Hệ thống pháp luật

BAN THI ĐUA TRUNG ƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 403-TĐ

Hà Nội, ngày 11 tháng 03 năm 1967

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TỔNG KẾT SÁNG KIẾN VÀ KINH NGHIỆM, ĐẨY MẠNH TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG, HOÀN THÀNH THẮNG LỢI KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1967

Năm 1967 là năm sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ quyết liệt. Kế hoạch Nhà nước năm 1967 phải được hoàn thành thắng lợi trong bất kỳ tình huống nào để đảm bảo chiến thắng giặc Mỹ xâm lược và đời sống nhân dân. Vì vậy, Đảng và Chính phủ chủ trương tiến hành cuộc vận động quần chúng quyết tâm thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1967, động viên sức người, sức của đẩy mạnh sản xuất giành thắng lợi ngay từ tháng đầu, quý đầu năm.

Không ngừng tăng năng suất lao động là yếu tố cơ bản để phát triển sản xuất, hoàn thành thắng lợi nhà nước. Muốn tăng năng suất lao động, càn phải đẩy mạnh hợp lý, ra sức thực hành tiết kiệm. Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước đã chỉ rõ trong hoàn cảnh chiến tranh thực hiện việc tổ chức sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý giám sát với điều kiện thực tế, phù hợp với thời chiến, thì nhất định chúng ta không ngừng tăng năng suất lao động ở mọi nơi, mọi đơn vị, mọi ngành. Khi tăng năng suất lao động của ta còn tiềm tàng rất nhiều.

Trong cao trào thi đua chống Mỹ cứu nước hơn 2 năm qua, nhiều đơn vị và cá nhân đã có nhiều sáng kiến về tổ chức sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, thực hành tiết kiệm; bảo vệ sản xuất, bảo vệ tính mạng của người sản xuất có tác dụng rất tốt tới việc tăng năng suất lao động. Tiêu biểu là các đơn vị anh hùng, người anh hùng, tổ, đội phân xưởng lao động xã hội chủ nghĩa, đơn vị quyết thắng, hợp tác xã tiên tiến, tổ, đội, đơn vị tiên tiến, chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến.

Trong Chỉ thị số 31-TTg ngày 02/2/1967 về việc phát huy thắng lợi của Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trương các ngành, các cấp phải tiến hành việc tổng kết sáng kiến và kinh nghiệm tỏng 2 năm qua để đẩy mạnh việc tăng năng suất lao động theo cách làm của hội nghị ba điểm cao. Ban thi đua Trung ương ra thông tư này để hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện chủ trương đó của Thủ tướng Chính phủ.

Việc tổng kết sáng kiến và kinh nghiệm tiến hành dưới hình thức hội nghị ba điểm cao nhằm mục đích tăng năng suất lao động phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, nên có thể gọi là Hội nghị ba điểm cao chống Mỹ, cứu nước.

Thực tế phong phú đã cho thấy rõ tác dụng to lớn của việc mở hội nghị ba điểm cao. Đại hội ba điểm cao toàn miền Bắc đầu năm 1965 đã kết luận: “Hội nghị thi đua đạt ba điểm cao là hình thức đúc kết kinh nghiệm có tính chất quần chúng rộng rãi, kết hợp chặt chẽ công nhân với cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý dưới sự lãnh đạo của Đảng; là trường học giáo dục toàn diện về khoa học, kỹ thuật, có lãnh đạo và có tổ chức; là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự tiến bộ kỹ thuật, thực hiện từng bước cuộc cách mạng kỹ thuật, hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước”. Do đó, làm tốt Hội nghị ba điểm cao chống Mỹ, cứu nước nhất định có tác dụng rất lớn đối với việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1967.

YÊU CẦU CỦA HỘI NGHỊ BA ĐIỂM CAO CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

1. Phát huy thắng lợi của Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước, nêu cao tinh thần tiến công cách mạng đẩy mạnh tăng năng suất lao động, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1967.

2. Tiến hành tích cực, khẩn trương đúc kết sáng kiến, kinh nghiệm xong phải phổ biến và áp dụng ngay, xây dựng định mức và chỉ tiêu tiên tiến có tã dụng trực tiếp nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh sản xuất, công tác, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước.

3. Tổng kết sáng kiến và kinh nghiệm theo ngành, nghề, từng loại việc; có trọng tâm, trọng điểm, trước hết tập trung vào những khâu then chốt trong dây chuyền sản xuất, trong công tác có tác dụng quyết định đối với việc hoàn thành kế hoạch Nhà nước.

4. Vừa tiến hành ở đơn vị sản xuất, kinh doanh, vừa tiến hành ở các đơn vị, các cơ quan quản lý, nghiên cứu, hành chính.

5. Qua hội nghị, thực hiện một bước quyền làm chủ tập thể của quần chúng, thực hiện quần chúng tham gia xây dựng kế hoạch, tham gia quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật; gây tinh thần phấn khởi thi đua mọi người.

NỘI DUNG TỔNG KẾT SÁNG KIẾN VÀ KINH NGHIỆM

Tùy theo tính chất sản xuất, công tác của từng ngành mà tổng kết sáng kiến, kinh nghiệm cho thích hợp. Hết sức chú ý tổng kết sáng kiến, kinh nghiệm về mặt thực hành tiết kiệm và sáng kiến, kinh nghiệm trong hoàn cảnh vừa sản xuất, vừa chiến đấu.

Trong các ngành công nghiệp, thì tổng kết sáng kiến và kinh nghiệm hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý; trong ngành nông nghiệp thìtổng kết sáng kiến và kinh nghiệmtrong việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật liên hoàn, sử dụng và quản lý lao động,…Trong ngành giao thông vận tải thì trong việc sửa chữa và làm đường, cầu, phà, vận chuyển,…; trong ngành y tế thì tổng kết việc tổ chức phòng bệnh, chữa bệnh, chế biến dược liệu, thuốc v.v...;trong ngành giáo dục thì tổng kết việc cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập, xây dựng trường lớp, chế dộ tạo đồ dùng giảng dạy,…; trong các cơ quan quản lý, nghiên cứu, hành chính thì trong việc thực hiện ba cải tiến,v.v,…

Trong các lực lượng vũ trang, đối với các bộ môn hậu cần thì tổng két như các ngành sản xuất, đối với lực lượng chiến đấu thì có nội dung tổng kết riêng cho thích hợp.

Tiến hành tổng kết sáng kiến và kinh nghiệm trong việc bảo vệ sản xuất: sơ tán cơ sở sản xuất, bảo vệ thiết bị, máy móc, phương tiện vận chuyển, kho tàng, hàng hóa; trong việc bảo vệ tính mạng của người sản xuất; xây dựng hầm trú ẩn, đào hầm hào,…

Tổng kết sáng kiến và kinh nghiệm trong việc tổ chức đời sống trong thời chiến; phát triển trồng trọt, chăn nuôi, tổ chức ăn, ở, học tập,v.v…

CÁCH TIẾN HÀNH HỘI NGHỊ BA ĐIỂM CAO CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC.

Cách tiến hành đại thể như mở rộng hội nghị ba điểm cao; các ngành, các địa phương cần ôn lại kinh nghiệm mở rộng hội nghị ba điểm cao trước đây để tiến hành. Ở đây chỉ nêu những điểm quan trọng và một số điểm mới cần chú ý:

1. Hội nghị bắt đầu từ tổ, đội của đơn vị, theo phương châm vừa làm, vừa bàn, tranh thủ thời gian đẩy mạnh sản xuất, sau hội nghị tổ, đội đó mở hội nghị ở phân xưởng hoặc phòng ban. Sau mở hội nghị chuyên đề toàn đơn vị, lên đến hội nghị chuyên đề toàn ngành địa phương, hội nghị chuyên đề toàn ngành địa phương, hội nghị chuyên đề toàn ngành miền Bắc. Trước mắt, tập trung vào việc mở rộng hội nghị ở tổ, phân xưởng và đơn vị có tác dụng trực tiếp đối với việc đẩy mạnh sản xuất, công tác đơn vị. Nếu trong đơn vị có nhiều phân xưởng cùng tính chất sản xuất thì mới mở đại hội nghị chuyên đề toàn đơn vị, trường hợp các phân xưởng mà tính chất sản xuất khác nhau thì không cần mở hội nghị chuyên đề toàn chỉ có cuộc họp chung toàn đơn vị để báo cáo kết quả hội nghị của các phân xưởng, bàn việc áp dụng sáng kiến kinh nghiệm. Trong các đơn vị không có phân xưởng, như ở công trường, nông trường, cửa hàng,… thì mở hội nghị chuyên đề toàn đơn vị, không mở hội nghị phân xưởng.

2. Tiến hành hội nghị, phải làm thật tốt công tác giáo dục tư tưởng, làm cho mọi người thấu suốt ý nghĩa quan trọng của việc mở hội nghị, mụcđích và yêu cầucủa việctổng kết sáng kiến và kinh nghiệm, động viên mọi người phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nâng cao tinh thần trách nhiệm tích cực tham gia hội nghị.

Cần phải dựa vào lực lượng của các tổ, đội, phân xưởng lao động xã hội chủ nghĩa, tổ, đội phần xưởngtiên tiến, chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến, thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang, tích cực phát huy tác dụng của họ.

3. Dùng hình thức báo công và bình công, động viên mọi người phấn khởi báo cáo hết kết quả đạt được trong việc nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng, thực hành tiết kiệm (cả trên ba mặt hoặc một mặt) với mức cụ thể; trình bày hết sáng kiến, kinh nghiệm đã có. Trên cơ sở đó mà tặng danh hiệu ba điểm cao hoặc hai, hoặc một điểm cao cho cá nhân và tập thể. Cử những người và tập thể có thành tích xuất sắc nhất đi dự hội nghị ban điểm cao chống Mỹ, cứu nước cấp trên. Đây là tiêu chuẩn cơ bản để dựa vào đó mà bình bầu lao động tiên tiến,chiến sĩ thiđua,đơn vị tiên tiến,lao động xã hội chủ nghiã.

4. Sau khi tổng kết phải tích cực áp dụng ngay sáng kiến, kinh nghiệm vào sản xuất, công tác và tiến hành có chương trình, kế hoạch cụ thể. Nghiên cứu áp dụng sáng kiến, kinh nghiệm của các đơn vị anh hùng và người anh hùng trong cùng ngành nghề, có sự liên hệ so sánh; xây dựng định mức và tiêu chuẩn kinh tế , kỹ thuật tiên tiến. Trên cơ sở đó mà xây dựng chỉ tiêu năng suất lao động, chỉ tiêu sản lượng, khối lượng (với mức trung bình tiên tiến) cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đã có, bảo đảm thực hiện toàn diện và vượt kế hoạch Nhà nước. Định mức, chỉ tiêu này có thể gọi là định mức, chỉ tiêu chống Mỹ, cứu nước để động viên mọi người ra sức thi đua phấn đấu thực hiện, phục vụ đắc lực hơn sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Để hội nghị có tác dụng tích cực trực tiếp đối với việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch Nhà nước, tổ, đội sau khi tổng kết xong thì xây dựng ngayđịnh mức, tiêu chuẩn tiên tiến và xây dựng ngay chỉ tiêu kế hoạch của tổ đội với mức cao hơn trước; và mọi người cùng hạ quyết tâm thi đua phấn đấu thực hiện cho kỳ được. Phân xưởng tổng kết xong cũng làm ngay như vậy, xí nghiệp tổng kết xong cũng làm ngay như vậy.

Ngoài hội nghị ba điểm cao chống Mỹ, cứu nước có tính chất tổng kết sáng kiến, kinh nghiệm các đơn vị cơ sở có thể mở Đại hội những người và tập thể đạt ba điểm cao nhất chống Mỹ, cứu nước vào dịp tổng kết thi đua 6 tháng hoặc cả năm để động viên thi đua.

Hội nghị ba điểm cao chống Mỹ, cứu nước toàn ngành địa phương và toàn miền Bắc tổng kết sáng kiến, kinh nghiệm từng chuyên đề có tác dụng giúp cho cơ quan lãnh đạo ngành tổng kết toàn bộ sáng kiến và kinh nghiệm về từng chuyên đề trong toàn ngành.

5. Khi đã xây dựng định mức tăng năng suất, chỉ tiêu kế hoạch mới thì lấy đó làm mục tiêu phấn đấu mới để phục vụđắc lực hơn sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, còn định mức và chỉ tiêu cũ vẫn làm căn cứ để tính lương sản phẩm, tính tiền thưởng thìvẫn theo định mức và chỉ tiêu mà cấp trên đã giao đầu năm. Sau một thời gian nhất định, khi phần lớn các tổ viên, các tổ, đội, phân xưởng trong đơn vị cùng sản xuất sản phẩm đó đã đạt định mức và chỉ tiêu mới đó, và được mọi người, mọi đơn vị tự nguyện thì mới lấy đó làm căn cứ trả lương sản phảm và tính tiền lương sản phẩm và tính tiền thưởng. Để cho việc áp dụng sáng kiến và kinh nghiệm được nhanh chóng, sớm đạt được định mức và chỉ tiêu mới, phải tổ chức phổ biến và hướng dẫn tốt việc áp dụng, có thể mở các lớp huấn luyện áp dụng sáng kiến và kinh nghiệm.

6. Tổng kết, phổ biến, áp dụng sáng kiến và kinh nghiệm là việc làm thường xuyên trong sản xuất, công tác. Để tiến hành việc này với khí thế sôi nổi, có sự cổ vũ mạnh mẽ nên tiến hànhdưới hình thức hội nghị ba điểm cao chống Mỹ, cứu nước. Hội nghị tổ chức cần có biện pháp và hình thức động viên gây phấn khởi cho mọi người tham dự, nhưng phải ngắn gọn, bảo đảm thu đượchiệu quả thiết thực.

Ở các đơn vị cơ sở, sau khi cơ quan lãnh đạo nghiên cứu, chuẩn bị, phổ biến ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, cách làm cho cán bộ tổ, đội, có buổi họp phổ biến chung cho toàn đơn vị. Ở tổ, đội, phân xưởng, hội nghị tiến hành gọn trong hai hoặc ba, bốn buổi tùy theo tình hình sáng kiến, kinh nghiệm nhiều ít mà bố trí.

NHIỆM VỤ CỦA CÁC CẤP LÃNH ĐẠO VÀ CÁC CƠ QUAN NGHIỆP VỤ

Trong công tác chỉ đạo thực hiện kế hoạch Nhà nước, việc tổ chức tổng kết, phổ biến, áp dụng rộng rãi sáng kiến và kinh nghiệm nhằm tăng năng suất lao động, thực hiện vượt mức kế hoạch Nhà nước là một công tác rất trọng yếu. Cơ quan lãnh đạo các cấp, các đồng chí phụ trách các ngành, các đơn vị cần phải trực tiếp chỉ đạo thì mới bảo đảm hội nghị ba điểm cao chống Mỹ, cứu nước thu được kết quả tốt.

Các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất, nghiệp vụ có các đơn vị cơ sở theo hệ thống dọc, cần có kế hoạch tổ chức thực hiện hội nghị từ đơn vị cơ sở lên đến toàn ngành. Các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố hướng dẫn các ty, sở lập kế hoạch mở hội nghị từ đơn vị cơ sở thuộc mình quản lý lến đến hội nghị toàn ngành và lãnh đạo việc mở hội nghị ở các đơn vị do các ngành Trung ương quản lý. Để cho việc mở hội nghị ở các đơn vị cơ sở được khẩn trương, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố cần tranh thủ phổ biến ngay cho các đơn vị do địa phương quản lý và cả các đơn vị do các ngành Trung ương quản lý.

Việc tổng kết sáng kiến và kinh nghiệm có liên quan rất nhiều đến cơ quan kỹ thuật, lao động, vật tư, tài vụ, kế hoạch,v.v… có nhiều vấn đề nảy ra trong quá trình tiến hành hội nghị cơ sở cần được các bộ môn nghiệp vụ giải quyết chu đáo và kịp thời. Vì vậy, các Bộ, Tổng cục, sở, ty, giám đốc đơn vị cần phải huy động các bộ môn nghiệp vụ tích cực tham gia việc chuẩn bị và tiến hành hội nghị và phát huy thắng lợi của hội nghị các cấp, tích cực giúp đỡ đơn vị cơ sở các phương tiện cần thiết. Để tăng thêm lực lượng tổng kết sáng kiến, kinh nghiệm, các đơn vị, các ngành cần tranh thủ sự hợp tác của cán bộ khoa học kỹ thuật của các đơn vị, các ngành liên quan. Tiến hành việc tổng kết sáng kiến và kinh nghiệm ba cải tiến trong các cơ quan quản lý, nghiên cứu, hành chính là một biện pháp rất quan trọng để đẩy mạnh thi đua trong các cơ quan này phục vụ tốt hội nghị cơ sở, thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước.

Ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước cần tăng cường công tác sáng kiến, kịp thời xác minh những sáng kiến mà các ngành, các địa phương yêu cầu, kiểm tra giúp đỡ công tác xác minh, phổ hiến và áp dụng sáng kiến của ngành, các địa phương; tích cực đôn đốc thực hiện Thông tư số 567-KHKT/SKFM ngày 09-07-1966 của Ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật cần có kế hoạch theo dõi việc mở rộng hội nghị của các ngành, các địa phương, tích cực huy động lực lượng của các hội chuyên môn tham gia vào việc mở rộng hội nghị các cấp, đẩy mạnh việc phổ biến, áp dụng sáng kiến và kinh nghiệm thu được kết quả thiết thực.

Tổ chức công đoàn, Đoàn thanh niên lao động và Hội liên hiệp phụ nữ, cần có kế hoạch cụ thể vận động quần chúng tích cực tham gia vào việc mở rộng hội nghị, hết sức chú trọng việc áp dụng và kinh nghiệm vào sản xuất, công tác, tăng nhanh năng suất lao động thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước.

Nhận được thông tư này, yêu cầu các ngành, các địa phương nghiên cứu ngay và tích cực tổ chức thực hiện ngay ở các đơn vị cơ sởvà các cơ quan trong ngành, trong địa phương. Việc tổng kết sáng kiến và kinh nghiệm là một công tác quan trọng trong cuộc vận động quần chúng quyết tâm thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1967, nó không phải là công tác đột xuất mà là công tác thường xuyên nay cần được đẩy mạnh. Cầu kết hợp ngay với cuộc vận động thực hiện kế hoạch Nhà nước đang tiến hành ở cơ sở. Thực hiện tốt công tác này nhất định sẽ thúc đẩy cuộc vận động tiến tới mạnh mẽ, thu được hiệuquả thiết thực trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước 6 tháng đầu năm và cả năm 1967.

Thời gian hoàn thành việc mở rộng hội nghị của tổ, đội, phân xưởng là cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 năm 1967; mở rộng hội nghị toàn đơn vị cơ sở nói chung là cuối tháng 4 năm 1967; mở hội nghị ngành địa phương và ngành toàn miền Bắc trong quý II năm 1967 hoặc quý III năm 1967.

Cuối tháng 4 các ngành, các địa phương báo cáo cho Ban thi đua Trung ương kết quả thực hiện.

TM. BAN THI ĐUA TRUNG ƯƠNG
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Văn Tạo

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 403-TĐ-1967 về việc tổng kết sáng kiến và kinh nghiệm, đẩy mạnh tăng năng suất lao động, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1967 do Ban thi đua Trung Ương ban hành

  • Số hiệu: 403-TĐ
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/03/1967
  • Nơi ban hành: Ban Thi đua Trung ương
  • Người ký: Nguyễn Văn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 26/03/1967
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản