Hệ thống pháp luật

Điều 2 Thông tư 46/2016/TT-BTTTT quy định danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thiết bị vô tuyến cự ly ngắn (Short Range Device) là thiết bị vô tuyến phát, thu-phát tín hiệu một chiều hoặc hai chiều, ít khả năng gây nhiễu có hại cho các thiết bị vô tuyến khác.

2. Thiết bị vô tuyến cự ly ngắn dùng cho mục đích chung (Non-Specific Short Range Device) bao gồm các thiết bị vô tuyến cự ly ngắn thỏa mãn điều kiện kỹ thuật và khai thác quy định, không phân biệt ứng dụng hay mục đích sử dụng.

3. Điện thoại không dây (Cordless Phone) là thiết bị điện thoại đầu cuối được kết nối với mạng điện thoại công cộng qua giao diện tương tự hai dây. Thiết bị này bao gồm hai khối riêng biệt được kết nối với nhau qua giao diện vô tuyến:

Khối trung tâm (còn gọi là trạm gốc hoặc máy mẹ): được đặt cố định và đấu nối với hai dây điện thoại cố định của mạng điện thoại công cộng (PSTN- Public Switched Telephone Network), sử dụng anten tích hợp. Ăng-ten tích hợp là anten được thiết kế cố định, bố trí bên trong hoặc bên ngoài thiết bị và là một phần của thiết bị.

Khối di động (có thể có nhiều khối di động, còn gọi là máy con): máy cầm tay sử dụng ăng-ten tích hợp. Khối di động mang số thuê bao điện thoại của khối trung tâm.

4. Hệ thống liên lạc dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MICS-Medical Implant Communications Systems) và Hệ thống đo lường dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MITS-Medical Implant Telemetry Systems)

Hệ thống liên lạc dành cho thiết bị y tế cấy ghép (sau đây gọi là MICS) và Hệ thống đo lường dành cho thiết bị y tế cấy ghép (sau đây gọi là MITS) là hệ thống bao gồm thiết bị y tế cấy ghép trong cơ thể người và thiết bị liên lạc vô tuyến bên ngoài dùng để trao đổi dữ liệu với thiết bị cấy ghép trong khoảng cách 02 m, sau đó dữ liệu được truyền tới trung tâm xử lý và đến bác sỹ thông qua mạng viễn thông.

Trong hệ thống MICS, thiết bị cấy ghép và thiết bị liên lạc vô tuyến có trao đổi dữ liệu hai chiều. Trong hệ thống MITS, chỉ có truyền dữ liệu một chiều từ thiết bị cấy ghép tới thiết bị liên lạc vô tuyến tại các thời điểm đã lập trình trước.

5. Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện (RFID-Radio Frequency Identification)

Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện sử dụng sóng vô tuyến để tự động nhận dạng, theo dõi, quản lý hàng hoá, con người, động vật và các ứng dụng khác. Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện bao gồm hai khối riêng biệt được kết nối thông qua giao diện vô tuyến:

- Thẻ vô tuyến (RF tag) mang chip điện tử, có hoặc không có nguồn điện, được gắn trên đối tượng cần nhận dạng. Chíp điện tử chứa thông tin về đối tượng đó.

- Thiết bị đọc tần số vô tuyến (RF Reader) phát ra tần số nhất định để kích hoạt thẻ vô tuyến và thẻ vô tuyến sẽ phát ra thông tin của thẻ. Thông tin này được đầu đọc thu lại và chuyển tới hệ thống xử lý số liệu.

Thiết bị RFID được sử dụng trong các hoạt động phân phối, vận chuyển và bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, giao thông hay các ứng dụng di động (quảng cáo thông minh).

6. Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện (Radio Detection and Alarm Device)

Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện bao gồm bộ phận cảm biến và hệ thống điều khiển được kết nối với nhau qua giao diện vô tuyến.

Một số loại thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện điển hình: thiết bị chống trộm, thiết bị phát hiện chuyển động, thiết bị dò tìm kim loại.

7. Thiết bị âm thanh không dây (Wireless Audio Device)

Thiết bị âm thanh không dây bao gồm các thiết bị sử dụng sóng vô tuyến điện để truyền dẫn âm thanh ở cự ly ngắn.

Một số loại thiết bị âm thanh không dây điển hình: microphone không dây cài áo, microphone không dây cầm tay, tai nghe không dây, máy phát FM cá nhân, thiết bị trợ thính.

8. Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện (Remote Control Device)

Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện bao gồm các thiết bị dùng sóng vô tuyến để điều khiển các mô hình, điều khiển trong công nghiệp và dân dụng.

Một số loại thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện điển hình: điều khiển mô hình trên không như máy bay mô hình, điều khiển mô hình trên mặt đất, mặt nước như ô tô mô hình và tàu thủy mô hình, điều khiển trong công nghiệp và dân dụng như điều khiển đóng mở cửa ô tô và ga-ra.

9. Thiết bị mạng nội bộ không dây

Thiết bị mạng nội bộ không dây, sau đây được gọi là “Thiết bị WLAN”, (WLAN-Wireless Local Area Network) được sử dụng để thiết lập mạng nội bộ vô tuyến hoặc để kết nối trực tiếp với nhau thay cho việc sử dụng dây cáp.

Một số loại thiết bị WLAN điển hình: điểm truy nhập (access point), bộ định tuyến không dây (wifi router), bộ điều hợp mạng không dây (wifi card), thiết bị có tích hợp mô đun thu-phát vô tuyến theo tiêu chuẩn IEEE 802.11 (không bao gồm thiết bị vô tuyến dùng để kết nối giữa các mạng WLAN – Wireless bridge).

10. Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện (Telemetry Device)

Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện tự động hiển thị hoặc ghi lại các thông số đo lường và điều khiển các chức năng của thiết bị khác qua giao diện vô tuyến.

11. Thiết bị truyền hình ảnh không dây (Wireless Video Transmitter)

Thiết bị truyền hình ảnh không dây dùng để truyền dữ liệu hình ảnh về hệ thống xử lý qua giao diện vô tuyến.

Một số loại thiết bị truyền hình ảnh không dây điển hình như: webcam không dây, camera không dây, thiết bị truyền hình ảnh không dây qua giao diện cổng USB từ máy tính.

12. Thiết bị vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá

Thiết bị vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá dùng để liên lạc giữa các phương tiện nghề cá hoạt động ở các vùng biển của Việt Nam.

13. Thiết bị vô tuyến điện chỉ thu là thiết bị vô tuyến chỉ có chức năng thu tín hiệu sóng vô tuyến điện.

14. Thiết bị truyền dữ liệu băng rộng là thiết bị vô tuyến được dùng cho ứng dụng truyền dẫn băng rộng trong mạng di động IMT-Advanced (công nghệ LTE-Advanced và các phiên bản tiếp theo) sử dụng dải tần 5150-5350 MHz, 5470-5850 MHz với độ rộng kênh tần số tối thiểu 20 MHz hoặc dùng cho truy cập tốc độ lên tới hàng Gigabit/s trong mạng nội bộ không dây (WLAN), mạng cá nhân không dây (WPAN: Wireless Personal Area Network) hoạt động trong phạm vi băng tần 57-66 GHz.

15. Thiết bị ra-đa ô tô (Automotive Radar) là thiết bị ra-đa cự ly ngắn dùng cho các ứng dụng trong thông tin giao thông như điều khiển hành trình, phát hiện, cảnh báo, tránh va chạm giữa phương tiện giao thông với vật thể xung quanh.

16. Thiết bị liên lạc bộ đàm công suất thấp là thiết bị vô tuyến đầu cuối di động có chức năng thu, phát tín hiệu thoại trong một phạm vi có diện tích giới hạn (ví dụ: tòa nhà, khuôn viên).

17. Thiết bị truyền dữ liệu băng siêu rộng (UWB-Ultra Wide Band Communication Device) là thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn dùng để truyền thông tin ở dải tần số GHz với băng thông tín hiệu trên 500 MHz.

18. Thiết bị vòng từ (Inductive Loop) là thiết bị có chức năng truyền tín hiệu, hoạt động dựa trên nguyên lý trường điện từ và dùng tần số thấp.

19. Thiết bị nhận dạng tự động (AIS-Automatic Identification System) là thiết bị vô tuyến dùng trong hệ thống an toàn hàng hải được lắp đặt, sử dụng trên tàu, thuyền và các phương tiện khác có động cơ hoặc không có động cơ để nâng cao hiệu quả điều động tránh va chạm và quản lý phương tiện hoạt động trên mặt nước hoặc dưới mặt nước.

20. Thiết bị phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp (EPIRB-Emergency Position Indicating Radio Beacon) là thiết bị vô tuyến chỉ báo vị trí cấp cứu sử dụng dải tần số 406-406,1 MHz, được lắp đặt, sử dụng trên phương tiện hoạt động trên mặt nước hoặc dưới mặt nước bao gồm tàu, thuyền và các phương tiện khác có động cơ hoặc không có động cơ.

21. Thiết bị phát báo tìm kiếm cứu nạn (SART-Search and Rescue Radar Transponder) là thiết bị vô tuyến dùng cho mục đích cứu nạn hàng hải, hoạt động ở dải tần 9 GHz.

22. Thiết bị nhận dạng tự động phát báo tìm kiếm cứu nạn (AIS-SART) là thiết bị vô tuyến thuộc nhóm thiết bị hỗ trợ hàng hải để các Cơ quan tìm kiếm cứu nạn định vị thiết bị cứu sinh hoặc tàu thuyền bị nạn trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Thông tư 46/2016/TT-BTTTT quy định danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 46/2016/TT-BTTTT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/12/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trương Minh Tuấn
  • Ngày công báo: 02/02/2017
  • Số công báo: Từ số 111 đến số 112
  • Ngày hiệu lực: 14/02/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra