Hệ thống pháp luật

Điều 9 Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Điều 9. Hệ số rủi ro tín dụng (CRW)

1. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại tài sản theo quy định tại Điều này và hướng dẫn tại Phụ lục 6 để áp dụng hệ số rủi ro tín dụng.

Khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất, ngân hàng được áp dụng hệ số rủi ro theo quy định tại nước sở tại đối với các khoản phải đòi của công ty con, công ty liên kết, chi nhánh của ngân hàng tại nước ngoài.

2. Đối với tài sản là tiền mặt, vàng và các khoản tương đương tiền mặt của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hệ số rủi ro tín dụng là 0%.

3. Đối với tài sản là khoản phải đòi Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các ngân hàng chính sách, hệ số rủi ro tín dụng là 0%. Đối với khoản phải đòi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC), hệ số rủi ro là 20%.

4. Đối với tài sản là khoản phải đòi tổ chức tài chính quốc tế, hệ số rủi ro tín dụng là 0%.

5. Đối với tài sản là khoản phải đòi chính phủ, ngân hàng Trung ương các nước, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng theo thứ hạng tín nhiệm như sau:

Thứ hạng tín nhiệm

Từ AAA đến AA-

Từ A đến A-

Từ BBB đến BBB-

Từ BB đến B-

Dưới B- hoặc không có xếp hạng

Hệ số rủi ro tín dụng

0%

20%

50%

100%

150%

6. Đối với tài sản là khoản phải đòi các tổ chức công lập của chính phủ (non-central government public sector entities (PSEs), chính quyền địa phương các nước, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng theo hệ số rủi ro đối với khoản phải đòi chính phủ đó theo quy định tại khoản 5 Điều này.

7. Đối với tài sản là khoản phải đòi tổ chức tài chính (bao gồm cả tổ chức tín dụng), hệ số rủi ro tín dụng áp dụng như sau:

a) Đối với tổ chức tài chính nước ngoài (bao gồm cả tổ chức tín dụng nước ngoài) không phải là tổ chức tài chính quốc tế quy định tại khoản 20 Điều 2 Thông tư này, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng theo thứ hạng tín nhiệm như sau:

Thứ hạng tín nhiệm

Từ AAA đến AA-

Từ A đến BBB-

Từ BB đến B-

Dưới B- hoặc không có xếp hạng

Hệ số rủi ro tín dụng

20%

50%

100%

150%

b) Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam áp dụng hệ số rủi ro tín dụng theo thứ hạng tín nhiệm của tổ chức tín dụng nước ngoài là ngân hàng mẹ.

c) Đối với tài sản là các khoản phải đòi tổ chức tín dụng trong nước, trừ các khoản phải đòi dưới hình thức giao dịch reverse repo đã được tính rủi ro tín dụng đối tác theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng như sau:

Thứ hạng tín nhiệm

AAA đến AA-

A đến BBB-

BB đến BB-

B đến B-

Dưới B- và Không có xếp hạng

Khoản phải đòi có thời hạn ban đầu từ 3 tháng trở lên

20%

50%

80%

100%

150%

Khoản phải đòi có thời hạn ban đầu dưới 3 tháng

10%

20%

40%

50%

70%

8. Đối với tài sản là các khoản mua, đầu tư nợ thứ cấp, chứng khoán nợ khác của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành không bị trừ khỏi Vốn cấp 2 quy định tại mục 19 Phần I, điểm A, mục 21 Phần II điểm A, mục 13 điểm B Phụ lục 1 Thông tư này, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 7 Điều này.

9. Đối với tài sản là khoản phải đòi doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ các khoản phải đòi quy định tại khoản 10 Điều này, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng như sau:

a) Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ được xác định theo quy định của pháp luật về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ số rủi ro là 90%;

b) Đối với các doanh nghiệp khác, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xác định chỉ tiêu doanh thu, tỷ lệ đòn bẩy, vốn chủ sở hữu được xác định trên cơ sở số liệu Báo cáo tài chính năm (Báo cáo tài chính hợp nhất) được kiểm toán tại thời điểm gần nhất đối với các doanh nghiệp phải kiểm toán độc lập; Báo cáo tài chính năm (được kiểm toán, nếu có) nộp cho cơ quan thuế (có bằng chứng đã nộp cho cơ quan thuế) tại thời điểm gần nhất đối với doanh nghiệp không phải kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật như sau:

- Doanh thu lấy số liệu trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;

- Tỷ lệ đòn bẩy = Tổng Nợ vay/Tổng tài sản;

Trong đó: Tổng Nợ vay (total debt) được xác định bằng tổng của các khoản mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn với khoản mục vay và nợ thuê tài chính dài hạn theo quy định hiện hành về kế toán.

- Vốn chủ sở hữu lấy số liệu trên Bảng cân đối kế toán.

(i) Hệ số rủi ro tín dụng áp dụng theo chỉ tiêu doanh thu, tỷ lệ đòn bẩy, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp như sau:

Doanh thu dưới 100 tỷ đồng

Doanh thu từ 100 tỷ đồng đến dưới 400 tỷ đồng

Doanh thu từ 400 tỷ đồng đến 1500 tỷ đồng

Doanh thu trên 1500 tỷ đồng

Tỷ lệ đòn bẩy dưới 25%

100%

80%

60%

50%

Tỷ lệ đòn bẩy từ 25% đến 50%

125%

110%

95%

80%

Tỷ lệ đòn bẩy trên 50%

160%

150%

140%

120%

Vốn chủ sở hữu âm hoặc bằng 0

250%

(ii) Hệ số rủi ro tín dụng 200% được áp dụng đối với các doanh nghiệp không cung cấp Báo cáo tài chính cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để tính các chỉ tiêu doanh thu, tỷ lệ đòn bẩy, vốn chủ sở hữu;

(iii) Đối với các doanh nghiệp thành lập mới (không bao gồm các trường hợp thành lập do tổ chức lại, chuyển đổi hình thức pháp lý,...), hoạt động chưa được 01 năm, hệ số rủi ro tín dụng là 150%.

c) Đối với khoản cấp tín dụng chuyên biệt là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án, tài trợ máy móc thiết bị và tài trợ hàng hóa, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng hệ số cao hơn giữa hệ số rủi ro tín dụng 160% và hệ số rủi ro tín dụng đối với doanh nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều này.

10. Đối với tài sản là khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng như sau:

a) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xác định Tỷ lệ bảo đảm (viết tắt là LTV) đối với khoản phải đòi được đảm bảo bằng bất động sản như sau:

(i) Tỷ lệ bảo đảm (LTV) = Tổng số dư khoản phải đòi/Giá trị của tài sản bảo đảm. Trong đó:

- Tổng số dư khoản phải đòi bao gồm tổng số dư (đã giải ngân và số dư chưa giải ngân) của khoản phải đòi và số dư (đã giải ngân và số dư chưa giải ngân) của các khoản phải đòi khác được bảo đảm bằng bất động sản đó tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Giá trị của tài sản bảo đảm là giá trị của bất động sản bảo đảm cho các khoản phải đòi đó được xác định tại thời điểm xét duyệt cho vay.

(ii) Tỷ lệ bảo đảm (LTV) phải được xác định lại khi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thông tin giá trị của tài sản bảo đảm bị suy giảm trên 30% so với giá trị tại thời điểm xác định gần nhất.

b) Hệ số rủi ro tín dụng áp dụng đối với khoản phải đòi được bảo đảm bằng bất động sản không kinh doanh theo chỉ tiêu Tỷ lệ bảo đảm (LTV) như sau:

LTV

LTV dưới 40%

LTV từ 40% trở lên đến dưới 60%

LTV từ 60% trở lên đến dưới 80%

LTV từ 80% trở lên đến dưới 90%

LTV từ 90% trở lên đến dưới 100%

LTV từ 100% trở lên

Hệ số rủi ro

30%

40%

50%

70%

80%

100%

c) Đối với khoản phải đòi được đảm bảo bằng bất động sản kinh doanh, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng theo chỉ tiêu Tỷ lệ bảo đảm (LTV) đối với khoản phải đòi được đảm bảo bằng bất động sản kinh doanh như sau:

LTV dưới 60%

LTV từ 60% trở lên đến dưới 75%

LTV từ 75% trở lên

Khoản phải đòi được đảm bảo bằng bất động sản kinh doanh

75%

100%

120%

d) Đối với khoản phải đòi được đảm bảo bằng bất động sản là hỗn hợp bất động sản kinh doanh và bất động sản không kinh doanh, hệ số rủi ro tín dụng được xác định riêng cho từng bất động sản kinh doanh và bất động sản không kinh doanh tương ứng theo tỷ lệ tổng diện tích mặt bằng của bất động sản;

đ) Hệ số rủi ro tín dụng 150% được áp dụng đối với khoản phải đòi được đảm bảo bằng bất động sản mà ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có thông tin về Tỷ lệ bảo đảm (LTV);

e) Hệ số rủi ro tín dụng 200% được áp dụng đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản.

11. Đối với tài sản là khoản cho vay thế chấp nhà, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện như sau:

a) Xác định Tỷ lệ bảo đảm (LTV) theo quy định tại khoản 10 Điều này và Tỷ lệ thu nhập (viết tắt là DSC) đối với khoản cho vay thế chấp nhà như sau:

(i) Tỷ lệ thu nhập (DSC) = Tổng số dư phải hoàn trả trong năm/Tổng thu nhập trong năm của khách hàng.

Trong đó:

- Tổng số dư phải hoàn trả trong năm bao gồm số dư nợ gốc và số dư nợ lãi;

- Tổng thu nhập trong năm của khách hàng là thu nhập trong năm tính DSC của khách hàng sau khi đã trừ thuế thu nhập theo quy định và không bao gồm thu nhập từ việc cho thuê nhà hình thành từ khoản cho vay đó. Trường hợp, khách hàng cá nhân là đại diện ủy quyền cho hộ gia đình tham gia quan hệ vay vốn thì tổng thu nhập trong năm của khách hàng được xác định theo tổng thu nhập của các thành viên đồng trả nợ của hộ gia đình.

(ii) Tỷ lệ thu nhập (DSC) phải được xác định lại khi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thông tin thay đổi về tổng thu nhập của khách hàng.

b) Hệ số rủi ro áp dụng cho khoản cho vay thế chấp nhà ở theo Tỷ lệ bảo đảm (LTV) và Tỷ lệ thu nhập (DSC) như sau:

Các khoản cho vay thế chấp nhà ở

LTV dưới 40%

LTV từ 40% trở lên đến dưới 60%

LTV từ 60% trở lên đến dưới 80%

LTV từ 80% trở lên đến dưới 90%

LTV từ 90% trở lên đến dưới 100%

LTV từ 100% trở lên

DSC từ 35% trở xuống

25%

30%

40%

50%

60%

80%

DSC trên 35%

30%

40%

50%

70%

80%

100%

c) Hệ số rủi ro tín dụng 200% được áp dụng đối với khoản cho vay thế chấp nhà mà ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có thông tin về Tỷ lệ bảo đảm (LTV) và/hoặc Tỷ lệ thu nhập (DSC).

12. Đối với tài sản là danh mục cấp tín dụng bán lẻ, hệ số rủi ro tín dụng là 75%.

13. Đối với khoản nợ xấu, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng như sau:

a) Đối với khoản nợ xấu có dự phòng cụ thể nhỏ hơn 20% giá trị của khoản nợ xấu (trừ khoản nợ xấu là khoản cho vay thế chấp nhà có dự phòng cụ thể nhỏ hơn 20% giá trị của khoản nợ xấu), hệ số rủi ro tín dụng là 150%;

b) Đối với khoản nợ xấu có dự phòng cụ thể từ 20% đến 50% giá trị của khoản nợ xấu, khoản nợ xấu là khoản cho vay thế chấp nhà có dự phòng cụ thể nhỏ hơn 20% giá trị của khoản nợ xấu, hệ số rủi ro tín dụng là 100%;

c) Đối với khoản nợ xấu có dự phòng cụ thể lớn hơn 50% giá trị của khoản nợ xấu, khoản nợ xấu là khoản cho vay thế chấp nhà và có dự phòng cụ thể từ 20% giá trị của khoản nợ xấu trở lên, hệ số rủi ro tín dụng là 50%.

14. Đối với tài sản là các khoản phải thu phát sinh từ việc bán nợ xấu (không bao gồm các khoản phải thu phát sinh trong quá trình bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam), hệ số rủi ro tín dụng là 200%.

15. Đối với tài sản là công cụ vốn chủ sở hữu, mua cổ phiếu của doanh nghiệp (trừ các khoản đầu tư đã trừ khỏi vốn tự có quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này) và các khoản cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán, khoản cho vay giao dịch ký quỹ của công ty chứng khoán, hệ số rủi ro tín dụng là 150%.

16. Đối với tài sản là các khoản cho thuê tài chính, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng hệ số cao hơn giữa hệ số rủi ro tín dụng 160% và hệ số rủi ro tín dụng đối với doanh nghiệp thuê tài chính theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều này.

17. Đối với tài sản là các khoản mua lại khoản phải thu có bảo lưu quyền truy đòi của công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính theo quy định, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng hệ số rủi ro của khoản phải đòi đối với bên bán khoản phải thu.

Đối với các khoản mua lại khoản phải thu của công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng hệ số rủi ro của khoản phải đòi.

18. Đối với các tài sản khác trên bảng cân đối kế toán trừ các tài sản quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9, khoản 10, khoản 11, khoản 12, khoản 13, khoản 14, khoản 15, khoản 16 và khoản 17 Điều này, hệ số rủi ro tín dụng là 100%.

Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 41/2016/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/12/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Đồng Tiến
  • Ngày công báo: 22/01/2017
  • Số công báo: Từ số 77 đến số 78
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH