Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 37/2020/TT-BCT quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa do Bộ Công thương ban hành

Chương II.

DANH MỤC, YÊU CẦU VỀ ĐÓNG GÓI, PHƯƠNG TIỆN CHỨA ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NGUY HIỂM VÀ VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA NGUY HIỂM

Điều 4. Danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển

Danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển là Danh mục được quy định tại Phụ lục I của Thông tư này (sau đây gọi là Danh mục).

Điều 5. Yêu cầu về biểu trưng nguy hiểm và báo hiệu nguy hiểm

Kích thước, ký hiệu, màu sắc biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm thực hiện theo quy định tại Điều 7, Phụ lục IPhụ lục III Nghị định số 42/2020/NĐ-CP.

Điều 6. Yêu cầu về đóng gói hàng hóa nguy hiểm

1. Trừ các loại hàng hóa nguy hiểm loại 2, hàng hóa nguy hiểm dạng rắn, lỏng được đóng gói theo 3 mức quy định tại cột 6, Danh mục như sau:

a) Mức rất nguy hiểm biểu thị bằng số I (PGI).

b) Mức nguy hiểm biểu thị bằng số II (PG II).

c) Mức nguy hiểm thấp biểu thị bằng số III (PG III).

Quy định cụ thể về mức đóng gói tại Phụ lục II Thông tư này.

2. Mã đóng gói hàng hóa nguy hiểm quy định tại cột 9 Danh mục. Các yêu cầu về vật liệu, điều kiện đóng gói và chi tiết quy cách đóng gói hàng hóa nguy hiểm tương ứng với từng mã đóng gói quy định tại Phụ lục III Thông tư này.

3. Tổ chức sản xuất hoặc người vận tải hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại Thông tư này, các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đã được ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cụ thể về đóng gói vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.

Điều 7. Yêu cầu về kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định phương tiện chứa

1. Phương tiện chứa hàng hóa nguy hiểm được kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định trước khi đóng gói theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Phương tiện chứa chịu áp lực, thuộc Danh mục máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định.

Điều 8. Hàng hóa nguy hiểm yêu cầu bắt buộc phải có người áp tải

Yêu cầu bắt buộc phải có người áp tải đối với việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm có khối lượng lớn hơn mức quy định tại cột 7 Danh mục.

Điều 9. Ứng cứu khẩn cấp

1. Việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm với khối lượng lớn hơn khối lượng quy định tại cột 7 Danh mục, yêu cầu phải lập phương án ứng cứu khẩn cấp; nội dung phương án ứng cứu khẩn cấp quy định tại Phụ lục IV Thông tư này.

2. Trường hợp vận chuyển hàng hóa nguy hiểm không thuộc khoản 1 Điều này, phải có hướng dẫn xử lý sự cố tràn đổ, rò rỉ hoặc cháy nổ đối với hàng hóa đang vận chuyển.

3. Phương án ứng cứu khẩn cấp hoặc hướng dẫn xử lý sự cố phải được mang theo trong khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và do người điều khiển phương tiện quản lý, cất giữ ở vị trí dễ thấy trên buồng lái phương tiện vận chuyển.

4. Người điều khiển phương tiện vận chuyển, người áp tải phải hiểu rõ nội dung phương án ứng cứu khẩn cấp hoặc hướng dẫn xử lý sự cố, thực hiện các thủ tục ứng cứu và sử dụng thành thạo các trang thiết bị xử lý sự cố cháy, tràn đổ, rò rỉ. Trước mỗi lần vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, người điều khiển phương tiện phải rà soát kiểm tra các trang thiết bị cảnh báo, xử lý sự cố.

Thông tư 37/2020/TT-BCT quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 37/2020/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/11/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: 18/12/2020
  • Số công báo: Từ số 1163 đến số 1164
  • Ngày hiệu lực: 14/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra