Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 39/2008/TT-BNN

Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2008

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA THÔNG TƯ SỐ 76/2007/TT-BNN NGÀY 21/8/2007 VÀ THÔNG TƯ SỐ 07/2008/TT-BNN NGÀY 25/01/2008 CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN, HƯỚNG DẪN VIỆC CHUYỂN RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP SANG TRỐNG CÂY CAO SU Ở TÂY NGUYÊN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP, ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 76/2007/TT-BNN ngày 21/8/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn việc chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su ở Tây Nguyên;
Căn cứ Thông tư số 07/2008/TT-BNN ngày 25/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 76/2007/TT-BNN ngày 21/8/2007 về hướng dẫn việc chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su ở Tây Nguyên;
Căn cứ tình hình triển khai thực hiện việc trồng cao su ở Tây Nguyên theo Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Văn phòng Chính phủ về kết luật của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 76/2007/TT-BNN ngày 21/8/2007 và Thông tư số 07/2008/TT-BNN ngày 25/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su ở Tây nguyên như sau:

1. Khoản 2, Mục II sửa đổi như sau:

“ Các loại rừng và đất lâm nghiệp dưới đây có thể bố trí để chuyển sang trồng cao su nếu đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với đất trồng cao su tại khoản 1 Mục II của Thông tư số 76/2007/TT-BNN:

a) Đất lâm nghiệp là đất trống đã được quy hoạch để trồng rừng sản xuất.

b) Rừng tự nhiên nghèo là rừng sản xuất bao gồm cả rừng non phục hồi, rừng hỗn giao được xác định theo chỉ tiêu về định lượng như sau:

Đối với rừng gỗ lá rộng thường xanh có trữ lượng gỗ bình quân nhỏ hơn 130 m3/ha.

Đối với rừng khộp có trữ lượng gỗ bình quân nhỏ hơn 100 m3/ha.

Đối với rừng hỗn giao gỗ, tre nứa có trữ lượng gỗ bình quân nhỏ hơn 70 m3/ha.

c) Rừng tự nhiên là rừng lồ ô, tre nứa, le (gọi chung là rừng tre nứa) là rừng sản xuất và rừng trồng sản xuất kém hiệu quả.

Trường hợp những đám rừng ở trạng thái khác có diện tích từ 3,0 (ba) ha trở xuống, nằm xen kẽ trong lô rừng nghèo, rừng non phục hồi, rừng hỗn giao thuộc khu vực quy hoạch trồng cao su, được phép chuyển cùng diện tích rừng nghèo đó để tránh tình trạng da báo, đảm bảo liền vùng liền khoảnh. Ủy ban nhân dân các tỉnh xem xét và quyết định cụ thể”.

2. Tiết d khoản 5, Mục II sửa đổi như sau:

“ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh thẩm định dự án do chủ đầu tư trình và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt”.

3. Tiết đ khoản 5, Mục II, sửa đổi như sau:

Cục Lâm nghiệp chủ trì phối hợp với Cục Kiểm lâm và các đơn vị liên quan kiểm tra quá trình thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang trồng cao su của các địa phương, đề xuất lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện”.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 07/2008/TT-BNN ngày 25/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Những quy định tại Thông tư số 76/2007/TT-BNN ngày 21/8/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không trái với quy định của Thông tư này vẫn có hiệu lực thi hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời sửa đổi bổ sung./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hứa Đức Nhị