Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 461-VH-TT

Hà Nội, ngày 13 tháng 09 năm 1963

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG KHI BIỂU DIỄN VÀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP LƯU ĐỘNG THI HÀNH ĐỐI VỚI CÁC ĐỘI VĂN CÔNG ĐỊA PHƯƠNG

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh.
- Các Sở, Ty văn hóa - thông tin
- Các Sở, Ty tài chính,
- Các đội văn công ở địa phương.

Hiện nay ở các khu, thành phố và các tỉnh đều đã thành lập các đội văn công do ngân sách địa phương đài thọ và các sở, ty văn hoá quản lý, gọi là các đội văn công địa phương.

Các đội văn công địa phương thường phải đi biểu diễn lưu động ở các huyện, xã, công, nông, lâm trường, do đó sinh hoạt vật chất và tinh thần của cán bộ, diễn viên, công nhân, nhân viên trong các đội văn công này không được ổn định, đời sống có nhiều khó khăn.

Các đội văn công địa phương lại thường phải công tác biểu diễn về ban đêm; những ngày có biểu diễn, cán bộ, diễn viên, công nhân, nhân viên ban ngày phải bố trí chuẩn bị cho buổi diễn, đến tối thì làm việc biểu diễn cho tới đêm khuya; khi biểu diễn, nghệ thuật đòi hỏi phải tập trung sức lực, trí óc tới cao độ, cho nên lao động trong những buổi biểu diễn có nhiều vất vả mệt nhọc, ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, thanh sắc và tài nghệ của diễn viên về sau.

Để bồi dưỡng sức khoẻ cho cán bộ, diễn viên, công nhân, nhân viên các đội văn công địa phương, khi công tác tĩnh tại cũng như khi lưu động, bảo đảm cho anh chị em công tác được lâu dài, sau khi đã được sự thoả thuận của Bộ Nội vụ (trong công văn số 4895-LCĐ ngày 12-11-1962) và của Bộ Tài chính (công văn số 128-TC-HCVX ngày 20-03-1963), nay Bộ Văn hoá quy định về chế độ bồi dưỡng khi biểu diễn và chế độ phụ cấp lưu động thi hành đối với các đội văn công địa phương như sau:

I. BỒI DƯỠNG KHI BIỂU DIỄN

1. Mỗi khi có những buổi biểu diễn, không kể là có doanh thu hay không có doanh thu và những buổi biểu diễn tổng duyệt, những người có tham gia biểu diễn và những người trực tiếp phục vụ buổi biểu diễn đều được hưởng một khoản tiền bồi dưỡng có 3 mức là: 0đ,40, 0đ,60 và 0đ,80.

Riêng đối với một số trường hợp biểu diễn có nhiều sự vất vả nặng nhọc thì được bồi dưỡng theo mức tối đa là 1đ,20.

2. Về khoản tiền bồi dưỡng này cụ thể sẽ căn cứ mức độ lao động nặng hay nhẹ, phải vận dụng lâu hay chóng của từng người trong đội văn công mà áp dụng các mức: 0đ,40, 0đ,60 hay 0đ,80 cho thích hợp. Riêng đối với một số ít diễn viên đóng những vai chủ yếu trong các vở kịch, ca kịch nói, vũ kịch, những diễn viên ca, vũ, nhạc tham gia từ ba tiết mục trở lên, hoặc những nhạc công đánh nhạc suốt từ đầu cho đến cuối buổi biểu diễn, phải lao động nặng nhọc, vất vả thực sự thì được áp dụng mức bồi dưỡng 1đ,20.

3. Các đội văn công cần có sự tổ chức để sử dụng khoản tiền bồi dưỡng trên đây được thiết thực vào việc ăn uống (ví dụ như: tổ chức nấu cháo, xôi, phở cho diễn viên và nhân viên phục vụ ăn liền sau khi diễn xong…) để kịp thời bồi dưỡng sức khoẻ cho cán bộ, diễn viên, nhân viên, công nhân những khi có biểu diễn. Tuyệt đối không được để dồn tiền bồi dưỡng lại để khi nào được nhiều thì chia nhau, mỗi người dùng vào một việc khác không trực tiếp bồi dưỡng sức khoẻ cho mình.

II. PHỤ CẤP LƯU ĐỘNG

1. Trong những ngày đội văn công đi công tác biểu diễn lưu động, phải di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác, thì được áp dụng một khoản phụ cấp lưu động như sau:

Di chuyển công tác ở miền núi, vùng rẻo cao và hải đạo xa xôi mỗi người được phụ cấp một ngày 0đ,80.

- Di chuyển công tác ở miền núi vùng thấp, vùng trung du và đồng bằng: mỗi người được phụ cấp 0đ,40;

- Trường hợp di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác mà thời gian di chuyển mất không quá một tiếng thì không được hưởng khoản phụ cấp nói trên.

2. Các trường hợp đi công tác khác, đi công tác lẻ tẻ từng người thì không áp dụng khoản phụ cấp lưu động trên đây mà tính công tác phí theo chế độ chung hiện hành.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Chế độ bồi dưỡng khi biểu diễn và chế độ phụ cấp lưu động nói trên đây được áp dụng đối với các đội văn công của Nhà nước ở các tỉnh, khu, thành phố và do ngân sách của địa phương đài thọ.

2. Đối với các đội nghệ thuật dân doanh ở các địa phương thì tuỳ theo khả năng thu chi của từng đội, các sở, ty văn hoá sẽ nghiên cứu việc áp dụng các chế độ trên đây cho thích hợp và trình cácỦy ban hành chính tỉnh, khu, thành phố xét duyệt trước khi thi hành.

3. Thông tư này được thi hành kể từ ngày ký và không đặt vấn đề truy lĩnh hoặc truy hoàn về các khoản phụ cấp bồi dưỡng và lưu động đối với các trường hợp đã thanh toán trước khi văn bản này được công bố ở địa phương.

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ




Hoàng Minh Giám

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 461-VH-TT năm 1963 quy định chế độ bồi dưỡng khi biểu diễn và chế độ phụ cấp lưu động thi hành đối với các đội văn công địa phương do Bộ Văn hóa ban hành

  • Số hiệu: 461-VH-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 13/09/1963
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá
  • Người ký: Hoàng Minh Giám
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 32
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản