Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIÊT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 433-TT

Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm 1976

THÔNG TƯ

BỔ SUNG VÀ HƯỚNG DẪN VỀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ HỘ KHẨU.

Ngày 27 tháng 6 năm 1964, Hội đồng Chính phủ đã ra nghị định số 104-CP về việc ban hành điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu.

Ngày 24 tháng 9 năm 1964, Bộ Công an đã có thông tư số 1005-P3/C57 giải thích và hướng dẫn thi hành điều lệ nói trên của Hội đồng Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban hành chính các cấp, công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu đã phát huy tác dụng trong việc bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội, phục vụ lợi ích của nhân dân, phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng, chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phục vụ quản lý kinh tế, quản lý lao động, v.v…

Tuy nhiên, công tác quản lý hộ khẩu cũng còn nhiều thiếu sót, sơ hở. Việc chấp hành những quy định trong điều lệ đăng ký, quản lý hộ khẩu chưa được nghiêm chỉnh. Một số quy định về thủ tục đăng ký hộ khẩu chưa được hợp lý nên đã gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân trong việc khai báo, và tạo ra những sơ hở trong công tác quản lý.

Để khắc phục những thiếu sót khuyết điểm nói trên, Bộ Nội vụ ra thông tư này để bổ sung và hướng dẫn cụ thể việc thi hành những thủ tục về đăng ký hộ khẩu như sau.

I. ĐĂNG KÝ CHUYỂN ĐI

Điều 1. – Nếu cả hộ hoặc có người trong hộ chuyển chỗ ở trong phạm vi mợt xã, một thị trấn, một thị xã, một khu phố, một thành phố không chia khu phố, thì chủ hộ hoặc ngường trong hộ đến báo với công an xã, công an thị trấn, thị xã hoặc đồng công an nơi mình ở để ghi sự thay đổi nơi thường trú vào sổ hộ tịch, hộ khẩu.

Điều 2. – Nếu cả hộ hoặc có người trong hộ chuyển chỗ ở ngoài phạm vi nói ở điều 1 trên đây thì chủ hộ hoặc người trong hộ đến báo với cơ quan quản lý hộ khẩu nơi mình ở để cấp giấy chứng nhận chuyển đi, theo thủ tục như sau:

a) Công an xã, công an thị trấn và đồn công an giải quyết thủ tục di chuyển hộ khẩu những trường hợp:

- Cấp giấy chứng nhận chuyển đi và xóa tên trong sổ hộ tịch, hộ khẩu những hộ hoặc những người trong hộ chuyển đi các xã trong phạm vi tỉnh, thành phố (trừ những xã thuộc khu vực biên phòng, bờ biển, hải đảo, khu vực xung yếu về chính trị, quốc phòng, kinh tế), từ khu phố này đến khu phố khác trong phạm vi thành phố, thị xã hoặc từ nội thành, nội thị chuyển ra các xã ngoại thành, ngoại thị (trừ trường hợp từ ngoại thành, ngoại thị chuyển vào nội thành, nội thị)

- Xóa tên trong sổ hộ tịch, hộ khẩu của những người có quyết định được tuyển vào lực lượng vũ trang nhân dân thường trực.

- Xóa tên trong sổ hộ tịch, hộ khẩu của những người có lệnh bắt đi tù, đi tập trung cải tạo, đi các trường phổ thông công, nông nghiệp.

b) Công an huyện, công an thị xã, công an khu phố và công an thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chứng nhận chuyển đi và xóa tên trong sổ hộ tịch, hộ khẩu những trường hợp:

- Những người chuyển đi các xã thuộc các tỉnh, thành phố khác (trừ những xã thuộc khu vực biên phòng, bờ biển, hải đảo và khu vực xung yếu về chính trị, quốc phòng, kinh tế)

- Những cán bộ, công nhân viên có quyết định điều động công tác, đi học, hoặc những người có quyết định được tuyển vào cơ quan, xí nghiệp, vào học ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, mà phải chuyển hộ khẩu thường trú đến nơi công tác, học tập.

c) Sở, Ty công an cấp giấy chứng nhận di chuyển cho nhân dân chuyển đến thành phố, thị xã và các xã thuộc khu vực biên phòng, bờ biển, hải đảo, các khu vực xung yếu về chính trị, quốc phòng, kinh tế trong phạm vi địa phương mình.

Nhân dân ở các xã ngoại thành, ngoại thị chuyển vào nội thành, nội thị cùng trong phạm vi thành phố, thị xã đều do Sở, Ty công an quyết định.

Điều 3. – Những trường hợp nhân dân xin chuyển đến các khu phố thuộc thành phố Hà-nội, Hải-phòng và các xã thuộc khu vực biên phòng, bờ biển, hải đảo, khu vực xung yếu về chính trị, quốc phòng, kinh tế thuộc các tỉnh, thành phố khác thì Sở, Ty công an nơi nhận đơn phải trao đổi trước với Sở, Ty công an nơi có người xin chuyển đến, và chỉ được cấp giấy chuyển đi sau khi đã có sự đồng ý của Sở, Ty công an nơi đương sự xin chuyển đến.

Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ khi nhận được giấy tờ, Sở, Ty công an nơi có người xin chuyển đến phải trả lời kết quả cho Sở, Ty công an nơi có người xin đi.

Điều 4. – Khi đến cơ quan công an làm thủ tục di chuyển hộ khẩu, chủ hộ hoặc người chuyển đi phải mang theo những giấy tờ cần thiết như:

- Giấy chứng minh hoặc chứng nhận căn cước của những người chuyển đi (nếu đã được cấp);

- Giấy chứng nhận đăng ký nhân khẩu thường trú của những hộ gia đình ở thành phố, thị xã và nơi khác đã được cấp;

- Quyết định công tác, nhập ngũ, đi học hoặc về hưu, thôi việc;

- Bản khai thay đổi nơi thường trú (trừ những trường hợp là cán bộ công nhân viên có quyết định điều động công tác, những người được tuyển vào lực lượng vũ trang nhân dân, hoặc những người có lệnh bắt đi tù, đi tập trung cải tạo, đi trường phổ thông công, nông nghiệp thì không phải làm bản khai thay đổi nơi thường trú);

- Giấy cho phép những người đăng ký nhân khẩu thường trú (do các Sở, Ty công an cấp cho những người được chuyển đến thành phố, thị xã và các xã thuộc khu vực biên phòng, bờ biển, hải đảo, các khu vực xung yếu về chính trị, quốc phòng, kinh tế)

Đối với những người có lệnh bắt giam, bắt đi tù, đi tập trung cải tạo, có giấy gọi đi trường phổ thông công, nông nghiệp, thì cơ quan ra lệnh bắt giam, bắt đi tù... thông báo cho các đơn vị công an phụ trách công tác quản lý hộ khẩu địa phương biết để xóa tên trong sổ hộ tịch, hộ khẩu của những người đó. Khi nào có lệnh tha họ trở về sẽ được giải quyết đăng ký hộ khẩu theo nguyên tắc quy định.

Điều 5. – Bản khai của những người xin chuyển chỗ ở nói ở điểm c điều 2 trên đây sẽ nộp cho công an huyện, hoặc đồn công an nơi mình ở để xem xét và đề xuất ý kiến với Sở, Ty công an giải quyết.

Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ khi nhận được bản khai xin chuyển chỗ ở của nhân dân, do các đơn vị công an cấp dưới chuyển lên, Sở, Ty công an phải căn cứ vào điểm 3 về đăng ký chuyển chỗ ở quy định trong thông tư số 1005-P3/C57 ngày 24-9-1964 của Bộ Công an để nghiên cứu xem xét. Nếu thấy có đủ điều kiện cho chuyển đến những nơi mà đương sự yêu cầu, thì cấp giấy chứng nhận chuyển đi; nếu thấy không có đủ điều kiện cho chuyển đến những nơi đó phải trả lại đơn và nói rõ lý do cho đương sự biết.

Công an xã, công an thị trấn, thị xã, hoặc đồn công an khi nhận được giấy chứng nhận chuyển đi và giấy cho phép đăng ký nhân khẩu thường trú do Sở, Ty công an gửi về phải tiến hành xóa tên trong sổ hộ tịch, hộ khẩu của những người chuyển đi và giao giấy tờ cho đương sự để chuyển đi.

II. ĐĂNG KÝ CHUYỂN ĐẾN

Điều 6.- Mọi trường hợp đăng ký thường trú cho những người từ nơi khác chuyển đến nhất thiết phải căn cứ vào giấy chứng nhận chuyển đi và các giấy tờ khác như đã quy định ở điều 2, 3 và 4 nói trên.

Điều 7. – Khi chuyển đến nơi ở mới nếu là thành phố, thị xã, thị trấn thì trong thời hạn 3 ngày; nếu là ở nông thôn thì trong thời hạn 5 ngày, chủ hộ hoặc đương sự phải mang đầy đủ giấy tờ đến công an xã, công an thị trấn, đồn công an, công an thị xã, công an khu phố hoặc công an huyện nơi mình ở để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu.

Việc đăng ký thường trú phải tiến hành trực tiếp với từng người (sẽ có kế hoạch hướng dẫn tiến hành cụ thể riêng).

Đối với những hộ tập thể có nhiều người chuyển đi, chuyển đến cùng một thời gian, các đơn vị công an huyện, thị xã, khu phố cần tập trung lực lượng để giải quyết đăng ký hộ khẩu được nhanh chóng, không để cán bộ, công nhân viên phải chờ đợi lâu, ảnh hưởng đến công tác, sản xuất, học tập.

III. ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ

Điều 8. – Khi có người ở địa phương khác đến tạm trú ban đêm trong hộ gia đình hay hộ tập thể thì người đai diện trong hộ hoặc người khách tạm trú đem giấy chứng minh, giấy chứng nhận căn cước của người tạm trú đến báo với đồn, trạm công an hoặc công an xóm, bản nơi gần nhất ngay trong ngày hôm đó. Trường hợp người khách đến tạm trú đã khuya (sau 23 giờ) mà không đi ngay trong đêm hôm đó thì có thể ngày hôm sau đến khai báo. Nếu khách tạm trú phải đi ngay trong đêm hoặc sáng hôm sau phải đi sớm, thì phải báo trước khi đi.

Điều 9. – Những trường hợp sau đây khi đến tạm trú ban đêm không phải khai báo hoặc chỉ cần khai báo một lần đầu:

- Người cùng một xã, một thị trấn, một thị xã, một thành phố đến tạm trú đêm không phải khai báo.

- Riêng đối với thành phố Hà-nội, Hải-phòng nếu người ở các xã ngoại thành vào tạm trú ban đêm trong nội thành, hoặc người trong nội thành ra tạm trú ở các xã ngoại thành đều phải khai báo.

- Những người đến tạm trú có quan hệ là: ông bà, bố, mẹ, vợ, chồng, con, chỉ cần khai báo một lần đầu, những lần sau đến tạm trú không phải khai báo.

Điều 10. – Các Sở, Ty công an cần nghiên cứu tổ chức, đặt các trạm và phân công cán bộ thường trực đăng ký tạm trú để thuận tiện cho người đến khai báo. Các hộ tập thể ở cách xa cơ quan công an huyện, hoặc đồn, trạm công an thì có thể khai báo tạm trú trực tiếp với công an xã địa phương nơi hộ tập thể ở.

IV. ĐĂNG KÝ NHỮNG THAY ĐỔI KHÁC VỀ HỘ KHẨU

Điều 11. – Chia hộ, hợp hộ

Điều 4 của Điều lệ đăng ký, quản lý hộ khẩu do nghị định số 104-CP ngày 27-6-1964 của Hội đồng Chính phủ ban hành, đã quy định: “Một hộ gồm những người ăn ở chung với nhau trong một nhà riêng hoặc trong nhà tập thể của cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, trường học... Một người ăn ở riêng một mình cũng kể như một hộ”

Theo quy định trên, việc giải quyết lập một hộ mới cũng như chia một hộ ra nhiều hộ, hoặc hợp nhiều hộ vào một hộ, phải căn cứ vào những điều kiện sau đây:

a) Lập một hộ mới hoặc hợp nhiều hộ vào một hộ phải là những người có đăng ký hộ khẩu thường trú ở cùng một thành phố, một thị xã, một thị trấn hoặc một xã, thường xuyên cùng ở chung trong một nhà, có quan hệ về tình cảm và kinh tế. Riêng đối với hộ tập thể phải là những người công tác, học tập cùng trong một cơ quan, xí nghiệp, trường học…

b) Chia một hộ ra làm hai hoặc nhiều hộ: phải căn cứ vào nguồn thu chi riêng của mỗi hộ là điều kiện chủ yếu, không lấy điều kiện số người trong mỗi hộ nhiều hay ít để giải quyết.

Việc chia hộ, hợp hộ: ở nông thôn do Ủy ban hành chính xã, ở thành phố, thị xã do công an khu phố, công an thành phố thuộc tỉnh hoặc công an thị xã giải quyết.

Điều 12. – Khi có quyết định của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố thuộc trung ương cho thay đổi họ, tên, chữ đệm, cải chính ngày, tháng, năm sinh hoặc có những thay đổi khác về hộ tịch, hộ khẩu thì đương sự hoặc người trong hộ mang quyết định về thay đổi đó cùng với giấy chứng nhận đăng ký nhân khẩu thường trú (nếu ở thành phố, thị xã, thị trấn) đến Ủy ban hành chính xã, thị trấn, hoặc công an thị xã, khu phố, thành phố hoặc tỉnh nơi mình ở để đăng ký sự thay đổi.

V. VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. – Các địa phương phải niêm yết ngày, giờ tiếp dân giải quyết đăng ký hộ khẩu cho mọi người đều biết. Các đơn vị trực tiếp đăng ký hộ khẩu không được đóng cửa, không tiếp dân vào những ngày, giờ đã quy định.

Điều 14. – Mọi thủ tục về đăng ký hộ khẩu đều phải được thi hành thống nhất theo thông tư này. Qua thực hiện nếu thấy điểm nào chưa hợp lý, các địa phương cần báo cáo đề xuất với Bộ Nội vụ để nghiên cứu bổ sung cho thích hợp, không được tự ý thay đổi hoặc đặt ra những quy định riêng để gây phiền hà cho nhân dân và sơ hở trong công tác quản lý.

Điều 15. – Những thủ tục về đăng ký hộ khẩu quy định trong thông tư này cần được phổ biến rộng rãi, niêm yết ở các trụ sở tiếp dân về đăng ký hộ khẩu để mọi người đều hiểu rõ và thực hiện.

Điều 16. – Những đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác đăng ký hộ khẩu sẽ được biểu dương khen thưởng.

Những đơn vị và cá nhân nào vi phạm các điều quy định trong thông tư này sẽ bị xử lý theo điều 20 của điều lệ đăng ký quản lý hộ khẩu do nghị định số 104-CP ngày 27-6-1964 của Hội đồng Chính phủ ban hành.

Điều 17. – Những thủ tục quy định về đăng ký hộ khẩu trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.

Thông tư này có giá trị thi hành kể từ ngày ký.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

THỨ TRƯỞNG

Lê Quốc Thân

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông Tư 433-TT-1976 bổ sung và hướng dẫn về thủ tục đăng ký hộ khẩu do Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 433-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/06/1976
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Quốc Thân
  • Ngày công báo: 01/07/1976
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 19/06/1976
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản