Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 46-BYT/TT

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 1970

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN NHÀ XÁC, BỂ ƯỚP XÁC

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ nội dung, tính chất, điều kiện lao động của công nhân nhà xác bệnh viện, công nhân bể ướp xác Viện giải phẩu, ngày 03-10-1970 Bộ Lao động đã thỏa thuận tại công văn số 1105-TL để bộ Y tế thi hành một số chính sách đãi ngộ như sau:

1. Áp dụng thang lương 6 bậc bội số 1,9 mức lương khởi điểm bậc 1 bình thường 35 đồng, nóng có hại 40 đồng, khung bậc xếp từ bậc 3 đến bậc 6. Ngày nào trực tiếp làm việc với môi trường độc hại thì hưởng mức lương độc hại, ngày nào làm việc với môi trường bìnhthường thì hương mức lương bình thường.

2. Áp dụng phụ cấp thâm niên đặc biệt theo thông tư số 24-LĐTL ngày 08-8-1960 của Bộ lao động;

3. Tiếp tục được hưởng phụ cấp truyền nhiễm; độc hại theo quy định của nghị định số 59-CP ngày 26-10-1960 của Hội đồng Chính phủ.

Dựa vào nội dung trên. Bộ Y tế ra thông tư hướng dẫn thi hành như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC ÁP DỤNG THANG LƯƠNG 6 BẬC BỘI SỐ 1,9 PHỤ CẤP THÂM NIÊN ĐẶC BIỆT VÀ PHỤ CẤP TRUYỀN NHIỄM, ĐỘC HẠI

Những người thường xuyên được phân công chuyên trách làm những công việc như thu nhận xác, lấy xác ở bệnh phòng, phục vụ mổ xác, khâm liệm xác, chôn cất xác chết, vệ sinh và trông nom nhà xác tại bệnh viện; nhặt xác, ngâm ướp xác, vớt xác, phụ mổ xác phục vụ cho giảng dạy, học tập ở Viện giải phẩu trường Đại học y khoa.

Những công nhân, viên chức do yêu cầu công tác đột xuất được điều động đến nhà xác bệnh viện, Viện giải phẩu làm việc với nội dung trên có tính chất tạm thời trong thời gian ngắn và những người không chuyên trách thường xuyên, làm việc có tính chất kiêm nhiệm thì không được xếp theo thang lương 6 bậc và hưởng phụ cấp thâm niên đặc biệt, mà chỉ được áp dụng phụ cấp truyền nhiễm độc hại theo tinh thần nghị định số 59-CP ngày 26-10-1960 của Hội đồng Chính phủ .

A. THANG LƯƠNG VÀ NGUYÊN TẮC XẾP LƯƠNG.

1. Thang lương: Công nhân nhà xác bệnh viện, bể ướp xác Viện giải phẩu được xếp theo thang lương của công nhân phục vụ sự nghiệp công cộng 6 bậc bội số 1,9; mức lương bình thường khởi điểm 35 đồng, tối đa 66đ50, nóng có hại khởi điểm 40 đồng, tối đa 76 đồng, khung bậc xếp từ bậc 3 đến bậc 6. Cụ thể như sau:

Công việc

Bậc 1

Bậc 2

Bậc 3

Bậc 4

Bậc 5

Bậc 6

Bình thường

Nóng có hại

35đ

40đ

39đ80

45đ50

45đ20

51đ70

51đ40

58đ80

58đ50

66đ80

66đ50

76đ00

2. Nguyên tắc xếp lương:

a) Xếp theo lương ngày, ngày nào làm việc trực tiếp với môi trường độc hại thì được hưởng mức lương độc hại, ngày nào làm việc ở môi trường bình thường thì được hưởng mức lương bình thường. Ví dụ: công nhân nhà xác xếp lương bậc 3, trong tháng có 16 ngày tiếp xúc với môi trường độc hại, 10 ngày môi trường bình thường thì được hưởng lương chính như sau:

51đ70 x 16

+

45đ20 x 10

=

49đ19

26

26

b) Công nhân nhà xác bệnh viện và bể ướp xác Viện giải phẩu trước đây và hiện nay còn xếp theo bảng lương hộ lý, y công, hành chính, tạp vụ dưới 45đ20 thì nay được xếp vào bậc 3: bình thường 45đ20, có hại 51đ70.

Những công nhân có mức lương trên 45đ20 khi chuyển sang xếp theo thang lương mới thì áp dụng nguyên tắc xếp theo kế cận với bậc trên, ví dụ: một công nhân có mức lương cũ 50 đồng nay xếp vào bậc 4 bình thường 51đ40, có hại 58đ80, một công nhân có mức lương cũ 56 đồng nay xếp vào bậc 5, bình thường 58đ50, có hại 66đ80.

Những công nhân có mức lương cũ 47đ hiện nay công tác tốt, có hiệu suất rõ rệt, an tâm với nhiệm vụ của mình thì đều được chuyển sang xếp vào bậc 4 bình thường 51đ40, có hại 58đ80. Nhưng nếu công tác bình thường thì tạm thời giữ nguyên lương cũ trong thời gian tối đa 6 tháng; nếu có tiến bộ thì chuyển lên 51đ40; nếu khôngtiến bộ thì xếp xuống mức 45đ20 để bảo đảm cho thang lương được thống nhất.

Trong thời gian còn giữ nguyên lương cũ 47đ thì những ngày làm việc ở môi trường độc hại hưởng mức lương 51đ70.

c) Khi ốm đau đựơc hưởng trợ cấp theo tỷ lệ % lương, bằng cách lấy mức lương bình quân của 3 tháng liền với khi ốm đau bao gồm: lương chính và phụ cấp khu vực (nếu có), không kể phụ cấp thâm niên và phụ cấp theo nghị định số 59-CP, để tính trợ cấp theo chế độ bảo hiểm xã hội.

Ví dụ: một công nhân nhà xác xếp lương bậc 3, trong 3 tháng 1, 2, 3 năm 1971 làm việc trong những điều kiện khác nhau: tháng 1 có mức lương 45đ20, tháng 2 có mức lương 48đ60, tháng 3 có mức lương 51đ70, mức lương bình quân trong 3 tháng của công nhân nói trên là:

(45đ20 + 48đ60 + 51đ70)

=

48đ50

3

d) Khi đi học được hưởng lương theo tỷ lệ % của những ngày làm việc ở môi trường bình thường.

B. VỀ PHỤ CẤP THÂM NIÊN ĐẶC BIỆT.

1. Thời gian được tính thâm niên đặc biệt:

a) Thời gian thâm niên được tính để hưởng phụ cấp kể từ ngày thật sự làm việc ở các nhà xác bệnh viện, bể ướp xác Viện giải phẩu dưới chế độ ta, thời gian làm việc dưới chế độ đế quốc không tính. Cụ thể là người làm việc ở nhà xác bệnh viện của ta từ thời kháng chiến chống Pháp được tính từ ngày 02-9-1945. Người mới làm việc từ sau ngày tiếp quản (20-7-1954) thì tính kể từ ngày thực sự làm việc ở nhà xác bệnh viện và Viện giải phẩu.

b) Thời gian thâm niên được tính kể từ ngày người công nhân viên chức chính thức nhận công tác nhà xác bệnh viện và bể ướp xác Viện giải phẩu (không kể thời gian làm những nghề khác). Những ngày lẻ trong tháng bắt đầu công tác được tính tròn một tháng.

c) Trường hợp là công nhân, viên chức trong biên chế trước đã có thời gian công tác trong nghề, sau được cử đi làm công tác khác nay lại trở lại nghề, thì được cộng thời gian trước và sau lại để tính thâm niên (thời gian làm công tác khác không tính).

d) Những người phủ động, tạm tuyển nếu đã làm việc lâu năm cho nhà xác bệnh viện, bể ướp xác Viện giải phẩu mà được tuyển vào biên chế chính thức thì thời gian thâm niên được tính kể từ ngày bắt đầu nhận công tác nói trên.

2. Mức phụ cấp thâm niên đặc biệt:

Mức phụ cấp cụ thể như sau:

Thâm niên nghề

Tỷ lệ phụ cấp

Từ trên 3 năm đến 6 năm

5% lương cấp bậc

- 6 – 9 -

8% -

- 9 – 12 -

11%

- 12 năm trở đi

15% -

3. Cách tính phụ cấp thâm niên đặc biệt:

a) Tiền phụ cấp sẽ tính và phát thống nhất trong đơn vị mỗi năm 4 kỳ vào cuối mỗi quý.

Trường hợp thời hạn thâm niên cao hơn vừa đủ vào giữa quý thì cách tính như sau:

- Lần trước được lĩnh phụ cấp, nếu đủ thâm niên từ tháng nào trong quý thì phụ cấp sẽ tính từ tháng đó.

- Từ lần sau, khi đủ thời hạn thâm niên để tính tỉ lệ phụ cấp cao hơn, thì những tháng chưa đủ thâm niên để tính theo tỷ lệ cao, vẫn hưởng theo tỷ lệ cũ, còn những tháng sau trong quý ấy được tính theo tỷ lệ cao. Ví dụ:

Anh A hết tháng 7-1970 được đủ 3 năm thâm niên thì quý III năm 1970 sẽ lĩnh phụ cấp thâm niên hai tháng 8 và 9.

Đến hết tháng 7-1973, anh A được đủ 6 năm thâm niên thì quý III năm 1973,phụ cấp thâm niên của anh A sẽ tính: tháng 7-1973 với mức phụ cấp 5%, tháng 8 và 9-1973 mức phụ cấp là 8%.

b) Những người trong thời gian được giữ chênh lệch lương cũ, phụ cấp thâm niên vẫn được tính, nhưng trên cơ sở mức lương của bậc thấp hơn trong tháng lương mới.

Ví dụ: người được giữ nguyên lương cũ 47 đồng thì phụ cấp thâm niên tính theo mức lương của 45đ20.

c) Trường hợp ốm đau phải đi điều trị, điều dưỡng hay đi học bổ túc ngắn ngày hoặc điều động làm công tác đột xuất dưới 6 tháng thì vẫn được tính phụ cấp thâm niên, trên 6 tháng không được tính.

d) Những công nhân, viên chức thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên đặc biệt nếu được điều động sang công tác không có phụ cấp thâm niên hoặc được cử đi học dài hạn và cắt biên chế ở cơ quan, đơn vị thì thôi không được hưởng phụ cấp thâm niên từ tháng được điều động. Nếu trong tháng đó làm được 15 ngày trở lên thì được tính tròn một tháng để hưởng phụ cấp thâm niên, nếu làm việc dưới 15 ngày thì không tính.

e) Phụ cấp thâm niên tính theo tỉ lệ lương cấp bậc làm việc trong điều kiện bình thường, không tính theo tỷ lệ lương khi ốm đau, ngừng việc hay đi làm công tác xã hội khác.

C. PHỤ CẤP TRUYỀN NHIỄM ĐỘC HẠI.

Công nhân nhà xác bệnh viện, bể ướp xác Viện giải phẩu vẫn tiếp tục được hưởng mức phụ cấp truyền nhiễm độc hại như đã quy định trong nghị định số 59-CP ngày 26-10-1960 của Hội đồng Chính phủ theo các mức hiện hành.

II. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH

1. Khi nhận được thông tư này, cơ quan, đơn vị có đối tượng được hưởng chế độ lương 6 bậc bội số 1,9 phụ cấp thâm niên đặc biệt cần tổ chức giải thích cho mọi người hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của chính sách đãi ngộ, thấy được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và của ngành để nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong công tác.

2. Trước khi thực hiện, các cơ quan, đơn vị cần tiến hành xác định chế độ lương cấp bậc, phụ cấp thâm niên đặc biệt cho đối tượng trên theo quy định ở mục I tiết A và B để đương sự được hưởng quyền lợi chính đáng theo cấp bậc ngành nghề của mình. Việc xếp lương do thủ trưởng cơ quan, đơn vị xét, ra quyết định theo phân cấp quản lý cán bộ, đồng thời báo cáo cho Bộ (nếu là đơn vị trực thuộc), do Ủy ban hành chính địa phương (nếu là đơn vị y tế địa phương).

3. Khi được hưởng phụ cấp thâm niên đặc biệt, mỗi người sẽ được cấp một sổ. Để thực hiện việc cấp sổ, mọi người phải làm bản tự khai quá trình công tác trong nghề. Sau khi đã thẩm tra và xác minh lời khai là đúng, cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định về tỷ lệ phụ cấp thâm niên và chứng thực vào sổ phụ cấp thâm niênđặc biệt để cấp cho người được hưởng (mẫu sổ phụ cấp và bản tự khai cóhướng dẫn riêng, kèm theo).(1)

4. Những người có thời gian thâm niên nghề tương đối lâu nhưng chưa xác định được rõ ràng, chính xác thì chỉ xét định tỉ lệ phụ cấp cho những thời gian đã rõ ràng, còn thời gian chưa rõ sẽ xét giải quyết sau.

5. Hàng quý khi cấp phát tiền phụ cấp thâm niên đặc biệt, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, bệnh viện sẽ ký và đóng dấu vào sổ, khi điều động công tác, công nhân, viên chức được mang sổ thâm niên đặc biệt đi theo.

6. Để Bộ có thể theo dõi, rút kinh nghiệm việc thi hành chế độ lương và phụ cấp thâm niên đặc biệt đối với công nhân nói trên, sau khi đã cấp phát phụ cấp lần đầu, các cơ quan, đơn vị, bệnh viện làm báo cáo về Bộ (có mẫu kèm theo).(1)

7. Thông tư này quy định một số điểm vừa có tính chất cụ thể vừa có tính chất nguyên tắc chung, các sở, Ty y tế, các bệnh viện, Viện và trường Đại học y khoa sẽ căn cứ vào thông tư này và các văn bản hiện hành như đã ghi rõ ở trên, để áp dụng cụ thể cho cơ quan, đơn vị, bệnh viện có loại đối tượng công nhân trên.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Trong khi thi hành nếu có khó khăn, trở ngại gì hoặc có điểm nào chưa rõ,các đơn vị phản ảnh cho Bộ biết để giải quyết.






(1) Không đăng bản mẫu.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đức Thắng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 46-BYT/TT-1970 về chế độ đãi ngộ đối với công nhân nhà xác, bể ướp xác do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 46-BYT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/12/1970
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Đức Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 15/12/1970
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản