Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 3 Thông tư 40/2011/TT-NHNN quy định về cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

MỤC 3. VỐN ĐIỀU LỆ, VỐN ĐƯỢC CẤP

Điều 29. Vốn điều lệ, vốn được cấp

1. Vốn điều lệ của ngân hàng thương mại:

a) Vốn điều lệ của ngân hàng thương mại là vốn đã được chủ sở hữu thực cấp hoặc vốn đã được các cổ đông, các thành viên góp vốn thực góp và được ghi trong Điều lệ ngân hàng.

b) Vốn điều lệ của ngân hàng có thể được tăng từ các nguồn sau:

(i) Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; Quỹ thặng dư vốn cổ phần; lợi nhuận để lại và các quỹ khác theo quy định của pháp luật;

(ii) Phát hành cổ phiếu ra công chúng, phát hành cổ phiếu riêng lẻ;

(iii) Chuyển đổi từ trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông;

(iv) Vốn do chủ sở hữu, thành viên góp vốn cấp thêm;

(v) Các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

2. Vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài:

a) Vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài là vốn đã được ngân hàng mẹ thực cấp cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài và được ghi trong Giấy phép.

b) Vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể được tăng từ các nguồn sau:

(i) Lợi nhuận để lại;

(ii) Vốn do ngân hàng mẹ cấp thêm;

(iii) Các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông hoặc theo quyết định của ngân hàng thương mại cổ phần

1. Việc mua lại cổ phần của cổ đông của ngân hàng thương mại cổ phần phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

2. Ngân hàng thương mại cổ phần chỉ được mua lại cổ phần của cổ đông nếu sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại mà vẫn bảo đảm các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng, giá trị thực của vốn điều lệ không giảm thấp hơn mức vốn pháp định; trường hợp mua lại cổ phần dẫn đến việc giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần thì phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước bằng văn bản.

3. Trình tự, thủ tục và hồ sơ đề nghị mua lại cổ phần dẫn đến việc giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 31. Chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại phần vốn góp của ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài

1. Việc chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại phần vốn góp phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp.

2. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép, thành viên sáng lập chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp cho thành viên sáng lập khác. Trong thời hạn 03 năm kể từ khi bắt đầu góp vốn vào ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, các thành viên góp vốn chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp cho thành viên góp vốn khác.

3. Việc chuyển nhượng phần vốn góp cho tổ chức không phải là thành viên góp vốn của ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài cần đảm bảo tỷ lệ góp vốn theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 2 Thông tư này và đáp ứng các điều kiện sau:

a) Đối với ngân hàng 100% vốn nước ngoài:

(i) Đối tác mới phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm b, c, d, đ, e khoản 2 Điều 20 Luật các tổ chức tín dụng khoản 2 Điều 10 Thông tư này;

(ii) Trường hợp việc chuyển nhượng dẫn đến có ngân hàng nước ngoài khác sở hữu 50% vốn điều lệ của ngân hàng 100% vốn nước ngoài thì ngân hàng nước ngoài mới phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 21 Thông tư này.

b) Đối với ngân hàng liên doanh:

(i) Đối tác mới là ngân hàng nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm b, c, d, đ, e khoản 2 Điều 20 Luật các tổ chức tín dụng khoản 2 Điều 10 Thông tư này;

(ii) Đối tác mới là ngân hàng thương mại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, g khoản 2 Điều 9 Thông tư này.

4. Điều kiện mua lại phần vốn góp:

a) Yêu cầu mua lại phần vốn góp của thành viên góp vốn, điều kiện thanh toán và xử lý phần vốn góp thực hiện theo quy định về mua lại phần vốn góp của Luật Doanh nghiệp;

b) Sau khi thanh toán hết phần vốn góp được mua lại, ngân hàng vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, bảo đảm các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng, giá trị thực của vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định;

c) Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định tại thời điểm đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc mua lại phần vốn góp;

d) Kinh doanh liên tục có lãi trong 05 năm liền kề năm đề nghị mua lại phần vốn góp và không có lỗ lũy kế;

đ) Không bị Ngân hàng Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 05 năm liền kề năm đề nghị mua lại phần vốn góp và đến thời điểm đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc mua lại phần vốn góp.

5. Việc chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại phần vốn góp phải được Ngân hàng nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện. Trình tự, thủ tục và hồ sơ đề nghị chuyển nhượng vốn góp, mua lại phần vốn góp thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư 40/2011/TT-NHNN quy định về cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 40/2011/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/12/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Minh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 657 đến số 658
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH