Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/2020/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN SẢN XUẤT TRONG NƯỚC ĐƯỢC ƯU TIÊN ĐẦU TƯ, THUÊ, MUA SẮM

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;

Căn cứ Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin;

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm (sau đây gọi là sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên).

2. Việc ưu tiên được thực hiện trong các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sau đây:

a) Dự án đầu tư, mua sắm ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước;

b) Các hoạt động thuê, mua sắm ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ nguồn vốn ngân sách nhà nước;

c) Dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên hoặc lớn nhất trong tổng mức đầu tư của dự án.

3. Thông tư này không điều chỉnh đối với:

a) Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin thuộc diện bí mật nhà nước;

b) Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin quy định tại khoản 2 Điều này của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ trên cơ sở đề xuất và kiến nghị của cơ quan có dự án, phù hợp với tính chất đặc thù của dự án và pháp luật nước sở tại;

c) Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin đầu tư theo hình thức đối tác công tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;

d) Các gói thầu thuộc phạm vi mở cửa về cam kết mua sắm công trong các cam kết quốc tế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này để đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin.

2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng nêu tại khoản 1 Điều này áp dụng các quy định trong Thông tư này khi đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sản phẩm công nghệ thông tin bao gồm các sản phẩm phần cứng, sản phẩm phần mềm và sản phẩm nội dung thông tin số.

2. Dịch vụ công nghệ thông tin bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường và dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Điều 4. Sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên

Sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chí chung quy định tại Điều 5 và tiêu chí cụ thể tương ứng với từng loại sản phẩm, dịch vụ theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư này và thuộc danh mục sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được ưu tiên do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố theo quy định.

2. Sản phẩm, dịch vụ do cá nhân là người Việt Nam sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 5 Thông tư này, chủ động xem xét hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đạt các tiêu chí về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn bảo mật của sản phẩm, dịch vụ tương ứng theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư này.

Điều 5. Tiêu chí chung đối với sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên

Sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên phải đáp ứng các tiêu chí chung như sau:

1. Có chi phí sản xuất trong nước đáp ứng quy định ưu đãi theo quy định pháp luật về đấu thầu.

2. Có tài liệu kỹ thuật và tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

3. Có cam kết hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành, bảo trì, nâng cấp và dịch vụ hậu mãi của nhà cung cấp.

Điều 6. Tiêu chí cụ thể đối với sản phẩm phần cứng được ưu tiên

Sản phẩm phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí:

1. Các chức năng, yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm phù hợp với các yêu cầu nghiệp vụ hoặc quy định, hướng dẫn của cơ quan nhà nước (nếu có).

2. Do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam sáng tạo hoặc thiết kế hoặc sản xuất tại Việt Nam. Việc sáng tạo, thiết kế được thể hiện thông qua bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng độc quyền giải pháp hữu ích hoặc bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp hoặc các tài liệu khác chứng minh cho việc sáng tạo, thiết kế quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.

3. Tiêu chí về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn bảo mật của sản phẩm

a) Sản xuất bởi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý ISO 9001 được cấp bởi tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tương đương;

b) Sản phẩm phải bảo đảm an toàn thông tin theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin.

4. Tỷ lệ chi phí cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm trên tổng doanh thu sản phẩm đó của doanh nghiệp trong 03 năm gần nhất đạt từ 1% trở lên.

Điều 7. Tiêu chí cụ thể đối với sản phẩm phần mềm được ưu tiên

Sản phẩm phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí:

1. Các chức năng, yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm phù hợp với các yêu cầu nghiệp vụ hoặc quy định, hướng dẫn của cơ quan nhà nước (nếu có).

2. Do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn sau: Xác định yêu cầu, Phân tích và thiết kế quy định tương ứng tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT ngày 03 tháng 7 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

3. Sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là người Việt Nam và được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Tiêu chí về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn bảo mật của sản phẩm

a) Sản phẩm do tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý ISO 9001 được cấp bởi tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc có Chứng chỉ cho hoạt động sản xuất phần mềm theo chuẩn CMMI mức 3 trở lên hoặc tương đương;

b) Sản phẩm phải bảo đảm an toàn thông tin theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin hoặc sản phẩm được sản xuất, vận hành bởi nhà cung cấp đã được tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 27001 hoặc tương đương.

5. Tỷ lệ chi phí cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm trên tổng doanh thu sản phẩm đó của doanh nghiệp trong 03 năm gần nhất đạt từ 3% trở lên.

6. Đối với sản phẩm phần mềm cung cấp như là dịch vụ (có cung cấp dịch vụ kèm theo) thì sản phẩm phần mềm đó phải đáp ứng thêm các tiêu chí quy định tại Điều 9 Thông tư này.

Điều 8. Tiêu chí cụ thể đối với sản phẩm nội dung thông tin số ưu tiên

Sản phẩm phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí:

1. Do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam thực hiện sản xuất tại Việt Nam.

2. Tiêu chí về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn bảo mật của sản phẩm

a) Do tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý ISO 9001 được cấp bởi tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tương đương;

b) Sản phẩm phải bảo đảm an toàn thông tin theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin.

3. Tỷ lệ chi phí cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm trên tổng doanh thu sản phẩm đó của doanh nghiệp trong 03 năm gần nhất đạt từ 3% trở lên.

Điều 9. Tiêu chí cụ thể đối với dịch vụ công nghệ thông tin được ưu tiên

Dịch vụ phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí:

1. Do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam thực hiện cung cấp dịch vụ.

2. Tiêu chí về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn bảo mật của dịch vụ

a) Sản xuất bởi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý ISO 9001 hoặc tiêu chuẩn ISO/IEC 27001 được cấp bởi tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tương đương;

b) Hệ thống máy chủ cung cấp dịch vụ (nếu có) đặt tại Việt Nam. Đối với dịch vụ điện toán đám mây phải đáp ứng bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông;

c) Có các biện pháp bảo đảm an toàn, bí mật thông tin, dữ liệu của khách hàng đối với các dịch vụ có liên quan đến lưu trữ, xử lý dữ liệu của khách hàng. Đối với các dịch vụ an toàn thông tin mạng thì thực hiện theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng.

3. Đối với dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường: dịch vụ đã được triển khai cung cấp tối thiểu cho 03 cơ quan, tổ chức.

4. Tỷ lệ chi phí cho nghiên cứu, phát triển dịch vụ trên tổng doanh thu dịch vụ đó của doanh nghiệp trong 03 năm gần nhất đạt từ 3% trở lên.

Điều 10. Quy định về thực hiện ưu tiên

1. Các cơ quan, tổ chức khi hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin theo khoản 2 Điều 1 Thông tư này để đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin thuộc Điều 4 Thông tư này phải:

a) Đưa ra các tiêu chí được quy định tại Điều 5 và quy định tương ứng tại các Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư này vào các nội dung phù hợp trong các tài liệu như: Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thiết kế cơ sở, Thiết kế chi tiết, Kế hoạch thuê;

b) Không đưa ra các yêu cầu, điều kiện, tính năng mang tính chỉ định cho sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài, hoặc có thể dẫn tới việc loại bỏ các sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên trong các tài liệu như: Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thiết kế cơ sở, Thiết kế chi tiết, Kế hoạch thuê.

2. Trong trường hợp không lựa chọn đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên thì cơ quan, tổ chức phải giải trình, nêu rõ lý do. Các nội dung giải trình bao gồm: thuyết minh sự cần thiết và yêu cầu đặc thù mà sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên không đáp ứng được.

Điều 11. Công bố sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên

1. Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên

a) Chủ động đánh giá, công bố, cập nhật thông tin về sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của tổ chức, doanh nghiệp theo các thông tin quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này;

b) Gửi thông báo tới Sở Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi là Sở) trên địa bàn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp bằng văn bản hoặc thông qua Trang/Cổng thông tin điện tử của Sở;

c) Bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên như thông tin đã công bố trong suốt quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên; chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên đã công bố.

2. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm

a) Tiếp nhận, xem xét tính hợp lệ, đầy đủ các thông tin do doanh nghiệp đã công bố về sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên và công bố thông tin về sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên trên Cổng/Trang thông tin điện tử của Sở;

b) Trên cơ sở tiếp nhận đầy đủ thông tin từ doanh nghiệp, Sở thực hiện theo tình hình thực tế hoặc định kỳ 06 tháng tổng hợp, lập báo cáo và gửi thông tin sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên của các doanh nghiệp về Bộ Thông tin và Truyền thông theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này;

c) Tiến hành đánh giá, hậu kiểm, xử lý theo thẩm quyền đối với các sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên do doanh nghiệp đã công bố không phù hợp với quy định.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm

a) Trên cơ sở văn bản đề nghị của Sở, Bộ Thông tin và Truyền thông cập nhật và công bố Danh mục sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên và các thông tin liên quan theo quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này và đăng tải lên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ www.mic.gov.vn để áp dụng thực hiện trên toàn quốc;

b) Trong trường hợp cần thiết, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức kiểm tra sự đáp ứng về tiêu chí của sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên đã được các tổ chức, doanh nghiệp công bố; đăng tải kết quả kiểm tra lên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ www.mic.gov.vn. Trường hợp phát hiện sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên đã công bố không đạt tiêu chí, Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý theo quy định pháp luật.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

2. Các đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin (bao gồm đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin và đơn vị chuyên môn khác) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Tổ chức hướng dẫn, phổ biến, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành hoặc địa phương mình thực hiện theo các quy định của Thông tư này;

b) Đưa ra và chịu trách nhiệm về ý kiến chuyên môn của mình đối với các nội dung liên quan đến sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên trong trường hợp được giao thẩm định các Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thiết kế cơ sở, Thiết kế chi tiết, Kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành hoặc địa phương mình;

c) Tổng hợp thông tin tình hình thực hiện đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên theo mẫu tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này (số liệu tổng hợp tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 12 của năm tổng hợp thông tin) và gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Công nghệ thông tin) trước ngày 31 tháng 3 hằng năm.

Điều 13. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có hạng mục đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin đáp ứng tiêu chí và được công bố theo quy định tại Thông tư 47/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện.

2. Đối với sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định tại Thông tư số 47/2016/TT-BTTTT, tổ chức, doanh nghiệp chủ động cập nhật, bổ sung thông tin phù hợp với quy định tại Thông tư này.

Điều 14. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 47/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Công nghệ thông tin) để kịp thời giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 40/2020/TT-BTTTT quy định về tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 40/2020/TT-BTTTT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/11/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1177 đến số 1178
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản