Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 445-LHS-QL

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 1963

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THỐNG NHẤT DANH TỪ CÁC LOẠI LƯU HỌC SINH DO BỘ GIÁO DỤC QUẢN LÝ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Kính gửi:

-Các bộ và các ủy ban nhà nước
-Các cơ quan trung ương,
-Các trường đại học, bổ túc ngoại ngữ
-Các đại sứ quán việt nam tại các nước xã hội Chủ nghĩa Cu-Ba.

Thủ tướng Chính phủ quy định cho Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm quản lý các loại lưu học sinh bao gồm:

1. Học sinh trung cấp chuyên nghiệp,

2. Sinh viên đại học,

3. Bổ túc sinh,

4. Nghiên cứu sinh,

5. Thực tập sinh khoa học (để phân biệt với các loại thực tập sinh khác)

(Tất cả năm loại này đều gọi tắt là lưu học sinh).

I. HỌC SINH TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP VÀ SINH VIÊN ĐẠI HỌC:

Là những người đi học dài hạn theo hệ thống chính quy trường trung cấp hay đại học chuyên nghiệp ở các nước bạn.

Thời gian học (không tính năm học ngoại ngữ):

Trung cấp chuyên nghiệp: tối đa bốn năm,

Đại học chuyên nghiệp: tối đa sáu năm.

II. BỔ TÚC SINH:

Là những cán bộ đã tốt nghiệp hệ thống đại học hai hoặc ba năm trong nước, sau thời gian công tác được gửi ra ra bổ túc để có trình độ tương đương với đại học năm năm hoặc sáu năm ở nước bạn hoặc hơn một ít (thường chỉ bổ túc một số vấn đề cần thiết, không nhất thiết tiếp tục học đầy đủ toàn bộ chương trình năm thứ 4, 5, 6, của trường bạn).

Thời gian học tối đa là hai năm.

III. NGHIÊN CỨU SINH:

Là những sinh viên đã tốt nghiệp đại học (hệ thống năm năm) và những cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học tương đương năm năm (tương đương đại học năm năm nghĩa là có đủ trình độ để khi theo học chế độ nghiên cứu sinh, không phải bổ túc trình độ đại học) được gửi sang nước bạn để học và thi phó tiến sĩ (hoặc học vị tương đương).

Thời gian học: trung bình ba năm trừ trường hợp đặc biệt có thể kéo dài thêm một ít hoặc có thể rút ngắn hơn.

IV. THỰC TẬP SINH KHOA HỌC:( để phân biệt với thực tập sinh nói chung ).

Là những cán bộ có trình độ tương đương đại học năm năm hoặc cao hơn để học tập nghiên cứu thêm nhằm mục đích:

a) Hoặc để được các chuyên gia bạn hướng dẫn giúp đỡ để có thể hoàn thành một công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật nào đó đang làm dở dang trong nước, vì trong nước không đủ điều kiện (giáo sư, tài liệu, thí nghiệm).

b) Hoặc để học tập thêm về một vấn đề khoa học kỹ thuật nào đó (lý thuyết, thực hành) vượt ra. Ngoài chương trình các trường đại học của nước bạn (loại này Trung quốc gọi là tiến tu sinh).

Trên cơ sở năm loại quy định trên đây, chế độ sinh hoạt phí hàng tháng sẽ cấp theo thứ tự:

- Học sinh chuyên nghiệp trung cấp;

- Sinh viên đại học;

- Bổ túc sinh;

- Nghiên cứu sinh và thực tập sinh khoa học.

Riêng đối với sinh viên vừa tốt nghiệp hệ thống hai hoặc ba năm đại học trong nước chưa qua thời gian công tác được chuyển ngay sang học bổ túc sinh thì hưởng sinh hoạt phí theo như sinh viên đại học.

Các loại lưu học sinh nói trên đều thống nhất do Bộ Giáo dục quản lý.

Việc thương lượng hàng năm với bạn để đưa các lưu học sinh đó đi học sẽ do Bộ Giáo dục đặt vấn đề trực tiếp với Bộ Giáo dục cao đẳng các nước bạn (qua con đường Đại sứ quán của ta hoặc qua con đường ký hiệp định trao đổi văn hóa mà trung gian là Ủy ban Liên lạc văn hóa với các nước ngoài).

Đối với nghiên cứu sinh và thực tập sinh khoa học, ngoài con đường nói trên còn có con đường thương lượng trực tiếp giữa Ủy ban khoa học nước ta với Viện Hàn lâm khoa học nước bạn. Tuy có hai hệ thống như vậy nhưng chế độ tổ chức đều giống nhau và theo những quy chế chung của Bộ Giáo dục Cao đẳng nước bạn. Vì vậy Ủy ban khoa học và Bộ Giáo dục đã thống nhất ý kiến là các loại nghiên cứu sinh, thực tập sinh nay cũng do Bộ Giáo dục thống nhất quản lý.

Còn đối với các loại thực tập sinh khác (không đi thực tập theo hình thức thực tập sinh khoa học đã nói ở trên ) bao gồm các công nhân, nhân viên kỹ thuật quản lý kinh tế, vv.. đều thực tập tại cơ sở sản xuất không thuộc hệ thống giáo dục cao đẳng hoặc Hàn lâm viện khoa học thì do Bộ Ngoại thương quản lý theo quy định hiện nay của Chính phủ.

Bộ Giáo dục xin báo cho các Bộ, cơ quan trung ương, các trường Đại học và các Đại sứ quán Việt nam tại các nước ngoài thống nhất trong việc quản lý, tuyển chọn học sinh cán bộ và quy định các chế độ vật chất.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 445-LHS-QL năm 1963 về việc thống nhất danh từ các loại lưu học sinh do Bộ giáo dục quản lý do Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 445-LHS-QL
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/02/1963
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Nguyễn Văn Huyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản