Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 38/2008/TT-BTC

Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 2008

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN THU TỪ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 23/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 06/10/2005 của Chính phủ quy định về biên lai thu tiền phạt và quản lý, s
dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 91/2007/NĐ-CP ngày 01/6//2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng;
Sau khi thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này quy định việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 91/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

2. Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng nộp vào ngân sách Nhà nước qua tài khoản tạm giữ của cơ quan Tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước. Toàn bộ tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng được để lại sử dụng cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không và công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính theo hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng bị xử phạt bằng hình thức phạt tiền có trách nhiệm nộp đủ số tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt. Trường hợp nộp phạt bằng ngoại tệ thì quy ra tiền Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm nộp phạt. Thời hạn nộp tiền phạt không quá 10 ngày kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.

4. Thủ tục thu, nộp tiền phạt và quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 6/10/2005 của Chính phủ quy định về biên lai thu tiền phạt, quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính và quy định tại Phần A và Khoản 1 Phần B Mục II Thông tư số 47/2006/TT-BTC ngày 31/5/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 124/2005/NĐ-CP.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng được phân bổ như sau:

1.1. Đối với số tiền thu được do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp tiến hành xử phạt theo thẩm quyền quy định tại Điều 13 Nghị định 91/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng sau khi trừ các khoản được phép chi cho các lực lượng của địa phương trực tiếp tham gia xử phạt:

a. Nộp 20% vào ngân sách địa phương để chi cho các hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn hàng không dân dụng và công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng không dân dụng trên địa bàn.

b. Trích 80% để bổ sung kinh phí hoạt động cho các lực lượng trực tiếp tham gia xử lý vi phạm.

1.2. Đối với số tiền thu được do các lực lượng khác tiến hành xử phạt theo thẩm quyền được quy định tại Điều 14, Điều 15 Nghị định 91/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng được để lại 100% để bổ sung kinh phí hoạt động cho các lực lượng trực tiếp tham gia xử lý vi phạm.

2. Toàn bộ số tiền được quy định tại Tiết b Điểm 1.1 Khoản 1 Mục này và số tiền được quy định tại Điểm 1.2 Khoản 1 Mục này được coi là 100% và được trích để lại bổ sung kinh phí hoạt động cho các lực lượng trực tiếp tham gia xử lý vi phạm theo tỷ lệ phân bổ như sau:

2.1. Trích 30% cho Thanh tra cục Hàng không Việt Nam để sử dụng cho công tác đảm bảo an ninh hàng không, an toàn hàng không và công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính.

2.2. Trích 70% cho cảng vụ hàng không để phục vụ công tác đảm bảo an ninh hàng không, an toàn hàng không và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hành chính. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm căn cứ tình hình thực tế hoạt động và số tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trong năm của toàn bộ các cảng vụ hàng không để xem xét, quyết định mức phân bổ cho từng cảng vụ.

3. Số tiền trích bổ sung kinh phí hoạt động cho các lực lượng được sử dụng theo những nội dung sau:

3.1. Mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự, an ninh hàng không, an toàn hàng không và công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính.

3.2. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về đảm bảo an ninh hàng không, an toàn hàng không và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hành chính.

3.3. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, chuyên viên, nhân viên trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự, an ninh hàng không, an toàn hàng không và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hành chính.

3.4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động trong lĩnh vực hàng không.

3.5. Bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự, an ninh hàng không, an toàn hàng không và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hành chính. Mức chi không quá 700.000 đồng/người/tháng.

3.6. Chi để thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

3.7. Sơ kết, tổng kết, khen thưởng cho công tác đảm bảo trật tự, an ninh hàng không, an toàn hàng không và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hành chính.

3.8. Sửa chữa phương tiện, mua xăng dầu phục vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát an ninh hàng không, an toàn hàng không và xử phạt vi phạm hành chính.

3.9. Thông tin liên lạc, văn phòng phẩm, in ấn tài liệu phục vụ cho việc đảm bảo trật tự, an ninh hàng không, an toàn hàng không và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm hành chính.

3.10. Các khoản chi khác phục vụ công tác đảm bảo trật tự, an ninh hàng không, an toàn hàng không và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hành chính.

Mức chi cho các nội dung tại Khoản này được thực hiện theo tiêu chuẩn, chế độ, định mức do nhà nước quy định, đối với những nội dung nhà nước chưa quy định mức chi thì Thủ trưởng đơn vị quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

4. Quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng

4.1. Đối với số thu nộp vào ngân sách địa phương, Sở Tài chính trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chi cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không trên địa bàn, đặc biệt là địa phương nơi có các sân bay dân dụng.

4.2. Đối với số tiền trích để lại cho các lực lượng trực tiếp tham gia xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Khoản 2 Mục này:

a. Trước ngày 05 hàng tháng, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Sở Tài chính về số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng của tháng trước.

b. Trước ngày 10 hàng tháng, căn cứ tỷ lệ được trích quy định tại Thông tư này và số thu tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng đã nộp vào tài khoản tạm giữ do Kho bạc Nhà nước thông báo, Sở Tài chính thực hiện việc trích cho các đối tượng thụ hưởng theo đúng tỷ lệ quy định tại Thông tư này.

c. Cuối năm, các đơn vị trực tiếp tham gia xử lý vi phạm hành chính phải quyết toán việc sử dụng kinh phí được trích từ số tiền thu từ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

d. Số tiền thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng sử dụng không hết trong năm được chuyển sang năm sau sử dụng cho công tác bảo đảm an ninh hàng không, an toàn hàng không, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm hành chính.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thu tiền phạt kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính. Thực hiện theo dõi, hạch toán khoản thu, chi tiền phạt vi phạm hành chính theo đúng chế độ quản lý tài chính của Nhà nước.

3. Sở Tài chính các tỉnh có cảng vụ, sân bay hàng không dân dụng có trách nhiệm theo dõi việc thu, nộp, quản lý và kịp thời trích kinh phí bổ sung hoạt động cho các lực lượng thụ hưởng từ nguồn tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo đúng quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để giải quyết.


Nơi nhận:
- Thủ tướng và các phó Thủ tướng CP (để b/c);
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng TW và các ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- TAND tối cao, VKSND tối cao;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW
- Sở Tài chính, cục Thuế, Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán nhà nước
- Website của Chính phủ
- Công báo;
- Website Bộ Tài chính
- Lưu: VT, Vụ Pháp chế .

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 38/2008/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 38/2008/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/05/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: 01/06/2008
  • Số công báo: Từ số 331 đến số 332
  • Ngày hiệu lực: 16/06/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 16/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản