Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 47/2012/TT-BNNPTNT quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương II

QUẢN LÝ KHAI THÁC TỪ TỰ NHIÊN ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG

Điều 3. Điều kiện khai thác

Tổ chức, cá nhân khai thác các loài thuộc Danh mục động vật rừng thông thường ban hành kèm theo Thông tư này phải đảm bảo các điều kiện sau:

1. Có giấy phép khai thác do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Điều 4, 5 của Thông tư này;

2. Sử dụng công cụ, phương tiện đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, không gây tổn hại sinh cảnh và môi trường;

3. Được sự đồng ý của chủ rừng đối với tổ chức, cá nhân khai thác không đồng thời là chủ rừng;

4. Không khai thác vì mục đích thương mại trong các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên.

Điều 4. Cấp giấy phép khai thác động vật rừng thông thường vì mục đích thương mại

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác gồm:

a) Bản chính đề nghị cấp giấy phép khai thác thể hiện rõ các nội dung: tên, địa chỉ, số giấy phép kinh doanh hoặc số chứng minh nhân dân của tổ chức, cá nhân đề nghị; tên loài, số lượng, địa danh, thời gian; mục đích, phương thức khai thác theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính thuyết minh phương án khai thác thể hiện rõ các nội dung: tên, địa chỉ, số giấy phép kinh doanh hoặc số chứng minh nhân dân của tổ chức, cá nhân đề nghị; mô tả hiện trạng của khu vực khai thác; thời gian khai thác; tên loài, số lượng khai thác; phương tiện, công cụ, phương thức, danh sách những người thực hiện khai thác theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bản chính báo cáo đánh giá quần thể loài động vật rừng thông thường đề nghị khai thác từ tự nhiên thể hiện rõ các nội dung: giới thiệu về đơn vị tư vấn; tổng quan khu vực, phương pháp, thời gian, kết quả; phương án khai thác; kết luận và kiến nghị theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

Báo cáo đánh giá quần thể do tổ chức được pháp luật quy định có chức năng điều tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học về lâm nghiệp, sinh học lập;

d) Bản sao có chứng thực giấy phép đăng ký kinh doanh đối với tổ chức hoặc số chứng minh nhân dân đối với cá nhân đề nghị cấp giấy phép;

đ) Bản chính giấy chấp thuận phương án khai thác của chủ rừng hoặc hợp đồng hợp tác với chủ rừng đối với tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép không đồng thời là chủ rừng.

2. Cơ quan cấp giấy phép khai thác:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép khai thác động vật rừng thông thường trên lâm phận của các chủ rừng thuộc địa phương quản lý.

b) Tổng cục Lâm nghiệp cấp giấy phép khai thác động vật rừng thông thường trên lâm phận của các chủ rừng thuộc Trung ương quản lý.

3. Giấy phép khai thác và thời hạn của giấy phép khai thác

a) Giấy phép khai thác phải thể hiện rõ các nội dung: tên, địa chỉ, số giấy phép kinh doanh hoặc số chứng minh nhân dân của tổ chức, cá nhân được cấp; tên loài, số lượng, địa điểm, thời gian, phương tiện, công cụ, phương thức, danh sách những người thực hiện khai thác; mục đích khai thác; thời hạn của giấy phép theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Thời hạn của giấy phép khai thác phù hợp với phương án khai thác, nhưng tối đa không quá 30 (ba mươi) ngày.

4. Trình tự, thủ tục nộp hồ sơ, thẩm định, cấp giấy phép khai thác và trả kết quả

a) Cách thức nộp hồ sơ: tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 của Điều này tới cơ quan Kiểm lâm sở tại.

b) Tiếp nhận hồ sơ: cơ quan Kiểm lâm sở tại trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ phải xem xét, xác nhận những thông tin trong hồ sơ bằng văn bản;

Cơ quan Kiểm lâm sở tại gửi hồ sơ và văn bản xác nhận đến Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh đối với trường hợp đề nghị cấp giấy phép khai thác động vật rừng thông thường trên lâm phận của các chủ rừng thuộc địa phương quản lý hoặc gửi đến Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp đối với trường hợp đề nghị cấp giấy phép khai thác động vật rừng thông thường trên lâm phận của các chủ rừng thuộc Trung ương quản lý.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan Kiểm lâm sở tại phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ biết.

c) Thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép khai thác

Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan Kiểm lâm sở tại chuyển đến, Chi cục Kiểm lâm hoặc Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp phải lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định hồ sơ. Hội đồng thẩm định do Chi cục Kiểm lâm hoặc Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp quyết định gồm: đại diện của chủ rừng; cơ quan quản lý lâm nghiệp, môi trường, thú y; Thủ trưởng cơ quan thẩm định là Chủ tịch.

Hội đồng thẩm định có trách nhiệm xem xét, đánh giá phương án khai thác, báo cáo đánh giá quần thể; lập biên bản thẩm định; báo cáo cơ quan cấp giấy phép khai thác.

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo của Chi cục Kiểm lâm hoặc Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Tổng cục Lâm nghiệp cấp giấy phép khai thác hoặc thông báo bằng văn bản lý do không cấp giấy phép khai thác.

d) Cách thức trả kết quả: trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày ký giấy phép khai thác hoặc văn bản thông báo lý do không cấp giấy phép khai thác, cơ quan cấp giấy phép gửi kết quả cho cơ quan Kiểm lâm sở tại tiếp nhận hồ sơ. Sau khi nhận được kết quả, cơ quan Kiểm lâm sở tại giao trả ngay cho tổ chức, cá nhân đề nghị.

5. Thu hồi giấy phép khai thác: cơ quan cấp giấy phép khai thác thu hồi giấy phép khai thác trong trường hợp tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép vi phạm các quy định tại Thông tư này và pháp luật hiện hành.

Điều 5. Cấp giấy phép khai thác động vật rừng thông thường không vì mục đích thương mại

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác gồm:

a) Bản chính đề nghị cấp giấy phép khai thác thể hiện rõ các nội dung: tên, địa chỉ, số giấy phép kinh doanh hoặc quyết định thành lập của tổ chức đề nghị; tên loài, số lượng, địa danh, thời gian; mục đích, phương thức khai thác theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính thuyết minh phương án khai thác thể hiện rõ các nội dung: tên, địa chỉ, số giấy phép kinh doanh hoặc quyết định thành lập của tổ chức đề nghị; mô tả hiện trạng của khu vực khai thác; thời gian khai thác; tên loài, số lượng khai thác; phương tiện, công cụ, phương thức, danh sách những người thực hiện khai thác theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bản sao có chứng thực văn bản ký kết về chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học hoặc quyết định thực hiện đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học đối với mẫu vật nghiên cứu khoa học; hoặc văn bản đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với trường hợp khai thác phục vụ ngoại giao, trao đổi giữa các vườn thú, triển lãm phi lợi nhuận, biểu diễn xiếc phi lợi nhuận, trao đổi mẫu vật với Cơ quan quản lý CITES các nước thành viên;

d) Bản sao có chứng thực giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.

2. Cơ quan cấp giấy phép khai thác:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép khai thác động vật rừng thông thường trên lâm phận của các chủ rừng thuộc địa phương quản lý.

b) Tổng cục Lâm nghiệp cấp giấy phép khai thác động vật rừng thông thường trên lâm phận của các chủ rừng thuộc Trung ương quản lý.

3. Giấy phép khai thác và thời hạn của giấy phép khai thác

a) Giấy phép khai thác thể hiện rõ các nội dung: tên, địa chỉ, số giấy phép kinh doanh hoặc quyết định thành lập của tổ chức được cấp; tên loài, số lượng, địa điểm, thời gian, phương tiện, công cụ, phương thức, danh sách những người thực hiện khai thác; mục đích khai thác; thời hạn của giấy phép theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Thời hạn của giấy phép khai thác phải phù hợp với phương án khai thác, nhưng tối đa không quá 30 (ba mươi) ngày.

4. Trình tự, thủ tục nộp hồ sơ, cấp giấy phép khai thác và trả kết quả

a) Cách thức nộp hồ sơ: tổ chức gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 của Điều này tới cơ quan Kiểm lâm sở tại.

b) Tiếp nhận hồ sơ: cơ quan Kiểm lâm sở tại trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ phải xem xét, xác nhận những thông tin trong hồ sơ bằng văn bản;

Cơ quan Kiểm lâm sở tại gửi hồ sơ và văn bản xác nhận đến Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh đối với trường hợp đề nghị cấp giấy phép khai thác động vật rừng thông thường trên lâm phận của các chủ rừng thuộc địa phương quản lý hoặc gửi đến Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp đối với trường hợp đề nghị cấp giấy phép khai thác động vật rừng thông thường trên lâm phận của các chủ rừng thuộc Trung ương quản lý.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, thì trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan Kiểm lâm sở tại phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ biết.

c) Cấp giấy phép khai thác

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan Kiểm lâm sở tại chuyển đến, Chi cục Kiểm lâm hoặc Vụ Bảo tồn thiên nhiên gửi hồ sơ và báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Tổng cục Lâm nghiệp.

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo của Chi cục Kiểm lâm hoặc Vụ Bảo tồn thiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Tổng cục Lâm nghiệp cấp giấy phép khai thác hoặc thông báo bằng văn bản lý do không cấp giấy phép khai thác.

d) Cách thức trả kết quả: trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày ký giấy phép khai thác hoặc văn bản thông báo lý do không cấp giấy phép khai thác, cơ quan cấp giấy phép khai thác gửi kết quả cho cơ quan Kiểm lâm sở tại tiếp nhận hồ sơ. Sau khi nhận được kết quả cơ quan Kiểm lâm sở tại giao trả ngay cho tổ chức, cá nhân đề nghị.

5. Thu hồi giấy phép khai thác: cơ quan cấp giấy phép khai thác thu hồi giấy phép khai thác trong trường hợp tổ chức được cấp giấy phép vi phạm các quy định tại Thông tư này và pháp luật hiện hành.

Điều 6. Xác nhận mẫu vật khai thác

1. Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc sau khi: kết thúc mỗi đợt khai thác; khai thác hết số lượng mẫu vật được cấp; giấy phép khai thác hết thời hạn, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác lập bảng kê mẫu vật động vật rừng thông thường đã khai thác theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi cơ quan Kiểm lâm sở tại để xác nhận.

2. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, cơ quan Kiểm lâm sở tại tiếp nhận bảng kê mẫu vật động vật rừng thông thường đã khai thác có trách nhiệm tổ chức việc xác nhận thực tế kết quả khai thác. Trường hợp không xác nhận, cơ quan Kiểm lâm sở tại phải thông báo bằng văn bản rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đó.

Thông tư 47/2012/TT-BNNPTNT quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 47/2012/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/09/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hà Công Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 623 đến số 624
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra