THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 418-TTg | Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 1978 |
Thi hành chị thị số 33-CT/TU ngày 24-1-1978 của Bộ chính trị về việc xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện, và nghị quyết số 33-CP ngày 4-2-1978 của Hội đồng Chính phủ bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp huyện trong lĩnh vực quản lý kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ có liên quan đến việc tổ chức lưu thông, phân phối trên địa bàn huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức thực hiện tốt những công việc dưới đây.
I. THU MUA NÔNG SẢN, LÂM SẢN, HẢI SẢN VÀ BÁN LẺ HÀNG TIÊU DÙNG
1. Theo chỉ thị của Bộ chính trị và Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ thì tại huyện thành lập cơ quan đại lý thu mua huyện, một đơn vị kinh tế có tư cách pháp nhân, kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế, do cấp huyện quản lý. Cơ quan đại lý thu mua huyện thu mua các loại nông sản trong huyện, trừ lương thực và những nông sản, lâm sản sản xuất theo vùng chuyên canh lớn, hoặc có tổ chức sản xuất và chế biến theo ngành, vì đối với các mặt hàng này công ty, xí nghiệp tiêu thụ trực tiếp mua của đơn vị sản xuất theo kế hoạch và thông qua hợp đồng; công ty đại lý cũng không thu mua những mặt hàng nông sản, lâm sản, hải sản mà các xí nghiệp đặt tại địa bàn huyện hoặc ngoài địa giới huyện có nhiệm vụ chế biến nông sản trong huyện, được nhận nông sản nguyên liệu thẳng từ các đơn vị sản xuất theo kế hoạch và thông qua hợp đồng; hệ thống thu mua và phân phối lương thực vẫn giữ như hiện nay.
Để thi hành chủ trương này, Bộ Nội thương và các Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện cần:
a) Chấn chỉnh tổ chức kinh doanh nông sản, thực phẩm ở huyện thành cửa hàng đại lý thu mua huyện.
Cửa hàng đại lý thu mua huyện là đơn vị kinh doanh hạch toán nằm trong tổ chức của công ty nông sản thực phẩm tỉnh, thành phố. Cửa hàng đại lý thu mua này có nhiệm vụ thu mua nông sản, thực phẩm cho ngành nội thương và đại lý thu mua cho các ngành khác (trừ những sản phẩm, mặt hàng đã nói ở trên đây). Ở những nơi doanh số ít, cửa hàng có thể kiêm cả việc bán lẻ thực phẩm cho công nhân, viên chức và những người dân phi nông nghiệp ở huyện được Nhà nước cung cấp theo tiêu chuẩn định lượng.
b) Đối với cửa hàng đại lý thu mua huyện, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch thu mua, kiểm tra, đôn đốc cửa hàng thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch và hợp đồng kinh tế giữa hai bên, kiểm tra việc chấp hành các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn của Nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ chính sách và các chỉ tiêu về thu mua, điều động và phân phối hàng hóa, phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn huyện.
c) Đối với các sản phẩm mà các ngành yêu cầu cửa hàng đại lý thu mua huyện mua giúp, thì cửa hàng trưởng cửa hàng đại lý thu mua huyện được sự ủy nhiệm của các chủ nhiệm công ty nông sản thực phẩm tỉnh hay thành phố căn cứ vào kế hoạch Nhà nước của huyện mà ký hợp đồng với cơ quan giao thu mua và ký hợp đồng thu mua cụ thể với các đơn vị sản xuất ở trong huyện.
d) Cửa hàng đại lý thu mua huyện phải phát triển mạng lưới ở những nơi có nguồn hàng để có điều kiện bám sát và phục vụ tốt cho sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong việc bán sản phẩm, và đảm bảo tập trung được nguồn hàng vào tay Nhà nước.
đ) Đi đôi với việc tổ chức cửa hàng đại lý thu mua huyện như đã nói trên đây, Bộ Nội thương phải có kế hoạch cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế và Văn phòng Phủ thủ tướng xúc tiến ngay việc làm thử tổ chức cửa hàng đại lý thu mua huyện do cấp huyện quản lý trực tiếp mà không đặt trong tổ chức của công ty nông sản thực phẩm của tỉnh, thành phố tại một số huyện điểm của trung ương và làm thật chu đáo để có thể sớm rút ra kết luận chính xác vào quý IV năm 1978 này.
2. Việc tổ chức bán lẻ công nghệ phẩm ở huyện vần theo những quy định hiện hành của Chính phủ và của Bộ Nội thương, các tỉnh và huyện không được phép tự ý thay đổi.
Để có thể sớm rút ra những kết luận trình Chính phủ quyết định, Bộ Nội thương phải bàn thống nhất với các Ủy ban nhân dân tỉnh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương và Văn phòng Phủ thủ tướng về nội dung làm thử việc giao cho huyện quản lý công ty bán lẻ hàng tiêu dùng như nghị quyết số 33-CP của Hội đồng Chính phủ đã quyết định và xúc tiến ngay việc làm thử này ở các huyện điểm để có thể sớm rút ra những kết luận chính xác vào quý IV năm 1978 này.
3. Hợp tác xã mua bán là tổ chức thương nghiệp tập thể của nhân dân lao động ở nông thôn, có tác dụng góp phần tích cực vào việc phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân ở địa phương và tập trung hàng cho ngành thương nghiệp. Bộ Nội thương và các cấp tỉnh, huyện phải có kế hoạch cụ thể để củng cố và phát triển các hợp tác xã này thực sự trở thành trợ thủ đắc lực cho thương nghiệp quốc doanh.
Hiện nay, một số nơi đã chuyển cửa hàng hợ tác xã mua bán xã thành cửa hàng mua bán của hợp tác xã nông nghiệp, Bộ Nội thương phải cùng với Ban nông nghiệp trung ương và các tỉnh, huyện có các cửa hàng đó chỉ đạo chặt chẽ việc làm thử để sớm rút ra kết luận chính xác và báo cáo lên trung ương xét và quyết định.
Trong khi chờ quyết định của trung ương, Bộ Nội thương và các cấp tỉnh, huyện chưa được mở rộng việc chuyển cửa hàng hợp tác xã mua bán xã thành cửa hàng mua bán của hợp tác xã nông nghiệp.
Theo chỉ thị của Bộ chính trị thì “Mỗi huyện tổ chức một cơ quan đại lý cung ứng vật tư kỹ thuật cho nông nghiệp, công nghiệp và cho các hoạt động kinh tế khác trong huyện, cơ quan này là một đơn vị kinh tế có tư cách pháp nhân, kinh doanh theo chế độ hạch toán kinh tế, làm đại lý cho các công ty vật tư của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng, điện than, vật tư và vật liệu kiến thiết của ngành thương nghiệp”.
Để thực hiện tốt chủ trương này, các Bộ có liên quan và các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cần:
a) Sử dụng ngay trạm vật tư nông nghiệp là tổ chức sẵn có ở huyện, chuyển thành Công ty đại lý cung ứng vật tư của huyện, dùng cán bộ và cơ sở vật chất của trạm vật tư nông nghiệp làm nòng cốt trong việc xây dựng công ty đại lý cung ứng vật tư của huyện.
Trước mắt công ty này có thể chưa làm đại lý vật liệu kiến thiết (bao gồm tre, nứa, lá lợp nhà, xi-măng bán lẻ cho việc sửa chữa của các gia đình…) và vẫn do mạng lưới bán lẻ công nghệ phẩm của thương nghiệp phụ trách.
b) Công ty đại lý cung ứng vật tư ở huyện, như chỉ thị số 33-CT/TU của Bộ trị đã quy định do Ủy ban nhân dân huyện trực tiếp chỉ đạo về quản lý hành chính – kinh tế và quản lý kinh doanh; mặt khác, chịu sự chỉ đạo và kiểm tra của cơ quan chuyên ngành về kỹ thuật, nghiệp vụ…
Nội dung và phạm vi hoạt động của công ty này là đại lý cung ứng các loại vật tư kỹ thuật của các ngành cho các đơn vị sản xuất kinh doanh theo kế hoạch của huyện: bao gồm các loại hợp tác xã nông nghiệp, xí nghiệp quốc doanh, các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, v.v…
Ngoài nhiệm vụ đại lý cung ứng vật tư cho các ngành, công ty này có thể kinh doanh một số vật tư khác trong huyện, không thuộc loại vật tư do Nhà nước thống nhất quản lý (tùy theo khả năng và yêu cầu của kinh tế trên địa bàn huyện). Đồng thời, có thể làm một số việc có tính chất dịch vụ như tổ chức việc phun thuốc trừ sâu cho cả một vùng bị sâu bệnh phá hoại, v.v…
c) Bộ Vật tư và các Bộ khác được giao nhiệm vụ cung ứng vật tư (theo chức trách hiện hành được quy định trong điều lệ kèm theo nghị định số 172-CP ngày 1-11-1973) phải lãnh đạo các Tổng công ty và công ty của mình làm đầy đủ trách nhiệm đối với công ty đại lý cung ứng vật tư của huyện về các mặt: xây dựng kế hoạch cung ứng, kỹ thuật sử dụng và bảo quản, xây dựng và thực hiện tốt các tiêu chuẩn định mức, chiết khấu; theo dõi và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, v.v… nhằm bảo đảm tốt cả hai mặt quản lý kinh doanh và quản lý hành chính Nhà nước.
d) Để công ty đại lý cung ứng vật tư của huyện có thể bắt tay hoạt động ngay được, ngoài các thủ tục cần thiết về thành lập công ty, cần phải làm ngay một số việc như: các Bộ kinh doanh vật tư phải ban hành ngay trong quý III năm 1978 các quy định về việc các Tổng công ty chuyên doanh (Tổng công ty than của Bộ Điện và than, Tổng công ty vật liệu xây dựng của Bộ Xây dựng, Tổng công ty vật tư nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp, Tổng công ty xăng dầu và Tổng công ty sắt thép của Bộ Vật tư, v.v…) được quyền giao cho cơ quan đại lý cung ứng vật tư ở huyện kinh doanh những mặt hàng của ngành mình phụ trách. Các quy định này phải rất cụ thể và đầy đủ về:
- Xây dựng cơ sở vật chất tại huyện (kho chứa hàng, dụng cụ đo lường…).
– Phương tiện vận chuyển.
- Vốn luân chuyển.
- Chiết khấu.
– Cách bán hàng, v.v…
Để bảo đảm sự thống nhất, trước khi ban hành các quy định nói trên, các Bộ cần trao đổi với Viện quản lý kinh tế.
e) Tổ chức cơ quan đại lý cung ứng vật tư ở huyện nhằm mục đích vừa mở rộng được mạng lưới cung ứng vật tư đến sát cơ sở, vừa giảm được phí lưu thông đồng thời vẫn bảo đảm sự chỉ đạo về chuyên môn và kỹ thuật kinh doanh từng loại vật tư của các Tổng công ty chuyên doanh, bảo đảm cho công ty đại lý cung ứng vật tư của huyện hoạt động tốt, không bị lỗ, và trong trường hợp cần thiết thì các Tổng công ty có quyền được điều động vật tư để bảo đảm nhu cầu chung và không để vật tư ứ đọng.
Vì vậy các Bộ chủ quản, nhất là các Tổng công ty chuyên doanh về từng ngành hàng nói trên đây phải tích cực tổ chức phần kinh doanh của mình tại huyện bằng cách giúp đỡ thiết thực cho cơ quan đại lý này; phải có kế hoạch huấn luyện tốt cho các công nhân, nhân viên của các cơ quan đại lý cung ứng vật tư này về phần mình phụ trách.
Để đôn đốc các Tổng công ty làm tốt các việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Vật tư, cơ quan quản lý tổng hợp vật tư của Hội đồng Chính phủ có kế hoạch thiết thực kiểm tra việc thực hiện và báo cáo tiến độ chung cho Thủ tướng Chính phủ biết.
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Thông tư 418-TTg-1978 hướng dẫn tổ chức lưu thông, phân phối trên địa bàn huyện theo Chỉ thị 33-CT/TU và Nghị quyết 33-CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 418-TTg
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 16/08/1978
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 16
- Ngày hiệu lực: 31/08/1978
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định