nhóm hàng này của ASEAN là các loài thuộc họ chuối (Musaceae).

Chuối ngự: Loài Musa. Nhóm Mas (AA)

(chuối cau)

(Pisang Mas)

Chuối tây: Loài Musa. Nhóm Rastali (AAB)

(Pisang Rastali)

Chuối tiêu: Loài Musa. Nhóm Berangan (AAA)

(Pisang Berangan)

Chuối hột rừng: Loài Musa. Nhóm Embun (AAA) hoặc Gross Michel (AAA)

(Pisang embun)

0807.20.10

ĐU ĐỦ MARDI BACKCROSS SOLO (BETIK SOLO)

Mardi backcross solo (Đu đủ L.Var.Eksotika).

0810.90.30

CHÔM CHÔM

Chôm chôm (Nephelium spp).

0810.90.40

BOONG BOONG (LANGSAT)

Boong boong (Lansium spp).

0810.90.70

NHÃN MATA KUCING

Nhãn (Euphoria Malaiensis) thuộc họ Sapindacea, một nhánh của loài Dimocarpus longan.

Vỏ quả mỏng nhưng dai và chuyển từ màu vàng lục sang màu nâu khi chín. Cùi mỏng, trắng đục, nhiều nước, ngọt và thơm. Loại quả này tương tự như longan (một nhánh của loài Dimocarpus longan). So với nhãn mata kucing nhãn longan quả to, cùi dầy hơn nhưng không thơm bằng.

Chương 9.

0901.11.10 0901.12.10

ARABICA WIB (WEST INDISCHE BEREIDING) VÀ ROBUSTA OIB (OOST INDISCHE BEREIDING)

Arabica là cà phê được trồng rộng rãi nhất, Robusta là giống cà phê châu phi được trồng phổ biến

Cà phê Arabica và Robusta

Đây là hai loài chính của cây cà phê, trong đó cà phê arabica có tuổi đời lâu hơn robusta. Mặc dù có xuất xứ từ Ethiopia nhưng cà phê arabica được trồng đầu tiên tại bán đảo arập. Cây cà phê arabica rất dễ nhiễm bệnh nhưng có hương vị thơm ngon hơn cà phê canephora (robusta). Vì vậy, cà phê robusta (bao gồm khoảng 40-50% cafêin) được trồng ở những vùng cây cà phê arabica không phát triển mạnh. Robusta được dùng như một nguyên liệu có giá thành rẻ hơn để thay thế cho cà phê Arabica ở trong nhiều hỗn hợp cà phê thương phẩm. So với arabica, cà phê robusta đắng và không thơm bằng, mùi vị của cà phê robusta thường được ví như mùi cao su cháy hoặc bìa các tông ướt. Cà phê robusta chất lượng tốt thường được sử dụng như thành phần trong một số hỗn hợp cà phê espresso để tạo lớp bọt tốt nhất với giá thành rẻ.

Tên gọi cà phê arabica xuất phát từ truyền thống đặt tên hàng hóa theo cảng nơi hàng hóa đó xuất khẩu đi, hai tên gọi lâu đời nhất hiện nay là Mocha, từ Yemen và Java, từ Indonesia. Trong quá trình buôn bán cà phê hiện đại có rất nhiều loại phân biệt theo xuất xứ, nhãn hiệu cà phê theo nước, vùng miền và đôi khi thậm chí cả vùng đất nơi sản xuất ra cà phê. Cà phê aficionados thậm chí được phân biệt theo cuộc bán đấu giá cà phê bằng số lô lớn.

QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT ARABICA WIB

Đầu tiên, quả cà phê tươi màu đỏ thu hoạch từ vườn được phân loại và tuyển chọn từ những hạt xanh và vàng. Sau đó, những quả màu đỏ này được ngâm trong thùng nước. Những quả đỏ chất lượng tốt sau một quá trình xử lý sẽ trở thành arabica WIB sau đó, thông thường sẽ lắng xuống đáy thùng, những hạt chất lượng kém hơn sẽ nổi trên mặt nước. Những hạt cà phê chất lượng tốt sẽ được bóc vỏ bằng một máy bóc vỏ cà phê bằng nước. Những hạt cà phê đã bóc vỏ được lên men từ 18 đến 36 giờ. Sau khi lên men, các hạt này được rửa sạch, tiếp theo, sẽ được phơi khô nhằm giảm độ ẩm xuống còn từ 11 - 12%. Sau cùng, những hạt khô sẽ được cho vào máy xay để lộ ra nhân cà phê màu xanh. Quá trình cuối cùng là đóng gói những hạt cà phê.

QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT ROBUSTA OIB

Quả cà phê màu đỏ, xanh và vàng được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời để loại bỏ bớt độ ẩm xuống còn 14 - 18%. Quả khô sau đó được cho vào máy xay để tạo ra nhân hạt cà phê màu xanh. Tại bước này, những hạt có chất lượng thấp (ví dụ hạt đen, hạt bị thối, hạt bị vỡ) cũng sẽ được loại bỏ. Trước khi đóng gói, các hạt được kiểm tra chất lượng. Đôi khi hạt cà phê được đánh bóng để tạo màu đẹp hơn.

Chương 10.

1006.20.10 1006.30.15

GẠO THAI HOM MALI

Gạo Thai Hom Mali là loại gạo lứt hoặc gạo tẻ có hương thơm được sản xuất tại Thái lan. Hạt gạo Thai hom mali dài, độ dài trung bình của hạt gạo chưa được làm vỡ khoảng 7mm. Tỷ trọng của độ dài trung bình của hạt so với độ rộng trung bình của hạt chưa được vỡ không bé hơn 3mm. Gạo Thai Hom mali có hàm lượng tinh bột lớn hơn 12% nhưng không quá 19% trọng lượng, hàm lượng ẩm chiếm 14% trọng lượng.

1006.30.20

GẠO LÀM CHÍN SƠ (PARBOILED RICE)

Từ “làm chín sơ” có nghĩa là đã được tráng qua bằng nước sôi. Gạo làm chín sơ là thóc đã được ngâm dưới áp lực của nước nóng trước khi được xay xát, được người tiêu dùng và các đầu bếp ưu chuộng vì hạt cơm mịn và không dính. Loại gạo này cũng giữ được nhiều chất bổ dưỡng hơn cách xay xát gạo thông thường, tuy vậy lại mất thời gian nấu chín lâu hơn.

1006.30.30

GẠO NẾP (GLUTINOUS RICE)

Gạo nếp giàu tinh bột, có đặc trưng nổi bật là dính chắc như hồ. Loại gạo này dính với nhau khi nấu và thường được sử dụng làm nguyên liệu làm bánh hấp, bánh ngọt và các loại bánh từ bột gạo khác. Đặc điểm để phân biệt hạt gạo nếp với các hạt gạo khác là hạt có màu trắng đục như phấn viết.

Chương 11.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho chương này

Chương 12.

1211.90.13

RỄ CÂY BA GẠC HOA ĐỎ CÒN GỌI LÀ BA GẠC THUỐC, CÂY RỄ RẮN (XÀ CĂN MỘC)

Rễ ba gạc là rễ của cây thuộc họ La bố ma (Apocynaceae). Các rễ của cây này, có các tên gọi như rễ cây ba gạc Ấn Độ hay cây ba gạc thuốc, dùng để sản xuất alkaloid reserpine thành phần chủ yếu của nhiều loại thuốc điều trị bệnh tâm thần hoặc cao huyết áp.

Chương 13.

1301.90.10

GÔM BENJAMIN

Gôm benjamin, hay cánh kiến trắng, là loại nhựa thơm có mùi thơm ngát được chiết xuất từ nhiều loại cây bồ đề của vùng Đông Nam Á, được sử dụng để sản xuất nước hoa, hương trầm và các loại thuốc.

Gôm benjamin (Styrax benzoin) cũng được biết đến với tên gọi gôm cánh kiến trắng (benzoin). Cây cánh kiến trắng sinh sống tự nhiên ở vùng nhiệt đới miền viễn đông. Nhựa hay gôm của cây cánh kiến trắng thường được sử dụng như một hương liệu trong nước hoa. Loại nhựa này có màu từ vàng nhạt đến nâu đỏ và được thu hoạch bằng cách rạch một đường sâu vào thân cây tạo thành dòng nhựa chảy, sau đó nhựa sẽ đóng thành tảng. Do có đặc tính chữa bệnh nên gôm benjamin thường được sử dụng như thuốc sát trùng cho các vết thương ngoài da và thuốc long đờm cho bệnh đường hô hấp như bệnh viêm phế phản.

Chương 14.

LÁ TRẦU

Tên của cây: Cây trầu không (Betel vine)

Tên thực vật học: Piper betle Linn

Họ: Piperaceae

Công dụng: Được sử dụng như một loại cây thuốc hoặc dùng để ăn

1404.90.10

LÁ CAU

Tên của cây: Cây cau (Betel-nut, Areca nut hay Areca palm)

Tên thực vật học: Areca catechu

Họ: Palmaceae

Công dụng: Cánh hoa, đài hoa của lá cau được sử dụng để bọc ngoài xì gà xén tày hai đầu (cheroots).

với cau (tương tự như ăn kẹo cao su).

Chương 15.

1515.90.1X

DẦU TENGKAWANG

Được chiết xuất từ hạt của cây Tengkawang thuộc loài Shorea spp. Loại dầu này thường được sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm, nước hoa và thuốc đông y.

1517.90.61

1517.90.62

1517.90.63

1517.90.64

1517.90.65

1517.90.66

1517.90.67

1517.90.68

CHỦ YẾU

Bởi các lý do được đề cập ở các phân nhóm ASEAN nói trên, một loại dầu được coi là “chủ yếu” khi loại dầu đó chiếm hơn 50% theo trọng lượng của một hỗn hợp hoặc chất pha chế của chất béo, dầu hoặc các phần của chúng.

1517.90.68

DẦU ILLIPENUT

Dầu chiết xuất từ quả của cây iliips (hay illups).

Chương 16.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho chương này

Chương 17.

1701.99.11

ĐƯỜNG TRẮNG ĐÃ TINH LUYỆN

Đường, không mùi hoặc màu sắc hoặc chứa bất cứ chất bổ sung nào khác, chứa hàm lượng đường mía (sucrose) từ 99.5% trở lên tính theo trọng lượng ở thể khô, được xác định bằng phương pháp phân cực.

1704.90.10

CHẤT NGỌT DẠNG THUỐC

Chất ngọt dạng thuốc bao gồm các loại đường cơ bản và các chất thơm cụ thể các chất có dược tính như benzyl alcohol, menthol, eucalyptol và toh balsam.

Chương 18.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho chương này

Chương 19.

1901.90.31

SẢN PHẨM CÓ CHỨA SỮA

Sữa, đã hoặc chưa làm đông đặc, bay hơi, cô đặc, ở dạng bột, đã sấy hay được làm khô, đã được trộn lẫn hoặc pha trộn với bất kỳ chất béo hay dầu trừ sữa béo.

Chương 20.

2002.90.10

BỘT CÀ CHUA DẠNG SỆT

Bột cà chua dạng sệt là cà chua dạng lỏng, sệt được cô đặc gồm 25% đến 40% theo trọng lượng là muối. Bột này được chiết xuất từ quá trình nghiền nóng. Bột nhão được cô đặc một, hai hoặc ba lần – hiệu ứng bay hơi chân không giúp cô đặc như mong muốn. Sản phẩm cô đặc sau đó được diệt khuẩn ở nhiệt độ 900C từ 2 – 3 phút.

2005.20.10

KHOAI TÂY CHIÊN

Khoai tây chiên là những mảnh khoai tây chiên kiểu pháp sau khi nấu (Khác với loại khoai tây chiên giòn theo cách sử dụng của tiếng Anh Mỹ).

2007.99.10

BỘT HÌNH HẠT HAY BỘT NHÃO TỪ QUẢ TRỪ XOÀI, DỨA HOẶC DÂU TÂY

Bột hình hạt gồm bột hoa quả nhão được viên thành những hạt tròn nhỏ hoặc mảnh thuôn tương tự như hạt thóc. Bột này được sử dụng để trải hoặc lót lên trên mặt các loại bánh ngọt và bánh mì đặc biệt.

Chương 21.

2103.90.20

BELACHAN (BLACHAN)

Belachan (cũng được viết là belacan hay blachan) là một loại gia vị được chế biến từ việc lên men tôm. Loại gia vị này có màu nâu và thường sản xuất ra dưới dạng miếng vuông, có vị chua cay. Belachan được sử dụng làm thành phần của nhiều món ăn khác nhau.

2106.90.91

CHẾ PHẨM HỖN HỢP CÁC VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT ĐỂ TĂNG CƯỜNG DINH DƯỠNG

Đây là hỗn hợp của các vitamin, khoáng chất, amino axít và các thành phần dinh dưỡng khác, sử dụng để củng cố hoặc bổ sung cho các sản phẩm thực phẩm trong suốt quá trình chế biến.

2106.90.95

SERI KAYA

Seri kaya (cũng được biết đến với tên kaya hay sangkaya) là một loại bột nhão có màu caramen hoặc vàng nhạt đến nâu thường dùng để phết lên bánh. Thành phần của sản phẩm gồm đường, trứng, sữa dừa, bột mỳ, tinh bột, chất màu và chất tạo mùi. Sản phẩm không chứa quả “seri kaya” (Annono squamosa).

Chương 22.

2203.00.10

BIA ĐEN

Bia đen là một loại bia nặng, sẫm màu, ủ từ mạch nha hay lúa mạch đã được nướng. Bia nâu là một loại bia đắng, màu nâu sẫm được ủ từ việc đốt cháy hay rang mạch nha

2206.00.30

TÔ ĐI

Tô đi là rượu được lên men từ nhựa ngọt của một số loài cọ nhiệt đới của vùng Châu Á đặc biệt là PalmyraCaryota urens. Đường hoặc các loại gia vị có thể được thêm vào trong rượu.

2206.00.40

SHANDY

Shandy là một hỗn hợp của bia và nước chanh hoặc bia gừng (bia gừng là một loại đồ uống sủi bọt không có cồn hoặc có cồn nhẹ được làm bằng cách lên men hỗn hợp gừng và xiro).

2208.20.10 2208.20.20

RƯỢU BRANDY

Phân nhóm 2208.20.10 và 2208.20.20 của ASEAN chỉ bao gồm rượu brandy thu được từ quá trình chưng cất rượu vang nho hoặc bã nho

2208.90.10 2208.90.20 2208.90.30 2208.90.40

SAM – SU

Samsu là một loại rượu mạnh của Trung Quốc được chưng cất từ gạo hoặc từ kê

Chương 23.

Hiện nay chưa có chú giải bổ sung cho chương này

Chương 24.

2402.20.10

THUỐC LÁ BI – ĐI

Thuốc lá Bi – đi gồm có lá thuốc lá được sấy khô cuộn thành điếu, cuốn trong một chiếc lá tendu dại và cố định lại bằng một sợi dây xe. Thường được bán thành từng bó từ 20 đến 25 điếu.

2403.99.60

ANG HOON

Là lá thuốc lá màu nâu đã được cắt, tẩm dầu lạc trong quá trình chế biến. Chúng được sử dụng để làm thuốc lá cuốn bằng tay. Ang Hoon không dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc lá bằng máy.

Chương 25.

2515.12.10 2515.12.20 2516.12.10 2516.12.20

ĐÁ PHIẾN

Đá dạng khối là một loại đá có một hoặc nhiều mặt chưa được mài nhẵn. Đá mới chỉ được cắt thô thành các hình khối với kích thước thông thường chiều dài từ 250 cm đến 290 cm, chiều rộng từ 160 cm đến 175 cm và chiều cao từ 135 cm đến 145cm. Đá được cưa thành từng phiến để sử dụng trong xây dựng.

Đá dạng tấm là loại đá cắt thô từ đá phiến thành hình chữ nhật mỏng hơn (bao gồm cả hình vuông). Đá không được mài cả hai mặt và thường có kích thước chiều dài từ 250cm đến 290cm, chiều rộng từ 150cm đến 170cm và chiều dày từ 2cm đến 3cm.

Chương 26.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho chương này.

Chương 27.

2701.12.10

THAN ĐỂ LUYỆN CỐC

Than để luyện cốc bao gồm từ 19 đến 41% thành phần dễ bay hơi tính theo trọng lượng

2710.11.40

DUNG MÔI TRẮNG (WHITE SPIRIT)

Dung môi trắng là một loại dung môi trong không màu ít tan trong nước và có một hương thơm đặc trưng (mùi thơm nằm trong ngưỡng từ 0.5 – 5 mg/m3). Trạng thái phổ biến nhất của dung môi trắng là hỗn hợp của hyđrocacbon no C7-C12 mạch vòng với thành phần từ 15 đến 20% (tính theo trọng lượng) của hyđrocacbon C7-C12 và đun sôi ở nhiệt độ từ 130 đến 2030C. Hyđrocacbon C9-C12(no, mạch vòng và thơm) cấu thành có hàm lượng hơn 80% (theo trọng lượng) của toàn bộ dung môi.

2710.11.60

DUNG MÔI KHÁC

Dung môi khác được chiết xuất từ quá trình phân đoạn dầu thô. Phạm vi chưng cất là tương đối hẹp (Sự chênh lệch của điểm sôi ban đầu và điểm khô cạn không quá 1000C)

Tiêu chí cơ bản phân biệt dung môi và xăng ô tô:

- Xăng có giới hạn sôi rộng hơn từ 400C đến 2150C;

- Trong nhiều trường hợp, xăng là hỗn hợp của nhiều thành phần;

- Vì dung môi được chưng cất thẳng, hàm lượng mùi thơm của chúng (0,01% cho dung môi có điểm sôi đặc biệt và 15% cho dung môi spirit ít thơm tính theo trọng lượng) thấp hơn xăng (khoảng 22% tính theo trọng lượng).

Dung môi spirit thường được sử dụng làm dung môi trong công nghiệp sơn, giấy, cao su và sản xuất kẹo. Chúng cũng được sử dụng trong một số quá trình chiết xuất thuốc. Dung môi spirit không thể sử dụng như nguyên liệu cho động cơ đốt trong.

2710.11.70

NAPHTHA, REFORMATE HOẶC CHẾ PHẨM KHÁC DÙNG ĐỂ PHA CHẾ XĂNG

Reformates là sản phẩm chiết xuất từ quá trình sửa đổi các mạch tại nhiệt độ cao cùng một số chất xúc tác để biến đổi hyđrocacbon paraffinic và naphthenic thành nguyên liệu octane cao, chủ yếu thơm thích hợp trộn vào hỗn hợp xăng ô tô cuối cùng.

2710.19.13 2710.19.14 2710.19.16 2710.19.19

DẦU TRUNG VÀ CÁC CHẾ PHẨM

Dầu và các chế phẩm có thành phần chưng cất ít hơn 90% theo thể tích (bao gồm cả phần hao hụt) tại nhiệt độ 2100C và 65% hoặc nhiều hơn theo thể tích (bao gồm cả phần hao hụt) tại nhiệt độ 2500C (phương pháp ASTM D86).

2710.19.41

DẦU KHOÁNG DÙNG SẢN XUẤT DẦU BÔI TRƠN

Các loại dầu khoáng đã tinh chế sử dụng để sản xuất dầu bôi trơn bằng cách pha trộn với nguyên liệu khác và/hoặc chất phụ gia

Chương 28.

2809.20.30

AXÍT PHOSPHORIC VÀ AXÍT POLYPHOSPHORIC, LOẠI DÙNG CHO THỰC PHẨM

Axít phosphoric dùng cho thực phẩm thu là axít phosphoric đã được kết tủa, lọc tách thạch tín và một số chất độc khác. Nó chứa ít hơn 1mg/kg thạch tín, 20 mg/kg sắt, 10mg/kg fluoride và 3mg/kg chì. Nó được sử dụng trong thực phẩm và đồ uống để làm chua và làm chất ổn định, trong quá trình lọc đường, sản xuất gelatin, thức ăn chăn nuôi, sản xuất men bia và như thuốc thử phản ứng trong phòng thí nghiệm.

2827.20.10

CANXI CLORUA, LOẠI THƯƠNG PHẨM

Chứa 73 đến 80% hàm lượng canxi clorua tính theo trọng lượng. Nó thường được thấy ở dạng mảnh.

2833.22.10

NHÔM SULFAT, LOẠI THƯƠNG PHẨM

Chứa tối đa 0,5% hàm lượng sắt tính theo trọng lượng. Nhôm sulfat thương phẩm được tổng hợp trực tiếp từ quặng nhôm. Nó được sử dụng trong công nghiệp giấy, trong quá trình lọc nước hoặc như một thuốc cẩn màu trong công nghệ nhuộm, v.v.

2835.25.10

CANXI HYDROGEN ORTHOPHOSPHATE (“DICANXI PHOSPHAT”), DÙNG CHO THỰC PHẨM

Bao gồm một lượng rất nhỏ chất độc như thạch tín, chì … và được sử dụng như một chất phụ gia trong thức ăn chăn nuôi để cung cấp nhu cầu canxi cần thiết cho xương.

2836.50.10

CANXI CARBONAT, LOẠI DÙNG TRONG NGÀNH THỰC PHẨM HOẶC DƯỢC PHẨM

Dạng dùng cho thực phẩm hoặc dược phẩm là canxi carbonate ở dạng nhẹ. Mật độ khối lượng thấp hơn so với mật độ của nước.

Chương 29.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho chương này.

Chương 30.

3004.90.10

THUỐC ĐẶC TRỊ DÙNG CHO VIỆC CHỮA TRỊ BỆNH UNG THƯ, AIDS (HIV) HOẶC CÁC CĂN BỆNH NGUY HIỂM, KHÓ CHỮA

Các thuốc, biệt dược này được sử dụng đặc biệt cho người bệnh ung thư, AIDS hoặc các căn bệnh nguy hiểm, khó chữa. Các bệnh nguy hiểm, khó chữa là loại bệnh khó chế ngự hoặc cần phải được chữa trị ngay lập tức do tính chất nguy hiểm đến tính mạng, sự sống còn. Các bệnh nguy hiểm khác như bệnh dại, rắn cắn, bệnh bạch hầu, v.v.

Chương 31.

3103.10.10

SUPERPHOSPHAT, LOẠI DÙNG CHO THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Có hàm lượng các chất độc hại, ví dụ: arsen, chì, v.v. rất thấp và được sử dụng như các chất phụ gia cho thức ăn gia súc để bổ sung lượng canxi cần thiết cho xương chắc khỏe.

3103.90.10

PHÂN LÂN NUNG CHẢY (PHÂN PHOSPHAT ĐÃ NUNG)

Muối phosphate tự nhiên được nung chảy hoặc qua xử lý nhiệt để loại bỏ các tạp chất.

Chương 32.

3201.90.10

SẢN PHẨM CHIẾT XUẤT TỪ CÂY CAU MỨT (GAMBIER)

Gambier phần chiết xuất khô thu được từ lá cây Uncaria gambir roxb (thuộc họ Rubiaceae). Trong thương mại quốc tế, gambier được gọi dưới các tên như Palecatechu, Gambir Catechu và Tera Japonica.

Gambier được sử dụng trong lĩnh vực dược như là một thành phần của thuốc, như là chất thuộc thuộc da (thuộc tananh), như là chất màu và như là một loại thuốc thử

3204.11.10

THUỐC NHUỘM PHÂN TÁN, DẠNG THÔ

Thuốc nhuộm phân tán dạng thô là loại thuốc nhuộm phân tán, dạng sản phẩm trung gian không có thêm các tác nhân tạo sự phân tán.

3207.20.10

PHỐI LIỆU ĐỂ NẤU MEN THỦY TINH

Hỗn hợp nguyên liệu gốm dễ nóng chảy để tạo lớp men bóng và men thông thường phủ lên bề mặt các đồ dùng nhà bếp và trên bề mặt của vật liệu kim loại, ví dụ: bếp lò, bồn hay chậu, thùng tắm bằng kim loại.

3208.10.11 3208.20.70 3208.90.11 3208.90.21

VÉCNI (KỂ CẢ LACQUERS), LOẠI DÙNG TRONG NHA KHOA

Vécni dùng trong nha khoa có thành phần cơ bản polyeste hoặc polyme acrylic hoặc vinyl. Chức năng của vécni là chất bảo vệ giữa phần dentin (phần dưới lớp men răng) và phần nguyên liệu dùng trong nha khoa để khôi phục răng. Chúng giảm thiểu việc xâm nhập của nước miếng ở phần bề mặt tiếp giáp giữa phần khôi phục và phần răng. Chúng được phết một lớp mỏng, sau đó phần dung môi sẽ bay hơi. Chúng có độ bền cơ học kém và không có khả năng cách nhiệt.

3208.20.40 3209.10.50

SƠN CHỐNG HÀ HOẶC SƠN CHỐNG ĂN MÒN ĐỂ SƠN VỎ TÀU THỦY

Sơn chống hà và sơn chống ăn mòn thuộc nhóm sơn sản xuất từ polyme tổng hợp hoặc tự nhiên được phân tán hoặc hòa tan trong môi trường không chứa nước. Các loại sơn này có thể được tạo ra từ các loại nhựa khác nhau và các nguyên liệu độc tố khác nhau, ví dụ như oxít đồng, đồng thiocyante, hoặc tributyltin. Chúng là sản phẩm có tính chất diệt côn trùng sử dụng trên vỏ tàu, đáy thuyền, cho kết cấu hoặc bề mặt các công trình, thiết bị trên biển để ngăn cản sự phát triển của các sinh vật dưới nước ví dụ: con hàu và rong tảo. Dung môi hữu cơ được sử dụng trong các loại sơn này.

3210.00.50

CHẤT PHỦ NHỰA HỖN HỢP HẮC ÍN – POLYURETHANE

Sản phẩm này là hỗn hợp nhựa hắc ín với polyurethane ở dạng rắn màu đen. Nó được nóng chảy trước khi phủ lên các ống dẫn lớn đặt ngầm dưới đất để bảo vệ chống ăn mòn.

3215.11.10

MỰC ĐÓNG RẮN BẰNG TIA CỰC TÍM

Mực đóng rắn bằng tia cực tím là loại mực in được sử dụng trong sản xuất quyển sách mỏng, tờ rơi, nhãn và trên các chất liệu được in ấn khác, chúng được sử dụng cùng với loại máy in có bộ phận đóng rắn hoặc làm khô mực bằng tia cực tím hoặc ánh sáng. Loại mực này không thể khô được nếu chỉ đơn giản sử dụng phương pháp bay hơi.

Chương 33.

3306.10.10

DẠNG KEM VÀ BỘT ĐỂ NGĂN NGỪA CÁC BỆNH VỀ RĂNG

Bột hoặc kem cho mục đích phòng bệnh răng cần có khả năng tạo sự chà sát nhằm loại bỏ tất cả các chất tích tụ trên bề mặt răng một cách có hiệu quả (ví dụ: vết đen, ố, mảnh bám cao răng, v.v) nhưng không gây ra những sự mài mòn làm ảnh hưởng đến lớp men răng, lớp dưới men răng hoặc phần chân răng. Chúng có tác dụng như tác nhân làm sạch và tạo bề mặt mô cứng của răng có tính thẩm mỹ và độ bóng cao. Một số loại bột và kem phòng chống bệnh răng có chứa natri florua hoặc thiếc florua hoặc dạng hỗn hợp có chứa chất mài hoặc hệ hợp chất đệm phức hợp hơn.

Chương 35.

3503.00.20

GELATIN DẠNG BỘT CÓ ĐỘ TRƯƠNG NỞ A250 HOẶC B230 HOẶC CÓ ĐỘ TRƯƠNG NỞ LỚN HƠN THEO HỆ THỐNG THANG ĐO BLOOM

Bột gelatin bao gồm protein đã được tinh chế thu được bằng phương pháp thủy phân axít một phần (tupe A) hoặc thủy phân kiềm một phần (type B) colagen của động vật (bao gồm lợn, gia súc và cá).

Các thông số đặc trưng của gelatin dùng để sản xuất viên nang được công bố tại ấn phẩm viên nang dược phẩm xuất bản bởi hiệp hội dược phẩm hoàng gia Anh.

Chương 36.

3603.00.10

NGÒI NỔ BÁN THÀNH PHẨM; NGÒI KÍCH NỔ CƠ BẢN; ỐNG (TUÝP) TÍN HIỆU

Ngòi nổ bán thành phẩm: Ngòi nổ an toàn bán thành phẩm

Ngòi kích nổ cơ bản: ống nhỏ bằng nhôm gắn với đầu ống tín hiệu để cung cấp năng lượng kích nổ ban đầu.

Ống (tuýp) tín hiệu: ống nhựa rỗng chứa lượng bột thuốc nổ và bột nhôm sử dụng để kích nổ và nối các kíp nổ (ngòi nổ)

Chương 37.

3706.10.30 3706.90.30

PHIM TÀI LIỆU LOẠI KHÁC

Phim tài liệu loại khác nghĩa là các phim được sản xuất bằng máy quay phim kỹ thuật điện ảnh, ghi lại các hiện tượng, hình ảnh, sự việc và cảnh thực tế, khác với phim thời sự, phim du lịch, phim khoa học hoặc kỹ thuật thuộc phân nhóm 3706.10.10 hoặc phân nhóm 3706.90.10

Chương 38.

3812.30.10

CÁC BON TRẮNG

Các bon trắng là oxít silic kết tủa. Thành phần chính của nó là đioxít các bon (SiO2). Sản phẩm này có dạng xốp, không tan trong nước, chịu nhiệt, không cháy, không gây ô nhiễm và có đặc tính cách điện tốt.

Các bon trắng được sử dụng chủ yếu làm chất độn hoặc chất gia cường trong ngành công nghiệp cao su, chất kết dính và công nghiệp giấy.

3822.00.30

DẢI VÀ BĂNG CHỈ THỊ ĐỘ TIỆT TRÙNG

Dải và băng giấy dính (bằng giấy phết keo), được sử dụng cùng với thiết bị nồi hấp, chúng sẽ đổi màu để báo hiệu hoàn tất quá trình tiệt trùng khi ở nhiệt độ và áp suất cao.

3824.90.40

DUNG MÔI VÔ CƠ PHỨC HỢP

Chất lỏng bao gồm từ 2 hay nhiều hơn các hợp chất vô cơ khác nhau và dùng để hòa tan chất khác nhưng không có sự thay đổi thành phần hóa học.

3824.90.50

DẦU AXETON

Cặn dầu thu được từ quá trình trưng cất axeton thô. Nó được sử dụng như là một dung môi, như một chất biến tính hoặc cho quá trình tinh chế antraxen (anthracene).

Chương 39.

3907.30.20

NHỰA EPOXIT, CHẤT PHỦ BỘT

Các chất phủ này dựa trên thành phần nhựa epoxy được đóng rắn bằng chất đóng rắn đixianđianit hoặc phenol. Chúng ở dạng bột, tạo lớp phủ bằng phương pháp phun phủ và gia nhiệt trong lò. Chúng có khả năng kết dính rất tốt, chống ăn mòn và chịu được môi trường hóa chất và dung môi, do đó, thích hợp cho việc tạo lớp phủ trên các bề mặt lớp vỏ dụng cụ hay đồ vật bằng kim loại.

3907.99.40

CHẤT PHỦ DẠNG BỘT TỪ POLYESTE

Các chất phủ này dựa trên thành phần polyeste bão hòa có chứa nhóm chức axít và được đóng rắn bằng triglycidylisocyanurate. Chúng ở dạng bột, tạo lớp phủ bằng phương pháp phun phủ và gia nhiệt trong lò. Chúng duy trì được màu sắc và độ bóng trong điều kiện phơi sáng, do đó, thích hợp cho việc tạo lớp phủ trên các bề mặt lớp vỏ dụng cụ hay đồ vật bằng kim loại.

3912.20.11

NITROXELULO BÁN HOÀN THIỆN ĐÃ NGÂM NƯỚC

Còn được gọi là nitroxelulo “ướt”, chứa 30% nước tính theo trọng lượng và tồn tại dưới dạng các chất xơ màu trắng. Nó được sử dụng để sản xuất các loại chất phủ, mực in và sơn.

3926.90.55

MÓC KÉO KIỂU CHỮ J HOẶC KHỐI CHÙM BẰNG NHỰA DÙNG CHO NGÒI NỔ, KÍP NỔ

Móc kéo kiểu chữ J là sản phẩm bằng nhựa đúc, sử dụng trên ống (tuýp) tín hiệu như là một phương tiện nối dây kích nổ với ống tín hiệu để mồi nổ. Với ký hiệu số dập trên móc kéo, chúng cũng được sử dụng để nhận biết thời gian cháy chậm của ngòi nổ được sử dụng trong bộ tạo cháy nổ.

Khối chùm là các khối bằng nhựa nhuộm màu, thường có 2 cái nắp chụp. Chúng được gắn với ngòi nổ, kíp nổ, khi được sử dụng cùng với bộ nối dây cháy chậm (TLD) như là phương tiện mồi nổ đồng thời cho một số đường cháy chậm. Chúng còn được gọi là khối TLD.

Chương 40.

- Tấm cao su xông khói: - - Smoked sheets:

- RSS hạng 1.

Cao su tự nhiên, nhựa cây balata, nhựa két, nhựa cây cúc cao su, nhựa cây họ sacolasea và các loại nhựa tự nhiên tương tự, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải.

RSS hạng 1 đến hạng 5

2 dạng cao su tấm được sản xuất và mua bán trên thị trường quốc tế, cụ thể tấm xông khói chải sóng (RSS) và tấm làm khô bằng không khí. Trong số 2 loại này, loại tấm được xông khói chải sóng là phổ biến nhất.

4001.21.10

RSS HẠNG 1

Cao su RSS hạng 1 là dạng dai, khô, sạch và được xông khói đều, đã làm sạch các vết bẩn, chất nhựa (vết ố), vết phồng rộp, cát, hoặc các chất lạ khác, trừ các vết mờ (nhẹ). Cao su được tháo ra khỏi khuôn đúc, nhưng vẫn còn vết khuôn mờ xuất hiện trên lớp mặt ngoài

4001.21.20

RSS HẠNG 2

Cao su RSS hạng 2 là dạng tương tự hạng 1 chỉ có sự khác biệt là vết khuôn rất mờ nhạt trên lớp mặt ngoài, bề mặt của khối hoặc các tấm bên trong. Các bọt khí, và vết loang nhẹ của lớp vỏ có thể xuất hiện, nhưng các tấm có các điểm oxy hóa hoặc các vệt (đường vạch), yếu, đã gia nhiệt, lưu hóa chưa đủ, xông khói quá mức (đậm), mờ hoặc cháy sẽ bị loại bỏ.

Các tấm có các điểm oxy hóa hoặc các vệt (đường vạch), yếu, đã gia nhiệt, lưu hóa chưa đủ, xông khói quá mức cần thiết, mờ hoặc cháy sẽ bị loại bỏ. Cao su phải khô, sạch, dai, tình trạng tốt và không có vết bẩn, phồng rộp, cát, v.v.

4001.21.30

RSS HẠNG 3

Cao su RSS hạng 3 là dạng khô, dai và không có vết bẩn, phồng rộp, cát, đóng gói bẩn và các chất lạ khác. Nó có thể có các vết gỉ và vết khuôn nhẹ (mờ) trên lớp bề mặt bao gói, bề mặt khối và các tấm bên trong. Các tấm có các điểm oxy hóa hoặc các vệt (đường vạch), kém dai, đã gia nhiệt, lưu hóa chưa đủ, xông khói quá mức (đậm), mờ đục hoặc cháy sẽ bị loại bỏ.

4001.21.40

RSS HẠNG 4

Cao su RSS hạng 4 là dạng khô, màng mỏng và không có vết bẩn, phồng rộp, cát, đóng gói bẩn và các chất lạ khác. Nó có thể có các vết gỉ và vết khuôn nhẹ (mờ) trên lớp bề mặt bao gói, bề mặt khối và các tấm bên trong. Các lớp vỏ hạt kích thước trung bình, các bọt khí, vết bẩn mờ, hơi dính và xông khói hơi đậm có thể xuất hiện, các tấm có các điểm oxy hóa hoặc các vệt (đường vạch), yếu, đã gia nhiệt, lưu hóa chưa đủ, xông khói quá mức (đậm), mờ đục hoặc cháy sẽ bị loại. Cấp này được các nhà sản xuất lốp sử dụng phổ biến nhất. Các lớp vỏ hạt kích thước trung bình, các bọt khí, vết bẩn mờ, hơi dính và xông khói hơi đậm có thể được nhận thấy nhưng chưa đến mức rõ rệt. Các tấm có các vết oxy hóa, hoặc vệt ố, yếu, đã gia nhiệt, lưu hóa chưa đủ, mờ đục và bị cháy.

4001.21.50

RSS CẤP 5

Cao su RSS cấp 5 là dạng khô, màng mỏng và không có vết bẩn, phồng rộp, cát, đóng gói bẩn và các chất lạ khác. Nó có thể có các vết gỉ và vết khuôn nhẹ (mờ) trên lớp bề mặt bao gói, bề mặt khối và các tấm bên trong. Cao su có các vỏ hạt mảnh kích thước lớn, các bọt khí, vết phồng rộp, vết bẩn mờ, hơi dính và xông khói quá mức (đậm) có thể xuất hiện các tấm có cơ tính yếu, đã gia nhiệt, bị cháy, điểm oxy hóa hoặc các vết bẩn sẽ không được chấp nhận.

4001.29.10

CAO SU TẤM ĐƯỢC LÀM KHÔ BẰNG KHÔNG KHÍ

Tấm được làm khô bằng không khí gần giống với tấm mỏng được xông khói chải sóng (RSS), nhưng có độ trong cao hơn loại RSS là do chúng được chế biến trong buồng không có khói. Điều này chứng tỏ đây là dạng cao su tự nhiên rắn và sạch nhất (chắc chắn là loại cao su ở dạng đẹp nhất). Mủ cao su được sử dụng để sản xuất tấm sau đó chúng được “nướng” trong buồng khói. Màu của tấm là dạng trong, sáng và màu nâu – vàng đậm. Sản phẩm nguyên thủy được sử dụng trong các ngành sản xuất yêu cầu cao nhất về chất lượng và độ sạch, ví dụ làm núm ngậm, núm bình sữa trẻ em.

4001.29.20

CRẾP LATEX (mủ cao su đặc)

Crếp latex (mủ cao su đặc) được sản xuất từ khối kết tụ của mủ cao su tự nhiên dạng lỏng trong điều kiện các quá trình chế biến được tiến hành cẩn thận và kiểm soát đồng nhất. Cao su được cán thành các tấm crếp mỏng.

4001.29.30

CRẾP LÀM ĐẾ GIÀY DÉP

Crếp làm đế giày dép được sản xuất từ khối kết tụ của mủ cao su sạch, loại bỏ hoàn toàn các chất lạ và chất bẩn và tuân thủ các quy định kích thước về chiều dài, chiều rộng, độ dày và trọng lượng. Chiều dày tiêu chuẩn là 1/20”, 3/16” và 1/4”.

Được sản xuất từ mủ cao su kết tụ trong điều kiện xác định, dạng tấm mềm dẻo nhưng chưa lưu hóa và ở trạng thái rắn. Màu chủ đạo là màu trắng và màu vàng nhạt (màu mật ong). Các màu khác có thể được tạo ra theo yêu cầu của người mua. Tồn tại các kết cấu bề mặt khác nhau và đó là bề mặt nhẵn, nổi vân hạt hoặc tạo vân đường rãnh. Crếp làm đế giày dép là loại làm sẵn cho mục đích sản xuất giày dép thời trang hoặc giày mùa đông vì với hình dạng của cao su cho phép bám tốt lên bề mặt băng giá hoặc trơn trượt.

4001.29.40

CRẾP TÁI CHẾ, KỂ CẢ VỎ CRẾP LÀM TỪ MẨU CAO SU VỤN

Có 3 loại crếp cán lại thuộc dạng (category) này. Chúng là crếp cán lại 2, 3 và 4. Các loại này được làm từ khối kết tụ phế liệu dạng tấm, phiến, tấm mỏng không xông khói và khối kết tụ tại khu vực cây cao su. Việc mô tả loại được dùng cho mục đích cán lại trong tài liệu “Green Book” được chấp nhận để xác định loại cao su dùng cho dạng tiêu chuẩn này.

Tài liệu “Green Book” cũng được xem là Tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và đóng gói các loại cao su tự nhiên”

Crếp cán phẳng có bề mặt dạng vỏ cây là được làm từ tất cả các loại mảnh phế liệu chất lượng thấp, bao gồm cả mảnh lẫn (đất mảnh rơi xuống đất).

Crếp tái chế, kể cả vỏ crếp làm từ mẩu cao su vụn.

4001.29.80

CAO SU RƠI VÃI (TRÊN CÂY, DƯỚI ĐẤT HOẶC LOẠI ĐÃ ĐƯỢC XÔNG KHÓI) VÀ CỤC THU TỪ BÁT HỨNG MỦ CAO SU

Cách thông thường cạo mủ cao su là đầu tiên cố gắng thu được nhiều mủ cao su đến mức có thể. Mủ cao su vẫn còn ở dạng lỏng được thu vào bát hay cốc đựng mủ cao su (hứng và đựng mủ cao su). Dòng mủ cao su còn lại sẽ kết tụ trên vết rạch của cây cao su và trong bát hay cốt đựng cao su còn dư lại; dòng mủ cao su này sẽ được giữ lại lần sau như là mảnh phế liệu và cục mủ cao su còn sót lại trong bát hoặc cốc đựng mủ cao su.

4001.30.11 4001.30.19

4001.30.12

JELUTONG

Dịch cây latex từ loại cây jelutong (Dyera costulata) được sử dụng để sản xuất gôm

4012.20.91

LỐP MÀI NHẴN (LỐP TRƠN CHƯA ĐẮP HOA LỐP)

Phần mặt lốp được mài nhẵn để loại bỏ lớp hoa lốp và phần hông lốp, gót lốp được làm sạch bằng thiết bị chuyên dụng. Các mặt lốp được xử lý bằng dung dịch đặc biệt để chuẩn bị bề mặt cho quá trình đắp. Hỗn hợp cao su được đùn thành hình và kích thước chính xác trong quá trình đắp khuôn các vật liệu vào mặt lốp và hông lốp, sau đó lốp sẽ được lưu hóa trong khuôn.

Các phần hoa lốp sẽ được loại bỏ khỏi mặt lốp trong quá trình mài nhẵn. Các thao tác thích hợp của quá trình mài nhẵn sẽ quyết định đến khả năng làm việc của loại lốp đắp khi được đưa vào sử dụng sau này. Vỏ lốp sẽ được đặt lên máy mài nhẵn, là thiết bị kiểu máy tiện, và được bơm căng. Sau đó nó được quay tròn trong quá trình nạo và mài nhẵn hoa lốp cho đến khi về mặt vỏ lốp đạt được hình dạng, kích thước và cấu trúc phù hợp để tạo hoa lốp mới.

Các kiểu lốp có vành lốp, chiều rộng, mặt cắt ngay và đường kính lốp được xác định trước. Vỏ lốp phải được mài nhẵn để có hình dạng xác định để có thể tạo ra sự tiếp xúc tốt nhất giữa mặt lốp với mặt đường.

4016.93.10

ĐẦU BỌC, BỊT CÁCH ĐIỆN SỬ DỤNG CHO TỤ ĐIỆN PHÂN (TỤ ĐIỆN HÓA)

Chi tiết cao su nhỏ dạng vòng tròn sử dụng để cách điện các phần đầu dẫn điện của tụ điện phân (tụ điện hóa) khi lắp vào bản mạch in.

Chương 48.

4802.55.21 4802.55.29 4802.56.21 4802.56.29 4802.58.21

4802.58.29 4802.61.10 4802.61.20 4802.62.10 4802.62.20

GIẤY VÀ CÁCTÔNG TRANG TRÍ, BAO GỒM LOẠI CÓ HOA VĂN HÌNH BÓNG NƯỚC, HÌNH BÓNG CHÌM (LÀ HOA VĂN TẠO RA TRÊN GIÀN LƯỚI CỦA MÁY XEO GIẤY), HOA VĂN GIẢ VÂN ĐÁ GRANIT, HOA VĂN XƠ SỢI, HOA VĂN GIẢ DA CỔ HOẶC PHA TRỘN CÁC ĐỐM MÀU

Giấy trang trí: Giấy đặc biệt

Hoa văn giả vân đá granit: Được tạo ra bởi bề mặt trục ép ướt không phẳng có hoa văn đá granit

Hoa văn giả da cổ: Được đặc trưng bởi hoa văn tạo ra trên bề mặt bởi điểm nỉ, có các vị trí lồi và lõm tương đối lớn dài và hẹp chạy dọc theo hướng của vân.

Hoa văn xơ sợi: Liên quan đến các kiểu hoa văn thể hiện các xơ sợi.

Pha trộn các đốm màu: Liên quan đến các kiểu hoa văn thể hiện các đốm màu.

4810.92.10

CÁCTONG LỚP ĐẾ (MẶT DƯỚI) MÀU XÁM

Cáctông đế màu xám có nghĩa là giấy và cáctông nhiều lớp đã được tráng phủ một mặt bằng cao lanh và mặt kia (mặt dưới) là giấy có màu xám.

Chương 56.

5601.22.10

LÕI XƠ ĐẦU LỌC THUỐC LÁ ĐÃ ĐƯỢC BỌC GIẤY

Lõi xơ đầu lọc thuốc lá đã bọc giấy bao gồm một cây nhỏ mền xơ acetate được cuốn thành hình trụ tròn bởi giấy cuốn đầu lọc và giấy ghép đầu lọc thường có đường kính 7 mm và chiều dài 5,08cm, được sử dụng làm đầu lọc thuốc lá điếu có đầu lọc.

Cuộc nhỏ mền xơ acetate đầu tiên được cuốn chặt thành hình trụ bằng giấy cuốn đầu lọc mỏng và trắng. Tiếp theo, nó được bọc ngoài bằng giấy ghép đầu lọc mỏng. Sau đó, nó được cắt ra thành đầu lọc thuốc lá thông thường có chiều dài 2,54cm.

5607.50.10

DÂY COÓC CHO DÂY ĐAI CHỮ V LÀM TỪ XƠ NHÂN TẠO ĐÃ ĐƯỢC XỬ LÝ BẰNG NHỰA RESORCINOL FORMALDEHYDE

Là loại dây coóc thường được chế tạo từ xơ polyethylene và xơ aramid bện, xoắn lại với nhau và được xử lý bằng nhựa resorcinol formaldehyde và được sử dụng như là phần tăng cường cho dây đai chữ V.

Hình ảnh

5607.50.10

SỢI POLYAMIT VÀ POLYTETRAFLUOROETHYLENE

Các sợi này được làm từ polytetrafluoro-ethylene và được sử dụng như là vật liệu gắn kín rất hiệu quả cho van và cho bơm

Chương 58.

5806.31.20

SẢN PHẨM DỆT LOẠI ĐƯỢC SỬ DỤNG LÀM ĐẾ NỀN CHO GIẤY CÁCH ĐIỆN

Vải dệt thoi khổ hẹp thường được làm từ bông, polyeste hoặc kết hợp giữa chúng với nhau, được sử dụng như là vật liệu làm nền (gia cường) trong quá trình sản xuất băng giấy cách điện.

Chương 59.

5902.10.10 59.02.20.20

VẢI BẠT LÀM MÉP LỐP (PHẦN TANH LỐP) ĐÃ ĐƯỢC CAO SU HÓA

Dải vải được cao su hóa và được phủ lên phần mép lốp (phần chứa tanh lốp) để bảo vệ chống chà sát do tiếp xúc giữa mép lốp với vành bánh xe.

Chương 63.

6307.90.60

BỘ DÂY ĐEO AN TOÀN, BỘ DÂY NỊT AN TOÀN

Bộ dây đeo an toàn (hay còn gọi là bộ dây nịt an toàn) được làm bằng vật liệu dệt mà trong đó phần tấm đỡ làm bằng polyamit và phần vải dây đeo (nịt) được làm từ vải dệt kiểu mạng khổ hẹp bằng sợi kevlar hay sợi nylon

Chương 69.

6905.90.10

GẠCH LÓT CHO MÁY NGHIỀN BI

Là vật liệu gạch phi kim loại (ví dụ: gạch làm từ đá flint hoặc sứ nung và được sử dụng thay cho loại lót bằng kim loại để tránh hiện tượng nhiễm bẩn do sự có mặt thành phần sắt (thành phần không mong muốn) trong quá trình nghiền bột gốm hoặc bột màu.

6908.90.10

NGÓI TRƠN

Loại ngói màu đơn được xem là kiểu trơn kể cả loại đơn màu có các vệt, vẩy lốm đốm ngẫu nhiên, miễn là chúng không có các kiểu hình mẫu hoặc hoa văn nhất định.

Chương 70.

7019.39.10

SẢN PHẨM XƠ THỦY TINH ĐÃ ĐƯỢC THẤM TẨM NHỰA ĐƯỜNG (ASPHALT) HOẶC NHỰA THAN ĐÁ ĐỂ BỌC BÊN NGOÀI ĐƯỜNG ỐNG DẪN

Sản phẩm bọc bên ngoài đường ống dẫn đã được thấm tẩm nhựa đường (asphalt) được làm từ loại xơ thủy tinh kiểu dệt … kết hợp với loại vải 60 g/m2. Nó được nhập khẩu dạng cuộn có chiều dài từ 400 đến 1.200 feet (122 đến 366m) và rộng khoảng 4, 6, 9, 12 và 18 inches (10, 15, 23, 30 và 46cm). Nó được sử dụng như là vật liệu bọc ngoài và gia cố cho đường ống dẫn bằng thép được lắp đặt trong hệ thống đường cung cấp nước có lớp phủ men kết hợp lớp phủ nhựa than đá. Nó tăng cường khả năng chống ăn mòn nhanh.

7019.90.30

ỐNG THOÁT HIỂM KHẨN CẤP

Hình ảnh

Chương 71.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 72.

7217.20.91

DÂY THÉP CÁC BON CAO ĐỂ LÀM LÕI CÁP NHÔM DẪN ĐIỆN CHỊU LỰC (ACSR)

Là dây thép được mạ điện có thành phần các bon 0,5 đến 0,85% được sử dụng để gia công sản xuất lõi cáp dẫn điện chịu lực.

Chương 73.

7304.31.10 7304.51.10

CẦN KHOAN, ỐNG CHỐNG CÓ REN VÀ ỐNG NỐI REN, DÙNG ĐỂ KHOAN

7306.30.20

ỐNG THÉP VÁCH ĐƠN HOẶC KÉP, ĐƯỢC MẠ ĐỒNG, TRÁNG NHỰA FLO HOẶC PHỦ KẼM CROMAT VỚI ĐƯỜNG KÍNH NGOÀI KHÔNG QUÁ 15 MM

Ống thép vách đơn gồm có ống thép hàn từ các dải thép, được mạ đồng ở cả hai mặt, và được tráng nhựa flo hoặc phủ kẽm cromat. Các dải được cuộn và gắn kín bằng công nghệ hàn điện trở để tạo ra đường nối chắc chắn và truyền dẫn. Chúng được sử dụng để truyền dẫn trong các thiết bị có áp suất từ trung bình đến thấp như hệ thống nhiên liệu của xe có động cơ, tỏa nhiệt và trợ lực tay lái, làm mát dầu truyền dẫn, điều hòa không khí và bộ nén và bộ ngưng của tủ lạnh.

Ống thép vách kép gồm ống thép hàn bằng đồng thau được tạo thành bởi các dải thép, được mạ đồng ở cả hai mặt, và tráng nhựa flo hoặc phủ kẽm cromat. Chúng được sử dụng trong các thiết bị áp suất cao như hệ thống phanh và lái có trợ lực của xe có động cơ, ống thủy lực cho máy móc công nghiệp và bệ máy cần có khả năng chịu áp suất cao; cũng lý tưởng nếu chúng được sử dụng cho hệ thống điều hòa và bộ nén và bộ ngưng của tủ lạnh.

7306.90.10

ỐNG VÀ ỐNG DẪN VÁCH KÉP HÀN NỐI HAI LỚP

Ống thép vách kép, được phủ đồng cả ở bên trong và bên ngoài, và được hàn đồng thau dọc ống tạo thành các mối nối chập liên tục

7308.10.10 7308.20.11 7308.20.21 7308.40.10 7308.90.20

DẠNG CẤU KIỆN TIỀN CHẾ ĐƯỢC LẮP RÁP BẰNG CÁC KHỚP NỐI CÁC DẠNG KHỚP NỐI ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG CÁC MẢNG CẤU KIỆN TIỀN CHẾ CỦA CÁC NHÓM 7308.10, 7308.20, 7308.40 VÀ 7308.90

Khớp nối cắt hai mặt

Đây là khớp nối cắt hai mặt. Có thể gây nguy hiểm khi đưa khung rầm vào mặt đối diện của rầm cái và sử dụng cùng một lỗ trong thành rầm. Một cách để tránh nguy hiểm là làm rầm khuỷu.

Một giải pháp khác được trình bày ở đây; đơn giản là có thể tạo ra một bulông phụ cho bulông cần để dẫn trượt. Bulông phụ này, nằm dưới cùng của khớp nối, chỉ đi qua một cụm góc kép và có thể được sử dụng để giữ rầm tạm thời ở đúng vị trí cho đến khi lắp được rầm trái và toàn bộ lỗ bulông được xoáy hết.

Khớp nối cắt tấm đáy

Đây là khớp nối cắt tấm đáy vì nó đối diện với khớp nối mô en tấm đáy. Tấm bên trong khớp nối này chỉ được hàn với thanh rầm.

Một nhược điểm của khớp nối này là mặt phẳng vuông góc với thanh rầm không tự động được đảm bảo như tính toán nếu tấm đế cũng phủ các mép.

Khớp nối cắt được chốt tấm mặt và tấm nền

Đây là khớp nối cắt chốt tấm mặt. Khớp nối tấm mặt và tấm nền sử dụng ít bulông lắp đặt hơn và có ưu điểm là có chỗ đặt rầm trong quá trình lắp ráp. Điều đó cho phép gắn góc tấm nền vào mép cột trước khi đặt rầm.

Khớp nối tấm mặt và tấm nền có thể được sử dụng trên mép cột, rầm cột hoặc rầm xà. Trong trường hợp tải nặng, có thể gia cố thêm dưới tầm nền.

Khớp nối cắt nghiêng

Đây là khớp nối cắt nghiêng. Các cánh thường không cắt nhau ở góc phải. Cách tốt nhất để tạo ra khớp nối này là hàn tấm cong vào thanh rầm của cánh nhỏ hơn, trong trường hợp này là một rãnh, rồi gắn chúng vào thanh rầm của mảng lớn hơn.

Khớp nối cắt góc rầm kép bắt bulông tại xưởng và tại chỗ lắp đặt

Đây là khớp nối cắt góc rầm kép, bắt bulông vào cả xà và rầm xà. Các góc cần được bắt bulông tại xưởng vào xà, rồi bắt bulông lắp đặt vào rầm xà.

Cần lưu ý rằng các bulông được bắt chữ chi để có thể sử dụng dễ dàng chìa vặn đai ốc trong điều kiện khoảng cách hẹp. Nếu có thể bố trí khoảng cách rộng hơn thì không nhất thiết phải bố trí kiểu chữ chi. Cũng cần lưu ý là xà được chờm ra ở cả hai mép. Các góc sử dụng trong khớp nối này thường đủ mỏng để biến dạng theo tải trọng lệch tâm và làm cho khớp nối hoạt động như một khớp nối cắt thực sự.

Khớp nối cắt cho dầm hợp thể

Ở đây có một ví dụ về một loại khớp nối cắt tạo cho dầm thép và tấm bê tông kết hợp như một thể thống nhất. Chúng gồm đinh đầu to, dầm và tấm tạo thành dầm hợp thể. Đinh đầu to được hàn điện trở vào dầm bằng một công cụ đặc biệt, hoặc ở xưởng hoặc ở chỗ lắp đặt.

Khớp nối cắt góc đơn

Vì rãnh thép chữ U thường chịu tải nhẹ, nên có thể sử dụng một góc đơn để gắn dầm thép chữ U, hàn tại xưởng vào thanh dầm rồi hàn lắp vào rãnh thép chữ U.

7308.90.30

TẤM MẠ KẼM, ĐÃ ĐƯỢC UỐN CONG HOẶC ĐƯỢC LÀM LƯỢN SÓNG DÙNG ĐỂ LẮP RÁP VỚI CÁC ĐƯỜNG ỐNG HOẶC ĐƯỜNG DẪN NGẦM

Các tấm thép được làm lượn sóng có thể được lắp ráp thành hình lục giác (cong hình móng ngựa, vòm, ống, vòm chui hoặc vòm ống), được sử dụng chủ yếu trong các công trình lắp đặt ống ngầm.

7308.90.50

THANH RAY DÙNG CHO TÀU THUYỀN

Đây là những khung thép để chuyển các thùng chứa từ một điểm đến một điểm khác trên tàu chở container.

Các khung được thiết kế đặc biệt để chuyển tàu chở container.

7312.10.10

CUỘN DÂY BỆN TAO KIỂU CÀI KHÓA, DÂY TAO DẸT VÀ DÂY BỆN THỪNG KHÔNG XOAY CUỘN DÂY BỆN TAO KIỂU CÀI KHÓA

DÂY TAO DẸT

DÂY BỆN THỪNG KHÔNG XOAY

7315.11.11

7315.11.12

7315.11.19

7315.19.11

7315.19.12

7315.19.19

7315.20.10

7315.81.10

7315.82.10

7315.89.11

7315.89.12

7315.89.19

7315.90.10

THÉP MỀM

Thép mềm là loại thép có hàm lượng các bon rất thấp (dưới 0,25% các bon) và giới hạn bền kéo trong khoảng 410 - 580 N/mm2.

7326.90.30

BỘ KẸP ĐÃ LẮP VỚI MĂNG SÔNG CAO SU, BẰNG THÉP KHÔNG GỈ, DÙNG CHO CÁC ỐNG HOẶC ỐNG NỐI VÀ KHỚP NỐI BẰNG GANG

Kết cấu này gồm một dải thép không gỉ được soi rãnh, một cặp vòng thép đôi xẻ rãnh, một măng sông cao su được đúc thành hình ống với các rãnh và một miếng ngăn riêng ở phía trong. Kết cấu này được thiết kế để kết nối hai ống dẫn hoặc đường ống trong việc kết nối có trọng lực. Các dải thép có rãnh đảm bảo việc kết nối trong khi măng sông cao su ngăn không cho nước rò rỉ.

Chương 74.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 75.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 76.

7604.21.10

HÌNH ỐNG CÓ LỖ (ỐNG HÌNH TẤM) ĐỂ LÀM ỐNG TẢN NHIỆT CỦA MÁY HÒA KHÔNG KHÍ CHO XE CÓ ĐỘNG CƠ

Các sản phẩm dạng bán thành phẩm của hệ thống tản nhiệt dùng trong máy hòa không khí cho xe có động cơ. Các tấm thép bằng nhôm được uốn theo chiều dài để tạo thành cuộn làm lạnh trong một hệ thống điều hòa không khí của xe có động cơ.

7606.12.10

VẬT LIỆU LÀM LON KỂ CẢ VẬT LIỆU ĐỂ LÀM PHẦN NẮP VÀ PHẦN MÓC MỞ NẮP LON, DẠNG CUỘN

Dải nhôm được sử dụng để làm thân lon của loại lon đồ uống gồm ba mảnh để đựng soda, bia…vv

7607.19.10

LÁ MỎNG BẰNG HỢP KIM A1075 HOẶC A3903

Lá kim loại bằng hợp kim nhôm thường được sử dụng như một vật liệu trung gian để sản xuất vật liệu đóng gói, dát mỏng dùng để chứa thực phẩm và đồ uống.

Các loại A1075 và A3903 là các loại hợp kim nhôm có tiêu chuẩn được công nhận ở cấp quốc tế.

7616.99.20

NHÔM BỊT ĐẦU ỐNG DÙNG ĐỂ SẢN XUẤT BÚT CHÌ

Một vòng kim loại nhôm cuộn quanh cục tẩy ở đuôi bút chì.

7616.99.30

ĐỒNG XÈNG, HÌNH TRÒN VỚI KÍCH THƯỚC MÀ CHIỀU DÀY TRÊN MỘT PHẦN MƯỜI ĐƯỜNG KÍNH

Các sản phẩm nhôm bán thành phẩm dạng tròn và dẹt được tạo ra với thành phần có khoảng 99,7% nhôm với mọi kích thước, được sử dụng để sản xuất các ống nhôm và đồ chứa có thể gập lại dùng để chứa dược phẩm, thực phẩm, kem đánh răng, kem mỹ phẩm và các loại kem khác.

Thanh kim loại nhôm

Sản phẩm cuối cùng

Chương 77.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 78.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 79.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 80.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 81.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 82.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 83.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 84.

DÀN ỐNG NHÔM DẠNG TẤM (ĐƯỢC TẠO THÀNH TỪ CÁC TẤM NHÔM DẬP VÀ ĐƯỢC HÀN, GHÉP NỐI VỚI NHAU) CỦA CÁC PHÂN NHÓM 8418.10.10, 8418.21 OR 8418.29

Các loại máy làm lạnh và tủ lạnh hiện đại sử dụng các tấm nhôm được sản xuất trên nguyên tắc cán thành tấm.

Loại tấm này được tạo ra bởi hai tấm nhôm được ghép lại sau một quá trình cán. Trước khi cán, các đường rãnh được in lên các tấm này bằng graphit. Sau khi cán, các đường rãnh được tạo ra bằng cách ép tấm đó với áp suất từ 100 - 150 barơ.

Các tấm cán này là sản phẩm lý tưởng để làm lạnh.

8421.99.20

LÕI LỌC CỦA CÁC THIẾT BỊ LỌC THUỘC PHÂN NHÓM 8421.23

Lõi lọc của các thiết bị lọc thuộc phân nhóm 8421.23 là các bộ phận chính của các thiết bị lọc dầu hoặc xăng dùng cho động cơ đốt trong. Chúng được sản xuất và bán như là các thiết bị chính và các bộ phận thay thế được sử dụng trong các thiết bị lọc dầu hoặc xăng của xe có động cơ.

Thành phần chính của các bộ phận này là vật liệu lọc bằng nhiều chất liệu và hình dáng khác nhau, chúng có thể được lắp đặt trên các bệ, khung hoặc tương tự. Khi dầu hoặc xăng chảy qua bộ phận lọc, các phần tử lớn hơn bị đọng lại trong các chất lỏng và nổi lên bề mặt của bộ phận lọc, qua đó chỉ có dầu hoặc xăng sạch mới chảy qua bộ phận lọc. Như vậy, các bộ phận lọc hoạt động nhằm loại bỏ dầu hoặc xăng bẩn và làm sạch các chất lỏng ngày để tạo điều kiện cho động cơ hoạt động với hiệu suất tối đa.

8430.49.10

BỆ DÀN KHOAN VÀ CÁC MẢNG CẤU KIỆN TÍCH HỢP SỬ DỤNG TRONG CÁC CÔNG ĐOẠN KHOAN

Bệ dàn khoan là bệ dàn khoan dầu nổi có kích thước nhỏ, được gắn vào một bệ lớn hơn là bệ dàn khoan trung tâm. Bệ dàn khoan được gắn các thiết bị đào hoặc khoan mỏ để khai thác dầu mỏ ngoài biển.

Các máy vận hành sản xuất được gắn trên cùng bệ dàn khoan nối với thiết bị đào hoặc khoan cũng như các thiết bị khác như bơm, thiết bị làm lạnh… để khai thác và sản xuất dầu thô.

8471.70.91

HỆ THỐNG QUẢN LÝ DỰ TRỮ

Các hệ thống dự trữ tự động bao gồm máy chủ dự trữ chuyên dùng có thể tự động lưu trữ dữ liệu vào các thiết bị lưu trữ, ví dụ đĩa từ, hệ thống thư viện đĩa quang và băng từ.

8481.80.64 8481.80.65

VAN NƯỚC CÓ NÚM DÙNG CHO SÚC VẬT

Đây là các loại van được dùng để cho súc vật uống nước. Chúng có hình trụ và được gắn lẫy, lò xo và thiết bị lọc. Một đầu của van có đường ren để gắn với ống được nối tới nguồn nước.

Van hoạt động khi miệng của súc vật chạm vào và lẫy được mở ra để nước chảy vào miệng súc vật.

Chương 85.

MẠCH IN

Một hình mẫu dẫn điện có hoặc không có các thành phần in, được tạo thành theo thiết kế định trước trên bề mặt của đế cách điện theo cách có thể lặp lại chính xác. Loại mạch in thông thường nhất là mạch in được khắc axit và mạch in mạ.

TẤM MẠCH IN ĐÃ LẮP RÁP (PCA)

Một tấm mạch in trên đó đã gắn các linh kiện rời, thiết bị đầu cuối và phần cứng

TẤM MẠCH IN (PCB)

Một tấm cách điện, được sử dụng làm tấm đế cho mạch in. Thiết bị này có thể bao gồm các thành phần in cũng như dây in, được xử lý hoàn chỉnh như phần in liên quan. Đây là một thiết bị lắp ráp cơ học gồm các lớp sợi thủy tinh dát hình mẫu bằng đồng khắc axit. Thiết bị được dùng để gắn các linh kiện điện tử theo một nguyên tắc nhất định phù hợp với số chân nối. Loại này cũng được biết đến dưới tên gọi Tấm dây in (PWB).

DÂY IN

Một loại mạch in chủ yếu được sử dụng để nối điện giữa các điểm hoặc che chắn.

TẤM DÂY IN ĐÃ LẮP RÁP (PWA)

Một tấm nối dây in trên đó đã gắn các linh kiện rời.

Khi các linh kiện điện tử được gắn trên tấm dây in (PWB), sự kết hợp của PWB và các linh kiện tạo thành một cụm điện tử, cũng được gọi là tấm dây in đã lắp ráp (PWA). Cụm này là khối cơ bản cho các hệ thống điện tử lớn hơn, từ đồ chơi đến lò nướng hay thiết bị viễn thông.

TẤM DÂY IN (PWB)

Một tấm cách điện sử dụng làm tấm đế để nối dây in, được xử lý hoàn chỉnh như phần in liên quan, và hầu như chỉ gồm các mạch nối các điểm và che chắn.

Đó là tấm đế trên đó gắn linh kiện điện tử như các chíp mạch tích họp và tụ điện. Tấm dây in (PWB), trong tấm mạch in (PCB) tạo ra cấu trúc vật lý để lắp đặt và giữ các linh kiện điện tử cũng như kết nối điện giữa các linh kiện. Một tấm nối dây in gồm một tấm nền không dẫn điện (thường bằng sợi thủy tinh với nhựa epoxy) trên đó các vật dẫn hoặc mạch được tạo thành. Đồng là vật dẫn thông thường nhất, mặc dù niken, bạc, thiếc, thiếc chì, và vàng cũng có thể được sử dụng như lớp kim loại cản khắc axit hoặc lớp mặt. Có 3 loại tấm nối dây in: một lớp, hai lớp hoặc nhiều lớp. Tấm một lớp chỉ có vật dẫn trên một mặt, tấm hai lớp có vật dẫn trên cả hai mặt, và tấm nhiều lớp gồm các lớp vật dẫn được gắn với nhau bằng vật liệu cách điện. Các lớp vật dẫn được liên kết với nhau qua các lỗ được mạ, chúng cũng được dùng để gắn và nối các thành phần điện. Tấm dây in (PWB) có thể cứng, mềm dẻo hoặc kết hợp cả hai (vừa mềm, vừa cứng).

8501.10.92

ĐỘNG CƠ TRỤC ĐỨNG

Động cơ trục đứng là động cơ một chiều, có kích thước nhỏ, với độ chính xác cao được sử dụng cho các đầu HD, đầu FD, đầu CD, đầu DVD… Động cơ trục đứng quay đĩa với số vòng quay từ 3.000 đến 10.000 vòng trong một phút. Một đầu đọc - ghi di chuyển phía trên của đĩa, đọc hoặc ghi các dữ liệu số nhị phân là những khối thông tin đưa ra các lệnh và thông tin cho các máy tính.

8504.21.10 8504.22.11

BỘ ỔN ĐỊNH ĐIỆN ÁP TỪNG NẤC; MÁY BIẾN ÁP ĐIỆN DÙNG CHO THIẾT BỊ ĐO LƯỜNG CÓ CÔNG SUẤT SỬ DỤNG KHÔNG QUÁ 5 KVA

Đây là các máy biến thế dầu điều chỉnh tự động điện áp theo từng nấc. Cấu tạo chuẩn gồm một bình đóng kín, bộ phận điều chỉnh áp suất, sứ xuyên, khối đầu cuối, hộp số chỉ dầu, van tháo…vv

Ví dụ về một bộ ổn định điện áp từng nấc một pha:

1. Lớp polyeste để chống lại sự ăn mòn trong môi trường khắc nghiệt.

2. Lớp vỏ bọc bằng kim loại thép không rỉ.

3. Bình gắn kín với bộ phận điều chỉnh áp suất để xả khí được tạo ra trong quá trình thay đổi đầu nối.

4. Bộ phận hãm ngoài MOV.

5. Hộp số đo dầu để chỉ mức dầu được xác định từ mức dưới lên.

6. Tụ điện động cơ trong hộp điều khiển.

7. Phích cắm điện một chiều.

8. Khối đầu cuối đã gắn hộp.

9. Bảng điều khiển.

10. Đổi cuộn và đổi nối.

11. Sứ xuyên có độ đàn hồi cao.

8504.31.30

MÁY BIẾN ÁP QUÉT VỀ (BIẾN ÁP TẦN SỐ QUÉT NGƯỢC)

Máy biến áp quét về được sử dụng trong máy thu hình để cung cấp điện áp phản xạ theo chiều ngang, điện áp cao hơn cho nguồn cấp điện anốt (cực dương) thứ hai của ống hình, và điện áp sợi đốt cho máy chỉnh lưu điện cao áp.

Máy biến áp quét về cũng được gọi là máy biến áp đầu ra ngang và máy biến áp quét ngang.

8504.31.50

MÁY BIẾN THẾ TĂNG/GIẢM ĐIỆN ÁP, BIẾN ÁP TRƯỢT VÀ BỘ ỔN ĐỊNH ĐIỆN ÁP

Máy biến thế tăng/giảm điện áp, biến áp trượt là máy biến thế với đầu vào không ổn định trong một khoảng điện áp nhất định và có đầu ra với điện áp ổn định có thể điều chỉnh bằng tay được.

Bộ ổn định điện áp là máy biến thế với đầu vào không ổn định trong một khoảng điện áp nhất định và có đầu ra với điện áp ổn định, có thể được điều chỉnh bằng bộ phận điện tử được nối với điện áp đầu vào.

8504.50.20

CUỘN CẢM CỐ ĐỊNH KIỂU CHIP KHÁC

Cuộn cảm cố định kiểu chip khác có hình dạng các chip nhỏ dùng cho điện thoại di động, máy thu hình, đầu thu VTR…., có thể sử dụng với mức cường độ điện thế thấp. Chúng được sử dụng trong mạch điện để hạn chế dòng điện khi có hiện tượng đoản mạch.

8504.40.11

BỘ NGUỒN CẤP ĐIỆN LIÊN TỤC (UPS)

Bộ nguồn cấp điện liên tục là bộ biến đổi nguồn điện gồm một biến thế, bộ pin chì axít gắn kín có các ổ cắm, và tấm mạch in đã lắp rơ le, tụ điện, điện trở... Thiết bị này bảo vệ nguồn điện, chống quá điện áp xung, lọc nhiễu, và nạp pin tức thời. UPS được sử dụng cho hệ thống máy tính, thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông, các cổng đầu cuối thu thập dữ liệu và các thiết bị điện tử nhạy cảm khác.

8535.90.10

BỘ CHUYỂN ĐỔI ĐẦU NỐI ĐIỆN THẾ ĐỂ PHÂN PHỐI ĐIỆN VÀ MÁY BIẾN ÁP NGUỒN

Bộ chuyển đổi đầu nối điện cho phép chuyển đầu nối điện áp cao một cách nhanh chóng và dễ dàng mà không gây trục trặc cho các bộ phận bên trong biến thế. Thiết bị này được thiết kế sử dụng cho máy biến áp dầu.

8536.50.30

NGẮT MẠCH VÀ VÀNH ĐỔI CHIỀU DÙNG CHO LÒ NƯỚC VÀ LÒ SẤY; CÔNG TẮC MICRO; NGUỒN MÁY THU HÌNH HOẶC THU THANH; CÔNG TẮC CHO QUẠT ĐIỆN; CÔNG TẮC XOAY, CÔNG TẮC TRƯỢT, CÔNG TẮC BẬP BÊNH VÀ CÔNG TẮC TỪ CHO MÁY HÒA KHÔNG KHÍ

Ngắt mạch có khả năng kiểm soát sự tăng đột ngột của dòng điện.

Hệ thống chuyển mạch này đảm bảo cho các mối tiếp xúc được tạo thành khi đóng mạch, được tách rời một cách nhanh chóng bởi ống bơm tác động trực tiếp lên khi xoay công tắc.

Chương 86.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 87.

8702.90.11 8702.90.19

XE BUÝT ĐƯỢC THIẾT KẾ ĐẶC BIỆT ĐỂ SỬ DỤNG TRONG SÂN BAY

Hình minh họa: Xe buýt trong sân bay

Hình minh họa: Xe buýt trong sân bay

I. ĐỊNH NGHĨA VỀ “THÁO RỜI TOÀN BỘ” (C.K.D.):

Xe ô tô được “tháo rời toàn bộ” có nghĩa là một xe ô tô nhập khẩu trong kiện được mô tả dưới đây:

A. Quy định chung:

(1) Theo mục đích của đoạn này, trừ khi hoàn cảnh có yêu cầu khác:

(a) “bộ phận” sẽ có nghĩa là các linh kiện riêng được tạo hình, tạo dáng, chế tạo hoặc sản xuất chỉ từ một tấm kim loại hoặc từ vật liệu khác và không được gắn hoặc nối bằng bất kỳ cách nào với các linh kiện hoặc vật liệu khác; và

(b) “bộ phận lắp ráp bổ sung” sẽ có nghĩa là một linh kiện gồm hai bộ phận trở lên được gắn hoặc nối bằng bất kỳ cách nào, và một linh kiện được Tổng cục trưởng Hải quan chấp nhận là một bộ phận lắp ráp bổ sung.

(2) Trừ khi được quy định cụ thể ở phần khác, mỗi linh kiện riêng hoặc bộ phận lắp ráp bổ sung được quy định trong đoạn này sẽ được nhập khẩu dưới dạng tách rời với các bộ phận hoặc bộ phận lắp ráp bổ sung khác.

(3) Tuy có sự khác biệt nhưng rầm, giá đỡ và móc treo hoặc đai ốc và các chốt tương tự có thể được gắn vào các bộ phận hoặc bộ phận lắp ráp bổ sung.

(4) Theo quy định của đoạn này, các bộ phận hoặc bộ phận lắp ráp bổ sung đã trải qua các quy trình xử lý dưới đây sẽ được chấp nhận:

(a) che phủ kim loại bằng vật liệu cao su hoặc chất dẻo;

(b) gắn vật liệu cao su hoặc chất dẻo với kim loại hoặc thủy tinh;

(c) mạ sáng kim loại;

(d) tạo vân gỗ giả;

(e) xử lý mạ khác để chống gỉ; và

(f) sơn các bộ phận không thuộc phần thân.

(5) Các bộ phận hoặc bộ phận lắp ráp phụ phù hợp với quy định của đoạn này, dù có quy định khác, cũng được chấp nhận nếu như chúng được nối hoặc gắn bởi các phương pháp sau:

(a) hàn bằng một cung lửa điện:

(b) hàn bằng đèn;

(c) hàn phun;

(d) hàn ép thủy lực;

(e) hàn điểm với điện thế cao:

(f) hàn bằng chất điện môi:

(g) hàn nhiệt;

(h) hàn tự động hoặc hàn đặt vào vị trí; và

(i) các hình thức khác được chấp nhận để gắn lại trừ hình thức hàn điểm thông thường.

(6) Các bộ phận hoặc bộ phận lắp ráp phụ không được nêu tại phần khác trong đoạn này có thể được nhập khẩu với điều kiện cung cấp nếu như chúng không được gắn hoặc nối với các bộ phận khác hoặc các bộ phận lắp ráp phụ khác.

B. Quy định cụ thể:

(1) Khung gầm xe ô tô:

(a) Trường hợp của khung gầm, dù có cấu trúc hình hộp, thanh, ống hoặc dạng khác, mà có cạnh, rãnh, hình chữ thập hoặc các bộ phận khác, thì mỗi bộ phận của khung gầm sẽ được đưa ra ngoài.

Giả sử khi các bộ phận của khung gầm được tách rời và có những bộ phận riêng được hàn lại với nhau, thì những bộ phận của khung gầm có thể được lắp ráp lại.

(b) Khi khung gầm thông thường được thay thế bằng các bộ phận sàn được hàn lại, như ván đỡ ghế, sàn, phần lái và bảng điều khiển dưới chân thay cho các bộ phận có cạnh, rãnh, hình chữ thập hoặc các bộ phận khác như các bộ phận sàn thì sẽ được đưa ra ngoài.

(2) Thân/khung gầm, được xử lý bằng cách dập và ép:

(a) Nắp máy, lỗ thông gió, vách ngăn hoặc vách chống lửa có thể được lắp ráp, nhưng sẽ không được xử lý bề mặt theo bất kỳ cách nào trừ khi được mạ bởi một lớp sơn lót hoặc một chế phẩm hay chất chống gỉ khác.

(b) (i) Bảng đồng hồ hoặc chắn bùn có thể được nhập khẩu sau khi được gia cố, nhưng sẽ không có các thiết bị điều khiển.

(ii) Ngăn đựng găng tay và cửa xe có thể được nhà chế tạo cung cấp.

(c) Khung cửa kính chắn gió có thể được nhập khẩu sau khi được gia cố hoặc có gắn thêm chi tiết khác nhưng sẽ không có kính.

(d) Bệ để chân và bậc lên xuống xe ô tô có thể được nhập khẩu sau khi được gia cố chịu lực, nhưng sẽ không được xử lý bề mặt theo bất kỳ cách nào trừ khi được mạ bởi một lớp sơn lót hoặc một chế phẩm hay chất chống gỉ khác.

(e) (i) Cánh cửa xe có thể được lắp ráp với các chi tiết bên trong và có thể gồm vật liệu giảm rung động hoặc chống ồn nhưng sẽ không có khóa cửa, bộ phận cuộn cửa kính, kính, đồ trang trí hoặc chất liệu bọc nhưng sẽ không được xử lý bề mặt theo bất kỳ cách nào trừ khi được mạ bởi một lớp sơn lót hoặc một chế phẩm hay chất chống gỉ khác.

(ii) Cột chống cửa xe có thể được lắp ráp và có các chi tiết kim loại, bản lề, khớp nối và chốt cửa xe.

(f) Chắn bùn hoặc cản sốc có thể được nhập khẩu với lỗ đục sẵn bên trong và được gia cố chịu lực, nhưng sẽ không được xử lý bề mặt theo bất kỳ cách nào trừ khi được mạ bởi một lớp sơn lót hoặc một chế phẩm hay chất chống gỉ khác.

(g) Thùng hành lý phía sau ô tô hoặc nắp ngăn hành lý và nắp khoang máy hoặc nắp động cơ có thể được lắp ráp đồ trang trí, bản lề, chốt cửa xe, giảm rung động hoặc chống ồn, nhưng sẽ không được xử lý bề mặt theo bất kỳ cách nào trừ khi được mạ bởi một lớp sơn lót hoặc một chế phẩm hay chất chống gỉ khác.

(h) Thân xe và tấm thân xe, cạnh xe, không được xử lý bằng cách dập và ép ở nơi khác, có thể được nhập khẩu với lỗ đục sẵn bên trong hoặc được gia cố thêm và gắn vật liệu chống rung và chống ồn, nhưng sẽ không được xử lý bề mặt theo bất kỳ cách nào trừ khi được mạ bởi một lớp sơn lót hoặc một chế phẩm hay chất chống gỉ khác.

(i) Tấm mái xe có hoặc không có mái trượt, được nén hoặc ép, tuy nhiên cần phù hợp với các điều kiện được nêu trong đoạn (h) của phân đoạn này, có thể gắn mái hắt được đúc.

(3) Động cơ

(a) Động cơ có thể ở dạng đồng có gắn quạt, thiết bị điện, ống dẫn, thiết bị lọc, thiết bị làm sạch không khí, bơm các loại (bơm nhiên liệu, bơm thủy lực, bơm khí, bơm chân không), bộ ly hợp và các bộ phận khác được lắp ráp thêm, kể cả bộ phận lái được gắn với hộp số hoặc động cơ.

(b) Bộ tản nhiệt gồm vỏ và khung có thể được lắp ráp.

(c) Ống xả và bộ phận giảm thanh có thể được lắp ráp, nhưng không được gắn cùng nhau trừ khi chúng thường được gắn với nhau.

(d) Thùng chứa nhiên liệu hoàn chỉnh có bộ phận chứa nhiên liệu và nắp có thể được nhập khẩu với điều kiện được nhà chế tạo cung cấp.

(e) Thiết bị nén khí bằng tuabin hoàn chỉnh có thể được gắn vào động cơ.

(f) Các bộ phận chính để đánh lửa bao gồm:

Dây dẫn, bộ bán dẫn, chấn lưu, chốt sáng, thiết bị phun nhiên liệu, cái điện tor, buigi, bộ phân phối, bộ kết nối và dẫn điện cường độ cao, thiết bị và ổ cắm trong tình trạng được cung cấp.

(g) Thiết bị chống ô nhiễm đồng bộ trong tình trạng được cung cấp

(4) Phần điều khiển:

(a) Hộp điều khiển có thể được lắp trục, nhưng không phải là tay lái, phần kết nối với hộp số, và thiết bị điện sẽ được đưa ra ngoài.

(b) Bàn đạp và thiết bị kết nối có thể được lắp ráp.

(c) Bộ phận trợ lực đồng bộ.

(d) Bình xăng và ống khí/thủy lực đồng bộ.

(5) Trục xe, hệ thống phanh và giảm xóc.

Trục trước cứng hoặc cân bằng hoặc hệ thống giảm xóc trước có thể được nhập khẩu với điều kiện được nhà chế tạo cung cấp, tuy nhiên sẽ không được lắp ráp bộ phận giảm xóc, bộ giảm xóc lái, dây cáp phanh, phần kết nối, ống dẫn dùng cho hệ thống phanh;

Với điều kiện trục lái trước của một phương tiện lái bằng cầu trước và nhiều cầu có thể được lắp ráp đồng bộ với các đầu nối khác nhau, nửa trục, vận tốc không đổi và thiết bị phanh.

(b) Giảm xóc cứng hoặc cân bằng sẽ có những bộ phận sau hoặc bộ phận phụ lắp ráp bổ sung được đưa ra ngoài:

(i) Bộ truyền động của trục sau đồng bộ, trục dẫn động và thiết bị phanh;

(ii) Nhíp xe;

(iii) Giảm sốc;

(iv) Thanh kéo và các bộ phận giảm xóc tương tự; và

(v) Ống dây phanh.

(c) Loại giảm xóc sau độc lập sẽ có những bộ phận hoặc bộ phận lắp ráp bổ sung được đưa ra ngoài:

(i) Khung giảm xóc;

(ii) Hệ thống vỏ đồng bộ với trục lái khác biệt, và trục đồng bộ với vỏ và thiết bị phanh;

(iii) Thanh kéo và các thiết bị giảm xóc tương tự khác;

(iv) Dây phanh, bộ phận liên kết và ống dẫn; và

(v) Trục cánh quạt;

Với điều kiện trục đứng phía sau xe có thể được lắp ráp.

(6) Các dụng cụ:

Các dụng cụ (kể cả dây cáp) có thể được bó lại nhưng không được lắp vào tấm dụng cụ.

(7) Các vật liệu, bộ phận và phụ tùng khác:

(a) Vật liệu giảm thanh và chống ồn có thể được tạo hình trước.

(b) Mảnh ngăn không cho mưa gió tạt vào không cần được lắp cùng.

(c) Chất gắn thủy tinh có thể được nhà chế tạo cung cấp, nhưng không được gắn thêm bộ phận nào.

(d) Khung cửa sổ thông gió và các cơ chế vận hành; hệ thống quạt giá được lắp ráp hoặc tháo rời bao gồm bộ phận thổi, phân phối không khí có thể hoặc không cơ chế điều khiển, dẫn khí, làm bay hơi và hoặc sấy.

(e) Khung ghế ngồi có thể được lắp ráp nhưng không được bọc bên ngoài.

(f) Lò xo đệm và ghế có thể để lỏng hoặc tháo rời.

(g) Thảm, vật liệu bọc ghế, gối đầu, mui xe có thể tháo rời và vỏ bằng nhựa vynil hoặc các chất liệu che phủ mái xe khác có thể được nhà chế tạo cung cấp.

(h) Các vật liệu không được nêu tại các phần khác sẽ không thể được tạo dáng, cắt thành hình hoặc xử lý hay chế tạo theo cách khác.

(8) Các chi tiết sau và phụ tùng khác có thể được nhập khẩu theo điều kiện quy định:

8711.30.10

XE MÔ TÔ ĐỊA HÌNH

Chương 88.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 89.

8906.90.10

CÓ LƯỢNG NƯỚC CHIẾM KHÔNG QUÁ 30 TẤN

Lượng nước chiếm là khối lượng của nước được thay thế bằng trọng lượng tương ứng của tàu. Khái niệm này thường được sử dụng để đo kích thước của tàu thuyền.

Chương 90.

9027.80.20

MÁY ĐO ĐỘ ĐÔNG

Thiết bị được sử dụng để đo thời gian cần thiết để máu đông khi có tác động của cục nghến enzim trên chất đạm hòa tan (globulin) trong huyết thanh và chuyển đổi thành tờ huyết (fibrin).

Chương 91.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 92.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 93.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 94.

9404.29.20

LOẠI KHÁC, LOẠI LÀM NÓNG/LOẠI LÀM MÁT
OTHER, HYPERTHERMIA/HYPOTHERMIA TYPE

Các đệm này có chứa chất lỏng, được trộn với dung dịch chống tảo và có gắn thiết bị kiểm tra nhiệt độ, chúng thường được sử dụng cho trẻ em sơ sinh thiếu tháng trong giai đoạn chăm sóc hồi sức tích cực.

Loại làm mát: là đệm được thiết kế đặc biệt để làm mát bệnh nhân có thân nhiệt cao, đây là một tình trạng có nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường.

Loại làm ấm: là đệm được thiết kế đặc biệt để làm ấm bệnh nhân có thân nhiệt thấp, đây là tình trạng có nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường.

9405.10.20

9405.20.10

9405.40.10

ĐÈN MỔ

Hình minh họa: Đèn mổ gắn trên trần

Chương 88.

Hình minh họa: Đèn mổ di động

Chương 95.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 96.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

Chương 97.

Hiện chưa có chú giải bổ sung cho Chương này

PHỤ LỤC 4

(Ban hành kèm theo Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài chính)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

……., ngày … tháng … năm ….

PHIẾU ĐỀ NGHỊ PHÂN LOẠI HÀNG HÓA
TRƯỚC KHI LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN

Kính gửi:……………………………………....................

1. Người đề nghị: ................................................................................................................

Địa chỉ: ................................................................................................................................

Mã số thuế: ..........................................................................................................................

2. Tên hàng hóa yêu cầu phân loại:

- Tên thương mại: .................................................................................................................

- Tên gọi khác: .....................................................................................................................

- Ký hiệu: .............................................................................................................................

3. Mô tả chi tiết hàng hóa yêu cầu phân loại: ......................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

4. Các tài liệu có liên quan đến hàng hóa yêu cầu phân loại trước:

- Catalogue : Có £ Không £

- Tài liệu kỹ thuật : Có £ Không £

- Hình ảnh : Có £ Không £

- Tài liệu khác có liên quan : Có £ Không £

- Bảng kê tài liệu : Có £ Không £

- Tài liệu khác: ghi rõ loại tài liệu (nếu có): ..............................................................................

5. Mẫu hàng hóa:

- Số lượng: ..........................................................................................................................

- Khối lượng:........................................................................................................................

- Thể tích: .............................................................................................................................

6. Cam kết: ..........................................................................................................................

............................................................................................................................................

Người đề nghị
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC 5

(Ban hành kèm theo Thông tư số: 49/2010/TT-BTC ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài chính)

TÊN CƠ QUAN HẢI QUAN CÓ THẨM QUYỀN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số:……/QĐ/…….

……., ngày … tháng … năm ….

QUYẾT ĐỊNH PHÂN LOẠI TRƯỚC

Kính gửi: ..............................................................................................................................

Địa chỉ: ................................................................................................................................

Mã số thuế: ..........................................................................................................................

1. Tên hàng hóa yêu cầu phân loại:

- Tên thương mại: .................................................................................................................

- Tên gọi khác: .....................................................................................................................

- Ký hiệu: .............................................................................................................................

2. Mô tả chi tiết hàng hóa của người yêu cầu phân loại: .....................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

3. Kết quả phân loại trước:

- Căn cứ: .............................................................................................................................

............................................................................................................................................

- Căn cứ: .............................................................................................................................

............................................................................................................................................

Thì mặt hàng yêu cầu phân loại trước có tên gọi là ................................................................ ....................................................................................... thuộc mã số ...................................... theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số ….ngày …............... của Bộ Tài chính./.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THỰC HIỆN PHÂN LOẠI TRƯỚC
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC 6

(Ban hành kèm theo Thông tư số: 49/2010/TT-BTC ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài chính)

TỔNG CỤC HẢI QUAN
TÊN CQ HẢI QUAN YÊU CẦU

Số:………......

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

PHIẾU YÊU CẦU PHÂN TÍCH, PHÂN LOẠI
HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU KIỂM BIÊN BẢN LẤY MẪU

Kính gửi: ……………………………………..

1. Tên đơn vị yêu cầu phân tích, phân loại: .........................................................................

2. Ngày yêu cầu phân tích, phân loại: ..................................................................................

3. Đề nghị phân tích, phân loại cho mẫu hàng hóa sau:

- Tên hàng theo khai báo: .....................................................................................................

............................................................................................................................................

- Mã số hàng hóa theo khai báo: ...........................................................................................

- Số tờ khai hải quan: ………………………….ngày …. tháng ….. năm .....................................

- Đơn vị XK, NK: ..................................................................................................................

............................................................................................................................................

- Ngày lấy mẫu: …………………………… Địa điểm lấy mẫu: ....................................................

- Người lấy mẫu:

+ Công chức hải quan 1: ......................................................................................................

+ Công chức hải quan 2: ......................................................................................................

+ Đại diện chủ lô hàng:..........................................................................................................

- Đặc điểm và quy cách đóng gói mẫu: .................................................................................

- Mẫu đã được niêm phong hải quan số: ...............................................................................

- Hồ sơ kèm theo:

(1) Tờ khai hải quan (bản sao) : Có £ Không £

(2) Hợp đồng thương mại (bản sao) : Có £ Không £

(3) Tài liệu kỹ thuật có liên quan (bản sao) : Có £ Không £

(4) Chứng thư giám định (bản sao, nếu có) : Có £ Không £

(5) C/O (nếu có) : Có £ Không £

(6) Giấy tờ khác có liên quan (nếu có: ghi rõ loại giấy tờ): ......................................................

- Nội dung yêu cầu phân tích, phân loại: ................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

- Người khai hải quan yêu cầu lấy lại mẫu : Có £ Không £

- Tên người khai hải quan được ủy quyền nhận lại mẫu: .........................................................

ĐẠI DIỆN CHỦ HÀNG
(Ký, ghi rõ họ, tên)

CÔNG CHỨC HẢI QUAN
(Ký, ghi rõ họ, tên)

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, ghi rõ họ, tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC 7

(Ban hành kèm theo Thông tư số: 49/2010/TT-BTC ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài chính)

TỔNG CỤC HẢI QUAN
TRUNG TÂM PTPL/Chi nhánh TTPTPL…….

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số:……/TCHQ/PTPL….

……, ngày … tháng … năm …

PHIẾU TIẾP NHẬN YÊU CẦU PHÂN TÍCH,
PHÂN LOẠI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

- Thời gian tiếp nhận yêu cầu PTPL: ngày ………….tháng ………năm ......................................

- Phiếu yêu cầu PTPL kiêm biên bản lấy mẫu số: ……………………. ngày ...............................

- Đơn vị yêu cầu PTPL: .........................................................................................................

- Tên mẫu theo khai báo: ......................................................................................................

............................................................................................................................................

- Số tờ khai hải quan: ………………ngày ……..tháng ………. năm ...........................................

- Đơn vị XK, NK: ..................................................................................................................

- Số lượng mẫu: ...................................................................................................................

- Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu PTPL:

+ TKHQ (bản sao) : Có £ Không £

+ Hợp đồng thương mại (bản sao) : Có £ Không £

+ Tài liệu kỹ thuật liên quan : Có £ Không £

+ Chứng thư giám định : Có £ Không £

+ C/O : Có £ Không £

+ Cách thức tiếp nhận : Trực tiếp £ Bưu điện £

+ Giấy tờ khác (nếu có: ghi rõ loại tài liệu):.............................................................................

- Phân công thực hiện PTPL và lưu ý:

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

NGƯỜI GIAO
(Ký và ghi rõ họ tên)

NGƯỜI NHẬN
(Ký và ghi rõ họ tên)

NGƯỜI PHÂN CÔNG
(Ký và ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC 8

(Ban hành kèm theo Thông tư số: 49/2010/TT-BTC ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài chính)

TỔNG CỤC HẢI QUAN
TRUNG TÂM PTPL/Chi nhánh TTPTPL…….

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số:……/TCHQ/PTPL….

……, ngày … tháng … năm …

BIÊN BẢN TRẢ LẠI MẪU ĐÃ PHÂN TÍCH PHÂN LOẠI

Trung tâm Phân tích, phân loại hàng hóa XK, NK (hoặc Chi nhánh Trung tâm PTPL ……….) quyết định trả lại mẫu đã phân tích, phân loại như sau:

- Thời gian trả lại mẫu: ………. giờ ……… ngày ………….tháng ………năm..............................

- Tên mẫu trả lại (theo khai báo): ...........................................................................................

- Số tờ khai hải quan: ………………………………… Thông báo kết quả PTPL số: ....................

- Số lượng mẫu trả lại: ..........................................................................................................

- Đơn vị đề nghị trả lại mẫu: ..................................................................................................

- Công văn đề nghị trả lại mẫu số: .........................................................................................

- Người nhận lại mẫu: ...........................................................................................................

............................................................................................................................................

- Giấy ủy quyền nhận lại mẫu (nếu có): ..................................................................................

- Người trả lại mẫu: ..............................................................................................................

- Lưu ý: ................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

Chủ hàng cam đoan đã nhận lại mẫu và không khiếu nại về kết quả phân tích, phân loại đối với mẫu hàng này sau khi đã được nhận lại mẫu.

NGƯỜI NHẬN MẪU
(Ký, ghi rõ họ, tên)

NGƯỜI TRẢ MẪU
(Ký, ghi rõ họ, tên)

GIÁM ĐỐC TT PTPL/GIÁM ĐỐC CN
(Ký, ghi rõ họ, tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC 9

(Ban hành kèm theo Thông tư số: 49/2010/TT-BTC ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài chính)

TỔNG CỤC HẢI QUAN
TRUNG TÂM PTPL/Chi nhánh TTPTPL…….

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số:……/TCHQ/PTPL….

……, ngày … tháng … năm …

THÔNG BÁO
KẾT QUẢ PHÂN TÍCH, PHÂN LOẠI HÀNG HÓA

Kính gửi:…………………………………….

1. Tên mẫu theo khai báo: .....................................................................................................

2. Số tờ khai hải quan: .........................................................................................................

3. Đơn vị XK, NK: .................................................................................................................

4. Đơn vị yêu cầu PTPL: .......................................................................................................

5. Phiếu yêu cầu PTPL kiêm biên bản lấy mẫu: Số …. ngày … tháng … năm ...........................

6. Phiếu tiếp nhận mẫu: Số …………………… ngày …. tháng … năm ......................................

7. Nội dung yêu cầu PTPL:....................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

8. KẾT QUẢ PHÂN TÍCH PHÂN LOẠI:

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

CHUYÊN VIÊN PTPL
(Ký, ghi rõ họ, tên)

GIÁM ĐỐC TT PTPL/GIÁM ĐỐC CN
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Ghi chú: Thông báo kết quả này chỉ có giá trị đối với mẫu yêu cầu phân tích phân loại.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 49/2010/TT-BTC hướng dẫn việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 49/2010/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/04/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 232 đến số 233
  • Ngày hiệu lực: 27/05/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 16/03/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản