Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 36/2016/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Công Thương

1. Xây dựng kế hoạch hàng năm về dán nhãn năng lượng, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, đánh giá và chứng nhận, công nhận các tổ chức thử nghiệm.

2. Xây dựng kế hoạch hàng năm về kiểm tra việc dán nhãn năng lượng, tổ chức thực hiện và chỉ đạo các Sở Công Thương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng.

3. Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, ban hành, sửa đổi Tiêu chuẩn Quốc gia về hiệu suất năng lượng và phương pháp xác định hiệu suất năng lượng.

4. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng và công bố thông tin liên quan đến việc dán nhãn năng lượng bao gồm danh mục phương tiện, thiết bị dán nhãn năng lượng, kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương.

5. Phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các khiếu nại, tranh chấp liên quan đến việc đăng ký và dán nhãn năng lượng. Đưa ra phương án xử lý trong trường hợp khiếu nại đúng và có căn cứ hoặc thông báo cho tổ chức, cá nhân khiếu nại trong trường hợp khiếu nại không đúng, thiếu căn cứ.

6. Công bố chi tiết thông tin về thủ tục đăng ký, các biểu mẫu chi tiết cho việc đăng ký dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị trên Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương.

7. Yêu cầu các doanh nghiệp thu hồi các phương tiện, thiết bị đã được dán nhãn năng lượng không đúng quy định đang lưu thông trên thị trường.

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Công Thương

1. Thanh tra kiểm tra, giám sát trên địa bàn, việc thực hiện dán nhãn năng lượng đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối phương tiện thiết bị thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng.

2. Tiếp nhận và tổng hợp thông tin báo cáo của doanh nghiệp về phương tiện thiết bị sản xuất, nhập khẩu thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng tại địa phương hàng năm và các phương tiện, thiết bị đã dán nhãn năng lượng trong năm và gửi Bộ Công thương trước ngày 15 tháng 3 năm tiếp theo.

3. Xử lý đề xuất phương án xử lý, kiểm tra việc khắc phục vi phạm của doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh vi phạm về dán nhãn năng lượng và báo cáo cho Bộ Công Thương.

4. Thực hiện các công tác quản lý, giám sát khác theo ủy quyền của Bộ Công Thương.

Điều 13. Trách nhiệm của doanh nghiệp

1. Lập báo cáo định kỳ về số lượng, chủng loại phương tiện, thiết bị đã được sản xuất, kinh doanh và dán nhãn năng lượng gửi về Bộ Công Thương và Sở Công Thương nơi doanh nghiệp có trụ sở trước ngày 15 tháng 01 hàng năm.

2. Kịp thời báo cáo Bộ Công Thương các chỉ tiêu công nghệ thay đổi, các tác động tăng hoặc giảm các chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị, thực hiện đăng ký dán nhãn năng lượng lại theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này khi có các thay đổi về thiết kế, công nghệ làm ảnh hưởng tới mức tiêu thụ năng lượng.

3. Chủ động báo cáo về Bộ Công Thương và cơ quan chức năng tại địa phương, đồng thời tiến hành các biện pháp khắc phục đối với phương tiện, thiết bị đang sản xuất, nhập khẩu hoặc phân phối, lưu thông thị trường cũng như phương tiện, thiết bị trong quá trình sử dụng khi phát hiện phương tiện thiết bị của mình có biểu hiện không phù hợp với tiêu chuẩn đánh giá tương ứng hoặc mức tiêu thụ năng lượng đã đăng ký dán nhãn năng lượng.

4. Thường xuyên thực hiện và duy trì các biện pháp đảm bảo phương tiện, thiết bị đạt mức tiêu thụ năng lượng như đã đăng ký.

5. Thu hồi các phương tiện, thiết bị đã dán nhãn năng lượng không đúng quy định đang lưu thông trên thị trường.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 02 năm 2017 và thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 04 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công Thương quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 07).

2. Đối với các tổ chức thử nghiệm đã được Bộ Công Thương chỉ định theo quy định của Thông tư số 07, tổ chức thử nghiệm tiếp tục được thực hiện hoạt động cho đến khi hết thời hạn hiệu lực của Quyết định chỉ định phòng thử nghiệm.

3. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị đã được Bộ Công Thương chứng nhận dán nhãn năng lượng theo quy định của Thông tư số 07, doanh nghiệp được tiếp tục dán nhãn năng lượng cho các phương tiện thiết bị cho đến khi hết thời hạn hiệu lực của Quyết định chứng nhận dán nhãn năng lượng.

4. Bãi bỏ Điều 8 Thông tư số 04/2016/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực.

5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công Thương để kịp thời xử lý./.

Thông tư 36/2016/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương

  • Số hiệu: 36/2016/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/12/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: 01/02/2017
  • Số công báo: Từ số 107 đến số 108
  • Ngày hiệu lực: 10/02/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra