Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 45-NV/TC

Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 1958

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 45-NV/TC NGÀY 2 THÁNG 7 NĂM 1958 VỀ VIỆC PHÂN PHỐI VÀ QUẢN LÝ ĐẤT BÃI SA BỒI

Kính gửi:

- Uỷ ban hành chính các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Đông,Sơn Tây.
- Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội.

Ở một số xã ven sông Hồng Hà thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Đông, Sơn Tây và ngoại thành Hà Nội, đã có những vụ tranh chấp đất bãi sa bồi gây ảnh hưởng không lợi cho sản xuất và đoàn kết nông thôn.

Nguyên nhân là vì đất bãi khi lở, khi bồi làm khó khăn cho việc phân chia ruộng đất, quản lý hành chính và ổn định sản xuất. Nhiều nơi chính quyền chưa kịp thời phân phối, điều chỉnh cho hợp lý đất bãi sa bồi cho nhân dân. Một phần cũng do việc giáo dục chưa đầy đủ, còn một số người thiếu ý thức tổ chức và kỷ luật đã tự động tranh chiếm đất bãi và hoa màu của người khác.

Sau hội nghị của Bộ với các địa phương về đất bãi sa bồi, tình hình tranh chấp đã bớt dần; nhưng hiện nay cần xúc tiến việc phân phối, điều chỉnh đất bãi, có kế hoạch quản lý chặt chẽ và giáo dục, hướng dẫn nhân dân sản xuất, để ngăn ngừa những hành động tranh chấp tái diễn.

Căn cứ vào chính sách ruộng đất của Chính phủ và những ý kiến đã thảo luận ở hội nghị, Bộ tạm quy định một số nguyên tắc về phân phối, điều chỉnh đất bãi sa bồi, về địa giới hành chính, và hướng dẫn giải quyết những vụ tranh chấp hoa màu như sau:

I- VỀ PHÂN PHỐI, ĐIỀU CHỈNH ĐẤT BÃI

Tình hình đất bãi hiện nay có nhiều loại: có bãi khi cải cách ruộng đất đã đem chia bình quân cùng với ruộng đất cho nhân dân; nhưng có nhiều bãi (nổi giữa sông hay một bên) chưa đem chia lại, có bãi đã chia nhưng giới mốc không rõ ràng...

Đối với những bãi đã chia rồi, hoặc khi cải cách ruộng đất chia lại, hoặc sửa sai đã điều chỉnh thì coi như thành quả cải cách ruộng đất; phần đất đã chia cho ai người ấy được sử dụng. Nếu còn sót đất bãi chưa chia hết thì chính quyền và nông hội xã có trách nhiệm phân phối cho những người còn thiếu đất xin làm (kể cả người xã mình và người các xã khác lân cận) để đảm bảo sản xuất, tránh bỏ đất hoang. Nếu phần đất đã chia mà người được chia bỏ không sử dụng, chính quyền và nông hội cần tìm hiểu nguyên nhân. Nếu người được chia xin thôi hẳn không sử dụng đất ấy nữa, chính quyền và nông hội sẽ đem giao cho người khác canh tác để đảm bảo sản xuất.

Đối với tất cả các loại bãi sa bồi (nổi giữa sông hay nổi một bên v.v..) chưa chia, về nguyên tắc, đều coi như ruộng đất công; chính quyền các địa phương lân cận thương lượng với nhau mà tạm giao cho nhân dân một bên hoặc cả hai bên canh tác, không để nông dân tự động tranh chấp.

Nguyên tắc phân phối cho mỗi bên nhiều hay ít là dựa vào tình hình sinh hoạt, nhu cầu sinh sống và khả năng canh tác của nông dân xã ven sông mà quyết định, trên cơ sở đôi bên thoả thuận. Phải đảm bảo đoàn kết nông dân, có lợi cho sản xuất. Chú ý chiếu cố thích đáng đến nhân dân bên bị lở, đời sống khó khăn hơn.

Phương pháp chủ yếu để giải quyết việc phân phối đất bãi là do chính quyền và nông hội các địa phương có liên quan, dựa vào ý kiến và nguyện vọng chính đáng của nhân dân mà thương lượng trên tinh thần đoàn kết, nhân nhượng, thoả thuận. Tránh tư tưởng địa phương cục bộ.

Phần đất của từng xã được phân phối, nói chung không nên đem cắt nhỏ thành từng mảnh cho từng cá nhân, mà nên phân phối cho các tổ (hoặc liên tổ) đổi công, các hợp tác xã, nơi nào chưa có các hình thức này thì hướng dẫn lập các tổ đổi công, sản xuất và phân phối cho từng tổ để phù hợp với hướng tiến lên của nông thôn trên con đường hợp tác tương trợ.

Đối với phần đất bãi đã chia, vì giới mốc cũ không rõ nên có sự tranh chấp, chính quyền và nông hội địa phương có liên quan, căn cứ theo tình hình và và hoàn cảnh mỗi bên hoặc có thể căn cứ vào tài liệu, số liệu cũ và dựa vào ý kiến đúng của những người am hiểu tình hình mà thương lượng để vạch lại giới mốc rõ ràng, hoặc điều chỉnh những chỗ bất hợp lý.

II- VỀ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH ĐẤT BÃI

Chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý đất bãi thuộc phạm vi địa giới hành chính của địa phương mình. Địa giới hành chính trên đất bãi cần quy định trên cơ sở thuận tiện cho sự sinh hoạt kinh tế, chính trị của nhân dân, đồng thời thuận tiện cho sự lãnh đạo của chính quyền. Có thể có mấy biện pháp như sau:

Đất bãi đã thuộc địa giới xã nào, do Uỷ ban hành chính xã đó quản lý.

Đất bãi chia từng phần có giới mốc rõ ràng cho từng bên, phần đất giáp địa giới hành chính xã nào do Uỷ ban hành chính xã ấy quản lý, hoặc xã nào có điều kiện thuận lợi hơn thì để thuộc địa giới hành chính xã đó và do Uỷ ban hành chính xã đó quản lý.

Đất bãi chia từng phần có giới mốc rõ ràng cho từng bên, phần đất giáp địa giới hành chính xã nào do Uỷ ban hành chính xã ấy quản lý, hoặc xã nào có điều kiện thuận lợi hơn thì để thuộc địa giới hành chính xã đó và do Uỷ ban hành chính xã đó quản lý.

Đất bãi có nhân dân nhiều xã đến canh tác có tính chất xen kẽ nhau, nếu không thuận tiện phân chia để thuộc địa giới hành chính nhiều xã thì có thể để thuộc địa giới hành chính xã nào có nhiều thuận tiện nhất, Uỷ ban hành chính xã này chịu trách nhiệm đảm bảo sản xuất và thu hoạch cho các xã có ít nhân dân cùng làm trên bãi ấy.

III- ĐỐI VỚI NHỮNG VỤ TRANH CHẤP HOA MÀU

Nguyên tắc giải quyết các vụ tranh chấp, nói chung là đảm bảo hưởng thụ theo lao động sản xuất thực sự, đồng thời dảm bảo quyền sở hữu chính đáng của chủ đất, trên cơ sở đôi bên thương lượng thoả thuận, nhằm đảm bảo đoàn kết nông dân và có lợi cho sản xuất. Cần chú ý đến thái độ và ý định của mỗi bên (vô tình hay hữu ý) mà hướng dẫn việc thương lượng giải quyết nhằm bảo hộ thích đáng quyền lợi người ngay thẳng và chiếu cố thích đáng sức lao động của người có công canh tác trồng trọt.

Đối với những vụ tranh chấp hiện nay, chính quyền và nông hội cần xem xét tại chỗ, căn cứ vào tình hình hoàn cảnh và khả năng mỗi bên mà hướng dẫn dàn xếp theo nguyên tắc nói trên (trường hợp đặc biệt khó khăn, giải quyết bằng thương lượng không xong mới đưa ra toà án xét xử).

Tuy nhiên, đối với những người có hành động sai lầm, cần giáo dục cho họ hiểu làm như vậy là không chính đáng.

Tình hình tranh chấp có nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy, muốn chủ động ngăn ngừa tranh chấp, cần tăng cường giáo dục chính sách và pháp luật trong nhân dân; đồng thời có kế hoạch quản lý, phân phối, điều chỉnh kịp thời và hướng dẫn bảo đảm sản xuất .

Để đảm bảo thực hiện tốt những quy định trong Thông tư này, Bộ lưu ý các địa phương mấy điểm sau:

1. Uỷ ban hành chính các cấp từ tỉnh đến xã có đất bãi sa bồi cần nghiên cứu kĩ thông tư và căn cứ tình hình địa phương đặt kế hoạch cụ thể tiến hành. Cấp huyện và xã ở địa phương có liên quan cần liên lạc với nhau, bàn bạc cách giải quyết cụ thể từng trường hợp đất bãi tranh chấp. Riêng đối với các bãi đang tranh chấp hiện nay có liên quan đến nhiều huyện, tỉnh, Bộ uỷ quyền cho Uỷ ban hành chính tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị thương lượng giải quyết. Các Uỷ ban hành chính tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, thành phố Hà Nội cần cử đại biểu có thẩm quyền tham gia giải quyết, coi đó là trách nhiệm chung. Sau khi thương lượng giải quyết xong cần tiến hành gấp việc phân phối đất bãi, xác định giới mốc cho các xã viên và phân công cán bộ theo dõi liên tục (đặc biệt chú ý sau mỗi vụ nước và sau khi thu hoạch màu).

2. Việc phân phối, điều chỉnh bãi sa bồi, việc định địa giới hành chính, việc giải quyết các vụ tranh chấp hoa màu cần có biên bản, sổ sách quy định theo đúng thủ tục hành chính.

3. Các cấp chính quyền phối hợp cùng nông hội và các đoàn thể tăng cường công tác giáo dục, làm cho nhân dân có ý thức tôn trọng pháp luật, tinh thần đoàn kết, tương trợ sản xuất và tránh được những hành động quá khích. Trước hết cần giáo dục cán bộ xã gạt bỏ tư tưởng địa phương cục bộ, có trách nhiệm giáo dục nhân dân có ý thức đúng đắn giải quyết ổn thoả những vụ tranh chấp, có trách nhiệm bảo đảm tôn trọng luật pháp, giữ gìn an ninh trật tự chung.

4. Giải quyết vấn đề này cần tích cực, thận trọng, kịp thời, tránh để trở thành vấn đề tranh chấp lớn, Uỷ ban hành chính các cấp cần nắm vững nguyên tắc và dựa vào quần chúng mà tiến hành.

5. Mỗi xã có sa bồi cần phân công một uỷ viên Uỷ ban hành chính phụ trách theo dõi tình hình, phối hợp cùng nông hội phân phối phần đất của xã mình cho các tổ sản xuất quản lý giới mốc và thường xuyên giáo dục chính sách, hướng dẫn sản xuất cho nhân dân.

6. Sau mỗi thời gian đã phân phối đất bãi, nếu có sự bồi, lở mới, chính quyền các địa phương có liên quan cần kịp thời xem xét lại, thương lượng với nhau để điều chỉnh cho nhân dân, tránh để gây ra những vụ tranh chấp.

Trong khi thi hành, gặp khó khăn trở ngại gì cần thỉnh thị kịp thời và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ.

Tô Quang Đẩu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 45-NV/TC năm 1958 về việc phân phối và quản lý đất bãi sa bồi do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 45-NV/TC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/07/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 26
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản