Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN KIẾN THIẾT CƠ BẢN NHÀ NƯỚC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 47-UB-TK | Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 1964 |
VỀ VIỆC TIẾT KIỆM ĐẤT ĐAI TRONG XÂY DỰNG CƠ BẢN
CHỦ NHIỆM ỦY BAN KIẾN THIẾT CƠ BẢN NHÀ NƯỚC
Kính gửi: | - Các bộ, các ngành trung ương |
Từ ngày hòa bình lập lại, nhất là giai đoạn phát triển kinh tế và thời kỳ bước đầu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, các ngành ở trung ương và địa phương đã trưng dụng nhiều đất đai để xây dựng cơ bản.
Để chỉ đạo việc sử dụng đất đai cho xây dựng cơ bản, năm 1959 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định số 151-TTg; Bộ Nội vụ và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã ra thông tư hướng dẫn việc thi hành. Về mặt nghiệp vụ các cơ quan chuyên môn đã nghiên cứu, ban hành được một số tiêu chuẩn để làm căn cứ thiết kế. Các đơn vị kiến thiết khi lựa chọn địa điểm, trưng dụng diện tích đều có cân nhắc, so sánh các mặt có lợi nhất cho việc xây dựng và quá trình sản xuất, khai thác công trình; đã sử dụng đồi núi, bãi hoang, đất đai thành phố cũ, cải tạo những nơi đất xấu để tận dụng xây dựng.
Đứng trước yêu cầu phải sử dựng nhiều diện tích đất đai để xây dựng cơ bản, mấy năm qua các cơ quan thiết kế, các đơn vị kiến thiết đã có chú ý đến vấn đề tiết kiệm đất đai. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hiện tượng lãng phí:
- Về khu vực xây dựng dân dụng, bình quân mật độ xây dựng chỉ đạt 16-18% đối với khu nhà 3, 4 tầng; 20-24% đối với khu nhà 1, 2 tầng. Tỷ lệ xây dựng thấp dẫn đến lãng phí về diện tích đất đai.
- Khi thi công dàn rộng công trường chỗ đào đắp ít thì xây dựng, chỗ khó thì bỏ, chưa chú ý để biến chỗ đào thành hồ ao nuôi cá, nơi đắp thành diện tích có thể sử dụng để xây dựng hoặc trồng trọt được.
- Đất đai trưng dụng quá rộng, đền bù quá sớm mà chưa xây dựng đến, đất để hoang hàng năm cỏ mọc. Ngoài số diện tích được cấp, một vài nơi lại lấy thêm đất để làm cơ sở tăng gia sản xuất riêng.
Đầu năm 1963, Ủy ban thanh tra của Chính phủ có tổ chức đoàn thanh tra đất đai dùng cho xây dựng cơ bản cũng kết luận còn nhiều hiện tượng lãng phí. Theo số liệu đó thì trong số 41 đơn vị kiểm tra thuộc các công trình công nghiệp, quốc phòng và chủ yếu là công trình dân dụng, với tổng số diện tích trưng dụng 512 héc-ta đã lãng phí 131 héc-ta, chiếm tỷ lệ 25%.
Diện tích đất đai ở một số nơi trưng dụng quá rộng như vậy làm cho khối lượng san nền đắp đất tăng lên, hệ thống đường sá, cống rãnh, điện nước kéo dài ra, một mặt đã tốn kém về vốn đầu tư xây dựng cơ bản, mặt khác lãng phí đất đai. Thậm chí có nơi đất quá rộng, nên đã lập ban tăng gia sản xuất, đào ao nuôi cá để quản lý số diện tích đất thừa đó.
Gần đây một số ngành ở trung ương và địa phương có tiến hành soát lại các diện tích đã trưng dụng để xây dựng cơ bản. Học viện Thủy lợi đã trả lại cho nông dân 9,2 héc-ta; trường Đại học Bách khoa trả lại 17,8 héc-ta; bệnh viện Thái-bình trả lại 2 héc-ta. Trong 6 tháng đầu năm 1963 Hải-phòng đã bớt được 8 héc-ta; Sơn-tây bớt được 6 héc-ta; 32 công trình trên hạn ngạch do Nhà nước quản lý đã giảm được 80 héc-ta. Nhưng nhìn chung hiện nay nhiều nơi vẫn còn tình trạng lãng phí đất đai, phổ biến là trong khu vựcxây dựng dân dụng .Có tình trạng trưng dụng nhiều, sử dụng ít; trưng dụng sớm, sử dụng muộn; tỷ lệ xây dựng thấp.Các công trình dưới hạn ngạch và công trình thuộc địa phương thì hiện tuợng lãng phí đất đai lại xảy ra nhiều.
Sau khi nghiên cứu, phát hiện tình hình và đi kiểm tra, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước thấy sở dĩ còn có tình trạng lãng phí đất đai xây dựng là do mấy nguyên nhân sau đây:
- Các đơn vị kiến thiết, các cơ quan chủ quản công trình khi lập nhiệm vụ thiết kế tính toán diện tích đất đai xây dựng đã dự phòng quá mức; tư tưởng phổ biến là muốn “quy mô lớn”; khuynh hướng muốn rộng rãi, thoải mái.
- Một số nơi lợi dụng cơ hội trưng dụng đã lấy thêm một số diện tích nhiều hơn diện tích được duyệt cấp hoặc khi xây dựng sử dụng không hết cũng muốn giữ đất lại để làm cơ sở tăng gia sản xuất cho cơ quan mình mặc dù không có đủ khả năng và phương tiện để khai thác hết năng suất của đất đai.
- Chưa có sự hướng dẫn thống nhất cách sử dụng các tiêu chuẩn về diện tích xây dựng ở các cơ quan thiết kế; ý thức tiết kiệm đất đai xây dựng chưa thật quán triệt trong hàng ngũ cán bộ làm công tác thiết kế.
- Công tác quản lý việc cấp đất còn đại khái, chưa được chặt chẽ. Số liệu đo đạc thiếu chính xác, thực địa và trích lục bản đồ không ăn khớp nhau. Việc giám sát và thống kê chưa làm thường xuyên.
- Công tác nghiên cứu tiêu chuẩn quy phạm làm chậm; các tiêu chuẩn về diện tích xây dựng mới ban hành được một số ít. Bản dự thảo “tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch thành phố” chưa được nghiên cứu kỹ và chưa được Nhà nước xét duyệt và ban hành, nhưng các cơ quan đã lấy đó làm căn cứ thiết kế và cấp đất.
- Nhiều công trình đã có chủ trương xây dựng nhưng nhiệm vụ thiết kế chưa rõ ràng, lúc đầu thì quy mô lớn, sau thu hẹp lại; kế hoạch xây dựng thay đổi làm cho thời gian thi công kéo dài, do đó trên số diện tích đã trưng dụng và đền bù sử dụng không kịp thời và xây dựng không hết v.v…
Để khắc phục những thiếu sót trên nhằm đảm bảo đủ diện tích cần thiết cho công trình xây dựng cơ bản; đồng thời phải chú ý đến việc tiết kiệm đất đai, hạn chế dùng đất trồng lúa và hoa màu, đất có sản lượng cao; tránh tình trạng trưng dụng nhiều sử dụng ít, trưng dụng sớm sử dụng muộn, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước ra thông tư đề ra những nhiệm vụ và biện pháp sau đây:
Trong khi chờ đợi nghiên cứu ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn nói trên, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước đề nghị các Viện thiết kế, các đơn vị kiến thiết, các cơ quan xét duyệt thiết kế và cấp đất cho xây dựng khi vận dụng các tiêu chuẩn hiện đang dùng thì về diện tích chiếm đất cố gắng lấy theo mức tối thiểu; còn về mật độ cư trú và mật độ xây dựng phải phấn đấu đạt tới mức tối đa.
Tình trạng chung ở các địa phương hiện nay là mỗi cơ quan xây dựng phân tán ở một khu vực riêng biệt. Trong đó bố trí nhà làm việc ở phía trước; nhà ngủ, nhà ăn, bể nước ở phía sau; nhà trẻ, câu lạc bộ, vườn tăng gia, đường đi lối lại xung quanh. Bố cục như vậy tuy trước mắt có thuận tiện nhưng xây dựng tốn kém và tốn nhiều đất. Cần nghiên cứu xây dựng tập trung thành khu vực trụ sở cơ quan và khu vực nhà ở để việc liên hệ công tác được thuận tiện; công tác bảo vệ được tốt và cũng có nhiều điều kiện để tổ chức phúc lợi và các sinh hoạt khác cho cán bộ, công nhân viên, giảm được vốn đầu tư xây dựng cơ bản đồng thời tiết kiệm được đất đai.
- Đối với những công trình đã xây dựng xong nếu đất đai bên trong quá rộng thì tính toán trả lại cho nông dân, hoặc phải có kế hoạch tăng gia sản xuất bắt số diện tích thừa ấy trả lại sản lượng. Khi cần phải phát triển mở rộng cơ sở cũ thì xây dựng trên số diện tích thừa này, tận dụng những khoảng cách quá rộng giữa các công trình đã xây dựng. Nếu xét thấy không cần thì nhất thiết không xin thêm đất.
- Đối với những công trình đang xây dựng, phần nào xây dựng xong thì giữ nguyên như cũ; phần đất nào chưa xây dựng đến thì thiết kế lại mặt bằng nhằm nâng cao mật độ xây dựng. Diện tích thừa trả lại hẳn lại cho sản xuất nông nghiệp; còn phần diện tích nào trước mắt chưa sử dụng đến thì tạm giao cho nông dân sản xuất, khi nào cần thì báo trước lấy lại để xây dựng.
- Đối với những công trình đang thiết kế hoặc đang xét duyệt thiết kế thì các cơ quan có trách nhiệm cần nghiên cứu lại nhiệm vụ thiết kế, xác định đúng mức về quy mô xây dựng và dự phòng; nghiên cứu lại địa điểm, hết sức hạn chế việc sử dụng đất trồng lúa, hoa màu, đất có sản lượng cao để xây dựng. Về diện tích thì tính toán lại theo tinh thần đảm bảo được yêu cầu cần thiết cho xây dựng đồng thời phải chú ý hết sức tiết kiệm đất đai.
Khi thi hành thông tư này nếu gặp trường hợp khó khăn đề nghị các ngành phản ảnh và báo cáo lên Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước nghiên cứu giải quyết.
Thực hiện nhiệm vụ tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, ngành xây dựng cơ bản nước ta còn tiến hành xây dựng nhiều công trình công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, thủy lợi… trên quy mô lớn; đồng thời ngày càng xây dựng nhiều các công trình dân dụng và phúc lợi để phục vụ đời sống nhân dân. Do đó đất đai trưng dụng cho xây dựng cơ bản cũng tăng lên nhiều. Nhưng chúng ta xây dựng cơ bản trên một nước nông nghiệp mà diện tích bình quân đầu người rất thấp, nên trong mọi trường hợp từ lúc lập nhiệm vụ thiết kế, lựa chọn địa điểm, bố trí mặt bằng cho đến khi trưng dụng đất đai để thi công và khikhai thác quản lý công trình cũng đều cần phải tính toán để sử dụng hợp lý và hết sức tiết kiệm đất đai trong xây dựng cơ bản để khỏi ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.
KT. CHỦ NHIỆM |
Thông tư 47-UB-TK-1964 về việc tiết kiệm đất đai trong xây dựng cơ bản do Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 47-UB-TK
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 15/01/1964
- Nơi ban hành: Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước
- Người ký: Trần Đại Nghĩa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 2
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra