Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 42/2010/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2010

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHUẨN GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định 93/2010/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên:

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy định Chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2011.

Điều 3. Chánh văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí cơ sở giáo dục, Thủ trưởng đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:

- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- UBVHGDTNTN&NĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo TƯ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Như Điều 3;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Lưu: VT, PC, Cục NGCBQLGD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển

QUY ĐỊNH

CHUẨN GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN

(Ban hành kèm theo Thông tư số 42/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định Chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, bao gồm: Chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên và đánh giá, xếp loại giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên theo Chuẩn;

2. Quy định này áp dụng đối với giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trung tâm giáo dục thường xuyên quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là trung tâm)

Điều 2. Mục đích ban hành quy định Chuẩn giám đốc trung tâm

1. Là căn cứ để giám đốc trung tâm tự đánh giá, từ đó xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân, nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý;

2. Là căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục đánh giá xếp loại giám đốc trung tâm phục vụ công tác sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và đề xuất, thực hiện chế độ, chính sách đối với giám đốc trung tâm;

3. Là căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục xây dựng, đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của giám đốc trung tâm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong văn bản này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chuẩn giám đốc trung tâm là hệ thống các yêu cầu cơ bản đối với giám đốc trung tâm về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; năng lực lãnh đạo, quản lý trung tâm.

2. Tiêu chuẩn là quy định về những nội dung cơ bản, đặc trưng thuộc mỗi lĩnh vực của chuẩn.

3. Tiêu chí là yêu cầu và điều kiện cần đạt được ở mỗi nội dung cụ thể của mỗi tiêu chuẩn.

4. Minh chứng là các bằng chứng (tài liệu, tư liệu, sự vật, hiện tượng, nhân chứng) được dẫn ra để xác nhận một cách khách quan mức đạt được của tiêu chí.

Chuẩn giám đốc trung tâm gồm 3 tiêu chuẩn với 20 tiêu chí

Chương II

CHUẨN GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM

Điều 4. Tiêu chuẩn 1: Phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp

1. Tiêu chí 1. Phẩm chất chính trị

a) Yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì lợi ích dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân, trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam;

b) Hiểu biết và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy chế, quy định của ngành, của địa phương;

c) Tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân;

d) Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí; thực hành tiết kiệm.

2. Tiêu chí 2. Đạo đức nghề nghiệp

a) Rèn luyện và giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo;

b) Trung thực, thẳng thắn, tâm huyết với nghề nghiệp và có trách nhiệm trong quản lý trung tâm;

c) Ngăn ngừa và kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, không lợi dụng chức vụ vì mục đích cá nhân;

d) Đảm bảo dân chủ trong hoạt động của trung tâm.

3. Tiêu chí 3. Lối sống, tác phong

a) Có lối sống lành mạnh, phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc;

b) Có tác phong làm việc khoa học, sư phạm, năng động, linh hoạt và sáng tạo;

c) Giao tiếp và ứng xử đúng mực, có hiệu quả;

d) Quyết đoán, có bản lĩnh đổi mới.

Điều 5. Tiêu chuẩn 2: Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm

1. Tiêu chí 4 . Hiểu biết chương trình giáo dục thường xuyên

a) Hiểu biết mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp giáo dục trong các chương trình giáo dục thường xuyên theo quy định;

b) Hiểu biết về vị trí, vai trò và xu thế phát triển của giáo dục thường xuyên trong bối cảnh chung của phát triển giáo dục và đào tạo;

c) Hiểu biết về phương pháp xây dựng và phát triển chương trình đáp ứng nhu cầu người học.

2. Tiêu chí 5. Trình độ chuyên môn

a) Đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định hiện hành;

b) Có kiến thức vững vàng về môn học đã và đang đảm nhận giảng dạy; có hiểu biết về các môn học khác đáp ứng yêu cầu quản lý giáo dục;

c) Am hiểu lý luận, nghiệp vụ quản lý giáo dục thường xuyên trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

3. Tiêu chí 6. Nghiệp vụ sư phạm

a) Có khả năng tổ chức, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học và giáo dục tích cực phù hợp với người học;

b) Hỗ trợ đồng nghiệp hiểu và thực hiện phương pháp dạy học tích cực cho người học.

4. Tiêu chí 7. Tự học và sáng tạo

a) Có tinh thần tự học, có kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ;

b) Xây dựng tập thể sư phạm của trung tâm thành tổ chức học tập, sáng tạo.

5. Tiêu chí 8. Năng lực ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin

a) Sử dụng được một ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số (đối với giám đốc trung tâm công tác ở vùng dân tộc thiểu số) trong công việc;

b) Sử dụng máy tính và ứng dụng được công nghệ thông tin trong công việc.

Điều 6. Tiêu chuẩn 3. Năng lực lãnh đạo, quản lý trung tâm

1. Tiêu chí 9. Tầm nhìn chiến lược

a) Hiểu biết tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục của địa phương, đất nước, một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới;

b) Đánh giá, phân tích, dự báo được tình hình phát triển của trung tâm;

c) Tổ chức xây dựng định hướng chiến lược của trung tâm hướng tới sự phát triển của người học, mở rộng cơ hội tiếp cận, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của trung tâm;

d) Tuyên truyền và quảng bá định hướng chiến lược của trung tâm, công khai hóa các mục tiêu, hoạt động, chương trình giáo dục, kết quả đánh giá chất lượng giáo dục, hệ thống văn bằng, chứng chỉ và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của trung tâm, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ nhằm phát triển trung tâm.

2. Tiêu chí 10. Thiết kế và định hướng triển khai

a) Xác định được mục tiêu ưu tiên dài hạn, trung hạn và ngắn hạn của trung tâm;

b) Thiết kế và định hướng các chương trình hành động, có quyết định đúng đắn, kịp thời nhằm đạt các mục tiêu phát triển trung tâm.

3. Tiêu chí 11. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động

a) Tổ chức xây dựng kế hoạch hoạt động của trung tâm, phù hợp với các mục tiêu, chiến lược giáo dục và định hướng phát triển của địa phương;

b) Tổ chức triển khai và giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch của trung tâm.

4. Tiêu chí 12. Tổ chức bộ máy, phát triển đội ngũ

a) Xây dựng, tổ chức bộ máy của trung tâm hoạt động hiệu quả;

b) Thực hiện quy hoạch, tuyển chọn, sử dụng, đánh giá và thực hiện đúng chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; mở rộng mạng lưới cộng tác viên của trung tâm;

c) Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của trung tâm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, đảm bảo sự phát triển bền vững của trung tâm;

d) Xây dựng môi trường làm việc đồng thuận, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên phát huy tiềm năng, sáng kiến đóng góp tích cực vào các hoạt động phát triển trung tâm.

5. Tiêu chí 13. Quản lý hoạt động giáo dục

a) Tổ chức đánh giá nhu cầu học tập đa dạng của người học trên địa bàn theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

b) Tổ chức, vận động các đối tượng trong độ tuổi thực hiện phổ cập giáo dục, học tập văn hóa theo quy định và tạo điều kiện để người học có cơ hội học tập; huy động lực lượng tham gia các hoạt động giáo dục, xây dựng xã hội học tập ở địa phương mà trung tâm là hạt nhân; thực hiện đúng công tác tuyển sinh và chế độ chính sách đối với người học;

c) Tổ chức xây dựng chương trình; biên soạn, phát triển tài liệu, học liệu, cập nhật kiến thức kĩ năng, chuyển giao công nghệ thực hiện chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học nhằm phát triển nguồn nhân lực của địa phương;

d) Quản lý họat động dạy học, kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu đổi mới; hướng dẫn cho người học phương pháp tự học nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo.

6. Tiêu chí 14. Quản lý tài chính, tài sản

a) Hiểu biết hoạt động của bộ máy kế toán tại trung tâm, chỉ đạo bộ phận kế toán xây dựng kế hoạch về tài chính, tài sản, có biện pháp bảo đảm cân đối để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của trung tâm;

b) Tổ chức chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, giám sát kế hoạch nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, tài sản theo quy định hiện hành, đảm bảo công khai, minh bạch;

c) Thực hiện xã hội hóa nguồn lực tài chính, khuyến khích tự làm đồ dùng dạy học.

7. Tiêu chí 15. Phát triển môi trường giáo dục

a) Xây dựng nếp sống văn hoá và môi trường sư phạm;

b) Tạo cảnh quan môi trường của trung tâm sạch, đẹp, vệ sinh, an toàn và lành mạnh;

c) Tổ chức, phối hợp với các lực lượng trong cộng đồng, xã hội nhằm hỗ trợ phát triển kiến thức, kỹ năng, thái độ đối với sự phát triển của bản thân và cộng đồng.

8. Tiêu chí 16. Quản lý hành chính

a) Quản lý hồ sơ, sổ sách, tài liệu theo đúng quy định;

b) Xây dựng các quy trình hoạt động, thủ tục hành chính của trung tâm theo quy định hiện hành.

9. Tiêu chí 17. Quản lý công tác thi đua, khen thưởng

a) Tổ chức triển khai các phong trào thi đua;

b) Trân trọng và đánh giá đúng thành tích của người học, cán bộ, giáo viên, nhân viên và cộng tác viên của trung tâm.

10. Tiêu chí 18. Quản lý hệ thống thông tin

a) Xây dựng, quản lý, sử dụng hệ thống thông tin nhằm phục vụ hoạt động của trung tâm;

b) Tổ chức ứng dụng, khai thác công nghệ thông tin trong dạy học và quản lí giáo dục;

c) Thông tin, báo cáo về các lĩnh vực hoạt động của trung tâm đẩy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định.

11. Tiêu chí 19. Hợp tác, liên kết và hỗ trợ cộng đồng

a) Hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với các cơ sở giáo dục, cá nhân và tổ chức khác trong việc thực hiện các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao khoa học - công nghệ;

b) Thực hiện liên kết với các cơ sở giáo dục đào tạo cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân theo đúng các quy định hiện hành;

c) Tham gia và khuyến khích các thành viên của trung tâm tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương; hỗ trợ, tập huấn, tư vấn, tăng cường năng lực cho cán bộ trung tâm học tập cộng đồng.

12. Tiêu chí 20. Quản lý hoạt động đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục

a) Tổ chức thực hiện tự đánh giá chất lượng giáo dục của trung tâm theo quy định;

b) Chấp hành sự kiểm định chất lượng giáo dục của cơ quan có thẩm quyền.

Chương III

ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM THEO CHUẨN

Điều 7. Yêu cầu đánh giá, xếp loại giám đốc trung tâm

1. Việc đánh giá, xếp loại giám đốc trung tâm phải đảm bảo khách quan, toàn diện, khoa học, công bằng và dân chủ; phản ánh đúng phẩm chất, năng lực, hiệu quả công tác, phải đặt trong phạm vi công tác và điều kiện cụ thể của trung tâm, địa phương.

2. Việc đánh giá, xếp loại giám đốc trung tâm phải căn cứ vào các kết quả được chứng minh phù hợp với các tiêu chí, tiêu chuẩn của chuẩn được quy định tại chương II của văn bản này.

Điều 8. Phương pháp đánh giá, xếp loại giám đốc trung tâm

1. Đánh giá giám đốc trung tâm được thực hiện thông qua việc đánh giá và cho điểm từng tiêu chí trong mỗi tiêu chuẩn. Việc cho điểm tiêu chí được thực hiện trên cơ sở xem xét các minh chứng liên quan.

Điểm tiêu chí tính theo thang điểm 10, là số nguyên. Tổng số điểm tối đa của 20 tiêu chí là 200.

2. Căn cứ vào điểm của từng tiêu chí và tổng số điểm, việc đánh giá xếp loại giám đốc trung tâm được thực hiện như sau:

a) Đạt chuẩn:

- Loại xuất sắc: Tổng số điểm từ 180 đến 200 và các tiêu chí phải từ 8 điểm trở lên;

- Loại khá: Tổng số điểm từ 140 điểm trở lên và các tiêu chí phải từ 6 điểm trở lên nhưng không xếp được ở loại xuất sắc;

- Loại trung bình: Tổng số điểm từ 100 trở lên, các tiêu chí của tiêu chuẩn 1và 3 phải từ 5 điểm trở lên, không có tiêu chí 0 điểm nhưng không xếp được ở các loại cao hơn.

b) Chưa đạt chuẩn:

- Tổng điểm dưới 100 hoặc thuộc một trong hai trường hợp sau:

- Có tiêu chí 0 điểm;

- Có tiêu chí trong các tiêu chuẩn 1và 3 dưới 5 điểm.

Điều 9. Lực lượng và quy trình đánh giá, xếp loại giám đốc trung tâm

1. Lực lượng đánh giá, xếp loại giám đốc trung tâm gồm: giám đốc, các phó giám đốc trung tâm, cấp ủy Đảng, Ban Chấp hành Công đoàn và Ban Chấp hành Đoàn TNCS HCM trung tâm; cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ hữu của trung tâm; thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp giám đốc trung tâm.

2. Quy trình đánh giá, xếp loại giám đốc trung tâm

a) Đại diện của cấp ủy Đảng hoặc Ban Chấp hành Công đoàn trung tâm chủ trì thực hiện các bước sau:

- Giám đốc trung tâm tự đánh giá, xếp loại theo mẫu phiếu trong Phụ lục I và báo cáo kết quả trước tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trung tâm.

- Cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ hữu của trung tâm thảo luận, đóng góp ý kiến và từng người ghi phiếu đánh giá giám đốc trung tâm theo mẫu phiếu trong Phụ lục II.

- Các phó giám đốc trung tâm, cấp ủy Đảng, Ban Chấp hành Công đoàn và Ban Chấp hành Đoàn TNCS HCM trung tâm, với sự chứng kiến của giám đốc trung tâm, tổng hợp các ý kiến đóng góp và kết quả tham gia đánh giá giám đốc trung tâm của cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ hữu của trung tâm; phân tích các ý kiến đánh giá đó và có nhận xét, góp ý cho giám đốc trung tâm theo mẫu phiếu trong Phụ lục III.

b) Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp giám đốc trung tâm chủ trì thực hiện các bước sau đây:

- Tham khảo kết quả tự đánh giá, xếp loại của giám đốc trung tâm, kết quả đánh giá của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trung tâm (được thể hiện trong các mẫu phiếu của Phụ lục I,III) và các nguồn thông tin xác thực khác, chính thức đánh giá, xếp loại giám đốc trung tâm theo mẫu phiếu trong Phụ lục IV.

- Thông báo kết quả đánh giá, xếp loại tới giám đốc trung tâm, tới tập thể giáo viên, cán bộ, nhân viên trung tâm và lưu kết quả trong hồ sơ cán bộ.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Thực hiện đánh giá, xếp loại giám đốc trung tâm

1. Giám đốc trung tâm thực hiện tự đánh giá, xếp loại hằng năm vào cuối năm học.

2. Theo chu kì bổ nhiệm cán bộ hoặc do yêu cầu khác của công tác quản lí, thủ trưởng cơ quan quản lí trực tiếp tổ chức đánh giá, xếp loại giám đốc trung tâm, đảm bảo đủ các bước theo quy định tại Điều 9 của Quy định này.

3. Giám đốc trung tâm ngoài việc đánh giá, xếp loại theo Chuẩn còn phải thực hiện đánh giá, xếp loại công chức theo quy định hiện hành.

Điều 11. Trách nhiệm của địa phương

Giám đốc sở giáo dục và đào tạo tham mưu cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức, chỉ đạo thực hiện Thông tư này đối với các trung tâm thuộc sở, thuộc địa phương trong hệ thống giáo dục quốc dân; báo cáo kết quả đánh giá, xếp loại giám đốc trung tâm với ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo./.


FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 42/2010/TT-BGDĐT về Quy định Chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 42/2010/TT-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/12/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Vinh Hiển
  • Ngày công báo: 19/01/2011
  • Số công báo: Từ số 61 đến số 62
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản