Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 42/2016/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về đánh giá tiềm năng khoáng sản rắn phần đất liền trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương II

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

Điều 5. Xây dựng đề án đánh giá khoáng sản

Công tác xây dựng đề án đánh giá khoáng sản gồm các công việc chính sau:

1. Thu thập, tổng hợp đầy đủ các tài liệu hiện có về cơ sở hạ tầng, về địa chất, khoáng sản và các tài liệu liên quan khác; đánh giá hiện trạng và mức độ tin cậy của chúng; đánh giá hiệu quả và hạn chế của các phương pháp đã thực hiện.

2. Khảo sát sơ bộ diện tích lập đề án; lấy mẫu, phân tích mẫu nhằm bổ sung các tài liệu địa chất, khoáng sản cần thiết; thiết kế hợp lý các phương pháp và trình tự thực hiện; xác định các điều kiện thi công đề án.

3. Xác định số lượng khu vực đang có hoạt động khoáng sản thuộc đối tượng đánh giá. Đối với hoạt động khai thác phải xác định rõ các khu vực khai thác hầm lò; các khu vực khai thác lộ thiên.

4. Xây dựng mục tiêu đạt được, gồm: địa chất, khoáng sản và điều tra hiện trạng (nếu có).

5. Dự kiến loại hình quặng hóa có thể phát hiện và đánh giá. Xác định các nhiệm vụ địa chất cụ thể của đề án.

6. Thiết kế hệ phương pháp kỹ thuật, các yêu cầu cụ thể của từng phương pháp và xác định khối lượng từng hạng mục công việc của đề án.

7. Dự kiến các chỉ tiêu tính tài nguyên.

8. Xác định cơ sở xây dựng dự toán và lập dự toán đề án.

Đề án đánh giá khoáng sản được lập theo Mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Triển khai thi công đề án đánh giá khoáng sản

Triển khai thi công đề án đánh giá khoáng sản chia thành 2 giai đoạn: (1) giai đoạn đánh giá sơ bộ; (2) giai đoạn đánh giá chi tiết.

1. Giai đoạn đánh giá sơ bộ

a) Thành lập bản đồ hiện trạng mức độ điều tra địa chất, thăm dò và khai thác khoáng sản, gồm các dạng công việc:

- Thu thập, phân tích, xử lý, tổng hợp tài liệu;

- Tổng hợp và thống kê tài nguyên xác định còn lại tại các mỏ khoáng sản đã và đang khai thác: phải làm rõ được trữ lượng, tài nguyên chắc chắn, tin cậy; tài nguyên dự tính trong ranh giới cấp phép, ngoài ranh giới cấp phép hoạt động khoáng sản, trong vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản (nếu có);

- Tổng hợp, ghi nhận làm rõ đặc điểm quặng hóa, thành phần vật chất, thành phần có ích đi kèm (kể cả các đối tượng phát hiện mới trong quá trình khai thác);

- Tổng hợp, phân tích, xử lý các tài liệu địa chất khoáng sản, khảo sát bổ sung đảm bảo đủ cơ sở chứng minh tài nguyên còn lại và dự báo triển vọng phát triển mỏ tiếp theo;

- Công tác khảo sát bổ sung, phân tích, xử lý tài liệu, loại hình quặng hóa và dự báo triển vọng phát triển mỏ tiếp theo trong thành lập bản đồ hiện trạng mức độ điều tra địa chất, thăm dò và khai thác khoáng sản tại mỗi khu vực khoáng sản tương ứng công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:10.000.

b) Đánh giá sơ bộ

Công tác đánh giá sơ bộ khoáng sản gồm các dạng công việc chính sau:

- Thành lập bản đồ/sơ đồ địa chất, khoáng sản tỉ lệ 1:25.000 hoặc 1:10.000 tùy thuộc vào mức độ phức tạp của cấu trúc địa chất và đối tượng khoáng sản;

- Căn cứ các tài liệu địa chất khoáng sản, dấu hiệu tìm kiếm khoáng sản (các dị thường địa hóa, địa vật lý, diện phân bố đới khoáng hóa), kiểm tra các phát hiện khoáng sản, thân khoáng sản tại các vị trí có các dấu hiệu tìm kiếm bằng các công trình khai đào trên mặt và/hoặc khoan, kết hợp thu thập tài liệu công trình cũ gặp quặng (nếu có). Mỗi thân khoáng sản ít nhất phải có một đến hai vị trí được lấy mẫu khống chế đầy đủ bề dày;

- Nền địa hình sử dụng trong giai đoạn đánh giá sơ bộ là bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000 hệ tọa độ quốc gia (thu nhỏ hoặc phóng to phù hợp tỷ lệ điều tra). Định vị các điểm khảo sát, các công trình, các tuyến công trình bằng GPS cầm tay hoặc bằng địa bàn, thước dây theo các mốc tự nhiên, nhân tạo;

- Lấy mẫu, gia công, phân tích các loại mẫu nhằm làm rõ thành phần và các đặc tính vật lý cơ bản của khoáng sản. Tại các vết lộ, công trình khoan, khai đào gặp khoáng sản phải lấy mẫu rãnh, tại các đới khoáng hóa phải lấy mẫu rãnh điểm hoặc mẫu cục;

- Đánh giá sơ bộ khoáng sản bằng tổ hợp phương pháp hợp lý nhằm chính xác hóa các tiêu chuẩn cho việc đánh giá triển vọng các khu vực khác và bước đầu phân loại các đới khoáng hóa, các thân khoáng sản theo mức độ triển vọng;

- Dự báo tài nguyên cho các thân khoáng sản trên cơ sở bề dày, chiều dài, độ sâu dự kiến, các dấu hiệu địa chất, địa hóa, địa vật lý, các chỉ tiêu tính toán định hướng theo các hướng dẫn, các mỏ khoáng tương tự;

- Lập báo cáo kết quả địa chất làm cơ sở để thiết kế cho đánh giá các thân khoáng sản ở giai đoạn đánh giá chi tiết. Trường hợp cần lập báo cáo thông tin sẽ được quy định cụ thể trong đề án.

2. Giai đoạn đánh giá chi tiết

Công tác đánh giá chi tiết khoáng sản gồm các dạng công việc chính sau:

a) Công tác trắc địa

Sử dụng bản đồ địa hình hệ tọa độ quốc gia cùng tỷ lệ hoặc sử dụng bản đồ địa hình cùng tỷ lệ được bổ sung, hiện chỉnh từ bản đồ địa hình hệ tọa độ quốc gia có tỷ lệ nhỏ hơn một bậc (tùy theo loại khoáng sản đánh giá và được thiết kế trong đề án). Trường hợp lập mới bản đồ địa hình phải thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác thành lập bản đồ địa hình. Việc định vị các lưới khống chế, đầu cuối tuyến trục, tuyến trục cắt tuyến ngang, các công trình đã thi công, các vết lộ khoáng sản phải thực hiện bằng thiết bị trắc địa với sai số trung phương vị trí mặt phẳng/độ cao điểm công trình như sau: Tỷ lệ 1:10.000=10/2,0m; tỷ lệ 1:5.000=5/1,5m; tỷ lệ 1:2.000-1:1.000=2,5/1,0m.

b) Công tác địa chất

- Mô tả chi tiết các vết lộ tự nhiên, nhân tạo;

- Tổng hợp các tài liệu địa vật lý, địa hóa để lập bản đồ địa chất khoáng sản và các mặt cắt ở tỉ lệ 1:10.000 đến 1:2.000 hoặc lớn hơn tùy theo mức độ phức tạp và kích thước các đối tượng cần biểu diễn. Trên các bản đồ và mặt cắt thể hiện được các yếu tố địa chất ảnh hưởng đến việc hình thành, tích tụ, phân bố và biến đổi khoáng sản, hình thái các thân khoáng sản và vị trí phân bố các loại khoáng sản. Xác định các thân khoáng sản và quy luật phân bố khoáng sản;

- Lấy mẫu địa hóa, trọng sa sườn theo mạng lưới tuyến nhằm phát hiện, dự báo các thân khoáng sản ẩn hoặc bị che phủ.

c) Công tác địa vật lý

- Lựa chọn tổ hợp các phương pháp địa vật lý phù hợp với từng đối tượng nghiên cứu cũng như khả năng của từng phương pháp;

- Thi công các phương pháp địa vật lý theo mạng lưới tuyến vuông góc với phương cấu trúc của thân khoáng sản và tuần tự từ phương pháp nghiên cứu nông đến phương pháp nghiên cứu sâu;

- Thành lập các sơ đồ, thiết đồ, mô hình địa chất - địa vật lý để xác định vị trí, quy mô phân bố, mức độ dị thường đã phát hiện;

- Thường xuyên đối sánh kết quả thi công địa vật lý với kết quả địa chất để xác định bản chất dị thường đúng đối tượng;

- Yêu cầu kỹ thuật thi công và xử lý tài liệu của từng phương pháp địa vật lý tuân thủ các quy định kỹ thuật chuyên ngành.

d) Công tác địa chất thủy văn - địa chất công trình

Làm rõ đặc điểm về địa chất thủy văn-địa chất công trình (sau đây viết tắt là ĐCTV-ĐCCT) của các loại đất đá trong diện tích đánh giá khoáng sản, gồm:

- Thu thập, nghiên cứu xử lý và tổng hợp các tài liệu hiện có;

- Lập sơ đồ ĐCTV-ĐCCT cùng tỷ lệ với bản đồ điều tra khoáng sản trên diện tích đánh giá các thân khoáng sản;

- Hút, đổ nước thí nghiệm ở một số lỗ khoan và hố đào trong tầng chứa nước chủ yếu và trong thân khoáng sản theo quy định kỹ thuật chuyên ngành;

- Quan trắc ĐCTV đơn giản trong tất cả các lỗ khoan, giếng;

- Lấy và phân tích các loại mẫu nước mặt, nước dưới đất trong tầng chứa nước chủ yếu, trong thân khoáng sản và tầng đá vây quanh khoáng sản;

- Lấy và phân tích mẫu cơ lý đất, đá vây quanh và trong thân khoáng sản.

đ) Công tác thi công công trình

Khai đào trên mặt, khoan trên các tuyến để theo dõi thân khoáng sản theo đường phương và chiều sâu. Một thân khoáng sản ít nhất phải có hai công trình khai đào hoặc khoan; lấy mẫu khống chế đầy đủ bề dày theo mạng lưới công trình đã thiết kế. Mạng lưới tuyến đánh giá cần bố trí phù hợp với đặc điểm phân bố và mức độ phức tạp của các thân khoáng sản, đáp ứng yêu cầu của cấp tài nguyên được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

e) Công tác mẫu

- Lấy và phân tích các loại mẫu nhằm:

+ Phân chia các loại khoáng sản theo thành phần và đặc điểm cấu tạo kiến trúc. Khoanh định diện phân bố theo chất lượng trong các khối xác định tài nguyên. Yêu cầu phân tích phải đủ cơ sở để đánh giá khả năng sử dụng khoáng sản trong các lĩnh vực khác nhau;

+ Xác định loại khoáng sản, điều kiện thành tạo khoáng sản;

+ Xác định thành phần vật chất, chất lượng khoáng sản, cụ thể là thành phần hóa học, khoáng vật, cấu tạo kiến trúc, dạng tồn tại của thành phần có ích, có hại; các thành phần, yếu tố có hại cho quá trình tuyển, thí nghiệm các quy trình tuyển khác nhau, xác định mức độ thu hồi các thành phần có ích, chất lượng tinh khoáng sản (tinh quặng), thành phần đuôi khoáng sản (đuôi quặng), và đề xuất sơ đồ định hướng để làm giàu khoáng sản. Sơ bộ đánh giá tính khả tuyển của khoáng sản bằng cách so sánh với các mỏ khoáng tương tự hoặc lấy mẫu, nghiên cứu mẫu kỹ thuật trong phòng;

+ Xác định các thông số chất lượng để tính tài nguyên khoáng sản;

- Công tác lấy và phân tích mẫu phải đảm bảo độ chính xác và tính đại diện. Các mẫu rãnh phải được lấy theo đúng kích thước thiết kế phù hợp cho từng loại khoáng sản, cho các lớp kẹp để có đủ tài liệu xác định diện phân bố các loại khoáng sản. Khuyến khích lấy mẫu rãnh bằng phương pháp cơ giới hóa (cưa, cắt tạo rãnh lấy mẫu). Mẫu kỹ thuật trong phòng phải bảo đảm yêu cầu đại diện cho khoáng sản được đánh giá;

- Việc lấy và phân tích mẫu phải được kiểm tra, đánh giá độ tin cậy theo các quy định hiện hành.

g) Tính tài nguyên dự tính cấp 333 và tài nguyên dự báo cấp 334a cho các thân khoáng sản theo một hoặc một vài phương án chỉ tiêu tính tài nguyên. Các chỉ tiêu để xác định tài nguyên được xây dựng trên cơ sở so sánh với các mỏ khoáng đã thăm dò hoặc đang khai thác có quy mô, chất lượng, điều kiện khai thác, chế biến khoáng sản tương tự. Việc xác định tài nguyên phải được tính ít nhất bằng 2 phương pháp khác nhau để so sánh, đánh giá độ tin cậy (khuyến khích sử dụng các phần mềm chuyên dụng). Đối với khoáng sản có ích đi kèm, tùy thuộc mức độ biến đổi so với khoáng sản chính và hàm lượng của chúng, có thể xác định tài nguyên cùng cấp hoặc giảm một cấp.

h) Đánh giá sơ bộ khả năng kinh tế của tài nguyên khoáng sản đã xác định trên cơ sở: nhu cầu của xã hội, thị trường; cơ sở hạ tầng, tài nguyên dự báo, chất lượng khoáng sản, khả năng và phương pháp khai thác, chế biến khoáng sản; mức độ ảnh hưởng của quá trình khai thác đến môi trường sinh thái.

Điều 7. Lập báo cáo tổng kết đề án đánh giá khoáng sản

Báo cáo tổng kết đề án phải thể hiện được các kết quả đã thực hiện theo nội dung quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư này, bao gồm các công tác chính sau:

1. Xử lý, tổng hợp tài liệu tất cả các dạng công việc của đề án đánh giá khoáng sản.

2. Thành lập các tài liệu bản vẽ, thuyết minh đầy đủ, thống nhất đảm bảo phản ánh đúng thực tế địa chất khoáng sản trên diện tích đánh giá.

3. Tính tài nguyên khoáng sản với độ tin cậy phù hợp theo quy định.

4. Xác định quy luật phân bố quặng hóa;

5. Khoanh định các diện tích có triển vọng để đề xuất thăm dò.

Báo cáo tổng kết đề án được lập theo Mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Sản phẩm của đề án đánh giá khoáng sản

1. Sản phẩm chính gồm: Thuyết minh Đề án, các bản vẽ, phụ lục kèm theo và tài liệu nguyên thủy. Các tài liệu phải thành lập trong báo cáo thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BTNMT ngày 29 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định nội dung lập bản đồ địa chất khoáng sản chi tiết và thiết kế, bố trí các dạng công việc đánh giá khoáng sản. Tài liệu nguyên thủy thành lập theo quy định hiện hành.

2. Hình thức tài liệu đánh giá khoáng sản

a) Các dạng tài liệu bản vẽ, phụ lục và bản lời trong đánh giá khoáng sản phải được thể hiện dưới dạng giấy và/hoặc dạng số, đúng quy cách theo các quy định hiện hành.

b) Hệ thống ký hiệu địa chất khoáng sản sử dụng theo quy định tại Thông tư số 23/2012/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền”.

Điều 9. Kiểm tra chất lượng thi công đề án

1. Đơn vị trực tiếp thi công đề án thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng tất cả các hạng mục công việc của đề án.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản thực hiện kiểm tra, đánh giá chung về chất lượng các hạng mục công việc của đề án.

Thông tư 42/2016/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về đánh giá tiềm năng khoáng sản rắn phần đất liền trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 42/2016/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/12/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Linh Ngọc
  • Ngày công báo: 06/03/2017
  • Số công báo: Từ số 175 đến số 176
  • Ngày hiệu lực: 10/02/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra