Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 460-TTg | Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 1957 |
THÔNG TƯ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ CHẤP HÀNH CHẾ ĐỘ BÁO CÁO QUYẾT TOÁN
Theo các chế độ kế toán và quyết toán hiện hành, thời hạn gửi các báo cáo đến Bộ Tài chính như sau:
Báo cáo thu hàng tháng: trước ngày 10 tháng sau
Báo cáo chi hàng tháng: Đối với các đơn vị dự toán ở trung ương: trước ngày 15 tháng sau;
Đối với Liên khu 3,4 khu Tả ngạn, Ban cán sự Lào-Hà-Yên các tỉnh và thành phố (kể cả các tỉnh thuộc Lào-Hà-Yên và thuộc Khu Tự trị Việt bắc): trong vòng 40 ngày sau khi hết tháng;
Đối với Khu Tự trị Thái-Mèo và Khu Tự trị Việt-bắc: trong vòng 60 ngày sau khi hết tháng.
Tổng quyết toán niên khóa: trước ngày 28 tháng hai năm sau
Hiện nay có nhiều tỉnh và thành phố chấp hành các chế độ báo cáo trên tương đối có tiến bộ; song các Bộ, các ngành, các đơn vị ở trung ương chấp hành còn nhiều thiếu sót, đặc biệt là về phần quyết toán chi.
Quý I và quý II năm 1956, trong thời hạn đã quy định các đơn vị ở trung ương chỉ quyết toán được non 20% tổng cố cấp phát; các tỉnh và thành phố quyết toán được 80%.
Quý III năm 1956 các đơn vị ở trung ương chỉ quyết toán được 25% tổng số cấp phát; các tỉnh và thành phố quyết toán được 95%.
Như vậy 9 tháng đầu năm 1956 các đơn vị ở trung ương chỉ quyết toán được khoản non 25% tổng số cấp phát.
Về tổng quyết toán toàn niên 1956 đã phải kéo dài đến cuối tháng 5-1957 mới tập trung xong phần số liệu ở trung ương, nghĩa là chậm mất ba tháng.
Năm nay, đã hết tháng 8 mà quyết toán chi của 6 tháng đầu năm của phần trung ương mới đạt được 22% so với số cấp phát: phần địa phương được 80%.
Trong suốt năm 1956 và 8 tháng đầu năm 1957 chưa có một quý nào hoặc một tháng nào đến hết kỳ hạn mà Chính phủ nắm được toàn bộ tình hình thực chi của Nhà nước
Tình hình trên rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc quản lý tài chính, gây tình trạng chi tiêu nhập nhằn, sai chế độ, do đó mà gây nên tham ô lãng phí.
Để sửa chữa những thiếu sót trên đây, Thủ tướng phủ quy định trách nhiệm của các ngành, các cấp và một số biện pháp chính sau đây nhằm tăng cường công tác quản lý tài chính.
1) Trách nhiệm của các ngành, các cấp trong vấn đề quản lý tài chính:
a) Các Bộ, các ngành, các cấp cần thực sự coi trọng việc quản lý tài chính như việc quản lý các công tác nghiệp vụ của cơ quan mình, làm cho tư tưởng đó thấm nhuần đến mọi cán bộ, công nhân viên phụ trách công tác quản lý nghiệp vụ, kế hoạch tài vụ trong cơ quan. Coi trọng công tác quản lý tài chính trước hết là cần chú ý đến vấn đề quyết toán thu chi. Các Bộ, các Ủy ban cấp các chịu trách nhiệm trước Chính phủ về vấn đề quyết toán của Bộ mình, của địa phương mình. Muốn làm được như vậy cần củng cố các tổ chức tài vụ ở các Bộ, ở các cấp, ở các đơn vị chi tiêu, đặt nền nếp phối hợp công tác giữa các bộ phận nghiệp vụ, kế hoạch, tài vụ trong mỗi đơn vị và thường xuyên kiểm điểm tình hình thu, chi, đặt thành một kỷ luật chặt chẽ và hợp lý cho việc quyết toán thu, chi hàng tháng.
b) Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bổ sung, ban hành đầy đủ các chế độ kế toán, dự toán, quyết toán và có kế hoạch hướng dẫn giúp đỡ các Bộ, các ngành, các cấp nếu gặp khó khăn trở ngại trong việc chấp hành chế độ. Mặt khác, Bộ Tài chính phải xét duyệt kịp thời các báo cáo quyết toán của các ngành; báo cáo quyết toán hàng tháng phải xét xong trong vòng 15 ngày sau khi nhận được; báo cáo quyết toán hàng năm thì một tháng sau khi nhận được. Trừ báo cáo quyết toán của xí nghiệp thì tạm thời áp dụng thời hạn đã quy định trong bản dự thảo điều lệ tạm thời về chế độ quyết toán của xí nghiệp quốc doanh do Thủ tướng phủ đã ban hành kèm theo công văn số 4959/TN ngày 20 tháng 7 năm 1957.
2) Biện pháp cụ thể:
a) Tất cả mọi khoản chi tiêu hành chính, sự nghiệp, xí nghiệp, kiến thiết cơ bản đều phải làm báo cáo chi hàng tháng và làm quyết toán hàng năm; hết tháng chi tiêu đến đâu làm báo cáo đến đấy, không chờ đợi hoàn thành công tác. Khi hoàn thành công tác sẽ làm báo cáo tổng kết. Làm đều đặn và cẩn thận các báo cáo chi hàng tháng, thì khi làm quyết toán hàng năm sẽ không gặp khó khăn vì quyết toán hàng năm là tổng hợp quyết toán của 12 tháng. Nếu phát hiện sai lầm cần điều chỉnh phải có bảng giải thích rõ.
b) Từ nay không phải làm quyết toán từng quý, từng 6 tháng và 9 tháng nữa. Nhưng phải có báo cáo sơ kết việc quản lý tài chính trong tùng quý, 6 tháng và 9 tháng để rút kinh nghiệm bồi bổ kịp thời cho công tác.
c) Quyết toán hàng tháng, hàng năm, báo cáo quản lý tài chính từng quý, từng 6 tháng và 9 tháng phải làm theo đúng chế độ, mẫu mực do Bộ Tài chính ban hành và phải đối chiếu số liệu cho khớp với số cấp phát của Tài chính và số thu nộp của kho bạc.
d) Mỗi năm từ tháng 9, tháng 10 trở đi cần chú ý bắt đầu xúc tiến thanh toán, đồng thời hạn chế các khoản tạm tứng, cho vay, cho mượn, tập trung mọi chứng từ và tài liệu để chuẩn bị cho việc làm quyết toán hàng năm.
đ) Để đề cao kỷ luật báo cáo quyết toán và báo cáo quản lý tài chính, đối với những đơn vị gương mẫu sẽ có khen thưởng, đối với những đơn vị không chấp hành chế độ cần có kỷ luật thích đáng: Trước mắt nếu quá thời hạn quy định mà chưa gửi quyết toán, Bộ Tài chính sẽ đình chỉ cấp phát. Thời hạn nói đây là thời hạn đã nhắc ở đầu thông tư (trừ quyết toán của xí nghiệp thì tạm thời thi hành theo thời hạn quy định trong dự thảo điều lệ tạm thời của Thủ tướng phủ ban hành kèm theo công văn 4959/TN ngày 20 tháng 7 năm 1957).
Đối với quyết toán của 8 tháng năm nay và báo cáo việc quản lý 9 tháng đầu năm nay các Bộ, các ngành, các cấp cần liên hệ chặt chẽ với Bộ Tài chính để làm xong trước ngày 31 tháng 10 năm 1957. Các quyết toán và báo cáo quản lý tài chính từ tháng 9 năm 1957 trở đi phải làm theo đúng quy định trong thông tư này.
Đối với tổng dự toán địa phương, các khu, tỉnh và thành phố sẽ căn cứ vào thông tư này và vào thời hạn phải gửi báo cáo lên trung ương để quy định một chế độ báo cáo quyết toán cho các đơn vị dự toán thuộc cấp mình cho thích hợp với hoàn cảnh của từng địa phương.
Yêu cầu các Bộ, các ngành, các cấp chú ý thi hành tốt.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Thông tư 409-VP/NH năm 1960 về việc nâng cao trách nhiệm của các Chi nhánh, Chi điếm Ngân hàng Nhà nước tham gia vào công tác xây dựng kế hoạch tài vụ hàng năm ở các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh do Bộ Công Nghiệp nặng- Bộ Công Nghiệp nhẹ- Ngân Hàng Nhà Nước ban hành
- 2Thông tư 116-TC-TT năm 1956 Giải thích về quyền hạn, nhiệm vụ và tổ chức các Ban Thanh tra tài chính các cấp do Bộ Tài chính ban hành
- 3Thông Tư 13-TC/CNXD-1976 về quản lý tài chính đối với việc sản xuất mặt hàng phụ bằng phế liệu, phế phẩm và sử dụng lao động dôi thừa ở các cơ sở kinh tế quốc doanh do Bộ Tài Chính ban hành
- 1Thông tư 409-VP/NH năm 1960 về việc nâng cao trách nhiệm của các Chi nhánh, Chi điếm Ngân hàng Nhà nước tham gia vào công tác xây dựng kế hoạch tài vụ hàng năm ở các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh do Bộ Công Nghiệp nặng- Bộ Công Nghiệp nhẹ- Ngân Hàng Nhà Nước ban hành
- 2Thông tư 116-TC-TT năm 1956 Giải thích về quyền hạn, nhiệm vụ và tổ chức các Ban Thanh tra tài chính các cấp do Bộ Tài chính ban hành
- 3Thông Tư 13-TC/CNXD-1976 về quản lý tài chính đối với việc sản xuất mặt hàng phụ bằng phế liệu, phế phẩm và sử dụng lao động dôi thừa ở các cơ sở kinh tế quốc doanh do Bộ Tài Chính ban hành
Thông tư 460-TTg năm 1957 về việc tăng cường công tác quản lý tài chính và chấp hành chế độ báo cáo quyết toán do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- Số hiệu: 460-TTg
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 07/10/1957
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Văn Đồng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 43
- Ngày hiệu lực: 22/10/1957
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra