Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48-TC/TCTN | Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1990 |
Căn cứ Công văn số 1374-PPLT ngày 9-5-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết vật tư, thiết bị tồn kho; để đảm bảo việc bàn giao vốn giữa Nhà nước với các đơn vị sản xuất - kinh doanh được chính xác, đồng thời tạo điều kiện cho cơ sở chủ động phát huy quyền tự chủ sản xuất kinh doanh; sau khi trao đổi thống nhất với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Uỷ ban vật giá Nhà nước; Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý về mặt tài chính đối với vật tư, thiết bị tồn kho nhập khẩu theo hiệp định của Chính phủ đưa vào dự trữ và điều chỉnh giá bán để giải phóng tồn kho ứ đọng, chậm luân chuyển như sau:
1. Vật tư, thiết bị đưa vào dự trữ là vật tư thiết bị nhập khẩu theo hiệp định của Chính phủ đã về nước còn tồn kho, không sử dụng hết trong năm 1990 nhưng cần thiết cho nhu cầu của các năm sau, hiện còn nợ chưa có nguồn vốn thanh toán tiền hàng nhập khẩu với ngân sách Nhà nước.
Các Bộ, ngành lập báo cáo tổng hợp theo danh mục các vật tư, thiết bị cụ thể thuộc Bộ, ngành quản lý, cần đưa vào dự trữ, gửi Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính để xem xét cân đối chung và thống nhất trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định đưa vào dự trữ, theo nguyên tắc vật tư thiết bị thuộc ngành nào thì ngành đó có trách nhiệm bảo quản, dự trữ.
Việc dự trữ ở từng Bộ, ngành cần tập trung vào một đầu mối, tránh tình trạng nhiều đơn vị cùng dự trữ mặt hàng. Đối với những vật tư thiết bị sử dụng cho nhiều ngành, cần dự trữ ở ngành cung ứng thì cũng tập trung vào một đầu mối.
Vật tư thiết bị đưa vào dự trữ phải được kiểm kê đầy đủ, phân loại, theo dõi riêng, bảo quản chu đáo để thuận tiện cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng hàng dự trữ và thu hồi vốn cho ngân sách Nhà nước, vật tư thiết bị dự trữ phải đảm bảo chất lượng, đầy đủ nguyên vẹn các chi tiết, bộ phận cho đến khi xuất kho.
2. Đối với vật tư thiết bị tồn kho ứ đọng, chậm luân chuyển, các đơn vị cần kiểm kê phân loại, xác định nguyên nhân, kiến nghị các biện pháp xử lý, kể cả kiến nghị phương án giá cụ thể. Cơ quan chủ quản và các cơ quan chức năng có trách nhiệm xem xét cân đối tương quan chung để quyết định biện pháp giải quyết thích hợp nhằm giải phóng tồn kho, thu hồi vốn nhanh chóng.
II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TÀI CHÍNH
1. Căn cứ vào danh mục số lượng vật tư thiết bị được duyệt đưa vào dự trữ; Bộ Tài chính làm thủ tục thu tiền hàng nhập khẩu, đồng thời làm thủ tục cấp vốn dự trữ cho các đơn vị nhận hàng nhập khẩu và được giao nhiệm vụ dự trữ vật tư thiết bị.
Sau đó, trên cơ sở kế hoạch cung ứng và sử dụng hàng năm, đơn vị lập kế hoạch cụ thể về việc đưa hàng dự trữ vào tiêu thụ, sử dụng cho từng quý trong năm. Về nguyên tắc hàng dự trữ đưa vào tiêu thụ, sư dụng đến đâu, đơn vị phải nộp hoàn vốn đầy đủ, kịp thời trả ngân sách Nhà nước đến đó. Nếu đơn vị nộp ngân sách chậm trễ sẽ bị phạt 0,2% tính cho mỗi ngày chậm nộp.
Trong quá trình dự trữ, nếu Nhà nước có quyết định thay đổi về giá cả vật tư thiết bị thì vật tư thiết bị đang dự trữ cũng phải dược đánh giá lại theo mặt bằng giá mới. Khi đưa vật tư thiết bị dự trữ ra tiêu thụ, sử dụng đơn vị phải nộp hoàn vốn dự trữ cho ngân sách Nhà nước theo giá tại thời điểm đó (giá bán - chiết khấu).
Quyết toán hàng quý, năm của đơn vị cần báo cáo thêm biểu cân đối xuất - nhập - tồn vật tư thiết bị dự trữ cho các cơ quan chức năng hữu quan.
Chi phí bảo quản vật tư thiết bị dự trữ một phần lớn được phân bổ cho phí hàng tồn kho, một phần được phân bổ vào chi phí và giá thành sản xuất, tiêu thụ trong kỳ (áp dụng quy định hiện hành về phân bổ chi phí hàng tồn kho).
2. Đối với vật tư thiết bị tồn kho ứ đọng, chậm luân chuyển do chưa hợp lý về giá cả, căn cứ vào quyết định giá của cơ quan vật giá Nhà nước, đơn vị dược tiến hành bán ra theo giá quy định; đồng thời lập bảng kê chênh lệch giữa giá vốn cũ và giá vốn mới gửi Bộ chủ quản ra quyết định giảm vốn lưu động cho đơn vị trong trường hợp có quyết định giảm giá bán (đồng gửi Bộ Tài chính).
Thông tư này chỉ áp dụng cho những vật tư thiết bị nhập khẩu theo hiệp định của Chính phủ đã ký từ trước đến năm 1990, hàng đã về, đã giao nhận và chưa thanh toán nộp ngân sách Nhà nước.
Trong qúa trình thực hiện, có gì vướng mắc, đề nghị các ngành, các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu bổ sung sửa đổi cho phù hợp.
Lý Tài Luận (Đã Ký) |
Thông tư 48-TC/TCTN năm 1990 hướng dẫn xử lý về mặt tài chính đối với vật tư, thiết bị tồn kho nhập khẩu theo Hiệp định của Chính phủ do Bộ tài chính ban hành
- Số hiệu: 48-TC/TCTN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 10/10/1990
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Lý Tài Luận
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra