Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 373-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 1957

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH THỂ THỨC ĐỊNH GIÁ VÀ THANH TOÁN HÀNG NHẬP KHẨU

Cho đến nay, việc đánh giá và thanh tóan hàng nhập khẩu chưa được quy định một cách cụ thể và hợp lý. Vì vậy, hiện nay đại bộ phần hàng viện trợ đã giao cho các đơn vị xây dựng cơ bản, các xí nghiệp quốc doanh, chưa tính được giá, việc thanh tóan giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng quốc gia Việt Nam, Bộ Thương nghiệp và các Bộ chủ quản gặp nhiều trở ngại. Tình trạng đó làm cho một số lớn hàng viện trợ đã sử dụng mà không ghi vào dự tóan Nhà nước, ảnh hưởng đến phần thu nhập của ngân sách, đến việc thanh tóan với các nước bạn.; mặc khác, do không tính được giá hàng nhập, các đơn vị xây dựng và xí nghiệp không tính được giá thành, lãi lỗ một cách chính xác, ảnh hưởng đến việc nộp lợi nhuận, khấu hao cho Nhà nước, đến việc kiểm kê, đánh giá tài sản và xét định vốn, đến việc thực hiện chế độ hạch toán kinh tế.

Để cải tiến việc quản lý hàng nhập khẩu, giải quyết những việc mắc mứu trong việc thanh toán hàng nhập hiện nay giữa các Bộ, các ngành cần quy định những nguyên tắc, phương pháp định giá và thể hiện thanh tóan hàng nhập khẩu như sau :

1) Mọi việc nhập hàng đều phải qua cơ quan quản lý ngoại thương, mọi việc thanh tóan đều phải qua Ngân hàng quốc gia. Tất cả hàng nhập vào (thiết bị, nguyên vật liệu, hàng lẻ) bất luận bằng nguồn tiền nào (viện trợ, vay dài hạn, mậu dịch ) đều do Bộ Thương nghiệp quản lý.

Quan hệ giữa các Bộ nhận hàng và Bộ Thương nghiệp là quan hệ mua bán theo hợp đồng. Bộ nào, ngành nào muốn đặt hàng đều phải theo đúng nguyên tắc và thủ tục làm kế hoạch nhập hàng và đã quy định trong thông tư số 372-TTg ngày 16 tháng 8 năm 1957 : muốn mua hàng phải có tiền, phải đặt hàng kịp thời, quy cách hàng phải rõ ràng. Đã đặt hàng thì phải nhận hàng theo đúng hợp đồng, không được từ chối không nhận. Sau khi đã nhận hàng, phải thanh tóan ngay với Bộ Thương nghiệp qua Ngân hàng. Khi nhận mua hàng cho các Bộ, Bộ Thương nghiệp phải cố gắng đàm phán nhanh, đặt hàng đúng quy cách của cơ quan yêu cầu, đôn đốc hàng về đúng hạn, giao hàng đúng, tránh nhầm lẫn.

2) Khi tính giá hàng nhập để thanh toán các Bộ, các ngành, Bộ Thương nghiệp sẽ căn cứ vào những nguyên tắc sau đây :

a) Đơn vị thiết bị tòan bộ, thiết bị lẻ, nguyên vật liệu dùng cho việc xây dựng cơ bản hay cho sản xuất, thì giá hàng Mậu dịch quốc doanh tính cho các ngành gồm : giá giao nhận quy ra tiền Việt Nam theo tỷ giá trao đổi + (cộng với) phí tổn thương nghiệp.

Giá giao nhận gồm : giá gốc + (cộng với) phí tổn vận chuyển từ nước ngoài đến địa điểm giao nhận ở Việt Nam + (cộng với ) phí tổn bảo hiểm + (cộng với) tiền thuế (nếu có).

Tỷ giá trao đổi tức là tỷ giá giữa đồng Ngân hàng Việt Nam và các đồng Rúp, Nhân dân tệ…tính qua giá trị hàng hóa trao đổi thực tế giữa nước ta và các nước trong mỗi năm.

Phí tổn thương nghiệp gồm : Phí tổn bốc, dỡ hàng, bảo quản ở kho cảng hay kho nhà ga + (cộng với) phí tổn vận chuyển về địa điểm giao hàng cho các Bộ, các ngành + (cộng) tiền thuế (nếu có) + (cộng) thủ tục phí. Các khoản chi trên đây đều do Mậu dịch quốc doanh thanh tóan rồi tính vào giá hàng.

b) Đối với những thiết bị lẻ và nguyên vật liệu do các ngành sự nghiệp và hàng chính đặt hàng, cũng như đối với loại hàng tiêu dùng khác, thì tính theo giá nội địa tức là giá chỉ đạo bán buôn của Mậu dịch.

3) Nguồn vốn để thanh tóan :

- Đối với thiết bị tòan bộ, thiết bị lẻ và nguyên vật liệu dùng vào xây dựng cơ bản, các Bộ lấy vốn cơ bản mà Nhà nước đã cấp cho Bộ mình để thanh tóan. Trường hợp cần điều chỉnh và phân phối các loại hàng trên từ Bộ này sang Bộ khác, có ảnh hưởng đến dự tóan về xây dựng cơ bản của các Bộ đó, thì phải được Bộ Tài chính và Thủ tướng phủ.

- Đối với các loại máy lẻ, nguyên vật liệu dùng vào sản xuất và các ngành hành chính, sự nghiệp cũng như các loại hàng tiêu dùng khác, các Bộ lấy vốn lưu động hoặc lấy kinh phí hành chính, sự nghiệp của Bộ mình để thanh toán.

4) Tiền viện trợ và tiền vay là một nguồn thu của dự toán Nhà Nước, cho nên thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính. Nhưng để thuận tiện cho việc thanh toán với Bộ Thương nghiệp và các Bộ, Bộ Tài chính giao cho Bộ Thương nghiệp sử dụng những số tiền đó để nhập hàng. Giá thanh toán giữa Bộ Thương nghiệp và Bộ Tài chính là giá giao nhận ở cửa khẩu quy ra tiền Việt Nam theo tỷ giá trao đổi, không tính thêm các khoản tổn phí thương nghiệp.

Bộ Thương nghiệp sẽ thanh toán với Bộ Tài chính như sau :

- Đối với số tiền nhập thiết bị và nguyên vật liệu dùng vào xây dựng cơ bản của các Bộ, các ngành thì hàng về đến đâu thanh toán đến đó. Mỗi khi hàng về, cơ quan giao hàng gửi hóa đơn cho cơ quan nhận hàng, đồng thời gửi giấy báo cho Bộ Tài chính biết để ghi thu của Thương nghiệp và ghi chi cho các Bộ, các ngành. Các Bộ, các Bộ xin dự toán của Bộ Tài chính để thanh toán với Bộ Thương nghiệp. Bộ Thương nghiệp có trách nhiệm thanh toán với Bộ Tài chính. Các khoản trên đây đều chuyển khoản qua Ngân hàng.

- Đối với số tiền nhập các loại hàng khác thì Bộ Thương nghiệp sẽ thanh toán với Bộ Tài chính theo kế hoạch thu nộp cho từng thời gian do hai Bộ thỏa thuận.

5) Tỷ giá trao đổi áp dụng cho việc tính giá hàng nhập năm 1957 và tạm thời cho việc tính trị giá hàng định nhập 1958 sẽ quy định sau.

Đối với hàng nhập từ năm 1956 trở về trước, không đặt vấn đề thanh tóan lại giữa Bộ Tài chính, Bộ Thương nghiệp và các Bộ nhận hàng, mà kết hợp việc kiểm kê tài sản và xét định vốn để đáng giá lại.

6) Dựa trên những nguyên tắc trên đây, Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Thương nghiệp và Ngân hàng quốc gia Việt Nam để quy định thể thức và phương pháp thanh toán cụ thể và mời các Bộ, các ngành chủ quản lại thảo luận kế hoạch thi hành bắt đầu từ 1 tháng 9 năm 1957.

7) Bộ Thương nghiệp cần tăng cường tổ chức giao nhận, thanh toán nhằm bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc thanh toán quy định trong thông tư này, cùng các Bộ có liên quan thỏa thuận quy định thêm các thể lệ giao nhận cần thiết, để thông tri cho các ngành thi hành, tính gấp giá các loại hàng nhập gửi cho các Bộ, các ngành làm cở sở lập dự toán.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng