Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 470-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 1961

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC CÁC NGÀNH PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ĐÔNG XUÂN VÀ NĂM 1962

Ngày 23 tháng 11 năm 1961, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã họp với các Bộ Nông nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ, Nội thương, Ngoại thương để kiểm điểm tình hình các ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp trong đông xuân và năm 1962. Sau khi nghe Văn phòng Nông nghiệp Phủ Thủ tướng báo cáo tình hình chuẩn bị về mọi mặt: nước, phân, giống, nông cụ, sức kéo, phòng trừ sâu bệnh, Hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ nhận định năm nay bước vào đông xuân các ngành, các địa phương đều đã có nhiều cố gắng, công tác lãnh đạo tiến bộ hơn trước, các biện pháp được đề ra sớm hơn và cụ thể hơn. Tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu, việc thực hiện kế hoạch sản xuất đông xuân cũng như kế hoạch sản xuất 1962 còn nhiều khó khăn, đòi hỏi ở các ngành, các cấp, nhiều cố gắng hơn nữa mới bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ.

Hội nghị thường vụ Hội đồng Chính phủ đã thông qua bản báo cáo do Văn phòng Nông nghiệp trình bày ([1])để Bộ Nông nghiệp và các ngành có liên quan căn cứ vào đấy, phối hợp chặt chẽ, có biện pháp mau chóng khắc phục những khó khăn trở ngại còn tồn tại như trong các vấn đề sản xuất phân bón, nông cụ, thuốc trừ sâu, chuẩn bị giống v.v... và hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương xúc tiến mọi mặt công tác.

Các biện pháp nêu trong báo cáo đều rất quan trọng. Tuy nhiên Hội nghị thường vụ Hội đồng Chính phủ thấy cần nhấn mạnh thêm mấy điểm sau đây, các ngành cần đặc biệt chú trọng.

1. Vấn đề giống: Nếu chúng ta giải quyết được tốt, thì chỉ riêng phần này cũng đã đẩy được sản xuất lên nhiều. Đây là vấn đề lâu dài, cần phải phấn đấu bền bỉ, tiến tới sau này có thể thay đổi hẳn giống. Công việc này đòi hỏi Bộ Nông nghiệp phải có cố gắng rất lớn, tích cực trong việc chọn lọc, nhân giống, lai tạo giống, như một số giống mới của học viên đã tạo được. Nếu ta làm có kế hoạch, một cách khẩn trương, liên tục, bền bỉ, trong ít năm chúng ta sẽ thu được kết quả tốt.

2. Vấn đề nông cụ cải tiến: Đây cũng là vấn đề có tính cách lâu dài và cơ bản; cơ sở kỹ thuật nông nghiệp là ở đây, nhưng chúng ta tiến rất chậm về mặt này, kiểu mẫu xác nhận chậm, phổ biến chậm. Cần thấy tương lai cơ sở kỹ thuật nông nghiệp của ta là nông cụ cải tiến, tiến lên nửa cơ giới, cơ giới. Nhưng làm chậm chủ yếu là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp vì nhiệm vụ của Bộ là chỉ đạo kỹ thuật. Bộ phải đề ra yêu cầu kiểu mẫu, kế hoạch phổ biến. Ngành Công nghiệp có trách nhiệm tổ chức sản xuất tốt để phục vụ và phải làm công việc này trước tiên. Vì vấn đề cải tiến nông cụ rất quan trọng nên Bộ Nông nghiệp phải khẩn trương chủ động, phối hợp các ngành để đẩy mạnh công tác này. Trước mắt Bộ Nông nghiệp cần phối hợp với Bộ Công nghiệp thống nhất ý kiến về các mẫu nông cụ cải tiến, có phân công phân nhiệm giữa các ngành có liên quan, giữa trung ương và địa phương có biện pháp giải quyết các khó khăn như về cung cấp nguyên vật liệu, phân phối tiêu thụ v.v...

3. Vấn đề phòng trừ sâu bệnh: Cần nhắc thêm là vì về vấn đề này ta còn lo đến ít quá, và càng ngày ta càng thấy tác hại rất lớn của sâu bệnh hàng năm làm giảm sút năng suất, sản lượng khá nhiều, cần phải đẩy mạnh công tác này tiến kịp các mặt khác trong các biện pháp bảo đảm sản xuất nông nghiệp, không thể để chậm.

4. Về sản xuất đông xuân: Càng ngày ta càng thấy rõ tầm quan trọng của nó và càng thấy có nhiều khó khăn và nhìn rộng ra về sản xuất lương thực, đạt cho được mục tiêu đề ra 9 triệu – 9 triệu 5 tấn không phải là việc dễ, nhưng nhất thiết phải làm được nếu không thì còn khó khăn hơn. Vì vậy cần phải động viên mạnh mẽ thực hiện đông xuân, phải cố gắng nhiều nữa, thể hiện bằng việc thực hiện những biện pháp đề ra trên đây. Với những số liệu, chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, chúng ta phải cố gắng thực hiện cho được, lúc nào và địa phương nào gặp khó khăn, Phủ Thủ tướng, các Bộ phải phối hợp chặt chẽ tìm mọi cách giải quyết cho được.

Cuối cùng Hội nghị thường vụ Hội đồng Chính phủ nhận định cuộc kiểm điểm lần này là một bước tiến mới trong công tác, giúp chúng ta thấy được và giải quyết được nhiều vấn đề và nhắc các Bộ cần cố gắng hơn nữa, và đối với những vấn đề đã bàn bạc, quyết định trong Hội nghị thường vụ Hội đồng Chính phủ, mỗi bộ phận có liên quan cần chấp hành đầy đủ, tập trung lực lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách tích cực khẩn trương hơn nhằm thực hiện tốt kế hoạch sản xuất đông xuân và năm 1962.

BỘ TRƯỞNG PHỦ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Khang

1. Bản báo cáo không đăng trong Công báo.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 470-TTg năm 1961 về việc các ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp đông xuân và năm 1962 do Phủ Thủ Tướng ban hành.

  • Số hiệu: 470-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/12/1961
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Nguyễn Khang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 50
  • Ngày hiệu lực: 23/12/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản