Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 40/2014/TT-BKHCN quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (sau đây gọi là Quỹ) tài trợ.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong phạm vi của Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn là đề tài khoa học và công nghệ nghiên cứu những vấn đề mới xuất hiện trong thực tiễn, có tính cấp thiết, đòi hỏi phải giải quyết kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội (sau đây gọi là đề tài đột xuất).

2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng là đề tài khoa học và công nghệ có tính ứng dụng cao và có triển vọng tạo ra, phát triển hướng nghiên cứu mới hoặc sản phẩm mới thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm quốc gia (sau đây gọi là đề tài tiềm năng).

3. Tạp chí quốc gia có uy tín, tạp chí quốc tế có uy tín, tạp chí ISI có uy tín là các tạp chí được xác định theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ tài trợ.

Điều 3. Yêu cầu đối với đề tài đột xuất

1. Đề tài đột xuất do tổ chức, cá nhân đề xuất với Quỹ phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Nội dung nghiên cứu là những vấn đề mới xuất hiện, đòi hỏi phải giải quyết kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội;

b) Có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn;

c) Thời gian xuất hiện của vấn đề không quá sáu (06) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ. Thời gian thực hiện đề tài không quá 18 tháng;

d) Có địa chỉ ứng dụng cho các kết quả chính tạo ra khi đề tài được hoàn thành. Tổ chức ứng dụng kết quả dự kiến phải có năng lực để tiếp nhận và triển khai một cách hiệu quả kết quả tạo ra.

2. Sản phẩm của đề tài

a) Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài bao gồm giải pháp khoa học và công nghệ với đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn để giải quyết vấn đề đặt ra;

b) Công bố khoa học dưới một trong các hình thức sau:

- Bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín hoặc tạp chí quốc tế có uy tín;

- Bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng độc quyền giải pháp hữu ích hoặc bằng bảo hộ giống cây trồng. Trường hợp chưa được cấp bằng thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về khả năng bảo hộ.

Điều 4. Yêu cầu đối với đề tài tiềm năng

1. Đề tài tiềm năng do tổ chức, cá nhân đề xuất với Quỹ phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Có tính đột phá, tiên phong, khi được nghiên cứu thành công có khả năng mở ra hướng nghiên cứu mới trong khoa học và công nghệ hoặc tạo ra sản phẩm công nghệ mới. Đối với nghiên cứu tạo ra sản phẩm công nghệ mới phải có địa chỉ ứng dụng cho các kết quả chính tạo ra khi đề tài được hoàn thành;

b) Thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm quốc gia;

c) Thời gian thực hiện đề tài không quá 36 tháng.

2. Sản phẩm của đề tài

a) Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài bao gồm giải pháp khoa học và công nghệ với đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn để giải quyết vấn đề đặt ra, sản phẩm công nghệ mới ở dạng mẫu (nếu có);

b) Công bố khoa học dưới một trong các hình thức sau:

- Ít nhất hai (02) bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín;

- Bằng độc quyền sáng chế được chuyên gia đánh giá xác định chất lượng nội dung khoa học hoặc bằng bảo hộ giống cây trồng. Trường hợp chưa được cấp bằng thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về khả năng bảo hộ.

Điều 5. Nguyên tắc đánh giá đề tài

Quỹ thực hiện việc đánh giá đề tài theo các nguyên tắc sau đây:

1. Đánh giá bởi Hội đồng khoa học và công nghệ (sau đây gọi là Hội đồng khoa học) và chuyên gia tư vấn độc lập (khi cần thiết).

2. Đánh giá dựa trên hồ sơ.

3. Đảm bảo tính khách quan, dân chủ, bình đẳng.

4. Tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.

Điều 6. Hội đồng khoa học

1. Hội đồng khoa học do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ, có nhiệm vụ tư vấn cho Quỹ trong việc đánh giá xét chọn, đánh giá kết quả đề tài.

2. Hội đồng khoa học có 09 thành viên, trong đó:

a) Sáu (06) thành viên là các chuyên gia có chuyên môn phù hợp với đề tài, được lựa chọn từ cơ sở dữ liệu chuyên gia của Quỹ;

b) Ba (03) thành viên là nhà quản lý thuộc lĩnh vực liên quan đến vấn đề nghiên cứu, đại diện các tổ chức có khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu.

3. Trường hợp cần thiết thành lập Hội đồng khoa học với cơ cấu và chuyên gia khác với quy định tại Khoản 2 Điều này, Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định.

4. Hội đồng quản lý Quỹ quy định cụ thể về quy chế hoạt động của Hội đồng khoa học.

Điều 7. Kinh phí thực hiện đề tài

1. Kinh phí thực hiện đề tài: ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp cho Quỹ và các nguồn kinh phí khác (nếu có).

2. Kinh phí chi cho các hoạt động quản lý đề tài được ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp cho Quỹ hàng năm.

3. Dự toán, định mức chi đề tài được thực hiện theo quy định hiện hành.

Thông tư 40/2014/TT-BKHCN quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 40/2014/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 18/12/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 565 đến số 566
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra