Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 45-BT | Hà Nội ngày 24 tháng 03 năm 1976 |
Ngày 20 tháng 06 năm 1975, Hội đồng Chính phủ đã ban hành quyết định số 130-CP bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã.
Quyết định của Hội đồng Chính phủ đã quy định rõ nội dung chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, Phủ thủ tướng hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể để các ngành, các cấp thi hành.
1. Về cán bộ chuyên trách, nửa chuyên trách.
Yêu cầu tổ chức bộ máy của xã cần gọn, nhẹ, đội ngũ cán bộ xã cần tinh giản, không nên bố trí nhiều người ảnh hưởng đến sản xuất và không thiết thực. Không nhất thiết cấp trên có ngành nào thì xã phải có cán bộ chuyên trách hoặc nửa chuyên trách phụ trách công tác chuyên môn của ngành ấy. Cần bố trí kiêm nhiệm cho hợp lý, những công việc có liên quan với nhau thì có thể một người phụ trách, bảo đảm mọi công tác của Đảng và Nhà nước cấp trên giao xuống đều có người đảm nhiệm và thực hiện tốt, đồng thời ngân sách địa phương có đủ khả năng đài thọ.
Quyết định số 130-CP quy định chung cho mỗi xã có từ 5 đến 6 cán bộ chuyên trách, từ 9 đến 10 cán bộ nửa chuyên trách làm công tác Đảng, công tác đoàn thể và công tác chính quyền xã.
a) Cán bộ chuyên trách của xã:
Những xã có 5 cán bộ chuyên trách là những xã khối lượng công tác nội bộ Đảng không nhiều, gồm có:
- Bí thư Đảng ủy chịu trách nhiệm chung, đi sâu vào công tác hợp tác hoá nông nghiệp; thường trực Đảng và phụ trách công tác tổ chức xây dựng Đảng.
- Chủ tịch Ủy ban hành chính xã chịu trách nhiệm chung về công tác chính quyền xã, phụ trách công tác kế hoạch, công tác quản lý lao động, công tác đời sống, kiêm trưởng ban tài chính xã và kiểm tra, đôn đốc các hợp tác xã và nhân dân thực hiện mọi pháp luật, chính sách, nghĩa vụ đối với Nhà nước, kiểm tra việc thực hiện điều lệ của hợp tác xã nông nghiệp.
- Phó chủ tịch Ủy ban hành chính xã phụ trách công tác nội chính kiêm trưởng công an xã, công tác thanh tra nhân dân, công tác tư pháp và công tác pháp chế của xã.
- Ủy viên thư ký thường trực Ủy ban hành chính xã phụ trách công tác văn hoá xã hội, y tế, giáo dục của xã và có thể kiêm công tác tuyên huấn của Đảng ủy.
- Ủy viên quân sự chuyên trách công tác quân sự.
Để giúp cho Đảng ủy làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng và văn phòng Đảng ủy, bố trí một cán bộ nửa chuyên trách.
Những xã có 6 cán bộ chuyên trách là những xã đông đảng viên, khối lượng công tác nội bộ đảng nhiều, ngoài 5 cán bộ chuyên trách nói trên, cần bố trí một cán bộ chuyên trách là phó bí thư hoặc thường vụ Đảng ủy thường trực Đảng, kiêm phụ trách công tác tổ chức xây dựng Đảng và văn phòng Đảng ủy; trường hợp này không bố trí cán bộ nửa chuyên trách nữa.
Những xã có phạm vi quản lý, giám đốc tài chính phức tạp và rộng, khối lượng thu chi của ngân sách xã tương đối lớn, số thu hàng năm của ngân sách xã (không kể khoản trợ cấp của ngân sách cấp trên) từ 20.000 đồng trở lên thì ngoài 5 hoặc 6 cán bộ chuyên trách nói trên, được bố trí thêm 1 cán bộ chuyên trách làm phó ban tài chính kiêm quản lý thị trường, do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét quyết định, còn nói chung, các xã khác đều bố trí một cán bộ nửa chuyên trách làm phó ban tài chính kiêm quản lý thị trường, như đã quy định trong quyết định số 130-CP.
Trường hợp có xã nhiệm kỳ bầu cử Ủy ban hành chính 1975 – 1977 đã bầu hai phó chủ tịch mà nay chưa sắp xếp, bố trí lại được thì tạm giữ lại hết nhiệm kỳ, cả hai phó chủ tịch đều được hưởng phụ cấp cán bộ chuyên trách hàng tháng.
b) Cán bộ nửa chuyên trách của xã:
Ngoài số cán bộ chuyên trách, quyết định số 130-CP quy định cho mỗi xã có từ 9 đến 10 cán bộ nửa chuyên trách để đảm bảo các mặt công tác của Đảng, đoàn thể quần chúng và chính quyền xã. Những xã có 9 cán bộ nửa chuyên trách là xã có phó ban tài chính hoặc xã có đồng chí phó bí thư (hoặc thường vụ) phụ trách công tác Đảng là một cán bộ chuyên trách như đã nói ở trên, xã có 10 cán bộ nửa chuyên trách gồm có:
- Phó ban tài chính kiêm quản lý thị trường;
- Công an phó phụ trách công tác hộ tịch, hộ khẩu, công tác trật tự trị an;
- Xã đội phó kiêm công tác thể dục thể thao;
- Cán bộ phụ trách công tác thống kê, kế hoạch, thi đua và kiêm văn phòng Ủy ban hành chính xã;
- Cán bộ phụ trách công tác văn hoá, thông tin;
- Cán bộ phụ trách công tác thương binh, xã hội và kiêm nhiệm thêm một số công tác khác, có thể kiêm chính trị viên phó xã đội;
- Cán bộ phụ trách công tác giao thông, thủy lợi, quản lý ruộng đất, quy hoạch nông thôn (có thể là ủy viên Ủy ban hành chính xã); những xã đã tổ chức lại sản xuất thống nhất một hợp tác xã nông nghiệp thì công tác giao thông, thủy lợi do hợp tác xã đảm nhiệm;
- Cán bộ phụ trách công tác thanh niên;
- Cán bộ phụ trách công tác phụ nữ;
- Công tác mặt trận, xã nào cần thiết thì bố trí một cán bộ phụ trách và có thể kiêm nhiệm thêm một số công tác; xã nhỏ khối lượng công tác mặt trận không nhiều thì phân công kiêm nhiệm mà không bố trí cán bộ nửa chuyên trách.
Một số xã miền núi cần thiết phải có người dân tộc ít người phụ trách thôn bản xa xôi, hẻo lánh thì bố trí thêm một cán bộ nửa chuyên trách do Ủy ban hành chính tỉnh xét quyết định như đã quy định trong quyết định số 130-CP.
Những xã trước đây đã bố trí cán bộ chuyên trách, nửa chuyên trách và phụ cấp hàng tháng nhiều hơn mức quy định trong quyết định số 130-CP thì từ nay đến hết quý II năm 1976 cần sắp xếp lại để bảo đảm thống nhất tổ chức và chế độ.
Việc phân công kiêm nhiệm công tác của cán bộ xã, căn cứ vào bản hướng dẫn này, căn cứ vào khối lượng công việc của xã, tình hình cụ thể và khả năng, trình độ, sức khoẻ cán bộ xã mà Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố và Ủy ban hành chính huyện hướng dẫn, điều chỉnh cho hợp lý; có thể đồng chí thường trực Đảng kiêm công tác tuyên huấn để bớt phần việc cho ủy viên thư ký Ủy ban hành chính xã; công tác gia đình B, C hiện nay không còn nữa thì có thể phân công đồng chí cán bộ phụ trách công tác thương binh xã hội làm thêm công tác thanh tra nhân dân; hoặc đồng chí cán bộ phụ trách công tác mặt trận kiêm công tác thanh tra nhân dân...Một cán bộ xã tuy kiêm nhiệm nhiều công việc nhưng cũng chỉ được phụ cấp một định suất chuyên trách hoặc định suất nửa chuyên trách, không phải giữ hai, ba chức vụ thì hưởng nhiều định suất.
Một vấn đề hết sức quan trọng cần được chú ý là việc kết hợp các mặt công tác ở xã phải thành nền nếp thường xuyên, làm cho mọi mặt công tác hỗ trợ nhau, bảo đảm cho công tác nào cũng có hiệu quả thực sự, và không bị bỏ sót. Thí dụ: công tác quản lý lao động phải kết hợp với công tác quản lý hộ khẩu, quản lý thị trường...công tác thanh tra, tư pháp cần kết hợp với công tác vận động quần chúng...; công tác phổ biến pháp luật kết hợp với công tác thông tin, văn hoá, giáo dục.v.v....Nói chung lại mọi mặt công tác ở xã cần thể hiện được sự kết hợp giữa công tác quản lý Nhà nước với công tác vận động quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Việc phân loại xã, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố cần căn cứ vào nhiều mặt: địa dư, dân số, tình hình chính trị kinh tế mà kết hợp xem xét, có thể ở đồng bằng tuy địa dư xã không rộng nhưng dân số đông, miền núi dân số không đông nhưng địa dư xã rộng, hoặc những xã tuy dân số dưới mức quy định nhưng là vùng chính trị, kinh tế trọng yếu của huyện và tỉnh thì cũng có thể là xã loại một.
2. Chế độ đào tạo bồi dưỡng cán bộ xã và hợp tác xã nông nghiệp.
Cán bộ xã có 3 năm công tác, giữ chức vụ: đảng ủy viên (hoặc chi ủy viên nơi chưa có Đảng ủy); bí thư chi bộ; ủy viên Ủy ban hành chính xã; trưởng, phó các ngành chuyên môn của xã; trưởng, phó ban Mặt trận xã; bí thư, phó bí thư Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh, hội trưởng, phó hội trưởng phụ nữ xã; chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, kế toán trưởng của các hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủ công nghiệp, đánh cá, làm muối, mua bán, tín dụng và cán bộ kỹ thuật khoa học, quản lý do xã hoặc hợp tác xã cử đi học, lớp 6 tháng trở lên được trợ cấp 30 đồng một tháng, lớp 6 tháng trở xuống được trợ cấp 26 đồng một tháng; nếu chưa đủ 3 năm giữ những chức vụ nói trên thì được phụ cấp 22 đồng một tháng. Đối với cán bộ chuyên trách của xã tuy chưa đủ 3 năm công tác, nhưng trước khi đi học hưởng phụ cấp hàng tháng cao hơn 22 đồng thì được giữ mức cao hơn.
Trong thời gian đi học, cán bộ xã và hợp tác xã nông nghiệp nói trên được cấp lương thực như cán bộ, công nhân viên Nhà nước làm công tác hành chính; học lớp từ trên một tháng, thì phần lương thực ăn chia ở nhà không được hưởng. Riêng đối với cán bộ xã miền núi, học lớp trên 3 tháng thì phần lương thực ăn chia của nhà không được hưởng. Trong thời gian đi học, cán bộ xã không được hưởng phần phụ cấp công tác hàng tháng của xã, trường hợp gia đình gặp khó khăn thì được xét trợ cấp như quy định ở phần IV trong quyết định số 130-CP, với tinh thần thiếu nhiều, trợ cấp nhiều, thiếu ít, trợ cấp ít; mức tối đa một năm không quá 2 lần mỗi lần không quá 60 đồng.
Chế độ cán bộ xã và hợp tác xã nói trong phần II của quyết định số 130-CP chỉ áp dụng cho các lớp bồi dưỡng chính trị, văn hoá, chuyên môn, kỹ thuật quản lý kinh tế và phổ biến kinh nghiệm thực tế cho cán bộ xã, hợp tác xã, do các cấp huyện, tỉnh và trung ương mở; nếu được cử đi học các lớp chuyên tu dài hạn từ trên 12 tháng và sau đó được tuyển vào biên chế Nhà nước thì áp dụng theo chế độ hiện hành đối với người đi học các lớp nói trên.
3. Chế độ đối với cán bộ xã hoạt động lâu năm, nay già yếu nghỉ việc.
Cán bộ xã già yếu, nam 55 tuổi, nữ 50 tuổi là tính đến ngày huyện ủy hoặc Ủy ban hành chính huyện cho nghỉ việc hay bố trí công tác nhẹ mà không có phụ cấp chuyên trách hoặc nửa chuyên trách hàng tháng. Những cán bộ xã đã về nghỉ trước đây nếu không đủ những điều kiện đã quy định trong quyết định số 130-CP thì không thuộc đối tượng xét phụ cấp.
Cán bộ chuyên trách và nửa chuyên trách của xã có đủ số năm công tác giữ chức vụ đảng ủy viên (hoặc chi ủy viên nơi chưa có Đảng ủy), bí thư chi bộ dưới Đảng ủy; ủy viên Ủy ban hành chính xã; trưởng phó ban Mặt trận của xã; hội trưởng, phó hội trưởng phụ nữ xã; bí thư, phó bí thư Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh xã (được tính cả thời gian làm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, kế toán trưởng của các hợp tác xã: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủ công nghiệp, đánh cá, làm muối, mua bán và tín dụng, nhưng thời gian công tác Đảng, chính quyền và đoàn thể phải nhiều hơn thời gian giữ chức vụ chủ chốt của các hợp tác xã). Thí dụ: đồng chí B có 3 năm làm hội trưởng phụ nữ xã, cộng với 5 năm làm phó chủ tịch Ủy ban hành chính xã, cộng với 7 năm làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp bằng 15 năm, như vậy đồng chí B có đủ thời gian công tác để xét hưởng phụ cấp thường xuyên hàng tháng.
Trong quá trình công tác, có bị kỷ luật thôi giữ chức vụ thì cả thời gian làm chức vụ đó không tính. Thí dụ: đồng chí C có 14 năm làm phó chủ tích Ủy ban hành chính xã và sau đó làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, nhưng làm chủ nhiệm hợp tác xã được một năm thì bị kỷ luật thôi giữ chức chủ nhiệm, như vậy đồng chí C cộng lại có 14 năm giữ chức vụ chủ chốt (15 năm – 1 năm = 14 năm) nên không đủ thời gian hưởng phụ cấp hàng tháng. Trường hợp cán bộ xã, tuy không bị kỷ luật thôi giữ chức vụ, nhưng trong quá trình công tác hoặc khi già yếu, nghỉ việc có những sai lầm nghiêm trọng, không giữ được phẩm chất cách mạng, mất tín nhiệm với cán bộ và nhân dân trong xã thì không thuộc diện đối tượng xem xét chung, mà Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố cần xét từng trường hợp cụ thể quyết định cho hưởng hay không cho hưởng phụ cấp hàng tháng.
Cán bộ xã tuy chưa đủ 15 năm giữ những chức vụ công tác nói trên, nhưng có thời gian hoạt động trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 (theo thông tri số 32 của Ban Tổ chức trung ương) cộng lại đủ 15 năm cũng được xét phụ cấp hàng tháng. Cán bộ xã đang giữ những chức vụ nói trên, được cấp trên điều động đi nghĩa vụ quân sự, đi thanh niên xung phong, hoặc trưng tập làm công tác thoát ly, một thời gian sau lại trở về xã nhưng chưa được hưởng chế độ phụ cấp thường xuyên hàng tháng và khi thoát ly khỏi xã đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có sai lầm gì nghiêm trọng thì thời gian công tác thoát ly cũng được cộng với thời gian công tác ở xã để tính phụ cấp hàng tháng, nhưng thời gian công tác giữ các chức vụ ở xã như đã quy định trên phải được ít nhất 8 năm. Thí dụ: Đồng chí N làm xã đội trưởng 8 năm, sau đi nghĩa vụ 7 năm, nay trở về xã hoạt động nhưng chưa được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng, như vậy đồng chí N có đủ 15 năm để xét hưởng phụ cấp thường xuyên hàng tháng, nếu đã ở trong độ tuổi nói trên.
Trường hợp cán bộ xã có đủ 15 năm giữ chức vụ nói trên, nhưng chưa đủ 55 tuổi (nam) hoặc 50 tuổi (nữ) mà bị tàn phế, như: mù loà, què, bại liệt...không còn sức lao động thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xem xét cụ thể từng trường hợp mà quyết định hưởng phụ cấp cho thoả đáng, không áp dụng tỷ lệ phần trăm mất sức lao động mà Hội đồng giám định y khoa xác nhận.
Cán bộ xã được huyện ủy hoặc Ủy ban hành chính huyện cho nghỉ việc trước ngày ban hành quyết định số 130-CP, nay xét có đủ điều kiện quy định trong quyết định, tính đến ngày cho nghỉ việc, cũng được xét để hưởng phụ cấp thường xuyên hàng tháng. Thí dụ: đồng chí Nguyễn Văn X được Ủy ban hành chính huyện cho nghỉ việc từ tháng 10 năm 1972, tính đến ngày đó, đồng chí Nguyễn Văn X có đủ những điều kiện đã quy định trong quyết định số 130-CP thì đồng chí Nguyễn Văn X thuộc diện được xét để hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng.
Những cán bộ, công nhân viên Nhà nước về hưu, mất sức, thương binh về xã được cử làm cán bộ chuyên trách hoặc nửa chuyên trách thì thời gian làm công tác này cũng được hưởng phụ cấp hàng tháng như cán bộ xã; khi già yếu nghỉ việc chỉ được hưởng một trong hai chế độ về hưu, hoặc trợ cấp cán bộ xã già yếu nếu chế độ nào cao hơn (trừ phụ cấp thương tật thì vẫn được hưởng).
Phụ cấp cho cán bộ xã hoạt động lâu năm nay già yếu nghỉ việc được tính từ ngày Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét quyết định, không có khoản truy lĩnh.
Các chế độ trợ cấp khi sinh đẻ, chế độ trợ cấp khi chết và chế độ trả tiền công tác phí đối với cán bộ xã vẫn áp dụng theo Thông tư số 18-TT/LB ngày 25-08-1975.
Chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế xã do Bộ Y tế hướng dẫn.
Các Bộ Tài chính, Y tế có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện theo chức năng của ngành; Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố có kế hoạch chỉ đạo thực hiện, theo dõi hướng dẫn cấp huyện và cấp xã thực hiện quyết định số 130-CP của Hội đồng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn này.
BỘ TRƯỞNG PHỦ THỦ TƯỚNG Trần Hữu Dực |
- 1Quyết định 130-CP năm 1975 Bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông Tư 16-LB/TT-1976 hướng dẫn thi hành chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế xã do Bộ y Tế và Bộ Tài Chính ban hành
- 3Thông tư 07-LĐTL-1978 hướng dẫn thi hành chế độ đãi đối với trưởng trạm bưu điện xã và bưu tá xã do Tổng cục Bưu điện ban hành
Thông Tư 45-BT-1976 Hướng dẫn thi hành Quyết định 130-CP-1975 bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã do Phủ Thủ Tướng ban hành
- Số hiệu: 45-BT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 24/03/1976
- Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
- Người ký: Trần Hữu Dực
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 6
- Ngày hiệu lực: 08/04/1976
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra