BỘ LƯƠNG THỰC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 40-LTTP/LTNT | Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 1970 |
BỘ TRƯỞNG BỘ LƯƠNG THỰC VÀ THỰC PHẨM
Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết số 84-CP ngày 24-4-1970 về chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực và phân phối lương thực trong hợp tác xã nông nghiệp.
Nghị quyết đã nhận định tình hình thực hiện chính sách lương thực trong những năm qua và đã đề ra phương hướng nhiệm vụ giải quyết vấn đề lương thực trong những năm tới. Nghị quyết đã vạch ra những quan điểm cơ bản, những chính sách biện pháp cụ thể nhằm mục đích đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, đề cao tự lực cánh sinh giải quyết vấn đề lương thực, khuyến khích mọi người hăng hái tham gia lao động, tăng cường quản lý của Nhà nước trong việc phân phối lương thực toàn xã hội, củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước với nông dân trên cơ sở công bằng hợp lý, củng cố khối công nông liên minh. Mục đích lớn nhất, có tính chất bao trùm nhất là bằng mọi cách phục vụ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, trọng tâm là sản xuất lương thực và thực phẩm. Nội dung chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực và phân phối lương thực trong nội bộ hợp tác xã nông nghiệp đã thể hiện tinh thần nói trên. Những biện pháp chỉ đạo cụ thể đều phải nhằm thực hiện yêu cầu sản xuất phát triển, trên cơ sở đó, việc lưu thông phân phối lương thực mới có điều kiện làm tốt hơn, mới phục vụ tốt cho chiến đấu, sản xuất và đời sống của nhân dân, mới góp phần đắc lực vào công cuộc chống Mỹ cứu nước của toàn dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Thực hiện chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực kỳ này tuy có một số khó khăn trước mắt như sau mấy vụ mùa màng bị thất bát, cán bộ xã viên, nông dân lo ngại việc thực hiện mức nghĩa vụ trong các năm đầu. cán bộ nhất là cán bộ xã lo lắng, làm sao lãnh đạo sản xuất nông nghiệp tốt lại phải tham gia lao động tích cực, sửa đổi được tác phong chỉ đạo cũ, xã viên lo lắng phấn đấu để có lề lối mới trong cách làm ăn. Nhưng có thuận lợi cơ bản là chính sách rất phù hợp với nguyện vọng đông đảo xã viên, nông dân, Trung ương Đảng và Chính phủ rất quan tâm lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, coi đây là một nhiệm vụ trung tâm của lãnh đạo sản xuất và phát triển nền kinh tế quốc dân. Nhà nước đã và đang tăng cường thủy lợi, giống, thiết bị, kỹ thuật và các loại vật tư khác cho sản xuất nông nghiệp. Nhờ sự giúp đỡ to lớn của Nhà nước cộng với tinh thần lao động cần cù của xã viên, nông dân, sản xuất lương thực sẽ có nhiều điều kiện phát triển vững chắc.
I. CHÍNH SÁCH ỔN ĐỊNH NGHĨA VỤ LƯƠNG THỰC
Từ năm 1970 trở đi, Nhà nước ổn định mức định nghĩa vụ lương thực (bằng thóc, ngô) dưới hình thức thu thuế nông nghiệp và thu mua cho hợp tác xã nông nghiệp và hộ nông dân cá thể. Phí thủy lợi và các khoản lệ phí khác từ nay sẽ thu bằng tiền. Mức nghĩa vụ này được ổn định trong 5 năm từ 1970 đến 1974. Mức ổn định nghĩa vụ giao số lượng tuyệt đối cho cả năm có định mức tạm thu trong vụ chiêm, giữa hai vụ trong một năm có thể cho phép bù trừ để bảo đảm cho nông dân có được mức lương thực còn lại cần thiết và để bảo đảm thực hiện được mức nghĩa vụ ổn định cả năm. Trong thời gian đó, mức nghĩa vụ đã ổn định không thay đổi, trừ trường hợp được Nhà nước xét điều chỉnh hoặc giảm. Năm nào cũng như năm nào, hợp tác xã và nông dân cũng chỉ phải làm một mức nhất định, mức đã được Nhà nước giao. Gặp vụ được mùa, Nhà nước cũng không giao thêm mức nghĩa vụ; nếu mùa màng bị sút kém, hợp tác xã và nông dân cần tiết kiệm tiêu dùng để hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước. Sau khi hợp tác xã và nông dân đã hoàn thành nghĩa vụ lương thực, các hộ xã viên, nông dân có toàn quyền sử dựng số lương thực thừa của mình để phát triển chăn nuôi, để dự trữ, hoặc để bán ngoài nghĩa vụ cho Nhà nước hay bán cho những hộ thiếu lương thực.
1. Định mức ổn định nghĩa vụ lương thực cho hợp tác xã nông nghiệp và hộ nông dân cá thể
Việc định mức ổn định nghĩa vụ lương thực cho hợp tác xã và hộ nông dân có ý nghĩa rất quan trọng. Làm tốt vấn đề này sẽ khuyến khích hợp tác xã nông dân phấn khởi đẩy mạnh sản xuất. Muốn vậy, trước hết là phải làm tốt công tác tư tưởng, động viên chính trị cán bộ, xã viên, nông dân; làm cho họ thông suốt chính sách của Đảng và Chính phủ, và thấy rõ một mặt Nhà nước tạo điều kiện mọi mặt giúp hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất phát triển, mặt khác Nhà nước lại ổn định mức đóng góp lương thực của hợp tác xã trong suốt 5 năm. Từ đó, làm cho cán bộ, xã viên thấy con đường đi lên của nền sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc nước ta, thế đi lên của các hợp tác xã nông nghiệp, mà tin tưởng phấn khởi, hăng hái, ra sức sản xuất, không những hoàn thành tốt mức ổn định nghĩa vụ lương thực Nhà nước đã giao mà còn nâng cao từng bước đời sống của mình. Khi định mức ổn định nghĩa vụ, việc xem xét các số liệu lịch sử, vận dụng các căn cứ là cần thiết, nhưng đồng thời phải cùng với cán bộ, xã viên tính toán, bàn bạc đề ra kế hoạch sản xuất, các chỉ tiêu sản xuất, những biện pháp thực hiện của hợp tác xã, để xã viên tin tưởng, phấn khởi phát triển sản xuất, không nên chỉ chú trọng đến việc tính toán nghiệp vụ đơn thuần.
a) Vận dụng các căn cứ để tính toán mức ổn định nghĩa vụ lương thực (đối với thóc, ngô) và phương pháp giao mức cho hợp tác xã nông nghiệp và hộ nông dân cá thể.
Về căn cứ để tính toán mức ổn định thóc và ngô (khoai sắn sẽ nói ở phần sau) cho các hợp tác xã và nông dân cá thể kỳ này, nghị quyết của Hội đồng Chính phủ đã quy định là:
Dựa vào kết quả huy động bình quân 3 năm (năm cao nhất, năm bình thường, năm sút kém) tính trong những năm từ 1963 đến 1969, đồng thời dựa vào tình hình thực tế sản xuất và đời sống hiện nay, nhìn khả năng mấy năm tới và tham khảo mức ổn định nghĩa vụ mà Nhà nước đã giao năm 1963.
Khi tính căn cứ giao mức, cần xem xét kết quả thực tế huy động (bao gồm thuế nông nghiệp phí thủy lợi, mua trong nghĩa vụ, mua ngoài nghĩa vụ) của từng hợp tác xã để tính toán mức bình quân. Nếu kết quả huy động của mỗi hợp tác xã một khác thì không thể lấy đồng loạt 3 năm nhất định tính chung cho các hợp tác xã trong huyện, vì có thể năm 1965 là năm huy động cao nhất, 1964 là năm huy động bình thường, 1969 là năm huy động sút kém của hợp tác xã A,nhưng năm huy động cao nhất, năm bình thường, năm sút kém của hợp tác xã B lại là những năm khác. Để tính mức bình quân 3 năm được hợp lý cần xem xét kết quả huy động từ 1963 đến 1969, xếp sắp thứ tự từ năm huy động cao nhất đến năm huy động thấp nhất, năm cao nhất xếp thứ nhất, năm kết quả huy độngthấp nhất xếp thứ bảy, chọn năm kết quả huy động cao nhất, năm bình thường nên lấy năm huy động thứ ba, nếu trường hợp dưới năm huy động cao nhất có 2 năm huy động bằng nhay thì có thể lấy 1 trong 2 năm đó là năm huy động bình thường, năm sút kém nên chọn năm thứ sáu, năm kể trên năm huy động thấp nhất, làm những năm tiêu biểu.
Khi xem xét kết quả huy động bình quân 3 năm tiêu biểu làm căn cứ, đồng thời phải xem xét tình hình sản xuất, đời sống hiện nay và triển vọng những năm tới để định mức ổn định nghĩa vụ. Nếu mức bình quân 3 năm phù hợp với tình hình sản xuất và đời sống hiện nay và những năm tới thì lấy kết quả 3 năm bình quân để định mức ổn định nghĩa vụ. Nếu sản xuất hiện nay và triển vọng mấy năm tới có điều kiện phát triển, mà giữ mức bình quân 3 năm, đời sống của xã viên cao hơn so với những hợp tác xã có kết quả sản xuất và huy động tương đương với hợp tác xã đó, thì cần điều chỉnh mức lên cho phù hợp. Ngược lại, nếu xem xét kết quả sản xuất hiện nay và triển vọng những năm tới mà dựa vào mức bình quân 3 năm tiêu biểu để định mức ổn định nghĩa vụ, mức ăn của xã viên nông dân quá thấp thì trước hết phải xem xét khả năng mọi mặt của hợp tác xã đó, tìm nguyên nhân sản xuất mấy năm gần đây sụt kém, đề ra phương hướng sản xuất những năm tới và bàn bạc kế hoạch thực hiện, nhằm đẩy sản xuất lương thực của hợp tác xã phát triển. Trong trường hợp này, tuy đời sống của xã viên nông dân trước mắt có khó khăn, nhưng nay lại có sự giúp đỡ của Nhà nước cùng với sự cố gắng của xã viên, sản xuất có thể đẩy lên được thì cũng không cần điều chỉnh mức xuống, mà cần làm cho xã viên thấy rõ khó khăn về lương thực của Nhà nước trong công cuộc chống Mỹ cứu nước hiện nay, đồng thời thấy rõ khả năng đã có của hợp tác xã, để xã viên tin tưởng, tự nguyện nhận mức, cố gắng vươn lên đẩy mạnh sản xuất, vừa bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước, vừa bảo đảm đời sống của xã viên mình.
Đối với một số ít hợp tác xã, mặc dù đã có sự giúp đỡ mọi mặt của huyện, khả năng chủ quan hợp tác xã cũng không thể đẩy sản xuất lên được, nếu dựa vào mức bình quân 3 năm tiêu biển định mức ổn định nghĩa vụ, không bảo đảm mức ăn tối thiểu cần thiết của xã viên, nông dân thì cần cân nhắc kỹ các mặt, điều chỉnh mức xuống đôi chút cho phù hợp với khả năng của hợp tác xã. Mức này phải có tách dụng thúc đẩy hợp tác xã cố gắng phát triển sản xuất.
Khi định mức ổn định nghĩa vụ cho hợp tác xã, cần chú ý những trường hợp sau đây:
- Đối với hợp tác xã vừa có nghĩa vụ lương thực vừa có sản phẩm cây công nghiệp bán cho Nhà nước, cần xem xét các mặt để giao mức ổn định nghĩa vụ lương thực cho hợp tác xã trên tinh thần vừa khuyến khích sản xuất lương thực vừa khuyến khích sản xuất cây công nghiệp.
- Đối với những hợp tác xã từ trước đến nay thiếu ăn chưa làm nghĩa vụ lương thực thì nay phải đề cao tinh thần tự lực cánh sinh, cố gắng đẩy mạnh sản xuất phát triển để không những đủ ăn mà còn vươn lên làm nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước. Khi đó, Nhà nước sẽ giao mức ổn định nghĩa vụ đến năm 1974.
- Riêng đối với khu vực Vĩnh-linh, tình hình sản xuất hiện nay chưa được ổn định, nên căn cứ vào tình hình sản xuất và đời sống của xã viên nông dân mà giao mức nghĩa vụ, từng vụ. Trong những năm tới, khi sản xuất được ổn định, có thể ổn định mức nghĩa vụ lương thực cho các hợp tác xã đến năm 1974.
- Đối với miền núi sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể của Bộ Lương thực và thực phẩm và Ủy ban Dân tộc.
b) Phương pháp giao mức ổn định nghĩa vụ lương thực cho hợp tác xã nông nghiệp và hộ nông dân cá thể
Với ý nghĩa quan trọng của việc giao mức ổn định nghĩa vụ lương thực cho hợp tác xã nông nghiệp và nông dân cá thể đã nói ở phần trên, nên phương pháp giao mức phải theo đường lối quần chúng, trên cơ sở quần chúng đã được giáo dục, thông suốt chính sách. Các tỉnh, thành cần bàn bạc dân chủ mức nghĩa vụ với huyện, huyện thực sự bàn bạc với cấp ủy xã, hợp tác xã, xã viên nông dân về mức ổn định, để trên dưới nhất trí. Trên cơ sở mỗi người thấy hết những yêu cầu và trách nhiệm của mình đối với công cuộc chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho xã viên nông dân đồng tình phấn khởi sản xuất và hăng hái làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước. Tránh những hiện tượng mệnh lệnh gò ép. Muốn việc giao mức được tốt, trước khi giao mức cho hợp tác xã, một mặt huyện cần tổ chức nắm tình hình một số hợp tác xã về diện tích, năng suất cây trồng, khả năng vật chất và lao động, đời sống của xã viên nông dân hiện nay và triển vọng những năm tới sắp tới để có tài liệu cụ thể và kinh nghiệm khi bàn bạc, trao đổi với ban quản trị hợp tác xã, mặt khác, cùng ban quản trị vạch ra kế hoạch sản xuất và phương án phân phối những năm tới, làm cho cán bộ, xã viên thấy được khả năng của mình mà tin tưởng, phấn khởi ra sức sản xuất.
Huyện dựa vào mức kiểm tra của tỉnh, vào các căn cứ đã đề ra và căn cứ đã đề ra và cân nhắc các mặt, giao mức kiểm tra cho từng hợp tác xã. Tuy mới là mức kiểm tra, cũng cần tính toán tương đối sát và bàn bạc trong tập thể huyện ủy, Ủy ban, với cấp xã (đối với hợp tác xã trong xã đó).
- Sau khi nhận mức kiểm tra của huyện, chi ủy, ban quản trị hợp tác xã cân nhắc, bàn bạc xác định mức cho hợp tác xã mình, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ủy ban hành chính xã. Khi đã cơ bản nhất trí trong lãnh đạo và với cấp trên, ban quản trị (có sự lãnh đạo của chi ủy) đưa ra bàn bạc với đội trưởng, đội phó sản xuất để việc định mức bảo đảm một bước vững chắc. Sau đó, sẽ đưa ra đại hội xã viên thảo luận, làm cho xã viên thấy rõ mọi khả năng phát triển sản xuất của hợp tác xã do chủ quan có cố gắng và sự giúp đỡ của Nhà nước, tham gia xây dựng mức ổn định nghĩa vụ của hợp tác xã mình, phát động quần chúng phấn khởi ra sức sản xuất. Trên cơ sở bàn bạc dân chủ tập thể với xã viên, ban quản trị lên nhận mức với huyện.
- Huyện cần căn cứ vào ý kiến của ban quản trị, của xã viên, xem xét tương quan hợp lý về mức nghĩa vụ của các hợp tác xã trong huyện, định mức cho từng hợp tác xã, rồi báo cáo lên tỉnh, thành xét duyệt.
Trong thời gian tổ chức học tập chính sách cho cán bộ, xã viên, bàn bạc dân chủ xây dựng mức, tỉnh, huyện cần phân công cấp ủy viên, cán bộ có năng lực xuống huớng dẫn giúp đỡ hợp tác xã, nhất là những hợp tác xã làm nhiều nghĩa vụ và sản xuất hiện nay có nhiều khó khăn và trực tiếp nghe ý kiến quần chúng để việc chỉ đạo giao mức được sát.
- Việc giao mức ổn định nghĩa vụ lương thực cho các hộ nông dân cá thể cần được chú ý. Giao mức cho nhữnghộ này được đúng mức, không những tạo điều kiện cho Nhà nước nắm thêm lực lượng, giúp cho việc quản lý thị trường lương thực được chặt chẽ mà còn có tác dụng động viên họ hăng hái sản xuất. Năm 1963, nhiều nơi buông lỏng việc giao mức ổn định nghĩa vụ cho các hộ nông dân cá thể và thiếu đấu tranh giáo dục họ nghiêm chỉnh thực hiện nên đã phần nào ảnh hưởng đến việc củng cố hợp tác xã và quản lý thị trường lương thực.
Về phương pháp giao mức cho hộ nông dân cá thể thì huyện giao cho Ủy ban hành chính xã nghiên cứu tình hình sản xuất, huy động và đời sống của từng hộ nông dân cá thể trong mấy năm qua, tính toán dự kiến mức cho từng hộ. Sau khi đã bàn bạc với từng hộ, Ủy ban hành chính xã (tham khảo ý kiến của hợp tác xã cân nhắc định mức rồi báo cáo lên Ủy ban hành chính huyện xét duyệt).
Trong quá trình thực hiện mức ổn định, cần giáo dục giúp đỡ hộ nông dân cá thể ra sức sản xuất, hoàn thành nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước. Đối với những người đã qua giáo dục nhiều lần vẫn dây dưa, thì đề nghị huyện xử lý thích đáng.
c) Điều chỉnh và giảm mức ổn định nghĩa vụ lương thực
Mức ổn định nghĩa vụ lương thực Nhà nước giao cho hợp tác xã và hộ nông dân là mức cả năm, có định mức tạm thu vụ chiêm, hợp tác xã và nông dân có nhiệm vụ hoàn thành mức đó, coi đấy là chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước. Trừ những hợp sau đây mới được xét điều chỉnh hoặc giảm mức ổn định nghĩa vụ lương thực.
Điều chỉnh mức nghĩa vụ:
Trường hợp quy mô hợp tác xã thay đổi lớn, nếu giữ mức ổn định nghĩa vụ sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống của xã viên thì được xét điều chỉnh mức nghĩa vụ như: diện tích sản xuất lương thực của hợp tác xã do Nhà nước lấy để xây dựng cơ bản, hoặc do chuyển sang trồng cây khác theo kế hoạch Nhà nước v .v… Khi xét điều chỉnh mức nghĩa vụ của hợp tác xã, không căn cứ vào sản lượng lương thực trên diện tích đã trích ra trừ vào mức nghĩa vụ, mà cần cân nhắc cả hai mặt: diện tích bị thu hẹp, diện tích, năng suất, sản lượng lương thực còn lại và đời sống của xã viên mà điều chỉnh mức nghĩa vụ cho hợp lý. Trường hợp diện tích trồng lương thực của hợp tác xã trích ra không đáng kể, không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của xã viên, nông dân hoặc diện tích trồng lương thực của hợp tác xã trích ra làm những công trình phục vụ sản xuất và đời sống của xã, hợp tác xã, xã viên thì không xét điều chỉnh mức nghĩa vụ đã ổn định.
Giảm mức nghĩa vụ:
Việc giảm mức nghĩa vụ xét cả năm không xét riêng từng vụ như trước. Nếu vụ chiêm bị mất mùa nặng mà giữ nguyên mức tạm thu, đời sống xã viên nông dân có nhiều khó khăn thì Nhà nước có thể cho hợp tác xã và nông dân tạm hoãn một phần đến vụ mùa. Vụ mùa, hợp tác xã phải phấn đấu đẩy mạnh sản xuất, để hoàn thành mức nghĩa vụ cả năm.
Nếu vụ mùa lại bị thất bát nặng, mà giữ mức cả năm thì không bảo đảm mức sống tối thiểu cần thiết cho xã viên nông dân, Nhà nước sẽ xem xét giảm mức nghĩa vụ cả năm. Trong trường hợp này phải nắm tình hình thật cụ thể, nắm chắc mức độ bị thất bát của từng hợp tác xã cho sát với thực tế, khả năng các mặt của hợp tác xã, của xã viên như: lương thực còn lại, sản xuất rau, màu, dự trữ lương thực còn lại, sản xuất rau, màu, dự trữ lương thực của hợp tác xã, của xã viên.
Gặp vụ chiêm được mùa, hợp tác xã có thể làm nghĩa vụ trước cho vụ mùa.
2. Vấn đề hoa màu (khoai, sắn)
Sản xuất hoa màu có vị trí rất quan trọng trong vấn đề lương thực. Ở miền Bắc nước ta, muốn tiến lên tự lực giải quyết vấn đề lương thực một cách vững chắc, phải hết sức coi trọng việc phát triển sản xuất hoa màu. Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ kỳ này đề ra những chính sách và biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích phát triển sản xuất màu hơn nữa.
Cần giao mức ổn định nghĩa vụ khoai, sắn cho các hợp tác xã và nông dân cá thể ở vùng đại đồng màu mà trước đâu chưa có nghĩa vị lương thực. Đối với những hợp tác xã này, huyện cần xem xét kết quả sản xuất và đời sống xã viên trong những năm được mùa màu, năm bình thường và năm sút kém mà dự kiến mức nghĩa vụ màu hợp lý đưa về hợp tác xã, xã viên bàn bạc dân chủ đối với hợp tác xã có nghĩa vụ thóc, ngô. Số màu trong nghĩa vụ ổn định trước hết tính vào chỉ tiêu thuế nông nghiệp mà trước đây hợp tác xã và hộ nông dân cá thể nộp bằng tiền, số còn lại là mức bán trong nghĩa vụ. Màu làm nghĩa vụ cho Nhà nước là màu đã được chế biến ra khô.
Đối với hợp tác xã trước đây sản xuất lúa lại trồng nhiều màu, chỉ mới làm nghĩa vụ thóc, nay giao mức ổn định nghĩa vụ một phần thóc, một phần màu.
Để phục vụ tốt cho sản xuất hoa màu, cần tập trung sức giải quyết tốt khâu đào dỡ, chế biến và vận chuyển hoa màu. Ở các vùng sản xuất màu tập trung, Ủy ban hành chính các cấp cần chỉ đạo tổ chức việc sản xuất và thu hoạch màu ngang như lúa và phải hết sức coi trọng việc chế biến màu.
Việc sơ chế màu từ tươi ra khô chủ yếu là do các hợp tác xã nông nghiệp và xã viên, nông dân đảm nhiệm. Các sở, ty lương thực cần đề cao trách nhiệm của mình cùng với ty công nghiệp hướng dẫn, giúp đỡ hợp tác xã về kỹ thuật chế biến, phơi sấy, bảo quản, đồng thời có kế hoạch với các ngành có liên quan nhất là nhà máy cơ khí của tỉnh, thành sản xuất các thiết bị công cụ chế biến đơn giản, rẻ tiền bán cho các hộ xã viên nông dân.
Trong thời vụ trồng cũng như thu hoạch rộ đề nghị Ủy ban hành chính các cấp vận động học sinh, bộ đội, cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước xuống giúp đỡ hợp tác xã gieo trồng, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ màu kịp thời nhất là khi dỡ khoai lang gặp mưa kéo dài gây ra úng lụt. Riêng đối với vùng sản xuất nhiều màu, như khu 4 cũ và miền núi các sở, ty lương thực cần tổ chức xí nghiệp chế biến màu ra các sản phẩm lương thực, thực phẩm tiêu dùng thay gạo hoặc sơ chế màu tươi vào những năm được mùa màu và hợp tác xã chế biến không kịp.
3. Việc mua lương thực ngoài nghĩa vụ
Sau khi ổn định nghĩa vụ lương thực, việc mua lương thực ngoài nghĩa vụ là hết sức cần thiết chẳng những để góp phần bảo đảm cân đối lương thực của Nhà nước và của địa phương, góp phần vào việc quản lý thị trường tự do về lương thực, mà còn đáp ứng yêu cầu của những hộ thừa lương thực cần bán và cần mua hàng công nghiệp, kích thức xã viên, nông dân phấn khởi ra sức phát triển sản xuất, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành, các sở, ty lương thực cần coi đây là một công tác rất quan trọng, chỉ đạo công tác này đạt kết quả tốt, bảo đảm tăng cường lực lượng cho Nhà nước.
Nhà nước mua lương thực ngoài nghĩa vụ trực tiếp của hộ thừa là sự mua bán giữa Nhà nước và nông dân trên tinh thần thuận mua vừa bán và theo phương thức trao đổi hàng công nghiệp. Tránh ép buộc, mệnh lệnh, nhưng không buông lơi việc mua ngoài nghĩa vụ; giá mua lương thực theo giá mua trong nghĩa vụ, giá bán hàng công nghiệp trao đổi theo giá chỉ đạo. Trên tinh thần phục vụ sản xuất, sở, ty lương thực phải cử cán bộ đi sát các hợp tác xã, theo dõi tình hình ngay từ khi gieo cấy để một mặt giúp Ủy ban hành chính, các hợp tác xã trong việc sản xuất, mặt khác để có hướng giúp Ủy ban hành chính tỉnh, huyện nắm vững tình hình, có biện pháp thích hợp để mua ngoài nghĩa vụ.
Sắp đến vụ thu hoạch, cán bộ lương thực dựa vào ban quản trị hợp tác xã biết được khái quát phương án dự kiến ăn chia của hợp tác xã, nắm được các hộ thừa lương thực để đặt kế hoạch ký hợp đồng với các hộ này mua lương thực ngoài vụ và bán hàng công nghiệp. Tùy theo yêu cầu của từng bộ, các hộ thừa có thể ký hợp đồng với cán bộ lương thực, bán lương thực ngoài nghĩa vụ và mua hàng công nghiệp, hoặc không ký hợp đồng mà khi nào cần mau hàng công nghiệp thì bán.
Ngoài hình thức mua trên đây, các sở, ty lương thực cần nhờ cửa hàng hợp tác xã mua bán xã mua lương thực ngoài nghĩa vụ cho Nhà nước trong phạm vi xã mình, cho hưởng một tỷ lệ hoa hồng nhất định (Bộ sẽ quy định cụ thể). Cần có chế độ sổ sách ghi chép rành mạch, tránh tham ô, lợi dụng. Các phòng lương thực huyện, cửa hàng lương thựccần thường xuyên giúp đỡ, kiểm tra và tạo điều kiện tốt như cân, bao bì, nghiệp vụ thu mua v .v… giúp cửa hàng hợp tác xã mua bán thực hiện nhiệm vụ đó. Xã viên, nông dân bán lương thực ngoài nghĩa vụ cho Nhà nước qua cửa hàng hợp tác xã mua bán xã cũng được hưởng mua hàng công nghiệp theo chế độ, nguyên tắc chung như bán trực tiếp cho cửa hàng lương thực.
Về hàng công nghiệp bán trao đổi mua lương thực ngoài nghĩa vụ, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội thương dành một số hàng thích hợp với nông dân để làm quỹ hàng hóa bán trao đổi. Sau mỗi vụ, các tỉnh, thành phố sẽ thanh toán với trung ương số lương thực mua ngoài nghĩa vụ với số hàng công nghiệp bán trao đổi nhận của trung ương.
Về phương thức bán trao đổi hàng công nghiệp trong việc mua lương thực ngoài nghĩa vụ, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội thương dành một số hàng thích hợp với nông dân để làm quỹ hàng hóa bán trao đổi. Sau mỗi vụ, các tỉnh, thành phố sẽ thanh toán với trung ương số lương thực mua ngoài nghĩa vụ với số hàng công nghiệp bán trao đổi nhận của trung ương.
Về phương thức bán trao đổi hàng công nghiệp trong việc mua lương thực ngoài nghĩa vụ, cần bàn bạc kỹ giữa ngành lương thực, thực phẩm và thương nghiệp ở trung ương cũng như ở địa phương. Bộ Lương thực và thực phẩm và Bộ Nội thương sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể.
4. Giá mua lương thực trong nghĩa vụ
Để khuyến khích sản xuất lương thực và để điều hòa giữa các vùng, giữa các hợp tác xã, Hội đồng Chính phủ đã quy định:
a) Giá mua lương thực trong nghĩa vụ:
- Thóc từ 0,27đ lên 0,30đ/1kg.
- Ngô từ 0,30đ lên 0,33đ/1kg
b) Nâng giá mua các loại thóc đặc sản và các loại hoa màu chế biến bán trong nghĩa vụ như sau:
- Thóc nếp cái, dự hương nâng từ 0,34đ lên 0,52đ/1kg.
- Thóc tám thơm nâng từ 0,36đ lên 0,54đ/1kg
- Khoai lang lát khô nâng từ 0,31đ lên 0,34đ/1kg
- Sắn lát khô (đã bóc vỏ dày) nâng từ 0,35đ lên 0,38đ/1kg
c) Nâng giá lương thực bán trong nghĩa vụ cho các vùng sản xuất có nhiều khó khăn (liên khu 4 và đồng chiêm trũng) như sau:
- Thóc ở vùng từ Nghệ-an trở vào nâng từ 0,28đ lên 0,32đ/1kg
- Khoai lang lát khô tại liên khu 4 cũ nâng từ 0,32đ lên 0,35đ/1kg
- Sắn lát khô (đã bóc vỏ dày) tại liên khu 4 cũ nâng từ 0,36đ lên 0,39đ/1kg
- Thóc ở vùng chiêm vũng đang trên quá trình cải tạo, đồng ruộng chưa kiến thiết xong, sản xuất thường xuyên còn gặp khó khăn nâng từ 0,28 lên 0,32đ/1kg (riêng từ Nghệ-an trở vào nâng lên 0,34đ/1kg).
Việc nâng giá nói trên được áp dụng từ vụ chiêm năm 1970.
Vùng đồng chiêm trũng được hưởng giá nói trên là những vùng chiêm trũng nay chưa được cải tạo, hay trong quá trình cải tạo, việc kiến thiết đồng ruộng chưa xong, hiện nay vẫn chỉ cấy được một vụ chiêm hoặc đã cấy được 2 vụ, nhưng sản xuất còn bấp bênh, hợp tác xã phải bỏ nhiều công sức vào sản xuất, giá thành sản xuất cao hơn các vùng khác. Những vùng chiêm trũng chỉ cấy một vụ (hai bát úp một) hoặc đã được cải tạo thành 2 vụ ăn chắc, điều kiện sản xuất và giá thành sản xuất tương đương như vùng 2 vụ lúa khác thì không được hưởng giá đồng chiêm trũng.
Ủy ban hành chính các tỉnh có vùng đồng chiêm trũng cần căn cứ vào những điều kiện nói trên, quy định những hợp tác xã trong vùng đồng chiêm trũng, báo cáo lên Bộ Lương thực và thực phẩm xét duyệt kèm theo diện tích, mức thuế nông nghiệp và mức thu mua trong nghĩa vụ của từng hợp tác xã đó. Trong vụ thu mua, các sở, ty lương thực cần quản lý chặt chẽ tránh những sơ hở để có tình trạng lợi dụng tham ô, chuyển thóc từ vùng khác sang vùng đồng chiêm trũng để được hưởng giá cao.
5. Vấn đề vận chuyển lương thực
Việc vận chuyển lương thực trong nghĩa vụ là nhiệm vụ của hợp tác xã nông nghiệp và các hộ nông dân cá thể. Để bảo đảm công bằng giữa các hợp tác xã có làm nghĩa vụ lương thực, Chính phủ đã quy định mỗi người lao động nông nghiệp (lao động đã quy: 2 lao động phụ bằng 1 lao động chính) tính bình quân 1 năm có nghĩa vụ vận chuyển số lương thực trong nghĩa vụ đến kho Nhà nước (gồm thuế nông nghiệp và bán trong nghĩa vụ) 0,5 tấn/km. Nếu hợp tác xã vận chuyển quá mức quy định trên, Nhà nước sẽ thanh toán cước vận chuyển theo giá đã quy định cho các loại phương tiện mà hợp tác xã đã dùng để vận chuyển và thanh toán tiền vận chuyển cho các hợp tác xã như sau:
Hợp tác xã A có 500 lao động, mức nghĩa vụ lương thực là 150 tấn, cách kho Nhà nước 4km.
Nghĩa vụ vận chuyển của hợp tác xã A là: 0,5 tấn/km x 500 = 250 tấn/km:
Nhưng hợp tác xã đã vận chuyển: 150 tấn x 4 = 600 tấn/km.
Hợp tác xã A đã vận chuyển quá mức quy định: 600 tấn/km – 250 tấn/km = 350 tấn/km. Nếu hợp tác xã vận chuyển bằng xe thô sơ sẽ được thanh toán: 1đ x 350 = 350 đồng.
Hiện nay phương tiện vận chuyển còn thiếu, nên việc vận chuyển lương thực đến kho Nhà nước chủ yếu vẫn dựa vào khả năng của hợp tác xã và nông dân. Ở những nơi thuận tiện đường giao thông, mà địa phương chuẩn bị được phương tiện vận tải thì ty và phòng lương thực cần tổ chức vận chuyển số lương thực nghĩa vụ tại hợp tác xã trực tiếp đến kho, vừa giảm bớt được công vận chuyển bốc vác, vừa tiết kiệm được lao động cho hợp tác xã trong lúc thời vụ khẩn trương. Ngoài ra, khi bố trí mạng lưới thu mua cần chú ý những vùng, những hợp tác xã sản xuất và làm nhiều nghĩa vụ lương thực để giảm bớt công vận chuyển cho hợp tác xã.Trong vụ thu mua, cần bố trí cân nhận kịp thời, làm cho hợp tác xã không mất nhiều thời giờ chờ đợi.
6. Giải quyết vấn đề lương thực đối với nông dân thiếu ăn
Đối với hợp tác xã ruộng ít, người nhiều, thường xuyên thiếu lương thực, điều quan trọng là phải xác định phương hướng sản xuất phù hợp, sử dụng hợp lý lao động, thâm canh tăng năng suất, tăng sản lượng lương thực, phấn đấu tiến lên tự túc lương thực. Số lao động không sử dụng hết cần vận động đi tham gia phát triển kinh tế miền núi hoặc các nơi khác.
Đối với vùng bị thiên tai thất bát nặng, đời sống nông dân có nhiều khó khăn, Ủy ban hành chính các huyện, xã cần đề cao tinh thần phụ trách đời sống nhân dân, chủ động vận động nông dân sản xuất rau màu, các loại lương thực ngắn ngày, sử dụng dự trữ của gia đình, của hợp tác xã để tự lo liệu đời sống, vận động tương trợ trong nội bộ hợp tác xã, giữa hợp tác xã này với hợp tác xã khác trong phạm vi huyện, tỉnh. Cuối cùng, tuy đã cố gắng, nhưng vẫn chưa giải quyết được, thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành trích quỹ lương thực của địa phương giải quyết. Trường hợp diện nông dân thiếu ăn quá rộng, các tỉnh, thành không đủ khả năng giải quyết, trung ương sẽ nghiên cứu xem xét, giúp đỡ.
Để giải quyết đời sống của nông dân trong khi mất mùa, một biện pháp rất quan trọng là cố gắng xây dựng quỹ dự trữ lương thực của hợp tác xã và của từng gia đình xã viên trên tinh thần đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm tiêu dùng. Cần quản lý tốt quỹ này, tránh tình trạng lợi dụng, tham ô, lãng phí quý dự trữ. Một biện pháp quan trọng nữa là các Ủy ban hành chính tỉnh, huyện, tùy theo thổ ngơi từng vùng mà có kế hoạch cho các hợp tác xã trồng nhiều rau, màu thu hoạch vào những ngày giáp hạt để làm đời sống của nông dân từng bước được ổn định bình thường.
II. CHÍNH SÁCH PHÂN PHỐI LƯƠNG THỰC TRONG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP
Để khuyến khích mọi người trong hợp tác xã hăng hái lao động sản xuất tập thể tạo ra nhiều lương thực, thực phẩm và các sản phẩm khác cho hợp tác xã, cho xã hội và để đấu tranh giáo dục những người chây lười không chăm lo xây dựng hợp tác xã, không chịu sự quản lý lao động của hợp tác xã, nghị quyết của Hội đồng Chính phủ đã đề ra việc phân phối lương thực trong hợp tác xã phải theo đúng nguyên tắc phân phối theo lao động: “Người làm nhiều được hưởng nhiều, người làm ít được hưởng ít, người có sức lao động mà không làm thì không được hưởng”. Đồng thời có chính sách thích hợp giúp đỡ gia đình thiếu lương thực vì thiếu sức lao động, ưu tiên đối với những gia đình có người đi chiến đấu (Ban quản lý hợp tác xã trung ương đã được Chính phủ giao trách nhiệm nghiên cứu và hướng dẫn cụ thể về việc phân phối lương thực trong hợp tác xã).
III. CHÍNH SÁCH CUNG CẤP LƯƠNG THỰC ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÔNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
1. Về việc cung cấp lương thực đối với khu vực không sản xuất nông nghiệp: Các sở, ty lương thực cần làm tốt cả hai mặt: phục vụ và quản lý. Cần cải tiến phương thức cung cấp bảo đảm thuận tiện cho người mua, không phải xếp hàng chờ đợi lâu, bảo đảm phẩm chất. Hết sức coi trọng việc chế biến bột mì ra mì sợi. bánh mì v .v… Đồng thời phải quản lý chặt chẽ lương thực, tăng cường kiểm tra, quản lý trong nội bộ ngành, và các cơ sở được cung cấp, tránh tham ô, lãng phí lương thực nhằm tiết kiệm lương thực của Nhà nước (Chính phủ sẽ có chỉ thị riêng nhằm đề cao tiết kiệm và quản lý chặt chẽ lương thực).
2. Chính sách cung cấp lương thực đối với vùng trồng cây công nghiệp, rau, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung theo quy hoạch của Nhà nước và có hợp đồng bán sản phẩm cho Nhà nước phải thể hiện được tinh thần mà nghị quyết đã nêu: bảo đảm cho những hợp tác xã trong vùng này có mức lương thực cần thiết, khuyến khích hợp tác xã sản xuất giỏi, bán nhiều nông sản cho Nhà nước; bảo đảm cung cấp được kịp thời và thuận tiện, theo đúng những điều khoản đã ký trong hợp đồng giữa Nhà nước và nông dân. Bộ Lương thực và thực phẩm và Bộ Nội thương đang nghiên cứu chính sách và biện pháp cụ thể về việc cung cấp lương thực cho vùng này trình Chính phủ xét ban hành.
3. Đối với những người làm nghề phụ và thủ công trong các hợp tác xã nông nghiệp.
Việc phát triển các ngành nghề thủ công trong hợp tác xã nông nghiệp rất cần thiết để tạo điều kiện cho hợp tác xã tận dụng được tất cả các loại lao động, sử dụng hợp lý sức lao động trong thời vụ khẩn trương cũng như lúc nhàn rỗi. Kinh nghiệm nhiều nơi cho thấy, những hợp tác xã nông nghiệp mở rộng kinh doanh nhiều ngành nghề, quản lý tốt các ngành nghề đó thì không những quản lý chặt chẽ được lao động, làm tốt việc phân phối, còn làm tăng thu nhập cho xã viên. Nhờ đó, xã viên đoàn kết, phấn khởi lao động, hợp tác xã được củng cố vững mạnh. Vì vậy, Nghị quyết số 84-CP của Hội đồng Chính phủ đã quy định những người làm các ngành nghề thủ công, nói chung nên để hợp tác xã nông nghiệp quản lý và phân phối lương thực.
Trường hợp ở nơi ít ruộng, có nhiều người làm nghề thủ công và sản xuất tập trung, có sản lượng lớn và có điều kiện phát triển, nghề ấy nằm trong quy hoạch sản xuất lâu dài của địa phương trong quy hoạch sản xuất lâu dài của địa phương, nếu tách thành hợp tác xã thủ công nghiệp có lợi cho sản xuất công nông nghiệp, tăng thêm sản phẩm cho xã hội, tăng thêm thu nhập cho xã viên, có lợi cho đoàn kết nông thôn, có lợi cho Nhà nước thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành xét cụ thể và quyết định. Những nơi vừa qua tách thủ công nghiệp ra khỏihợp tác xã nông nghiệp không theo đúng tinh thần trên thì phải xem xét và đưa về hợp tác xã quản lý và phân phối lương thực.
Trường hợp này, huyện cần giúp các hợp tác xã bố trí kế hoạch sản xuất, sắp xếp lao động hợp lý, ổn định sản xuất và đời sống của những người làm ngành nghề thủ công, bảo đảm nghề thủ công đó vẫn được phát triển.
IV. CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG LƯƠNG THỰC
Lương thực là một vật tư chiến lược thuộc nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân, không thể để lưu thông tự do như những thứ hàng hóa thông thường.
Vì vậy, cần tăng cường quản lý thị trường tực do về lương thực, trên tinh thần phấn đấu tích cực thu hẹp và tiến tới xóa bỏ thị trường tự do về lương thực. Trước mắt, phải nghiêm cấm việc đầu tư cơ tích trữ lương thực, cấm thương nhân buôn bán thóc, gạo, ngô, bột mì và các sản phẩm chế biến bằng các loại lương thực ấy. Nghiêm chỉnh thi hành pháp lệnh cấm nấu rượu trái phép.
Xã viên, nông dân sau khi hoàn thành nghĩa vụ, nếu còn thừa thóc, gạo, ngô cần bán thì bán ngoài nghĩavụ cho Nhà nước hoặc bán cho hộ thiếu trong hợp tác xã, trong xã và các xã lân cận. Ở thành phố, thị xã, cần triệt để cấm thương nhân buôn bán các mặt hàng lương thực nói trên. Để đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân và tạo điều kiện quản lý chặt chẽ thị trường lương thực, Nhà nước đã ra chỉ thị cho ngành thương nghiệp mở rộng kinh doanh ăn uống. Trên cơ sở mở rộng mạng lưới phục vụ, cần thu hẹp tiểu thương chế biến quà bún bánh. Mậu dịch quốc doanh cần tăng cường mua màu để chế biến phục vụ nhu cầu ăn uống công cộng.
Trong việc quản lý thị trường, cần lấy giáo dục thuyết phục làm biện pháp chủ yếu. Nhưng đối với những người đã giáo dục nhiều lần vẫn tiếp tục buôn bán những mặt hàng lương thực đã cấm thì có thể xử lý thích đáng.
Để có cơ quan chuyên trách việc quản lý thị trường ở cấp huyện và xã, thị xã, thị trấn, khu phố, Chính phủ đã có chỉ thị tổ chức ban quản lý thị trường, nhất là là những nơi có chợ lớn và trục đường giao thông quan trọng. Ban này gồm đại diện các ngành công an, thuế vụ, lương thực, thương nghiệp v .v… dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính địa phương, làm nhiệm vụ thực hiện việc quản lý thị trường theo chủ trương, chính sách chung của Nhà nước, và các thể lệ và biện pháp quản lý thị trường mà Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ thị cụ thể.
Ổn định nghĩa vụ lương thực là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lương thực nói riêng, có liên quan nhiều đến các chính sách của Đảng và Nhà nước ở nông thôn, đến các mặt công tác, đến tổ chức và mọi hoạt động của hợp tác xã. Vì vậy, việc tổ chức chỉ đạo thực hiện phải được tăng cường các mặt và tiến hành khẩn trương, kịp thời, phấn đấu hoàn thành việc tổ chức học tập chính sách và giao mức ổn định nghĩa vụ cho các hợp tác xã nông nghiệp trước khi thu hoạch vụ chiêm, làm cho nôngdân yên tâm chăm sóc và thu hoạch lúa hoa màu vụ đông xuân, tích cực chuẩn bị sản xuất vụ mùa, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất trong những năm tới làm cơ sở việc thực hiện tốt chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực trong 5 năm.
Điều quan trọng là phải làm thật tốt việc tổ chức nghiên cứu quán triệt sâu rộng chính sách đối với các cấp chính quyền, các ngành, đối với cán bộ, đảng viên, xã viên nông dân, để mọi người hiểu rõ và thực hiện đúng đắn chính sách, coi đây là biện pháp hàng đầu.
Riêng đối với các sở, ty lương thực cần tổ chức học tập cho cán bộ trong ngành kỹ hơn, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác lương thực ở nông thôn để mọi người nắm vững chính sách và biện pháp thực hiện, đồng thời phải phân công cán bộ chuyên trách nắm tình hình theo dõi quá trình thực hiện để sở, ty vừa làm được chức năng làm tham mưu giúp cấp ủy, Ủy ban hành chính tỉnh, thành, vừa chỉ đạo thực hiện chính sách trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình được tốt. Các sở, ty cần coi việc thực hiện chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực là công tác quan trọng số 1 từ nay đến khi hoàn thành việc giao mức ổn định nghĩa vụ lương thực cho hợp tác xã.
Trong chỉ đạo, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành cần kết hợp việc thực hiện chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực và phân phối lương thực trong hợp tác xã với việc thực hiện điều lệ hợp tác xã và các chính sách lớn của Đảng và Chính phủ ở nông thôn.
Ủy ban hành chính tỉnh, thành cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của các ngành các huyện, tăng cường đôn đốc các ngành, các huyện hoàn thành những nhiệm vụ đã giao trong từng thời gian và định chế độ báo cáo kết quả thực hiện. Trong quá trình chỉ đạo, cần thấy trước và kịp thời uốn nắn những khuynh hướng lệch lạc có thể phát sinh ở nơi này hay nơi khác như ngại khó, muốn hoãn việc thi hành chính sách đến vụ mùa, chỉ thấy yêu cầu của nông dân không thấy yêu cầu của Nhà nước hoặc ngược lại, chỉ chú ý nguyên tắc phân phối theo lao động mà coi nhẹ việc thi hành chính sách lương thực đối với các đối tượng được ưu tiên, chiếu cố hoặc ngược lại, coi nhẹ việc quản lý thị trường v .v…
Chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực và phân phối lương thực trong nội bộ các hợp tác xã rất quan trọng, làm tốt nông dân sẽ phấn khởi hăng hái lao động, sản xuất được phát triển, đời sống xã viên nông dân được ổn định, việc lưu thông phân phối lương thực của Nhà nước có điều kiện thực hiện được tốt hơn. Sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban hành chính các cấp có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện. Sở, ty lương thực cần vươn lên thực hiện tốt chính sách trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình để góp phần làm cho chính sách sớm phát huy tác dụng tích cực đối với sản xuất và đời sống.
BỘ TRƯỞNG BỘ LƯƠNG THỰC VÀ THỰC PHẨM |
Thông tư 40-LTTP/LTNT-1970 hướng dẫn Nghị quyết 84-CP-1970 về chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực trong 5 năm (1970-1974) do Bộ Lương thực và thực phẩm ban hành
- Số hiệu: 40-LTTP/LTNT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 30/05/1970
- Nơi ban hành: Bộ Lương thực
- Người ký: Ngô Minh Loan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: 14/06/1970
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định