Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2015/TT-BCA

Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2015

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 17/2012/TT-BCA QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU LỆNH NỘI VỤ CÔNG AN NHÂN DÂN, THÔNG TƯ SỐ 18/2012/TT-BCA QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU LỆNH ĐỘI NGŨ CÔNG AN NHÂN DÂN VÀ THÔNG TƯ SỐ 19/2012/TT-BCA QUY ĐỊNH VỀ NGHI LỄ CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị ng an nhân dân;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 18/2012/TT-BCA ngày 10/4/2012 quy định về Điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân và Thông tư số 19/2012/TT-BCA ngày 10/4/2012 quy định về Nghi lễ Công an nhân dân.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân

1. Bổ sung khoản 7 Điều 5 như sau:

“7. Quan hệ của thủ trưởng đơn vị, chính ủy, chính trị viên với cấp ủy, thủ trưởng, chính ủy, chính trị viên và các cấp phó của cấp trên là quan hệ giữa cấp dưới với cấp trên. Quan hệ của thủ trưởng đơn vị, chính ủy, chính trị viên với cấp ủy cùng cấp là quan hệ giữa phục tùng sự lãnh đạo và lãnh đạo. Quan hệ giữa thứ trưởng đơn vị với chính ủy, chính trị viên cùng cấp là quan hệ phối hợp công tác. Quan hệ của thủ trưởng đơn vị, chính ủy, chính trị viên với cấp phó cùng cấp là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới; phó thủ trưởng, phó chính ủy, phó chính trị viên đảm nhiệm một số mặt công tác do thủ trưởng đơn vị và chính ủy, chính trị viên phân công”.

Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 26 như sau:

“2. Trang phục Công an nhân dân phải sử dụng đúng mục đích theo quy định. Cán bộ, chiến sĩ mặc trang phục Công an nhân dân phải đồng bộ, thống nhất, gọn gàng, sạch sẽ, là phẳng, cài đủ cúc, khóa; đeo cành tùng đơn, cấp hiệu, phù hiệu, ký hiệu, dây lưng, cravát (đối với trang phục thu đông), đi giầy, tất do Bộ Công an cấp. Số hiệu Công an nhân dân đeo chính giữa phía trên nắp túi áo ngực bên phải, cạnh dưới của số hiệu cách gáy mép túi áo ngực phải 3mm (đối với áo thu đông, xuân hè nam); đeo chính giữa áo ngực bên phải, lấy ngang bằng cúc áo thứ nhất từ trên xuống (đối với áo thu đông, xuân hè nữ). Cán bộ, chiến sĩ nam mặc trang phục xuân hè áo kiểu sơ mi để áo trong quần, áo kiểu bludông để áo ngoài quần; khi mặc trang phục không đeo khăn che mặt, găng tay, khẩu trang (trừ trường hợp được trang cấp để làm nhiệm vụ), không đeo đồ trang sức gây phản cảm hoặc trái với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam".

3. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 27 như sau:

“d) Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị hoặc cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước, nhận Huy hiệu Đảng mặc lễ phục thu đông Công an nhân dân tại buổi lễ đón nhận”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 27 như sau:

“Cán bộ, chiến sĩ khi mặc lễ phục Công an nhân dân phải đeo huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu vinh dự nhà nước (nếu có); huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu vinh dự nhà nước đeo ở ngực áo bên trái, theo thứ tự từ phải qua trái, hạng bậc cao bên trên, hạng bậc thấp bên dưới; đeo dây đủ cuống, dải và thân huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu vinh dự nhà nước khi dự lễ do Nhà nước tổ chức, dự Đại hội thi đua, hội nghị điển hình tiên tiến, gặp mặt truyền thống; đeo cuống huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu vinh dự nhà nước khi mặc lễ phục trong các trường hợp khác; đeo Huy hiệu Đảng (nếu có) khi tham gia Đại hội Đảng các cấp; phải đeo số hiệu Công an nhân dân”.

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 34 như sau:

“2. Cán bộ, chiến sĩ nghỉ hưu, chuyển ngành, xuất ngũ được giữ lại trang phục Công an nhân dân theo quy định của Bộ công an và có thể sử dụng trong các trường hợp: khi dự gặp mặt, lễ kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày truyền thông Công an nhân dân, ngày truyền thống hoặc ngày thành lập của Công an đơn vị, địa phương; gặp mặt nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam”.

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 34 như sau:

“3. Đơn vị quản lý trực tiếp có trách nhiệm thu hồi các loại trang phục. Công an hiệu, cấp hiệu, số hiệu, phù hiệu, cành tùng đơn, mũ kê pi đã cấp đối với cán bộ, chiến sĩ khi bị tước danh hiệu Công an nhân dân”.

7. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 36 như sau:

“a) Chào bằng động tác:

- Khi gặp Quốc kỳ, Công an kỳ hoặc Quân kỳ trong đội ngũ (trừ trường hợp đang chỉ huy, hướng dẫn giao thông hoặc không thể chào bằng động tác). Trường hợp khi có Quốc kỳ, Công an kỳ, Quân kỳ, kể cả Quốc kỳ của nước bạn và các khối duyệt đội ngũ, duyệt binh, diễu binh, diễu hành đi qua lễ đài chào thì tất cả đại biểu dự trên lễ đài đứng nghiêm, cán bộ, chiến sĩ mặc trang phục Công an nhân dân đứng ở hàng ngang thứ nhất thực hiện động tác chào; thời gian thực hiện động tác chào từ khi Quốc kỳ, Công an kỳ, Quân kỳ, các khối đi đến trước lễ đài và khi đi qua lễ đài thì thôi chào;

- Trước khi nhận phần thưởng cấp trên trao;

- Khi gặp linh cữu có đơn vị Công an, Quân đội đi đưa;

- Mặc niệm khi dự lễ tang, tưởng niệm khi dự lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các lãnh tụ, các liệt sĩ;

- Trước và sau khi thực hiện việc tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; trước và sau khi phát biểu lần đầu trong hội nghị, hội thi, hội thảo, buổi lễ; trước và sau khi dẫn chương trình các buổi sinh hoạt, hoạt động văn hóa, văn nghệ; vị trí chào tại nơi đứng phát biểu;

- Khi được giới thiệu là đại biểu đến dự trong các hội nghị, hội thi, hội thảo, buổi lễ, sinh hoạt, học tập:

Người được giới thiệu ngồi ở vị trí trên lễ đài đứng dậy hướng về các đại biểu thực hiện động tác chào;

Người được giới thiệu ngồi ở vị trí phía trước dưới lễ đài đứng dậy thực hiện động tác chào đại biểu trên lễ đài (nếu có) và quay đằng sau thực hiện động tác chào các đại biểu phía dưới lễ đài. Trường hợp không thể thực hiện động tác quay sau thì quay về phía có số đông đại biểu thực hiện động tác chào”.

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 36 như sau:

“3. Cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ tại các mục tiêu bảo vệ phải thực hiện động tác chào lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ và khách đến thăm, làm việc với đơn vị khi đi qua mục tiêu bảo vệ; chào bằng động tác hoặc đứng nghiêm treo súng tiểu liên được trang bị chào”.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2012/TT-BCA ngày 10/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về Điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:

“ Điều 9. Vị trí của lãnh đạo, chỉ huy trong đội hình đơn vị

1. Vị trí của lãnh đạo, chỉ huy trong đội hình hàng ngang

Cấp trưởng đứng bên phải ngoài cùng ngang với hàng trên cùng, đứng sau cấp trưởng thành một hàng dọc là phó chỉ huy về tham mưu, phó chỉ huy về hậu cần; đứng bên trái cấp trưởng là chính ủy hoặc chính trị viên, đứng sau chính ủy hoặc chính trị viên là phó chính ủy hoặc phó chính trị viên. Riêng đội hình tiểu đội: cấp trưởng đứng bên phải ngoài cùng đội hình tiểu đội, cấp phó đứng bên trái cấp trưởng.

2. Vị trí của lãnh đạo, chỉ huy trong đội hình hàng dọc

Cấp trưởng đứng phía trước chính giữa đội hình, đứng sau cấp trưởng là chính ủy, hoặc chính trị viên, cấp phó xếp thành một hàng ngang đứng sau chính ủy hoặc chính trị viên, thứ tự (từ phải sang trái) phó chỉ huy về tham mưu, phó chính ủy hoặc phó chính trị viên, phó chỉ huy về hậu cần. Riêng đội hình tiểu đội, trung đội: cấp trưởng đứng phía trước, cấp phó đứng sau cấp trưởng.

3. Vị trí của lãnh đạo, chỉ huy trong đội hình cấp trên

Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị căn cứ vào đội hình cấp trên quy định để xác định vị trí đứng của mình”.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 18 như sau:

“b) Báo cáo trong các hội nghị, hội thi, hội thảo, buổi lễ, học tập phải xưng đầy đủ thứ tự: tôi, cấp bậc, họ tên, trực ban hội nghị..., báo cáo đồng chí cấp bậc (nếu có), họ tên, chức vụ cao nhất về chính quyền của người nhận báo cáo, đại biểu hoặc cán bộ, chiến sĩ, học viên dự hội nghị...đã có mặt, đội ngũ chính tề, xin chỉ thị đồng chí (nếu là lãnh đạo Bộ) xin ý kiến đồng chí (đối với các trường hợp khác), báo cáo hết (trường hợp không phải xin ý kiến), kinh mời đồng chí lên vị trí chủ lễ (nếu báo cáo trong buổi lễ chào cờ)”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 104 như sau:

“Điều 104. Cờ truyền thống Công an nhân dân; tổ chức, trang phục, trang bị, vị trí Tổ Công an kỳ

1. Cờ truyền thống Công an nhân dân: chất liệu bằng vải, chiều dài 1,95 mét; chiều rộng 1,30 mét, không có tua rua; cán cờ bằng gỗ màu nâu đỏ, dài 2,75 mét, đường kính 3,5 cm; búp cờ màu vàng, dài 25 cm đường kính rộng nhất của búp cờ 5,5 cm, trên búp cờ có tua cờ bằng chỉ màu vàng, dài 30 cm; nền cờ màu đỏ, ở giữa có ngôi sao 5 cánh màu vàng, góc trên phía trái có 6 chữ “BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC” in hoa, màu vàng, nét cuối của chữ thứ sáu không vượt quá đầu của cánh sao phía phải và được in 2 mặt.

2. Tổ Công an kỳ gồm 3 đồng chí:

a) Một đồng chí mang Công an kỳ;

b) Hai đồng chí bảo vệ Công an kỳ.

3. Trang phục, trang bị của Tổ Công an kỳ

a) Trang phục:

- Khi thực hiện các nghi lễ Công an nhân dân (lễ đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đón nhận huân chương, danh hiệu vinh dự nhà nước; khi thực hiện lễ tang) mặc trang phục chuyên dùng theo quy định của Bộ Công an;

- Khi tham gia duyệt đội ngũ, duyệt binh, Điều binh mặc trang phục theo quy định của từng lực lượng, thống nhất với trang phục của cán bộ, chiến sĩ đi trong đội hình khối; mặc trang phục xuân hè áo kiểu sơ mi để áo trong quần, đeo dây chéo, áo kiểu bludông để áo ngoài quần không đeo dây chéo; mặc trang phục thu đông đeo dây chéo, mang găng tay trắng.

b) Trang bị: đồng chí giữ Công an kỳ đeo súng ngắn, hai đồng chí bảo vệ Công an kỳ đeo súng ngắn (nếu là sĩ quan), treo súng tiểu liên AK (nếu là hạ sĩ quan).

4. Vị trí Tổ Công an kỳ:

a) Tổ Công an kỳ trong đội hình hàng ngang: đứng bên phải và cách đội hình đơn vị 1 mét;

b) Tổ Công an kỳ trong đội hình hàng dọc: đứng phía trước chính giữa và cách đội hình đơn vị 3 mét sau đồng chí chỉ huy 2 mét.

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2012/TT- BCA ngày 10/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về Nghi lễ Công an nhân dân

1. Bổ sung điểm b khoản 1 Điều 5 như sau:

“b) Chào cờ Tổ quốc theo định kỳ hằng tháng: các đơn vị Công an từ cấp phường, đồn, đội và tương đương trở lên có trụ sở độc lập (trừ các đơn vị và đối tượng học sinh, sinh viên quy định tại điểm a khoản 1 Điều này) tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ chào cờ Tổ quốc theo định kỳ hằng tháng vào đầu giờ làm việc buổi sáng, ngày làm việc đầu tiên của tuần đầu tháng. Tuần đầu tháng được xác định là tuần không có ngày làm việc của tháng trước”.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 7 như sau:

“đ) Đội hình lãnh đạo và các đơn vị tham gia lễ chào cờ Tổ quốc khi tổ chức ở ngoài trời:

Các đơn vị trực thuộc đứng thành hàng dọc, đội hình đơn vị chào cờ đứng thành hàng ngang. Lãnh đạo đơn vị tổ chức lễ chào cờ đứng thành một hàng dọc chính giữa đội hình, đối diện với cờ Tổ quốc, cách hàng bên phải, bên trái đội hình đơn vị 01 mét. Đối với đơn vị thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên thì lãnh đạo đơn vị tổ chức lễ chào cờ đứng thành hai hàng dọc chính giữa đội hình, đối diện với cờ Tổ quốc, cách hàng bên phải, bên trái đội hình đơn vị 01 mét; cấp trưởng đứng trước, đứng sau cấp trưởng là các cấp phó, đứng bên trái cấp trưởng là chính ủy hoặc chính trị viên, đứng sau chính ủy hoặc chính trị viện là phó chính ủy hoặc phó chính trị viên. Khi chỉnh hàng, trực ban hô khẩu lệnh “tại chỗ nhìn bên phải thẳng hoặc tại chỗ nhìn bên trái thẳng” các hàng bên trái hoặc bên phải (kể cả hàng của lãnh đạo đơn vị nhìn hàng ngoài cùng của hàng bên phải hoặc hàng ngoài cùng của hàng bên trái để gióng hàng). Khi chủ lễ lên vị trí chào cờ thì đồng chí đứng liền sau chủ lễ không bước lên và thực hiện động tác chào như người đứng ở đầu hàng”.

3. Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 7 như sau:

“d) Đội hình lãnh đạo và các đơn vị tham gia lễ chào cờ Tổ quốc tổ chức ở trong nhà:

Vị trí của lãnh đạo đơn vị tổ chức lễ chào cờ Tổ quốc ở trong nhà (hội trường) có bàn, ghế đứng ở hàng ngang thứ nhất, lãnh đạo đơn vị trực thuộc đứng từ hàng ngang thứ 2 trở xuống, tiếp theo là cán bộ, chiến sĩ; chủ lễ, trực ban, cán bộ đọc 5 lời thề danh dự của Công an nhân dân đội mũ kê pi, cán bộ, chiến sĩ khác tham gia lễ chào cờ không đội mũ. Khi hô khẩu lệnh "chào cờ, chào" thì lãnh đạo đơn vị đứng ở hàng ngang thứ nhất thực hiện động tác chào. Trường hợp tổ chức chào cờ trong nhà, bàn ghế không sắp xếp theo các vị trí trên thì chủ lễ bố trí đội hình cho phù hợp với điều kiện thực tế. Chào cờ Tổ quốc ở trong nhà không có bàn, ghế thì thực hiện như chào cờ Tổ quốc khi tổ chức ở ngoài trời”.

4. Sửa đổi, bổ sung tiết 1 điểm d khoản 1 Điều 8 như sau:

“- Trường hợp không có cấp trên là chủ lễ:

Khi trực ban buổi lễ về vị trí, đồng chí chủ lễ thực hiện động tác quay sau hoặc đến vị trí thích hợp thực hiện động tác chào, hô “nhận xét, nghỉ” (nếu không có ghế ngồi), hoặc hô “nhận xét, ngồi xuống” (nếu có ghế ngồi), rồi nhận xét, đánh giá tình hình, kết quả công tác trong tuần hoặc tháng. Nhận xét xong, chủ lễ hô nhận xét, hết”; đồng thời, thực hiện động tác chào và đi về vị trí ban đầu”.

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 21 như sau:

“5. Công bố quyết định và tổ chức trao thưởng do Ban tổ chức thực hiện:

a) Công bố quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước và tổ chức trao thưởng cho tập thể, cá nhân

- Công bố quyết định khen thưởng cho tập thể: trước khi công bố, người công bố mời Tổ Công an kỳ, lãnh đạo của đơn vị được khen thưởng lên vị trí danh dự để nghe công bố quyết định khen thưởng. Tổ Công an kỳ từ vị trí tập kết thành một hàng dọc đi nghiêm ra vị trí danh dự, đứng nghiêm thành một hàng ngang thực hiện động tác giữ Công an kỳ, mặt hướng về các đại biểu dự lễ. Lãnh đạo đơn vị được khen thưởng thành một hàng dọc đi đến vị trí danh dự, đứng nghiêm thành một hàng ngang bên phải và cách Tổ Công an kỳ 1,5 mét, mặt hướng về các đại biểu dự lễ. Sau đó, công bố quyết định và mời cấp trên trao quyết định, trao thưởng.

- Công bố quyết định khen thưởng cho cá nhân: trước khi công bố, người công bố mời cá nhân được khen thưởng lên vị trí danh dự để nghe công bố quyết định khen thưởng. Người được khen thưởng đi đến vị trí danh dự, đứng nghiêm thành một hàng ngang, thứ tự từ phải sang trái theo hướng nhìn lên lễ đài (nếu từ hai người trở lên), mặt hướng về các đại biểu dự lễ. Sau đó, công bố quyết định và mời cấp trên trao quyết định, trao thưởng.

b) Quyết định khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ và các hình thức khen thưởng khác

Việc tổ chức trao thưởng có thể thực hiện theo một trong hai hình thức sau:

- Hình thức thứ nhất: sau khi công bố quyết định khen thưởng xong, người công bố mời đại diện lãnh đạo của đơn vị hoặc cá nhân có tên trong quyết định khen thưởng lên vị trí danh dự. Đại diện lãnh đạo của đơn vị hoặc cá nhân được khen thưởng đi đến vị trí danh dự, đứng nghiêm thành một hàng ngang thứ tự từ phải sang trái theo hướng nhìn lên lễ đài (nếu từ hai người trở lên) mặt hướng về các đại biểu dự lễ; sau đó mời cấp trên trao thưởng, trao thưởng từ phải qua trái hướng nhìn lên lễ đài;

- Hình thức thứ hai: trong buổi lễ trao thưởng có nhiều tập thể đơn vị hoặc cá nhân được khen thưởng, sau khi công bố quyết định xong, mời lãnh đạo cấp trên lên đứng bên phải lễ đài nhìn từ dưới lên để trao thưởng, mặt hướng về các đại biểu dự lễ, đồng thời mời đại diện tập thể đơn vị hoặc cá nhân lên nhận thưởng, nhận xong về đứng thành hàng ngang thứ tự từ phải sang trái theo hướng nhìn lên lễ đài, mặt hướng về các đại biểu dự lễ.

Việc trao thưởng theo hình thức nào do Trưởng ban tổ chức quyết định.

c) Phục vụ trao thưởng

- Phục vụ việc trao thưởng có 2 người: từ vị trí tập kết, người phục vụ thứ nhất đi đều đến đứng bên trái người trao thưởng, cách khoảng 70 cm, người phục vụ thứ 2 hai tay nâng khay để phần thưởng đi sau và đứng bên trái phía sau người phục vụ thứ nhất cách khoảng 70 cm. Người phục vụ thứ nhất lấy phần thưởng ở trong khay đựng phần thưởng chuyển cho người trao thưởng (đối với các loại bằng có khung thì hai tay cầm hai cạnh bên, nếu là cờ thường thì cầm ở cán treo cờ).

- Người phục vụ trao thưởng mặc trang phục Công an nhân dân, nếu người phục vụ thứ hai là nữ có thể mặc áo dài”.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày tháng năm 2015; thay thế những quy định của Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 18/2012/TT-BCA ngày 10/4/2012 quy định về Điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân và Thông tư số 19/2012/TT-BCA ngày 10/4/2012 quy định về Nghi lễ Công an nhân dân trái với quy định của Thông tư này.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Giám đốc các học viện, hiệu trưởng các trường Công an nhân dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Tổng cục Chính trị Công an nhân dân có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Thông tư nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Chính trị Công an nhân dân) để có hướng dẫn kịp thời ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 37/2015/TT-BCA sửa đổi Thông tư 17/2012/TT-BCA quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư 18/2012/TT-BCA quy định về Điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân và Thông tư 19/2012/TT-BCA quy định về Nghi lễ Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 37/2015/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/07/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Trần Đại Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản