Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2011/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2011

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP ĐỐI VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29 tháng 3 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức tín dụng bao gồm:

a) Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã (sau đây gọi là ngân hàng);

b) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

c) Tổ chức tài chính vi mô;

d) Quỹ tín dụng nhân dân có tổng tài sản từ 50 tỷ đồng trở lên tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm liền kề trước năm kiểm toán.

Các quỹ tín dụng nhân dân khác thực hiện kiểm toán độc lập theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước.

2. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Tổ chức kiểm toán độc lập, kiểm toán viên hành nghề, kiểm toán viên và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc kiểm toán độc lập tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

4. Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương trong thời gian chưa chuyển đổi theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng thực hiện kiểm toán độc lập theo quy định đối với ngân hàng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kiểm toán độc lập tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là việc kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo tài chính, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán.

2. Kiểm toán báo cáo tài chính là việc kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán độc lập kiểm tra, đưa ra ý kiến về tính trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu của báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của chuẩn mực kiểm toán.

3. Kiểm toán hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ là việc kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán độc lập kiểm tra, đưa ra ý kiến đánh giá về việc tuân thủ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện hệ thống kiểm soát nội bộ và hiệu quả hoạt động của hệ thống này.

4. Báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng bao gồm báo cáo tài chính của pháp luật tổ chức tín dụng, báo cáo tài chính hợp nhất của tổ chức tín dụng đối với tổ chức tín dụng là đối tượng phải hợp nhất theo quy định của pháp luật.

5. Hệ thống kiểm soát nội bộ là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xây dựng phù hợp với hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và được tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra.

6. Tổ chức kiểm toán độc lập bao gồm doanh nghiệp kiểm toán và chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.

7. Danh sách không được kiểm toán là danh sách các tổ chức kiểm toán độc lập không được kiểm toán độc lập tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Điều 4. Phạm vi kiểm toán

1. Định kỳ hằng năm, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định của Thông tư này để kiểm toán độc lập:

a) Báo cáo tài chính;

b) Hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ.

2. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng sử dụng một hoặc một số dịch vụ kiểm toán độc lập khi xét thấy cần thiết trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức tín dụng có nguy cơ bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

b) Tổ chức tín dụng được xem xét để chấm dứt thời hạn kiểm soát đặc biệt.

c) Tổ chức tín dụng được tổ chức lại theo quy định tại Điều 153 Luật các tổ chức tín dụng.

d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

3. Việc kiểm toán báo cáo tài chính bán niên, báo cáo quyết toán dự án hoàn thành và các công việc kiểm toán khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 5. Khuyến khích kiểm toán

Ngân hàng Nhà nước khuyến khích tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập để kiểm toán đối với các hạn chế nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Thời gian lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập

1. Trước khi kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định của Thông tư này để kiểm toán báo cáo tài chính, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ năm tài chính tiếp theo.

2. Trường hợp tổ chức kiểm toán độc lập đã được lựa chọn nằm trong Danh sách không được kiểm toán cho năm tiếp theo do Ngân hàng Nhà nước công bố, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lựa chọn một tổ chức kiểm toán độc lập khác đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 và Điều 12 Thông tư này để thay thế. Thời hạn lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập thay thế tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày Ngân hàng nhà nước công bố Danh sách không được kiểm toán.

Điều 7. Thẩm quyền lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập

1. Hội đồng thành viên quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn.

2. Đại hội đồng cổ đông quyết định hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định (đối với trường hợp Điều lệ của tổ chức tín dụng có quy định) lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán tổ chức tín dụng là công ty cổ phần.

3. Đại hội thành viên quyết định hoặc ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định (đối với trường hợp Điều lệ của tổ chức tín dụng có quy định) lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán tổ chức tín dụng là hợp tác xã.

4. Tổng giám đốc (Giám đốc) quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 8. Nội dung kiểm toán độc lập

1. Kiểm toán độc lập báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm kiểm toán:

a) Bảng cân đối kế toán;

b) Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;

c) Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;

d) Thuyết minh báo cáo tài chính.

2. Kiểm toán độc lập hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:

a) Kiểm toán tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, quy định của Ngân hàng Nhà nước về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Kiểm toán hoạt động đối với hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm bảo đảm các yêu cầu sau đây:

- Hiệu quả và an toàn trong hoạt động; bảo vệ, quản lý, sử dụng an toàn, hiệu quả tài sản và các nguồn lực;

- Hệ thống thông tin tài chính và thông tin quản lý trung thực, hợp lý, đầy đủ và kịp thời.

Điều 9. Ý kiến kiểm toán độc lập

1. Căn cứ vào kết quả kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề và tổ chức kiểm toán độc lập phải đưa ra ý kiến theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Luật Kiểm toán độc lập.

2. Trường hợp báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện kiểm toán lại.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lựa chọn một tổ chức kiểm toán độc lập khác đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 và Điều 12 Thông tư này để kiểm toán lại đối với các nội dung liên quan đến ý kiến ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán.

4. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện kết quả kiểm toán lại cho Ngân hàng Nhà nước để báo cáo.

Điều 10. Kết quả kiểm toán độc lập

1. Kết quả kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:

a) Báo cáo kiểm toán;

b) Thư quản lý và các tài liệu, bằng chứng liên quan.

2. Báo cáo kiểm toán đối với báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập, chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Báo cáo kiểm toán đối với hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đánh giá được tình hình tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện hệ thống kiểm soát nội bộ và đánh giá được hiệu quả hoạt động của hệ thống này trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các rủi ro và các mục tiêu khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Thư quản lý phải phản ánh những vấn đề, sự kiện cụ thể trong quá trình kiểm toán, bao gồm: hiện trạng thực tế, khả năng rủi ro, kiến nghị của kiểm toán viên và ý kiến của người quản lý của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài liên quan đến sự kiện đó. Thư quản lý tối thiểu phải có các nội dung sau:

a) Phương pháp tiếp cận chung, phạm vi của cuộc kiểm toán và các yêu cầu cần bổ sung;

b) Đánh giá những thay đổi về chính sách và thông lệ quan trọng ảnh hưởng đến báo cáo tài chính, hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

c) Rủi ro có thể ảnh hưởng trọng yếu đến các báo cáo tài chính, hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

d) Đề xuất điều chỉnh của tổ chức kiểm toán độc lập và kiểm toán viên hành nghề đối với vụ việc, sự kiện đã ảnh hưởng hoặc có thể ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

đ) Ý kiến không thống nhất với người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về các vấn đề có thể ảnh hưởng lớn đến báo cáo tài chính, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc đến ý kiến của kiểm toán viên hành nghề và tổ chức kiểm toán độc lập. Kiểm toán viên hành nghề và tổ chức kiểm toán độc lập phải nêu rõ tình trạng giải quyết những ý kiến không thống nhất đó và mức độ ảnh hưởng của vấn đề;

e) Các vấn đề khác được thỏa thuận trong hợp đồng kiểm toán.

Điều 11. Điều kiện đối với tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Đã thành lập và có thời gian hoạt động kiểm toán tại Việt Nam tối thiểu 03 năm;

2. Có vốn chủ sở hữu, vốn được cấp từ 10 tỷ đồng trở lên;

3. Có số lượng kiểm toán viên hành nghề từ 10 người trở lên;

4. Có ít nhất 05 kiểm toán viên hành nghề tham gia kiểm toán một ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, phải có ít nhất 03 kiểm toán viên hành nghề có từ 02 năm kinh nghiệm kiểm toán trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trở lên.

5. Các kiểm toán viên hành nghề và người đại diện tổ chức kiểm toán độc lập tham gia kiểm toán ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 13 Thông tư này;

6. Không có quan hệ mua trái phiếu, mua tài sản, góp vốn, liên doanh, mua cổ phần với ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kiểm toán;

7. Không là khách hàng đang được cấp tín dụng và được cung cấp các dịch vụ khác với điều kiện ưu đãi của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kiểm toán;

8. Không kiểm toán độc lập chính ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó trong thời gian 05 năm liên tiếp liền kề trước năm kiểm toán;

9. Không thực hiện định giá tài sản, tư vấn quản lý, tư vấn tài chính, tư vấn quản lý rủi ro cho ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó trong năm trước liền kề và năm kiểm toán;

10. Không bị xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập trong 02 năm liền kề trước năm kiểm toán;

11. Không thuộc Danh sách không được kiểm toán do Ngân hàng Nhà nước công bố;

12. Không thuộc những trường hợp không được kiểm toán theo quy định tại Điều 30 Luật Kiểm toán độc lập;

13. Đáp ứng các quy định khác về kiểm toán độc lập quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập.

Điều 12. Điều kiện đối với tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân

1. Các kiểm toán viên hành nghề và người đại diện tổ chức kiểm toán độc lập tham gia kiểm toán tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân phải có đủ các tiêu chuẩn nêu tại Điều 13 Thông tư này;

2. Không thuộc Danh sách không được kiểm toán do Ngân hàng Nhà nước công bố;

3. Không thuộc những trường hợp không được kiểm toán theo quy định tại Điều 30 Luật Kiểm toán độc lập;

4. Đáp ứng các quy định khác về kiểm toán độc lập quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập.

Điều 13. Tiêu chuẩn đối với kiểm toán viên hành nghề và người đại diện của tổ chức kiểm toán độc lập tham gia kiểm toán tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán do Bộ Tài chính cấp;

2. Kiểm toán viên hành nghề là người Việt Nam phải có ít nhất 02 năm kinh nghiệm kiểm toán sau ngày được cấp Giấy chứng nhận kiểm toán viên hành nghề;

3. Kiểm toán viên hành nghề là người nước ngoài phải có ít nhất 02 năm kinh nghiệm kiểm toán tại Việt Nam;

4. Không là khách hàng đang được cấp tín dụng, được cung cấp các dịch vụ khác với điều kiện ưu đãi của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kiểm toán;

5. Không bị xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập trong 02 năm liền kề trước năm kiểm toán;

6. Không thuộc những trường hợp không được kiểm toán theo quy định tại Điều 19 Luật Kiểm toán độc lập;

7. Đáp ứng các quy định khác về kiểm toán độc lập quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập.

Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức kiểm toán độc lập, kiểm toán viên hành nghề tham gia kiểm toán tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Thực hiện đầy đủ các quy định tại Điều 18, Điều 29 Luật Kiểm toán độc lập và các quy định khác của pháp luật hiện hành về kiểm toán độc lập.

2. Chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác và kịp thời của các thông tin cung cấp cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quá trình lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập.

3. Hiểu biết, tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến báo cáo tài chính, hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

4. Giải trình hoặc cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kiểm toán theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

5. Trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kiểm toán không tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến phạm vi kiểm toán thì phải thông báo và kiến nghị tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kiểm toán có biện pháp ngăn ngừa, sửa chữa và xử lý sai phạm; ghi ý kiến vào báo cáo kiểm toán hoặc thư quản lý theo yêu cầu tại khoản 2 và khoản 3 Điều 10 Thông tư này.

6. Sau khi phát hành báo cáo kiểm toán, nếu có nghi ngờ hoặc có phát hiện tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kiểm toán có những sai phạm trọng yếu do không tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan đến phạm vi kiểm toán thì tổ chức kiểm toán độc lập phải thực hiện các thủ tục thông báo cho đơn vị được kiểm toán và người thứ ba theo quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và thông báo cho Ngân hàng Nhà nước.

Điều 15. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập theo đúng quy định của Thông tư này.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập, phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện văn bản thông báo về tổ chức kiểm toán độc lập được lựa chọn cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định sau đây:

a) Tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi 01 bản cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) và 01 bản cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố) nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính.

b) Quỹ tín dụng nhân dân gửi 01 bản cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi quỹ tín dụng nhân dân đặt trụ sở chính.

3. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Điều 39 Luật Kiểm toán độc lập và các quy định khác của pháp luật hiện hành về kiểm toán độc lập.

4. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính, phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện kết quả kiểm toán độc lập cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này.

5. Thực hiện kiểm toán lại đối với trường hợp báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ. Nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện kết quả kiểm toán lại cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này.

6. Kịp thời báo cáo, giải trình và đề xuất ý kiến gửi Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật đối với các trường hợp sau đây:

a) Không đảm bảo đúng thời hạn gửi kết quả kiểm toán độc lập;

b) Phát sinh những bất đồng, tranh chấp về kết quả kiểm toán độc lập.

7. Thực hiện việc công bố công khai thông tin tài chính theo đúng quy định hiện hành.

Điều 16. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính

1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả kiểm toán độc lập, kết quả kiểm toán độc lập lại của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trụ sở chính trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố phải có văn bản báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) về việc:

a) Phân tích, đánh giá và xử lý kết quả kiểm toán độc lập, kết quả kiểm toán độc lập lại của tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn;

b) Đưa tổ chức kiểm toán độc lập vào Danh sách không được kiểm toán tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

c) Yêu cầu tổ chức tín dụng sử dụng một hoặc một số dịch vụ kiểm toán độc lập theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

2. Phân tích, đánh giá và xử lý kết quả kiểm toán độc lập, kết quả kiểm toán độc lập lại của quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.

3. Báo cáo và đề xuất kịp thời với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) xử lý các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 15 Thông tư này.

4. Thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện quy định tại Thông tư này và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) xử lý đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vi phạm các quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật về kiểm toán độc lập.

Điều 17. Trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng

1. Tổng hợp, đánh giá và xử lý các báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 16 Thông tư này.

2. Phân tích, đánh giá và kiến nghị việc xử lý kết quả kiểm toán độc lập của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Báo cáo, đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết đối với các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 15 Thông tư này và yêu cầu tổ chức tín dụng sử dụng một hoặc một số dịch vụ kiểm toán độc lập theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

4. Thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện quy định tại Thông tư này và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vi phạm các quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật về kiểm toán độc lập.

5. Trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, công bố Danh sách không được kiểm toán tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

6. Có ý kiến về nghiệp vụ chuyên môn thuộc lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng trong báo cáo kiểm toán và thư quản lý của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi có yêu cầu của cơ quan pháp luật.

Điều 18. Giải quyết tranh chấp về kiểm toán độc lập

Việc giải quyết tranh chấp về kiểm toán độc lập của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản pháp luật có liên quan.

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.

2. Quyết định số 121/2005/QĐ-NHNN ngày 02 tháng 02 năm 2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy chế về kiểm toán độc lập đối với các tổ chức tín dụng hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

3. Đối với những hợp đồng kiểm toán được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực pháp luật được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết.

Điều 20. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức kiểm toán độc lập; kiểm toán viên hành nghề, kiểm toán viên và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.