Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 45-TC/QLCS

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 1995

THÔNG TƯ

BỘ TÀI CHÍNH SỐ 45-TC/QLCS NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÀ LÀM VIỆC CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP

Ngày 17-5-1995 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Quyết định số 399-TC/QLCS ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhà làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp (HCSN); Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục đăng ký nhà làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp và quản lý nhà làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp đi thuê của các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhà như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG KÊ KHAI ĐĂNG KÝ

1- Nhà làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp quy định tại Điều 1 của Quy chế quản lý và sử dụng nhà làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 399-TC/QLCS bao gồm: nhà làm việc, Văn phòng, phòng khách, hội trường, nhà kho, nhà bảo vệ, khu nhà vệ sinh... và nhà công vụ (nếu có) thuộc đối tượng kê khai đăng ký bao gồm cả đất xây dựng từng ngôi nhà và toàn bộ khuôn viên cơ quan.

2- Người có trách nhiệm đăng ký nhà làm việc quy định tại Điều 5 Quy chế quản lý và sử dụng nhà làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp được cụ thể như sau:

- Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc khối trung ương quản lý) có trách nhiệm đăng ký nhà đất thuộc trụ sở làm việc do cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp quản lý sử dụng và nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp cấp dưới với Bộ Tài chính (Cục quản lý công sản).

- Giám đốc các Sở, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Trung ương Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) có trách nhiệm đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc do Sở, cơ quan trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý và sử dụng và nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp trực thuộc Sở, cơ quan trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh với Sở Tài chính - Vật giá (Phòng quản lý công sản).

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của Văn phòng Uỷ ban nhân dân và nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp cấp xã, phường (gọi chung là cấp xã) với Sở Tài chính - Vật giá (Phòng quản lý công sản).

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của Uỷ ban nhân dân và nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp ở cấp xã với Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã (Phòng tài chính).

Trình tự, thủ tục đăng ký nhà làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp theo quy định tại điểm 2, phần II của Thông tư này.

II- HỒ SƠ VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ NHÀ LÀM VIỆC

1- Hồ sơ đăng ký:

Hồ sơ đăng ký nhà làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp gồm có:

a) Đối với tất cả các đơn vị hành chính sự nghiệp được Nhà nước giao trực tiếp quản lý, sử dụng nhà làm việc khi đăng ký nhà làm việc với cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý phải có những hồ sơ sau:

- Sơ đồ mặt bằng của từng ngôi nhà và khuôn viên trụ sở làm việc.

- Bản sao sơ đồ địa bàn về nhà, đất và giấy phép xây dựng (kể cả xây dựng thêm diện tích nhà làm việc) hoặc quyết định giao nhà, đất thuộc trụ sở làm việc do cơ quan có thẩm quyền Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam hoặc Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp.

- Bản đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của cơ quan hành chính sự nghiệp theo mẫu số 1 kèm theo Thông tư này.

b) Đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp quản lý trực tiếp cấp trên;

Khi đăng ký nhà làm việc với cơ quan cấp trên hoặc cơ quan tài chính; ngoài những hồ sơ được quy định ở điểm a nói trên để đăng ký phần nhà, đất thuộc trụ sở làm việc do cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng còn phải có những hồ sơ sau:

- Bản sao dăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của từng đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc cơ quan mình quản lý.

- Bản tổng hợp đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc theo mẫu số 2 kèm theo Thông tư này.

2- Thủ tục đăng ký:

Trình tự, thủ tục đăng ký nhà làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp được thực hiện như sau:

a) Đối với nhà làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc khối Trung ương quản lý:

- Thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp cơ sở trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thuộc khối Trung ương quản lý; dù trụ sở làm việc đóng trên bất cứ địa phương nào đều phải đăng ký nhà làm việc với cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý.

- Cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý, có nhiệm vụ tổng hợp các bản đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc cấp dưới và đăng ký nhà đất thuộc trụ sở làm việc do cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng, đăng ký với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc đăng ký với cơ quan cấp trên (nếu có), để cơ quan này tổng hợp các bản đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của các đơn vị cấp dưới cùng với nhà, đất thuộc trụ sở làm việc do cơ quan này trực tiếp quản lý sử dụng, để đăng ký với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

- Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổng hợp các bản đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của các đơn vị trực thuộc và nhà, đất thuộc trụ sở làm việc do Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp quản lý, sử dụng đăng ký với Bộ Tài chính (Cục quản lý công sản).

- Đối với nhà làm việc của các đơn vị, cơ quan thuộc lực lượng an ninh, quốc phòng.

+ Thủ trưởng công an huyện và các đơn vị trực thuộc các cơ quan Bộ Nội vụ, đăng ký nhà làm việc được giao quản lý với Sở Công an cấp tỉnh và các cơ quan thuộc Bộ Nội vụ; Giám đốc Sở Công an các tỉnh, thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ Nội vụ kê khai nhà làm việc của Văn phòng cơ quan trực tiếp quản lý sử dụng và tổng hợp các hồ sơ nhà làm việc của tất cả các đơn vị trực thuộc đăng ký với Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ kê khai nhà làm việc của Văn phòng cơ quan trực tiếp quản lý sử dụng và tổng hợp các hồ sơ nhà làm việc của tất cả các đơn vị trực thuộc đăng ký với Bộ Tài chính (Cục quản lý công sản).

+ Thủ trưởng, Ban chỉ huy quân sự (BCHQS) quận, huyện, thị xã thuộc BCHQS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan trực thuộc quân chủng, binh chủng và các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng đăng ký nhà làm việc với BCHQS tỉnh, quân chủng, binh chủng và các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Ban chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kê khai nhà làm việc thuộc BCHQS tỉnh trực tiếp quản lý sử dụng và tổng hợp các hồ sơ nhà làm việc của tất cả các đơn vị trực thuộc đăng ký với quân khu.

Thủ trưởng các quân khu, quân chủng, binh chủng và các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng kê khai nhà làm việc của Văn phòng cơ quan trực tiếp quản lý sử dụng và tổng hợp các hồ sơ nhà làm việc của tất cả các đơn vị trực thuộc đăng ký với Bộ Quốc phòng.

Bộ Quốc phòng kê khai nhà làm việc của Văn phòng cơ quan trực tiếp quản lý sử dụng và tổng hợp các hồ sơ của tất cả các đơn vị trực thuộc đăng ký với Bộ Tài chính (Cục quản lý công sản).

- Nhà, đất trụ sở làm việc của các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao ở trong nước, trình tự, thủ tục đăng ký với Bộ Tài chính được thực hiện như đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quy định tại điểm a mục 2 Phần II của Thông tư này.

Riêng đối với trụ sở làm việc của các cơ quan ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt tại nước ngoài, Bộ Ngoại giao đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của các cơ quan này với Bộ Tài chính (Cục quản lý công sản) được căn cứ vào tình hình thực tế trụ sở làm việc đặt ở mỗi nước.

b) Đối với nhà làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc địa phương quản lý:

- Thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Uỷ ban nhân dân cấp xã, đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của đơn vị mình được Nhà nước giao cho quản lý, sử dụng với Uỷ ban nhân dân cấp xã. Uỷ ban nhân dân cấp xã tổng hợp các bản đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của đơn vị trực thuộc và lập bàn đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý, sử dụng để đăng ký với Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Phòng tài chính huyện).

- Thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của đơn vị mình được Nhà nước giao cho quản lý, sử dụng đăng ký với Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Phòng tài chính).

- Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổng hợp các bản đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc huyện, của các Uỷ ban nhân dân cấp xã và lập bản đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của Văn phòng Uỷ ban cấp huyện quản lý, sử dụng để đăng ký với Uỷ ban nhân dân tỉnh (Phòng quản lý công sản Sở Tài chính - Vật giá).

- Thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc các sở, ban, ngành trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của đơn vị mình được Nhà nước giao cho quản lý, sử dụng với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp các bản đăng ký thuộc trụ sở làm việc của các đơn vị trực thuộc và lập bản đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của Văn phòng Sở, ban, ngành trực tiếp quản lý sử dụng để đăng ký với Sở Tài chính (Phòng quản lý công sản).

c) Các đơn vị hành chính sự nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Nhà nước về sự chính xác, trung thực về số liệu, hồ sơ đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc đã đăng ký với cơ quan quản lý trực tiếp cấp trên.

Cơ quan quản lý trực tiếp cấp trên khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính sự nghiệp cấp dưới có nhiệm vụ kiểm tra, xem xét và ký xác nhận vào hồ sơ đăng ký.

III- QUẢN LÝ NHÀ LÀM VIỆC ĐI THUÊ CỦA CÁC TỔ CHỨC KINH DOANH NHÀ

1- Những cơ quan mới thành lập chưa có nhà làm việc và những cơ quan hiện đã có nhà làm việc nhưng quá chật so với định mức, tiêu chuẩn của Nhà nước quy định, được phép thuê nhà làm việc của các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh nhà sau khi đã được cơ quan tài chính cùng cấp đồng ý bằng văn bản. Riêng năm 1995, chỉ thực hiện việc thuê trụ sở làm việc đối với cơ quan hành chính sự nghiệp mới được Chính phủ cho phép thành lập và có kinh phí thuê nhà được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mọi trường hợp thuê nhà làm việc đều phải có hợp đồng giữa cơ quan đi thuê và bên cho thuê theo đúng quy định của Nhà nước; cơ quan tài chính cùng cấp có trách nhiệm thẩm định số diện tích và đơn giá thuê theo đúng tiêu chuẩn định mức và cấp nhà tương ứng với nhà làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp; nếu phát hiện có những vấn đề không phù hợp yêu cầu, cơ quan được thuê nhà làm việc điều chỉnh lại cho phù hợp hoặc tạm hoãn ký hợp đồng.

2- Cơ quan được Nhà nước cho phép thuê nhà làm việc phải bố trí sử dụng đúng mục đích và các quy định về bảo vệ nhà tránh hư hỏng, thất thoát tài sản như đã thoả thuận trong hợp đồng; và không cho cơ quan khác và cá nhân thuê lại.

Trước lúc chấm dứt hợp đồng 15 ngày, cơ quan đi thuê nhà làm việc phải báo cho cơ quan tài chính cùng cấp biết.

3- Việc thanh toán tiền thuê nhà được thực hiện bằng hai hình thức sau:

a) Cơ quan đi thuê dùng nguồn kinh phí đã được duyệt hàng năm để thanh toán trực tiếp cho cơ quan cho thuê theo đúng số tiền và thời gian phải thanh toán ghi trong hợp đồng đã ký.

b) Cơ quan tài chính chi trả trực tiếp (thôngqua Kho bạc Nhà nước) cho cơ quan cho thuê theo đúng số tiền và thời gian phải thanh toán đã thoả thuận theo hợp đồng bên thuê và bên cho thuê đã ký và được trừ vào kinh phí được duyệt hàng năm của đơn vị đi thuê và quyết toán với ngân sách Nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương).

IV- MỞ SỔ SÁCH THEO DÕI VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1- Tất cả các đơn vị hành chính sự nghiệp đều phải lập sổ sách theo dõi nhà làm việc, tổ chức việc ghi chép hạch toán đầy đủ, chính xác theo đúng chế độ kế toán hiện hành Bộ Tài chính ban hành.

2- Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo thường xuyên và định kỳ về tài sản nói chung và nhà làm việc nói riêng đúng chế độ báo cáo kế toán hiện hành của Bộ Tài chính quy định, cũng như theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.

3- Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ quỹ nhà làm việc của cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc địa phương quản lý (theo biểu số 2) gửi về Bộ Tài chính sau khi đã hoàn tất thủ tục đăng ký.

V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Để đảm bảo thực hiện tốt việc đăng ký nhà làm việc của cơ quan hành chính sự nghiệp theo đúng Quy chế quản lý và sử dụng nhà làm việc và có căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch: chi xây dựng mới, cải tạo mở rộng nâng cấp và sửa chữa thường xuyên nhà làm việc cho các cơ quan hành chính sự nghiệp từ năm 1996 trở đi, các đơn vị hành chính sự nghiệp trong cả nước phải đăng ký nhà làm việc với cơ quan tài chính cùng cấp theo đúng quy định của Thông tư này xong trước ngày 30-9-1995.

Cơ quan tài chính được quyền đề nghị không bố trí dự toán chi hàng năm hoặc dừng cấp phát kinh phí cho các khoản chi về sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới nhà làm việc cho những cơ quan không đăng ký nhà làm việc theo đúng quy định.

2- Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc cấp mình quản lý thực hiện việc đăng ký nhà, đất thuộc trụ sở làm việc theo đúng quy định tại Thông tư này.

3- Cục quản lý công sản và Sở Tài chính - Vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hướng dẫn đôn đốc các đơn vị thực hiện việc đăng ký nhà làm việc.

4- Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Nguyễn Thị Kim Ngân

(Đã Ký)

MẪU SỐ 1

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐĂNG KÝ NHÀ, ĐẤT THUỘC TRỤ SỞ LÀM VIỆC CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP

(Dùng cho từng đơn vị hành chính sự nghiệp)

Tên cơ quan đăng ký...........................................................................

Địa chỉ: - Số nhà................................................................................

- Tên đường phố....................................................................

- Xã, phường.........................................................................

- Quận, huyện.......................................................................

- Tỉnh, thành phố...................................................................

Tổng số cán bộ CNVC được phép sử dụng..........................................

I- VỀ NHÀ:

1- Tổng số ngôi nhà................................................................... cái

2- Cấu trúc từng ngôi nhà

- Ngôi nhà A:................; Số tầng..............; Xây dựng năm:..........;

- Ngôi nhà B:................; ..............; ..........;

3- Công năng thiết kế từng ngôi nhà:

- Ngôi nhà A:...................................................................................

- Ngôi nhà B: ...................................................................................

4- Tổng số phòng:............. phòng

Số phòng từng ngôi nhà:

- Nhà A......................................................................................

- Nhà B.......................................................................................

5- Giá trị xây dựng từng ngôi nhà:

- Ngôi nhà A: ..................................................................... đồng

- Ngôi nhà B:....................................................................... đồng

6- Giá trị đánh giá lại của từng ngôi nhà:

- Ngôi nhà A: .............. % giá trị................. đồng

- Ngôi nhà B:................ % giá trị................ đồng

7- Tổng diện tích xây dựng................................. m2

Diện tích xây dựng từng ngôi nhà:

- Ngôi nhà A:.................................................... m2

- Ngôi nhà B:..................................................... m2

8- Tổng diện tích sử dụng:...................................... m2

Diện tích sử dụng ngôi nhà: + Ngôi nhà A:.............. m2

+ Ngôi nhà B:............... m2

9- Tổng diện tích sử dụng chính.............................. m2

Diện tích sử dụng chính từng ngôi nhà:

+ Ngôi nhà A:.............. m2

+ Ngôi nhà B:............... m2

10- Diện tích chính hiện đang sử dụng:

- Trụ sở làm việc.............................................. m2

- Làm phòng họp............................................. m2

- Làm phòng khách.......................................... m2

- Làm hội trường.............................................. m2

- Nhà công vụ.................................................. m2

11- Tổng diện tích sử dụng phụ............................... m2

Diện tích sử dụng phụ từng ngôi nhà:

+ Ngôi nhà A:.............. m2

+ Ngôi nhà B:............... m2

12- Nguồn gốc từng ngôi nhà..................................................................

........................................................................................................

II- VỀ ĐẤT:

13- Thửa đất số.................................... Tờ bản đồ số..............................

14- Tổng diện tích (khuôn viên)......................................................... m2

15- Hình thức sử dụng: riêng chung

16- Nguồn gốc thửa đất...........................................................................

III- BẢN SAO CÁC GIẤY TỜ CÓ LIÊN QUAN NHÀ, ĐẤT

- Sơ đồ đất, mặt bằng nhà:........................................................................

IV- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC CHÚ Ý

................................................................................................................

Xác nhận của cơ quan quản lý cấp trên

Trưởng phòng tài vụ

Người lập biểu

Ngày... tháng... năm 19...

(Thủ trưởng cơ quan
ký tên đóng dấu)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 45-TC/QLCS-1995 hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý và sử dụng nhà làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 45-TC/QLCS
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/06/1995
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/06/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản