Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 49/2001/TT-BTC | Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2001 |
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ban hành ngày 20/3/1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước ngày 20/5/1998, Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước và Nghị định số 51/1998/NĐ-CP ngày 18/7/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư XDCB thuộc xã, thị trấn quản lý như sau:
1. UBND xã, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) quản lý các dự án đầu tư theo phân cấp của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nguồn vốn đầu tư XDCB thuộc xã bao gồm nguồn vốn được cân đối trong ngân sách xã (các khoản thu của Nhà nước dành 100% cho ngân sách xã; các khoản thu phân chia cho ngân sách xã theo tỷ lệ phần trăm; số bổ sung từ ngân sách cấp trên và các khoản huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng được Hội đồng nhân dân xã quyết định đưa vào ngân sách xã quản lý) và nguồn vốn từ hoạt động tài chính khác ở xã không cân đối trong ngân sách xã dành cho đầu tư XDCB bao gồm: các quỹ công chuyên dùng; các hoạt động tài chính sự nghiệp của xã, tài chính thôn bản (chủ yếu thu, chi từ các khoản đóng góp của dân do thôn bản tự huy động); tài chính các hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ phát sinh ở xã và một số hoạt động tài chính khác.
2. Đối với nguồn vốn đầu tư XDCB cân đối trong ngân sách xã, UBND xã có trách nhiệm quản lý thực hiện dự án, Kho bạc nhà nước quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là KBNN huyện) thực hiện việc kiểm soát, thanh toán vốn cho dự án. Đối với các xã khó khăn ở miền núi và vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện quản lý thu chi trực tiếp qua KBNN, UBND tỉnh có phương án trình HĐND tỉnh quyết định cơ chế quản lý phù hợp và báo cáo Bộ Tài chính. Nơi nào chưa có KBNN huyện thì KBNN nơi xã đang mở tài khoản ngân sách thực hiện việc kiểm soát, thanh toán vốn cho dự án. Đối với nguồn vốn đầu tư XDCB không cân đối trong ngân sách xã, căn cứ vào chế độ hiện hành của Nhà nước và quy định của UBND tỉnh, UBND xã quyết định việc quản lý, thanh quyết toán phù hợp.
3. UBND xã và chủ đầu tư các dự án đầu tư thuộc xã có trách nhiệm thực hiện các quy định của Nhà nước về đầu tư và xây dựng; sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả; chấp hành chính sách chế độ quản lý tài chính của Nhà nước về đầu tư XDCB và các quy định về việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư XDCB tại Thông tư này.
I. XÁC ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ
1. Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Ban Tài chính xã có trách nhiệm tham gia cùng các ban ngành chức năng tham mưu cho UBND xã về chủ trương đầu tư phát triển trong từng thời kỳ và trong từng năm kế hoạch.
2. Ban Tài chính xã tham gia cùng các ban ngành chức năng thẩm định các dự án đầu tư thuộc quản lý của UBND xã để trình Chủ tịch UBND xã quyết định đầu tư.
3. Sau khi có số kiểm tra và hướng dẫn của UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) về dự toán ngân sách xã và căn cứ vào khả năng nguồn vốn không cân đối trong ngân sách xã dành cho đầu tư XDCB, Ban Tài chính xã giúp UBND xã lập kế hoạch chi đầu tư XDCB, bao gồm nguồn vốn chi đầu tư XDCB cân đối trong dự toán ngân sách xã và nguồn vốn không cân đối trong ngân sách xã.
4. Căn cứ vào dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, Ban Tài chính xã dự kiến phân bổ kế hoạch vốn đầu tư hàng năm cho từng dự án trình Chủ tịch UBND xã duyệt và thông báo cho chủ đầu tư (nếu có) để triển khai, đồng thời thông báo cho KBNN huyện để làm căn cứ thanh toán vốn và công khai cho nhân dân biết.
5. Lập và thông báo kế hoạch vốn hàng quý:
Căn cứ dự toán ngân sách xã được giao, mức vốn đầu tư XDCB năm đã phân bổ cho từng dự án, tiến độ thực hiện dự án và hợp đồng kinh tế được ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hàng quý, Ban Tài chính xã lập kế hoạch sử dụng vốn đầu tư XDCB trong quý có phân theo nguồn sử dụng (cân đối trong ngân sách xã, huy động đóng góp bằng tiền, vật tư, lao động của các tổ chức, cá nhân) trình Chủ tịch UBND xã ký và gửi cho KBNN huyện làm căn cứ thanh toán vốn trong quý. Trường hợp xã có thu bổ sung mục tiêu XDCB từ ngân sách huyện, UBND xã làm việc với Phòng Tài chính huyện để được thống nhất mức cấp bổ sung trong quý trước khi phê duyệt kế hoạch vốn.
6. Đảm bảo nguồn vốn thanh toán:
Ban Tài chính xã có trách nhiệm quản lý các nguồn vốn đầu tư của xã, kể cả nguồn vốn cân đối trong ngân sách và nguồn vốn không cân đối trong ngân sách xã.
- Đối với các dự án đầu tư cân đối trong ngân sách xã, nguồn đảm bảo thanh toán gồm nguồn vốn đã được bố trí trong dự toán ngân sách xã hàng năm. Trường hợp nguồn thu chủ yếu của ngân sách xã theo mùa vụ hoặc từ các khoản đóng góp chưa thu được, nếu xã có nhu cầu cấp bách về vốn để tạm ứng hoặc thanh toán khối lượng hoàn thành cho các dự án, theo đề nghị của UBND xã, Phòng Tài chính huyện ưu tiên tăng tiến độ cấp số bổ sung trong dự toán đã được giao (nếu có) để đảm bảo nguồn cho xã.
- Đối với nguồn vốn không cân đối trong ngân sách xã, Ban Tài chính có trách nhiệm đảm bảo thanh toán cho các dự án trên cơ sở cân đối các nguồn vốn và quyết định của xã về chi đầu tư XDCB từ nguồn vốn này.
II. KIỂM SOÁT, THANH TOÁN VỐN ĐẦU TƯ
1. Mở tài khoản:
- Đối với nguồn vốn cân đối trong ngân sách, xã có thể mở tài khoản riêng cho các dự án đầu tư thuộc ngân sách xã tại KBNN huyện để tiếp nhận vốn đầu tư của dự án và phục vụ cho quyết toán dự án đầu tư hoàn thành. Việc mở, quản lý và sử dụng tài khoản của chủ đầu tư tại KBNN được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và KBNN Trung ương.
- Đối với nguồn vốn không cân đối trong ngân sách, xã có thể mở tài khoản riêng cho dự án hoặc chi thanh toán trực tiếp từ tài khoản tiền gửi các khoản tiền không thuộc ngân sách xã mở tại KBNN.
2. Kiểm soát:
- Đối với nguồn vốn đầu tư XDCB cân đối trong ngân sách xã, KBNN thực hiện việc kiểm soát, thanh toán vốn cho dự án.
- Đối với nguồn vốn đầu tư XDCB không cân đối trong ngân sách xã, UBND xã quyết định việc kiểm soát, thanh toán. Quá trình thực hiện dự án, kiểm soát thanh toán vốn phải có sự giám sát của Ban Giám sát công trình do dân cử.
3. Thanh toán vốn:
3.1. Đối với nguồn vốn ngân sách:
3.1.1. Điều kiện để được thanh toán vốn:
Sau khi dự án được duyệt và đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư, chủ đầu tư gửi cho KBNN huyện nơi mở tài khoản dự án các tài liệu sau đây (các tài liệu này chỉ gửi một lần, trừ trường hợp bổ sung, điều chỉnh):
- Báo cáo đầu tư (hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi) và Quyết định đầu tư của người có thẩm quyền, trong đó có phân rõ các nguồn vốn đầu tư của dự án.
- Dự toán và văn bản phê duyệt thiết kế, dự toán; quyết định trúng thầu (đối với các gói thầu tổ chức đấu thầu) hoặc quyết định chỉ định thầu của người có thẩm quyền.
- Quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư, thành lập Ban Quản lý dự án (trường hợp phải thành lập Ban QLDA).
- Các hợp đồng kinh tế về xây lắp, mua sắm thiết bị, tư vấn,...giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
- Kế hoạch vốn của dự án, trong đó có chi tiết các nguồn vốn đầu tư được phân bổ.
- Bảo lãnh thực hiện hợp đồng của nhà thầu (đối với trường hợp đấu thầu).
3.1.2. Tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng:
- Dự án đầu tư thuộc ngân sách xã do nhân dân trong xã tự làm được tạm ứng vốn bằng 50% kế hoạch vốn năm của dự án. Khi có khối lượng XDCB hoàn thành được thanh toán cho khối lượng hoàn thành được nghiệm thu, đồng thời thu hồi tạm ứng bằng cách trừ 50% số vốn thanh toán giá trị khối lượng hoàn thành.
- Các dự án đầu tư thuộc ngân sách xã do các nhà thầu là doanh nghiệp thi công thì tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng như sau:
+ Nếu dự án hoặc gói thầu được chỉ định thầu thì không được tạm ứng.
+ Dự án hoặc gói thầu tổ chức đấu thầu được tạm ứng bằng 20% giá trị hợp đồng nhưng không vượt kế hoạch vốn hàng năm của dự án hoặc gói thầu.
Để được tạm ứng, ngoài các tài liệu đã quy định tại điểm 3.1.1 trên đây, chủ đầu tư gửi cho KBNN huyện giấy đề nghị tạm ứng. KBNN huyện có trách nhiệm kiểm tra và tạm ứng vốn cho chủ đầu tư, đồng thời thanh toán cho nhà thầu theo đề nghị của chủ đầu tư và hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
+ Vốn tạm ứng được thu hồi dần vào từng thời kỳ thanh toán khối lượng hoàn thành. Thời điểm bắt đầu thu hồi khi thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 30% giá trị hợp đồng và thu hồi hết khi thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng.
3.1.3. Thanh toán khối lượng XDCB hoàn thành:
Khối lượng XDCB hoàn thành theo hình thức chỉ định thầu được thanh toán là khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu, theo hợp đồng, có trong kế hoạch đầu tư được giao, có thiết kế và dự toán chi tiết được duyệt theo đúng định mức, đơn giá của Nhà nước.
Khối lượng XDCB hoàn thành theo hình thức đấu thầu được thanh toán là khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu theo hợp đồng, có trong kế hoạch đầu tư được giao.
Khi có khối lượng XDCB hoàn thành, ngoài các tài liệu đã quy định tại điểm 3.1.1 trên đây, chủ đầu tư gửi cho KBNN huyện các tài liệu sau đây:
- Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành và bản tính giá trị khối lượng hoàn thành được nghiệm thu.
- Phiếu giá và các chứng từ thanh toán khác có liên quan.
Khi đã nhận đủ chứng từ hợp lệ, trên cơ sở nguồn thực có, trong vòng 5 ngày làm việc, KBNN huyện thực hiện việc kiểm soát và thanh toán cho các dự án, đồng thời thu hồi tạm ứng (nếu có) và thanh toán cho các nhà thầu theo đề nghị của chủ đầu tư.
Tổng số vốn tạm ứng và thanh toán khối lượng XDCB hoàn thành cho dự án trong năm (kể cả ghi thu ghi chi) không vượt dự toán được duyệt và kế hoạch vốn năm. Tổng số vốn thanh toán cho dự án không được vượt tổng dự toán và tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
3.2. Đối với nguồn vốn không cân đối trong ngân sách, UBND xã quyết định việc thanh toán trên cơ sở vận dụng những nguyên tắc thanh toán như đối với nguồn vốn ngân sách; đồng thời đảm bảo việc công khai và giám sát của nhân dân.
III. QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ DỰ ÁN HOÀN THÀNH
Khi dự án đầu tư hoàn thành, chủ đầu tư có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư trình cơ quan thẩm tra và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành theo quy định sau đây:
1. Nội dung quyết toán:
- Xác định tổng mức vốn đầu tư thực hiện dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi dự án hoàn thành; chia ra các loại nguồn vốn: nguồn vốn dùng để đầu tư XDCB được cân đối trong ngân sách xã; nguồn vốn từ hoạt động tài chính khác ở xã không cân đối trong ngân sách xã dành cho đầu tư XDCB.
- Xác định các chi phí không tính vào giá trị tài sản của dự án để xác định giá trị tài sản bàn giao cho sản xuất, sử dụng. Các chi phí không tính vào giá trị tài sản của dự án gồm: chi phí thiệt hại do thiên tai, địch họa và do các nguyên nhân bất khả kháng khác; giá trị khối lượng được huỷ bỏ theo quyết định của người có thẩm quyền.
(Nội dung quyết toán theo mẫu số 03/QT-XDCB kèm theo).
2. Lập, thẩm tra và phê duyệt quyết toán:
2.1. Nội dung thẩm tra quyết toán:
- Thẩm tra tính pháp lý của dự án: các văn bản quyết định đầu tư, phê duyệt thiết kế, dự toán (kể cả bổ sung, điều chỉnh), công nhận trúng thầu hoặc chỉ định thầu, các hợp đồng kinh tế,...
- Thẩm tra các nguồn vốn đầu tư dự án thực tế thực hiện so với các nguồn vốn được xác định trong quyết định đầu tư.
- Thẩm tra cơ cấu vốn đầu tư (xây lắp, thiết bị, chi phí khác) thực tế so với cơ cấu trong quyết định đầu tư.
- Thẩm tra giá trị xây lắp, thiết bị, chi phí khác đề nghị quyết toán so với dự toán được duyệt hoặc giá trúng thầu.
- Thẩm tra các chi phí không tính vào giá trị tài sản bàn giao, giá trị tài sản bàn giao cho sản xuất, sử dụng.
- Thẩm tra tình hình công nợ, vật tư thiết bị tồn đọng,...
2.2. Cơ quan lập, thẩm tra và phê duyệt quyết toán:
- Trường hợp dự án do một tổ chức được UBND xã giao làm chủ đầu tư:
+ Chủ đầu tư chịu trách nhiệm lập báo cáo quyết toán.
+ Ban Tài chính xã chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức thẩm tra báo cáo quyết toán theo các nội dung nêu trên, bao gồm đại diện của các ban ngành có liên quan trong xã và đại diện của Ban Giám sát công trình xây dựng.
+ Chủ tịch UBND xã quyết định phê duyệt quyết toán (theo mẫu số 05/QT-XDCB kèm theo).
- Trường hợp dự án do UBND xã làm chủ đầu tư:
+ Các cơ quan chuyên môn của xã giúp UBND xã lập báo cáo quyết toán.
+ Ban Tài chính xã chịu trách nhiệm chủ trì cùng các cơ quan có liên quan tổ chức thẩm tra báo cáo quyết toán theo các nội dung nêu trên, bao gồm đại diện của các ban ngành có liên quan trong xã và đại diện của Ban Giám sát công trình xây dựng.
+ Chủ tịch UBND xã quyết định phê duyệt quyết toán (theo mẫu số 05/QT-XDCB kèm theo).
2.3. KBNN huyện có trách nhiệm xác nhận số vốn đầu tư thực tế đã thanh toán cho dự án (theo mẫu số 04/QT-XDCB kèm theo), nhận xét tình hình thanh, quyết toán vốn của dự án và phối hợp với Chủ tịch UBND xã để xử lý các vấn đề còn tồn tại (ví dụ: thu hồi vốn thanh toán thừa so với quyết toán được duyệt, thanh toán tiếp vốn còn thiếu,...) và làm thủ tục tất toán tài khoản có liên quan khi dự án có quyết định phê duyệt quyết toán.
2.4. Thời gian lập báo cáo, thẩm tra và phê duyệt quyết toán trong vòng một tháng kể từ khi dự án đầu tư hoàn thành.
2.5. Sau khi quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được phê duyệt, UBND xã phải công khai cho nhân dân trong xã biết.
IV. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO VÀ KIỂM TRA
1. Hàng tháng, quý, năm, KBNN huyện đối chiếu với Ban Tài chính xã và báo cáo Phòng Tài chính huyện và KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về số vốn ngân sách và các nguồn vốn khác đã nhận, đã thanh toán cho từng dự án thuộc xã quản lý.
2. UBND xã báo cáo Phòng Tài chính huyện, Phòng Tài chính huyện báo cáo UBND huyện và Sở Tài chính-Vật giá theo định kỳ và theo các chỉ tiêu sau đây:
- Vào ngày 5 của tháng đầu quý (từ quý II trở đi), báo cáo tình hình thực hiện vốn đầu tư XDCB trong quý báo cáo (theo mẫu số 01/BC-XDCB kèm theo).
- Vào ngày 10 tháng 1, báo cáo tình hình thực hiện vốn đầu tư XDCB trong năm báo cáo (theo mẫu số 02/BC-XDCB kèm theo). Báo cáo này thay cho báo cáo quý IV theo mẫu số 01/BC-XDCB trên đây.
3. Phòng Tài chính huyện có trách nhiệm kiểm tra định kỳ và đột xuất Ban Tài chính xã về tình hình quản lý tài chính về đầu tư phát triển, KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra định kỳ và đột xuất KBNN huyện về việc kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư của các dự án thuộc ngân sách xã.
V. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN
1. UBND tỉnh, UBND huyện:
- Hướng dẫn UBND xã về việc thực hiện các dự án đầu tư, quản lý vốn đầu tư theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
- Chỉ đạo cơ quan Tài chính các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính đầu tư phát triển và cơ quan KBNN về tình hình kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư đối với các dự án thuộc ngân sách xã theo quy định hiện hành và quy định tại Thông tư này.
2. UBND xã, chủ đầu tư:
- Thực hiện việc đầu tư XDCB của dự án theo đúng trình tự XDCB và nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng quy định và tiết kiệm.
- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về hồ sơ và khối lượng XDCB hoàn thành đề nghị thanh toán.
- Cung cấp các tài liệu, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư XDCB cho Phòng Tài chính huyện, KBNN huyện và các cơ quan khác có liên quan theo quy định.
- Tiếp nhận và sử dụng vốn đầu tư XDCB đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, có hiệu quả, chấp hành đúng chế độ quản lý vốn đầu tư XDCB hiện hành.
- Báo cáo và quyết toán vốn đầu tư theo quy định tại Thông tư này. UBND xã phải báo cáo kết quả đầu tư và quyết toán dự án đầu tư hoàn thành với HĐND xã. Kết quả đầu tư và quyết toán dự án đầu tư hoàn thành phải được thông báo công khai cho nhân dân trong xã biết.
3. Cơ quan Tài chính các cấp ở địa phương:
- Sở Tài chính - Vật giá, Phòng Tài chính huyện có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo Ban Tài chính xã thực hiện chức năng quản lý tài chính về đầu tư phát triển theo đúng chế độ quy định, bao gồm việc tham gia hoạch định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, kế hoạch đầu tư, điều hành vốn đầu tư và quyết toán dự án đầu tư hoàn thành.
- Ban Tài chính xã có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng quản lý vốn đầu tư, đảm bảo đủ nguồn vốn cho đầu tư theo dự toán chi để KBNN huyện thanh toán cho các dự án theo đúng chế độ quy định.
- Thực hiện việc quyết toán NSNN theo quy định.
4. Ban Giám sát công trình:
Ban Giám sát công trình có trách nhiệm giám sát toàn diện các khâu của quá trình đầu tư xây dựng đối với các công trình có nguồn vốn không cân đối trong ngân sách xã từ huy động vốn, quản lý và sử dụng vốn, thực hiện đầu tư công trình, thanh toán vốn và quyết toán công trình hoàn thành theo chế độ quy định.
5. Cơ quan Kho bạc nhà nước:
- KBNN huyện tổ chức công tác kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định; xác nhận số vốn đã thanh toán và nhận xét tình hình thanh, quyết toán của từng dự án khi quyết toán dự án đầu tư hoàn thành và báo cáo định kỳ theo quy định tại Thông tư này.
- Hàng năm, KBNN huyện xác nhận với Ban Tài chính xã về số vốn ngân sách đã nhận, số đã thanh toán cho các dự án.
- KBNN Trung ương và KBNN tỉnh hướng dẫn và kiểm tra KBNN huyện về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư XDCB theo đúng chế độ và theo quy định của Bộ Tài chính.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và thay thế Thông tư số 76 TC/ĐTPT ngày 01/11/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát vốn đầu tư XDCB thuộc ngân sách huyện, xã.
Vũ Văn Ninh (Đã ký) |
- 1Thông tư 53/2005/TT-BTC hướng dẫn lập, thẩm định báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm do Bộ tài chính ban hành
- 2Thông tư 76-TC/ĐTPT-1997 hướng dẫn quản lý, cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách huyện, xã do Bộ Tài Chính ban hành
- 3Chỉ thị 11/2001/CT-TTg về việc đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 4Thông tư 106/2003/TT-BTC hướng dẫn quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc xã, thị trấn do Bộ Tài chính ban hành
- 5Quyết định 57/2004/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành đến ngày 31/12/2003 hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Thông tư 76-TC/ĐTPT-1997 hướng dẫn quản lý, cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách huyện, xã do Bộ Tài Chính ban hành
- 2Thông tư 106/2003/TT-BTC hướng dẫn quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc xã, thị trấn do Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 57/2004/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành đến ngày 31/12/2003 hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Thông tư 53/2005/TT-BTC hướng dẫn lập, thẩm định báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm do Bộ tài chính ban hành
- 2Luật ngân sách Nhà nước 1996
- 3Nghị định 87-CP năm 1996 Hướng dẫn việc phân cấp, quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước
- 4Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi 1998
- 5Nghị định 51/1998/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 87/CP Hướng dẫn việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước
- 6Nghị định 52/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
- 7Chỉ thị 11/2001/CT-TTg về việc đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
Thông tư 49/2001/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc xã, thị trấn quản lý do Bộ Tài Chính ban hành
- Số hiệu: 49/2001/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 26/06/2001
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Vũ Văn Ninh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 30
- Ngày hiệu lực: 26/06/2001
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra