Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 48/2022/TT-BGTVT hướng dẫn về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện và hybrid điện do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương I

HƯỚNG DẪN CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn về việc dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại 9 chỗ trở xuống, kể cả người lái xe (sau đây viết tắt là xe ô tô con), xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện và hybrid điện, bao gồm: xe ô tô con hybrid điện, xe ô tô con thuần điện, xe mô tô hybrid điện, xe mô tô thuần điện và xe gắn máy thuần điện (sau đây viết tắt là xe) được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời, hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng.

2. Thông tư này không áp dụng đối với:

a) Xe được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sử dụng trực tiếp vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

b) Xe tạm nhập tái xuất; xe quá cảnh, xe chuyển khẩu; xe của ngoại giao, lãnh sự;

c) Xe có kết cấu, công nghệ mà hiện tại việc thử nghiệm trong nước chưa thực hiện được;

d) Xe nhập khẩu không vì mục đích kinh doanh xe;

đ) Xe nhập khẩu theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ;

e) Xe chỉ được dẫn động bằng động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu là xăng, điêzen, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên (NG/biomethane và H2NG), nhiên liệu hydro.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu xe và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc dán nhãn năng lượng xe.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Các thuật ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. Hệ dẫn động điện (Electric power train) là hệ thống bao gồm: một hoặc nhiều thiết bị tích trữ điện năng (ắc quy, pin, bánh đà điện cơ hoặc siêu tụ); một hoặc nhiều thiết bị ổn định điện năng; một hoặc nhiều thiết bị điện được sử dụng để chuyển đổi điện năng tích trữ thành cơ năng truyền tới các bánh xe làm nguồn động lực cho xe chuyển động.

2. Hệ dẫn động hybrid điện (Hybrid electric power train) là hệ dẫn động tiêu thụ năng lượng từ cả hai nguồn năng lượng được tích trữ trên xe như sau:

a) Nhiên liệu;

b) Thiết bị tích trữ điện năng.

3. Xe thuần điện (Pure electric vehicle, PEV) là xe được dẫn động bằng hệ dẫn động điện.

4. Xe hybrid điện (Hybrid electric vehicle, HEV) là xe được dẫn động bằng hệ dẫn động hybrid điện (bao gồm cả xe sử dụng nhiên liệu tiêu thụ chỉ để nạp điện cho thiết bị tích trữ điện năng).

5. Xe hybrid điện nạp điện ngoài (Off-Vehicle Charging - Hybrid electric vehicles, OVC-HEV) là xe hybrid điện có khả năng nạp điện được từ nguồn điện bên ngoài.

6. Xe hybrid điện không nạp điện ngoài (Not Off-Vehicle Charging - Hybrid electric vehicles, NOVC-HEV) là xe hybrid điện không có khả năng nạp điện được từ nguồn điện bên ngoài.

7. Công suất lớn nhất trong 30 phút (Maximum 30 minutes power): Định nghĩa tại điểm 2.5 Điều 2 TCVN 9725:2013 Phương tiện giao thông đường bộ - Đo công suất hữu ích của động cơ đốt trong và công suất lớn nhất trong 30 phút của hệ động lực điện - Yêu cầu và phương pháp thử trong phê duyệt kiểu.

8. Vận tốc lớn nhất 30 phút (Maximum 30 minutes speed) là giá trị trung bình của tốc độ lớn nhất nhà sản xuất đưa ra mà xe có thể duy trì được trong 30 phút.

9. Nhãn năng lượng của xe (sau đây viết tắt là nhãn năng lượng) là nhãn cung cấp các thông tin liên quan đến loại năng lượng sử dụng, mức tiêu thụ năng lượng và các thông tin liên quan của các loại xe như sau:

a) Đối với xe ô tô con thuần điện, xe mô tô thuần điện và xe gắn máy thuần điện: mức tiêu thụ điện năng;

b) Đối với xe ô tô con hybrid điện nạp điện ngoài và xe mô tô hybrid điện nạp điện ngoài: loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu, mức tiêu thụ điện năng;

c) Đối với xe mô tô hybrid điện không nạp điện ngoài: loại nhiên liệu sử dụng và mức tiêu thụ nhiên liệu.

10. Mức tiêu thụ năng lượng của xe

a) Đối với xe ô tô con thuần điện, xe mô tô thuần điện và xe gắn máy thuần điện: lượng điện năng tiêu thụ của xe trên một quãng đường, ứng với điều kiện, chu trình thử xác định;

b) Đối với xe ô tô con hybrid điện nạp điện ngoài và xe mô tô hybrid điện nạp điện ngoài: lượng nhiên liệu và điện năng tiêu thụ của xe trên một quãng đường, ứng với điều kiện, chu trình thử xác định;

c) Đối với xe mô tô hybrid điện không nạp điện ngoài: lượng nhiên liệu tiêu thụ của xe trên một quãng đường, ứng với điều kiện, chu trình thử xác định.

11. Cơ quan quản lý chất lượng (sau đây viết tắt là cơ quan QLCL) là Cục Đăng kiểm Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

12. Cơ sở sản xuất, lắp ráp là tổ chức sản xuất, lắp ráp xe (sau đây viết tắt là SXLR) được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

13. Cơ sở nhập khẩu là tổ chức thực hiện việc nhập khẩu (sau đây viết tắt là NK) xe.

14. Cơ sở kinh doanh xe là tổ chức, cá nhân thực hiện việc bán, phân phối xe ra thị trường.

15. Cơ sở thử nghiệm, phòng thử nghiệm mức tiêu thụ năng lượng của xe (sau đây viết tắt là cơ sở thử nghiệm) là tổ chức thử nghiệm chuyên ngành đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp/hoặc đã được công nhận theo tiêu chuẩn của Hệ thống công nhận phòng thử nghiệm Việt Nam (VILAS) hoặc được công nhận bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thỏa ước thừa nhận lẫn nhau (Hiệp hội các phòng thử nghiệm được công nhận quốc tế (ILAC), Hiệp hội các phòng thử nghiệm được công nhận Châu Á - Thái Bình Dương (APLAC)).

Điều 4. Hướng dẫn chung

1. Xe cùng kiểu loại

a) Đối với xe ô tô con thuần điện và xe ô tô con hybrid điện: được định nghĩa tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này (áp dụng cho xe SXLR) hoặc tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này (áp dụng cho xe NK);

b) Đối với xe mô tô hybrid điện và xe mô tô thuần điện, xe cùng kiểu loại là các xe có cùng các đặc điểm cơ bản sau đây: sản phẩm của cùng một chủ sở hữu công nghiệp, cùng nhãn hiệu, thiết kế và các thông số kỹ thuật, được sản xuất theo cùng một dây chuyền công nghệ; khối lượng quán tính tương đương được xác định theo khối lượng chuẩn tương ứng tại Bảng D.12-4 của TCVN 13062:2020 bao gồm cả các đặc điểm của xe, động cơ nêu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Đối với xe gắn máy thuần điện, xe cùng kiểu loại là các xe có cùng các đặc điểm cơ bản sau đây: sản phẩm của cùng một chủ sở hữu công nghiệp, cùng nhãn hiệu, thiết kế và các thông số kỹ thuật, được sản xuất theo cùng một dây chuyền công nghệ; khối lượng quán tính tương đương được xác định theo khối lượng chuẩn tương ứng tại Bảng 3 điểm 3.7.1 Điều 3 QCVN 04:2009/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành bao gồm cả các đặc điểm của xe, động cơ nêu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Sau khi gửi Bản công khai mức tiêu thụ năng lượng theo nội dung hướng dẫn tại Phụ lục II hoặc Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này tới cơ quan QLCL, cơ sở SXLR, NK thực hiện dán nhãn năng lượng trên từng xe trước khi đưa ra thị trường. Nhãn năng lượng được cơ sở SXLR, NK và kinh doanh xe duy trì trên xe cho tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.

3. Đối với xe ô tô con hybrid điện không nạp điện ngoài, việc dán nhãn năng lượng thực hiện theo Thông tư liên tịch số 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT ngày 24/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại từ 7 chỗ trở xuống hoặc Thông tư số 40/2017/TT-BGTVT ngày 09/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại từ 7 chỗ đến 9 chỗ.

Thông tư 48/2022/TT-BGTVT hướng dẫn về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện và hybrid điện do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 48/2022/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/12/2022
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Đình Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra