Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 39/2010/TT-BYT

Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2010

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ THÔN, BẢN

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản;
Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản như sau:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, ấp, bản, buôn, làng, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn, bản).

2. Tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế tổ dân phố thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

3. Thông tư này không áp dụng đối với cộng tác viên của các chương trình y tế.

Điều 2. Tiêu chuẩn của nhân viên y tế thôn, bản

1. Có trình độ chuyên môn về y từ sơ cấp trở lên hoặc đã qua các lớp đào tạo nhân viên y tế thôn, bản theo khung chương trình do Bộ Y tế quy định, tối thiểu là 3 tháng.

2. Đang sinh sống, làm việc ổn định tại thôn, bản; tự nguyện tham gia làm nhân viên y tế thôn, bản.

3. Có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, có khả năng vận động quần chúng và được cộng đồng tín nhiệm.

4. Có đủ sức khoẻ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

Điều 3. Chức năng

Nhân viên y tế thôn, bản có chức năng tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại thôn, bản.

Điều 4. Nhiệm vụ

1. Tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ tại cộng đồng:

a) Thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức bảo vệ sức khoẻ, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm;

b) Hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng;

c) Tuyên truyền, giáo dục nhân dân về phòng chống HIV/AIDS;

d) Vận động, cung cấp thông tin, tư vấn về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tại cộng đồng.

2. Tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế tại cộng đồng:

a) Phát hiện, tham gia giám sát và báo cáo tình hình dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh xã hội, bệnh truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tại thôn, bản;

b) Tham gia giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt; các công trình vệ sinh hộ gia đình, nơi công cộng trên địa bàn phụ trách;

c) Tham gia công tác giám sát việc thực hiện an toàn thực phẩm trên địa bàn phụ trách;

d) Tham gia triển khai thực hiện các phong trào vệ sinh phòng bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng, xây dựng làng văn hóa sức khỏe.

3. Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình:

a) Vận động khám thai, đăng ký quản lý thai nghén, hỗ trợ đẻ thường, xử trí đẻ rơi khi sản phụ không kịp đến cơ sở y tế;

b) Theo dõi, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà trong 6 tuần đầu sau đẻ;

c) Hướng dẫn một số biện pháp đơn giản về theo dõi, chăm sóc sức khoẻ trẻ em và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi;

d) Hướng dẫn thực hiện kế hoạch hoá gia đình, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, viên thuốc uống tránh thai theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

4. Sơ cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường:

a) Thực hiện sơ cứu ban đầu các cấp cứu và tai nạn;

b) Thực hiện chăm sóc một số bệnh thông thường tại cộng đồng;

c) Hướng dẫn chăm sóc người mắc bệnh xã hội, bệnh không lây nhiễm tại nhà.

5. Tham gia thực hiện các chương trình y tế tại thôn, bản.

6. Vận động, hướng dẫn nhân dân nuôi trồng và sử dụng thuốc nam tại gia đình để phòng và chữa một số chứng, bệnh thông thường.

7. Tham gia giao ban định kỳ với trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là trạm y tế xã); tham gia các khoá đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn do cơ quan y tế cấp trên tổ chức và tự học tập để nâng cao trình độ.

8. Quản lý và sử dụng hiệu quả Túi y tế thôn, bản.

9. Thực hiện ghi chép, báo cáo kịp thời, đầy đủ theo quy định.

Điều 5. Chế độ phụ cấp, phương tiện và phương thức làm việc

1. Nhân viên y tế thôn, bản được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng theo quy định hiện hành của Nhà nước và trợ cấp thêm hàng tháng (nếu có) từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác do cấp có thẩm quyền quy định.

2. Mỗi nhân viên y tế thôn, bản được trang bị một Túi y tế thôn, bản; danh mục bao gồm các thiết bị y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

3. Nhân viên y tế thôn, bản hoạt động theo chế độ không chuyên trách tại thôn, bản; có trách nhiệm chủ động bố trí, sắp xếp thời gian để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư này và theo sự phân công của Trưởng Trạm y tế xã.

Điều 6. Mối quan hệ công tác

1. Nhân viên y tế thôn, bản chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp và hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của Trạm y tế xã.

2. Nhân viên y tế thôn, bản chịu sự quản lý, giám sát về hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng thôn, bản.

3. Nhân viên y tế thôn, bản có mối quan hệ phối hợp với các tổ chức quần chúng, đoàn thể tại thôn, bản.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Sở Y tế có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quy định: số lượng, quy trình xét chọn, cơ quan, đơn vị quản lý, chi trả phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành;

b) Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức y khoa liên tục để chuẩn hóa về trình độ chuyên môn đối với nhân viên y tế thôn, bản theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Thông tư này.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn lồng ghép các hoạt động của nhân viên y tế thôn, bản với cộng tác viên các chương trình y tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nhân viên y tế thôn, bản.

2. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, Sở Y tế xem xét trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết cho những trường hợp hiện đang làm nhân viên y tế thôn, bản nhưng chưa đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn quy định tại khoản 1, Điều 2 Thông tư này (nếu có) được tiếp tục làm nhân viên y tế thôn, bản trong một thời gian nhất định theo lộ trình để bảo đảm quyền lợi và ổn định mạng lưới y tế thôn, bản.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2010

2. Quyết định số 3653/1999/QĐ-BYT ngày 15/11/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định chức năng và nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc, các Sở Y tế cần phản ánh kịp thời về Bộ Y tế để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Công báo, Cổng thông
tin điện tử Chính phủ;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ,
Thanh tra Bộ thuộc Bộ Y tế;
- Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế;
- Lưu: VT, Vụ TCCB, PC.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Quốc Triệu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 39/2010/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 39/2010/TT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/09/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 577 đến số 578
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản