Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 40/2016/TT-NHNN quy định hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa cho khách hàng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là ngân hàng thương mại) được cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa theo Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng, hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp, trong đó có nội dung cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa và nội dung kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước, thị trường quốc tế.

2. Khách hàng sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa do ngân hàng thương mại cung ứng (sau đây gọi tắt là khách hàng) là tổ chức kinh tế được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ tổ chức tín dụng.

3. Các pháp nhân, cá nhân có liên quan đến hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại theo quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Tại Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa là công cụ tài chính được ngân hàng thương mại cung ứng nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa cho khách hàng.

2. Hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa là việc ngân hàng thương mại thực hiện một trong các hình thức dưới đây:

a) Ngân hàng thương mại giao kết và thực hiện hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hàng hóa với khách hàng trên thị trường không tập trung nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa cho khách hàng; ngân hàng thương mại phải thực hiện giao dịch đối ứng với đối tác nước ngoài để cân bằng rủi ro từ hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa đã giao kết và thực hiện với khách hàng;

b) Ngân hàng thương mại giao kết và thực hiện hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa với khách hàng.

3. Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài là thị trường tập trung mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa. Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài.

4. Thị trường không tập trung là thị trường mua, bán sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa mà không được mua, bán trên Sàn giao dịch hàng hóa.

5. Hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa là hợp đồng được chuẩn hóa, niêm yết và mua bán trên Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài.

6. Hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa là thỏa thuận bằng văn bản mà ngân hàng thương mại tiếp nhận và đưa lệnh của khách hàng về việc mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa lên Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa cho khách hàng.

7. Hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa là thỏa thuận bằng văn bản giữa ngân hàng thương mại với khách hàng về việc cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa trên thị trường không tập trung.

8. Giao dịch gốc là hợp đồng mua, bán hàng hóa được lập bằng văn bản, hợp pháp và chịu rủi ro giá cả hàng hóa, gồm: Hợp đồng mua, bán hàng hóa trong nước, hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa.

9. Hàng hóa cơ sở là hàng hóa được giao dịch trong giao dịch gốc làm cơ sở cho ngân hàng thương mại cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa, gồm: Nông sản; nhiên liệu; năng lượng; kim loại, trừ hàng hóa cơ sở là vàng và các hàng hóa cấm kinh doanh và cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định hiện hành của pháp luật.

10. Giao dịch đối ứng là giao dịch ngân hàng thương mại thực hiện với đối tác nước ngoài nhằm mục đích cân bằng rủi ro từ hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa đã giao kết và thực hiện với khách hàng.

11. Đối tác nước ngoài là tổ chức được phép thực hiện giao dịch phái sinh giá cả hàng hóa theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được phép nhận lệnh và đưa lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa lên Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài.

12. Lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa là đề nghị của khách hàng về việc mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa qua Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài.

13. Thời hạn giao dịch là khoảng thời gian kể từ ngày lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa của khách hàng được thực hiện đến ngày lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa đó được tất toán toàn bộ trên Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài.

14. Tài khoản ký quỹ là tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của khách hàng mở tại ngân hàng thương mại để thực hiện, bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa.

15. Khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở là khối lượng mà các bên giao kết hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa làm cơ sở để tính khoản tiền được nhận hoặc phải trả hoặc mức phí (nếu có); khối lượng danh nghĩa hàng hóa cơ sở bằng hoặc nhỏ hơn khối lượng hàng hóa cơ sở còn lại của giao dịch gốc.

16. Giá thị trường là giá của hàng hóa cơ sở được giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài hoặc do một bên thứ ba cung cấp vào thời điểm cụ thể hoặc trong một khoảng thời gian xác định.

17. Giá tham chiếu là giá thay đổi theo diễn biến giá thị trường và được các bên giao kết hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa thống nhất cách xác định vào thời điểm cụ thể trong thời hạn hợp đồng còn hiệu lực.

18. Mức giá cố định là giá được các bên giao kết hợp đồng hoán đổi giá cả hàng hóa thống nhất sử dụng để xác định phần chênh lệch giá và nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn thanh toán của hợp đồng.

19. Mức giá thực hiện là giá dùng để so sánh với giá tham chiếu của hàng hóa cơ sở để bên mua quyền chọn quyết định việc thực hiện quyền chọn mua, bán giá cả hàng hóa.

Điều 4. Nguyên tắc cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa

1. Hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa được thực hiện theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan. Những nội dung thỏa thuận về việc cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại đối với khách hàng phải được lập thành văn bản.

2. Ngân hàng thương mại được cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa khi đã ban hành văn bản quy định nội bộ về hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa phù hợp với quy định tại Thông tư này, pháp luật có liên quan.

3. Ngân hàng thương mại được báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa bằng ngoại tệ đối với giao dịch gốc là hợp đồng mua bán hàng hóa bằng ngoại tệ. Đối với giao dịch gốc là hợp đồng mua, bán bằng đồng Việt Nam, ngân hàng thương mại báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa bằng đồng Việt Nam; trường hợp cần quy đổi từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam, tỷ giá đồng Việt Nam và ngoại tệ do các bên thỏa thuận phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

4. Ngân hàng thương mại chỉ được thanh toán bằng đồng Việt Nam cho khách hàng đối với các nghĩa vụ phát sinh theo thỏa thuận tại hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa; không được giao hàng hóa, nhận hàng hóa với khách hàng và đối tác nước ngoài. Trường hợp cần quy đổi từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam, tỷ giá đồng Việt Nam và ngoại tệ do các bên thỏa thuận phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

5. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng để ký quỹ ban đầu hoặc bổ sung phần ký quỹ còn thiếu trên tài khoản ký quỹ của khách hàng mở tại ngân hàng thương mại cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa hoặc để thanh toán các nghĩa vụ phát sinh theo thỏa thuận tại hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa.

Điều 5. Điều kiện đối với khách hàng sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa

Ngân hàng thương mại xem xét cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa khi khách hàng có đủ các điều kiện sau:

1. Có giao dịch gốc còn hiệu lực thực hiện.

2. Mục đích sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa là phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa đối với giao dịch gốc của khách hàng.

3. Có khả năng tài chính theo đánh giá của ngân hàng thương mại để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ thanh toán phát sinh liên quan đến việc sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa

Khi có nhu cầu sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa, khách hàng phải gửi cho ngân hàng thương mại các tài liệu, gồm:

1. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính của giao dịch gốc. Trường hợp khách hàng nộp bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu, ngân hàng thương mại có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

2. Các tài liệu khác theo hướng dẫn của ngân hàng thương mại.

Điều 7. Quy định nội bộ

Ngân hàng thương mại ban hành văn bản quy định nội bộ đối với hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa phù hợp quy định tại Thông tư này các quy định của pháp luật có liên quan và chính sách cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại. Văn bản quy định nội bộ của ngân hàng thương mại phải hướng dẫn cụ thể các nội dung sau:

1. Quy trình thực hiện giao dịch với khách hàng sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa cho giao dịch gốc của khách hàng đó.

2. Việc đánh giá khả năng tài chính của khách hàng để đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ thanh toán phát sinh liên quan đến việc sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa.

3. Điều kiện đối với đối tác nước ngoài mà ngân hàng thương mại giao kết và thực hiện hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này.

4. Phân cấp ủy quyền, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cá nhân, bộ phận trong việc thẩm định, phê duyệt, quyết định cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa.

5. Nhận dạng, đo lường các loại rủi ro có thể phát sinh khi cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa; xây dựng quy trình và phân công trách nhiệm theo dõi, kiểm soát, đánh giá những rủi ro phát sinh; các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro, trong đó có giới hạn cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại, các giới hạn cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa đối với một khách hàng và đối với cá nhân, bộ phận được giao phê duyệt, quyết định cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa.

6. Các trường hợp thay đổi về nội dung liên quan đến hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa, hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa do thay đổi về giao dịch gốc; biện pháp xử lý giao dịch đối ứng đối với các trường hợp này.

7. Hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với việc cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa.

8. Hồ sơ đề nghị sử dụng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

9. Các nội dung khác theo yêu cầu quản trị nội bộ của ngân hàng thương mại nhằm đảm bảo hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa được an toàn, hiệu quả.

Điều 8. Hạch toán kế toán

Ngân hàng thương mại thực hiện hạch toán kế toán đối với hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa theo quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hệ thống tài khoản kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư 40/2016/TT-NHNN quy định hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 40/2016/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/12/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 97 đến số 98
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH