Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 39/2014/TT-BGTVT quy định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giao thông vận tải

Chương III

TIẾP NHẬN, XỬ LÝ ĐƠN, THÔNG TIN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH

Mục I: TIẾP NHẬN VÀ XỬ LÝ ĐƠN

Điều 8. Tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

1. Cơ quan, đơn vị đầu mối tiếp nhận, xử lý đơn thư

a) Đối với đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được gửi đến Bộ Giao thông vận tải: cơ quan đầu mối là Thanh tra Bộ.

b) Đối với đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục thuộc Bộ, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ: đơn vị đầu mối là đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 của Thông tư này hoặc đơn vị tham mưu về công tác giải quyết đơn thư của doanh nghiệp nhà nước.

Không thành lập mới đơn vị đầu mối tiếp nhận, xử lý đơn thư.

2. Trường hợp đơn thư vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh

a) Đối với đơn được gửi đến Bộ Giao thông vận tải: Thanh tra Bộ tiếp nhận, phân loại. Đối với nội dung khiếu nại, tố cáo thì tham mưu giải quyết theo quy định; đối với nội dung kiến nghị, phản ánh thì chuyển cho cơ quan có chức năng liên quan giải quyết. Trường hợp chưa xác định được cơ quan có chức năng giải quyết thì báo cáo Lãnh đạo Bộ quyết định.

b) Đối với đơn được gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục thuộc Bộ, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ: cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 của Thông tư này hoặc đơn vị tham mưu về công tác giải quyết đơn thư của doanh nghiệp nhà nước tiếp nhận, phân loại. Đối với nội dung khiếu nại, tố cáo thì tham mưu giải quyết theo quy định; đối với nội dung kiến nghị, phản ánh thì báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị để chuyển cho cơ quan, đơn vị có chức năng liên quan giải quyết.

3. Đối với đơn thư được gửi trực tiếp đến cơ quan không phải là cơ quan đầu mối quy định tại khoản 1 Điều này: trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, cơ quan tiếp nhận phải chuyển đơn về cơ quan đầu mối quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền tham mưu giải quyết của cơ quan, đơn vị mình.

Cơ quan, đơn vị tiếp nhận đơn phải thực hiện công tác bảo mật thông tin về nội dung đơn, người tố cáo theo quy định của pháp luật; ghi Sổ theo dõi đơn thư theo mẫu quy định tại Phụ lục III, làm Phiếu chuyển đơn theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về công tác bảo mật, thời gian xử lý theo quy định tại Thông tư này.

4. Các cơ quan, đơn vị đầu mối tiếp nhận, xử lý đơn thư phải mở Sổ theo dõi đơn thư theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.

Điều 9. Xử lý đơn khiếu nại

1. Cơ quan, đơn vị tham mưu xử lý đơn khiếu nại là cơ quan, đơn vị đầu mối tiếp nhận đơn thư quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 8 của Thông tư này.

2. Đơn được thụ lý giải quyết là đơn không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Cơ quan, đơn vị tham mưu xử lý phải báo cáo người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại để quyết định việc thụ lý giải quyết trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn.

3. Các trường hợp sau đây không xử lý đơn:

a) Đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết, trên đơn được thể hiện gửi cho nhiều cơ quan, nhiều người và trong đơn đã có tên của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết;

b) Đơn không đảm bảo đầy đủ các yếu tố sau: không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; không ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; không ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; không ghi rõ tên cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; không ghi rõ nội dung khiếu nại, lý do khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại.

4. Trả lời, hướng dẫn tổ chức, cá nhân gửi đơn khiếu nại

a) Đối với đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này thì có văn bản hướng dẫn người khiếu nại gửi đơn đến cơ quan, người có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật;

b) Đối với đơn khiếu nại quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại thì phải trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại biết rõ lý do không thụ lý;

c) Đơn do đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, các cơ quan báo chí hoặc các cơ quan khác nhận được và chuyển đến nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết thì trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do không thụ lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đơn đến.

5. Trường hợp đơn khiếu nại có kèm theo giấy tờ, tài liệu gốc không được thụ lý để giải quyết thì cơ quan nhận được đơn phải trả lại người khiếu nại giấy tờ, tài liệu đó; nếu được thụ lý để giải quyết thì việc trả lại được thực hiện ngay sau khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

6. Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp dưới nhưng quá thời hạn theo quy định của Luật Khiếu nại mà chưa được giải quyết thì Thủ trưởng cơ quan cấp trên ra văn bản yêu cầu cấp dưới giải quyết vụ việc khiếu nại đó.

7. Việc thụ lý, hướng dẫn và trả lời được thực hiện theo mẫu do Thanh tra Chính phủ quy định. Việc hướng dẫn, trả lời quy định ở Điều này chỉ thực hiện một lần đối với một vụ việc.

Điều 10. Xử lý đơn tố cáo

1. Cơ quan, đơn vị tham mưu xử lý đơn tố cáo là cơ quan, đơn vị đầu mối tiếp nhận đơn thư quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 8 của Thông tư này.

2. Đơn được thụ lý giải quyết là đơn không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Cơ quan tham mưu xử lý phải báo cáo để người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quyết định việc thụ lý giải quyết trong thời hạn 10 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận đơn tố cáo.

3. Các trường hợp sau đây không xử lý đơn:

a) Đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết, trên đơn được thể hiện gửi cho nhiều cơ quan, nhiều người và trong đơn đã có tên của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết;

b) Đơn không đảm bảo đầy đủ các yếu tố sau: không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo; không ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo; không ghi rõ ngày, tháng, năm; nội dung tố cáo không cụ thể, không có cơ sở để xem xét; không ghi rõ tên cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo.

4. Cơ quan, đơn vị tham mưu xử lý đơn tố cáo thông báo cho người tố cáo không thụ lý giải quyết tố cáo trong các trường hợp sau đây:

a) Đơn tố cáo về vụ việc đã được người có thẩm quyền giải quyết mà người tố cáo không cung cấp thông tin, tình tiết mới;

b) Đơn tố cáo về vụ việc mà nội dung và những thông tin người tố cáo cung cấp không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật;

c) Đơn tố cáo về vụ việc mà người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không đủ điều kiện để kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm.

5. Đối với đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết, không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này thì chậm nhất trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được đơn phải chuyển đơn và các tài liệu, chứng cứ liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo biết.

6. Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp dưới nhưng quá thời hạn theo quy định của Luật Tố cáo mà chưa được giải quyết thì Thủ trưởng cơ quan cấp trên ra văn bản yêu cầu người có trách nhiệm giải quyết tố cáo phải giải quyết, trình bày rõ lý do về việc chậm giải quyết tố cáo; có biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm của người có trách nhiệm giải quyết tố cáo.

7. Đơn tố cáo hành vi phạm tội thì chuyển cơ quan Công an, Viện kiểm sát xử lý theo quy định.

8. Đơn tố cáo hành vi tham nhũng, không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nghiên cứu, tham khảo thông tin được cung cấp để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng.

9. Việc thụ lý, chuyển đơn và trả lời được thực hiện theo mẫu do Thanh tra Chính phủ quy định. Việc chuyển đơn, trả lời quy định ở Điều này chỉ thực hiện một lần đối với một vụ việc.

Điều 11. Xử lý đơn kiến nghị, phản ánh

1. Cơ quan, đơn vị tham mưu xử lý đơn kiến nghị, phản ánh là cơ quan, đơn vị đầu mối tiếp nhận đơn thư quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 8 của Thông tư này.

2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu để phân công cơ quan chủ trì tham mưu giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh.

3. Các trường hợp sau đây không xử lý đơn:

a) Đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết, trên đơn đã được thể hiện gửi cho nhiều cơ quan, nhiều người và trong đơn đã có tên của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết;

b) Đơn không đảm bảo đầy đủ các yếu tố sau: không có chữ ký hoặc điểm chỉ; không ghi rõ họ, tên, địa chỉ người viết đơn; nội dung kiến nghị, phản ánh không cụ thể, không có cơ sở để xem xét, giải quyết.

4. Trường hợp đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này thì chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người kiến nghị, phản ánh biết.

5. Đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết phải được trả lời bằng văn bản cho người kiến nghị, phản ánh. Thời hạn trả lời thực hiện theo quy định về xử lý, giải quyết công văn đến của cơ quan, đơn vị.

Điều 12. Tiếp nhận và xử lý thông tin tố cáo, kiến nghị, phản ánh

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thành lập, công khai số điện thoại đường dây nóng và địa chỉ hộp thư điện tử trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị để tiếp nhận thông tin tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phân công cán bộ làm nhiệm vụ trực điện thoại đường dây nóng và theo dõi thư đến trên hộp thư điện tử để tiếp nhận, xử lý thông tin.

2. Thông tin phản ánh qua điện thoại đường dây nóng, người nghe điện thoại phải đề nghị người cung cấp thông tin nêu rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại. Trường hợp người cung cấp thông tin không nêu rõ họ tên, địa chỉ, điện thoại, người tiếp nhận vẫn tiếp nhận, ghi chép tóm tắt nội dung phản ánh và ghi âm (nếu có) vào sổ tiếp nhận thông tin và ký xác nhận vào sổ tiếp nhận thông tin.

3. Thông tin được gửi tới hộp thư điện tử ghi rõ họ tên, địa chỉ, có nội dung cụ thể thì in ra giấy, trình Thủ trưởng cơ quan, đơn vị để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

4. Thông tin tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi tới hộp thư điện tử hoặc phản ánh qua đường dây nóng có họ tên, địa chỉ, nội dung tố cáo rõ ràng, nếu thuộc thẩm quyền thì xem xét, giải quyết theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng; nếu không thuộc thẩm quyền thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

5. Thông tin tiếp nhận được, bộ phận được phân công tiếp nhận thông tin làm tờ trình, báo cáo đầy đủ thông tin, trình Thủ trưởng cơ quan, đơn vị để xin ý kiến xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thông tư 39/2014/TT-BGTVT quy định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giao thông vận tải

  • Số hiệu: 39/2014/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/09/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 933 đến số 934
  • Ngày hiệu lực: 01/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH