Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 41/2010/TT-BCA

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2010

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 70/2006/NĐ-CP NGÀY 24/7/2006 VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 22/2009/NĐ-CP NGÀY 24/2/2009 VỀ VIỆC QUẢN LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN BỊ TẠM GIỮ THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

Để thực hiện thống nhất việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính trong Công an nhân dân, Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24/7/2006 quy định việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 22/2009/NĐ-CP ngày 24/2/2009 (sau đây viết gọn là Nghị định số 70/2006/NĐ-CP) như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết về nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ; trình tự, thủ tục trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ; xử lý tang vật, phương tiện hết thời hạn tạm giữ; thu, nộp, quản lý, sử dụng phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính trong Công an nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc liên quan đến hoạt động quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính trong Công an nhân dân.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính trong Công an nhân dân

Việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính trong Công an nhân dân phải tuân thủ các nguyên tắc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính quy định tại Điều 3 Nghị định số 70/2006/NĐ-CP.

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Yêu cầu đối với nơi tạm giữ tang vật, phương tiện

Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải đáp ứng các yêu cầu dưới đây:

1. Đối với nơi tạm giữ là nhà kho, bãi

a) Phải bảo đảm an toàn; được quản lý nghiêm ngặt, sắp xếp hợp lý, tránh nhầm lẫn, mất mát, hư hỏng, ô nhiễm môi trường hoặc gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người. Trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc phương tiện chống mưa, nắng khác.

b) Đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ là máy móc, phương tiện có sử dụng xăng, dầu hoặc các nhiên liệu dễ cháy khác, trước khi đưa vào nơi tạm giữ, tổ chức làm công tác quản lý tang vật, phương tiện phải hút hết nhiên liệu ra khỏi bình chứa.

c) Nghiêm cấm đưa vào nơi tạm giữ những đồ vật là chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ nếu nơi tạm giữ không có những điều kiện phương tiện kỹ thuật bảo quản loại đồ vật đó.

d) Phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí; có hệ thống thiết bị chiếu sáng, bảo vệ an toàn;

đ) Phải có hàng rào bảo vệ;

e) Phải trang bị đầy đủ thiết bị báo cháy, phòng cháy, chữa cháy; các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc quản lý từng loại tang vật, phương tiện. Thủ trưởng nơi tạm giữ tang vật, phương tiện phải xây dựng phương án phòng, chống cháy, nổ và tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ, nhân viên luyện tập thành thạo các phương án chống cháy, nổ và khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn nơi tạm giữ.

2. Đối với nơi tạm giữ là bến nước, âu thuyền thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này. Riêng nơi tạm giữ là bến nước thì còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn của bến thủy nội địa.

3. Đối với nơi tạm giữ là trụ sở cơ quan, nơi làm việc hoặc nơi khác do người có thẩm quyền tạm giữ bố trí thì phải bảo đảm các điều kiện theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này.

Điều 5. Bố trí nơi tạm giữ tang vật, phương tiện

1. Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện trong Công an nhân dân có thể là nơi tạm giữ tang vật, phương tiện riêng của một đơn vị Công an, nơi tạm giữ tang vật, phương tiện chung của nhiều đơn vị Công an khác nhau hoặc nơi tạm giữ tang vật, phương tiện chung của cơ quan Công an với các cơ quan khác ở địa phương.

Đối với đơn vị thường xuyên phải tạm giữ tang vật, phương tiện với số lượng lớn thì người đứng đầu đơn vị đó báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh để đề nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét cất đất, kinh phí xây dựng nơi tạm giữ.

Khi được cấp đất, kinh phí xây dựng nơi tạm giữ, cơ quan tạm giữ tang vật, phương tiện chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để tổ chức việc thiết kế và xây dựng nơi tạm giữ bảo đảm đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 4 Thông tư này, tiêu chuẩn về xây dựng, phòng, chống cháy, nổ và tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp cơ quan tạm giữ tang vật, phương tiện chưa đủ điều kiện để xây dựng nơi tạm giữ hoặc quy mô xây dựng nơi tạm giữ không đủ để bảo quản hết tang vật, phương tiện bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ tang vật, phương tiện có thể báo cáo thủ trưởng cơ quan cấp đó để đề nghị thuê nơi tạm giữ riêng của cơ quan đó, nếu phải thường xuyên tạm giữ với số lượng lớn.

Việc thuê nơi tạm giữ phải ký kết hợp đồng. Nội dung hợp đồng phải đáp ứng các yêu cầu của một hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự và các yêu cầu của hoạt động quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, trong đó bao gồm những nội dung chủ yếu sau: đối tượng của hợp đồng; giá; phương thức thanh toán; thời hạn, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền, nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng; phạt vi phạm hợp đồng và các nội dung khác.

3. Trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện với số lượng ít hoặc tang vật, phương tiện là những vật nhỏ, gọn mà xét thấy không cần thiết phải chuyển đến nơi tạm giữ là nhà kho, bến, bãi thì người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện có thể quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện tại trụ sở cơ quan, nơi làm việc của mình. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện phải giao tang vật, phương tiện bị tạm giữ cho cán bộ có đủ khả năng và điều kiện quản lý.

4. Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ là những vật mà cơ quan tạm giữ tang vật, phương tiện đó không đủ điều kiện về phương tiện, kỹ thuật để di chuyển về nơi tạm giữ hoặc nếu di chuyển về nơi tạm giữ thì nơi tạm giữ không đủ các điều kiện cần thiết để bảo quản thì người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ có thể giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc giao cho cá nhân, tổ chức có tang vật, phương tiện bị tạm giữ quản lý, bảo quản, nếu xét thấy việc giao cho cá nhân, tổ chức có tang vật, phương tiện bị tạm giữ quản lý, bảo quản không ảnh hưởng đến việc bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cá nhân, tổ chức được giao quản lý tang vật, phương tiện cần bố trí nơi tạm giữ đáp ứng được các yêu cầu theo quy định tại Điều 4 Thông tư này và phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo quản tốt tài sản được giao, chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện. Nếu tài sản bị mất mát, hư hỏng do lỗi của mình gây ra thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

5. Trong trường hợp không thể bố trí nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này thì nơi tạm giữ tang vật, phương tiện là nơi do người có thẩm quyền tạm giữ bố trí nhưng phải đáp ứng được các yêu cầu theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

Điều 6. Bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý tang vật, phương tiện

Cơ quan có nơi tạm giữ tang vật, phương tiện phải bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý tang vật, phương tiện, cụ thể như sau:

1. Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện là nơi tạm giữ riêng của một đơn vị Công an thì thủ trưởng đơn vị Công an đó bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý tang vật, phương tiện.

2. Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện là nơi tạm giữ chung của nhiều đơn vị Công an khác nhau thì việc bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý tang vật, phương tiện do thủ trưởng cơ quan Công an của các đơn vị đó quyết định.

3. Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện là nơi tạm giữ chung của cơ quan Công an với các cơ quan khác ở địa phương thì việc bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý tang vật, phương tiện theo quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc theo thỏa thuận giữa cơ quan Công an với các cơ quan khác ở địa phương.

Điều 7. Trình tự, thủ tục trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ

1. Việc trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải có quyết định trả lại bằng văn bản của người ra quyết định tạm giữ.

2. Khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, người được giao nhiệm vụ quản lý tang vật, phương tiện tiến hành các thủ tục sau:

a) Kiểm tra quyết định trả lại; kiểm tra giấy chứng minh nhân dân và giấy tờ khác có liên quan của người đến nhận.

Người đến nhận lại tang vật, phương tiện phải là người có tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc người có quyền sử dụng hợp pháp tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Nếu những người đó ủy quyền cho người khác đến nhận lại tang vật, phương tiện thì phải lập văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật.

b) Yêu cầu người đến nhận kiểm tra về chủng loại, số lượng, khối lượng, trọng lượng, đặc điểm, hiện trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của người quản lý.

c) Lập biên bản trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

Điều 8. Xử lý tang vật, phương tiện hết thời hạn tạm giữ

Việc xử lý tang vật, phương tiện hết thời hạn tạm giữ thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 70/2006/NĐ-CP và hướng dẫn sau:

1. Đối với tang vật, phương tiện đã hết thời hạn tạm giữ mà không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến giải quyết để nhận lại tang vật, phương tiện đó thì người có thẩm quyền tịch thu phải thông báo ngay ít nhất hai lần liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan người có thẩm quyền tịch thu. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai mà không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện đó theo quy định của pháp luật.

2. Đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ đã có quyết định tịch thu, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định, người ra quyết định tịch thu có trách nhiệm:

a) Chuyển quyết định tịch thu cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh nơi xảy ra hành vi vi phạm đối với trường hợp tang vật, phương tiện do người có thẩm quyền của các cơ quan trung ương ra quyết định tịch thu và trường hợp tang vật, phương tiện do người có thẩm quyền của các cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tịch thu để tổ chức bán đấu giá.

b) Làm công văn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá cấp huyện để bán đấu giá đối với các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của các cơ quan cấp huyện và cấp xã ra quyết định tịch thu, trong đó nêu rõ sự cần thiết phải thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản, những tang vật, phương tiện phải bán đấu giá tài sản, thời hạn bán đấu giá tài sản… Kèm theo công văn này là dự thảo Quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản.

3. Trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thực hiện theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 về bán đấu giá tài sản. Chi phí cho Hội đồng bán đấu giá tài sản thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 9. Xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu mà Trung tâm dịch vụ bán đấu giá không tiếp nhận theo quy định và những địa phương chưa có Trung tâm dịch vụ bán đấu giá

1. Trường hợp Trung tâm dịch vụ bán đấu giá không tiếp nhận tang vật, phương tiện bị tịch thu để tổ chức bán đấu giá theo quy định hoặc những địa phương chưa có Trung tâm dịch vụ bán đấu giá thì thủ trưởng cơ quan ra quyết định tịch thu làm công văn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều này ra quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản, trong đó nêu rõ sự cần thiết phải thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản, những tang vật, phương tiện phải bán đấu giá tài sản, thời hạn bán đấu giá tài sản… Kèm theo công văn này là dự thảo Quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra hành vi vi phạm quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá để tổ chức bán đấu giá đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan trung ương ra quyết định tịch thu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu đóng trụ sở quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá để tổ chức bán đấu giá đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tịch thu.

3. Thành phần Hội đồng bán đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 70/2006/NĐ-CP.

Điều 10. Thu, nộp, quản lý, sử dụng phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ

1. Tang vật, phương tiện bị tạm giữ do vi phạm hành chính nhưng chưa đến mức bị tịch thu được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng thì người nhận lại tang vật, phương tiện phải nộp phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian bị tạm giữ.

Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ nhưng sau đó được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng do cơ quan của người ra quyết định tạm giữ xác định người có tang vật, phương tiện bị tạm giữ không có lỗi trong hành vi vi phạm hành chính thì người nhận lại tang vật, phương tiện không phải nộp phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian bị tạm giữ. Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ sau đó bị tịch thu thì chi phí cho việc lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian tạm giữ được trừ vào tiền bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện (trong trường hợp tự tổ chức lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ) hoặc tổ chức chuyên doanh trông giữ tài sản được cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện giao lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện được thu phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

3. Mức phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ; việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 mục II Thông tư số 19/2007/TT-BTC ngày 13/3/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện hết thời hạn tạm giữ bị tịch thu theo thủ tục hành chính và thu, nộp, quản lý, sử dụng phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2010. Những quy định trước đây của Bộ Công an về quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính trong Công an nhân dân trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội chịu trách nhiệm giúp lãnh đạo Bộ Công an kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện Thông tư này.

2. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Vụ Pháp chế) để có hướng dẫn kịp thời./.