Chương 2 Thông tư 36/2011/TT-BCT quy định quản lý nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường ngành công thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
Điều 4. Xây dựng danh mục nhiệm vụ môi trường
1. Việc xây dựng danh mục nhiệm vụ môi trường phải hoàn thành trước ngày 15 tháng 5 của năm trước năm kế hoạch.
2. Vào tháng 01 hàng năm, căn cứ vào yêu cầu quản lý, chiến lược, chương trình mục tiêu, kế hoạch bảo vệ môi trường của Nhà nước và của ngành, Bộ Công Thương ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường cho năm tiếp theo.
Đối với các nhiệm vụ đặt hàng, Bộ Công Thương sẽ thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ, của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp và Báo Công Thương để tuyển chọn cơ quan chủ trì thực hiện.
3. Căn cứ Hồ sơ đề xuất nhiệm vụ môi trường và Hồ sơ tham gia tuyển chọn nhiệm vụ đặt hàng gửi về, Bộ Công Thương tổ chức rà soát sơ bộ nội dung, sản phẩm dự kiến và xây dựng Danh mục các nhiệm vụ môi trường.
Điều 5. Hồ sơ đề xuất nhiệm vụ môi trường và Hồ sơ tham gia tuyển chọn nhiệm vụ đặt hàng
1. Hồ sơ đề xuất nhiệm vụ môi trường và Hồ sơ tham gia tuyển chọn nhiệm vụ đặt hàng được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 và gửi về Bộ Công Thương (Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) trước ngày 15 tháng 4 của năm trước năm kế hoạch.
2. Hồ sơ đề xuất nhiệm vụ môi trường và Hồ sơ tham gia tuyển chọn nhiệm vụ đặt hàng phải gửi qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đúng hạn theo quy định. Trường hợp gửi qua bưu điện, ngày chứng thực nhận hồ sơ là ngày ghi ở dấu “đến” của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.
3. Hồ sơ tham gia tuyển chọn nhiệm vụ đặt hàng bao gồm: một (01) bộ hồ sơ gốc và tám (08) bản sao (bản photo) bộ hồ sơ gốc (có dấu của tổ chức và chữ ký của cá nhân tương ứng như đã quy định trên từng biểu mẫu), được đóng gói trong túi hồ sơ có niêm phong và bên ngoài ghi rõ như sau:
a) Tên nhiệm vụ môi trường tham gia tuyển chọn;
b) Tên, địa chỉ, điện thoại của cơ quan đăng ký chủ trì và tổ chức tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ (chỉ ghi danh sách tổ chức đã có xác nhận tham gia phối hợp);
c) Danh mục tài liệu, văn bản có trong hồ sơ.
Điều 6. Thẩm định nhiệm vụ môi trường
1. Căn cứ Danh mục nhiệm vụ môi trường đã được xây dựng, Bộ Công Thương thành lập Hội đồng thẩm định thuyết minh đề cương, dự toán các nhiệm vụ môi trường.
Hội đồng thẩm định có ít nhất 7 thành viên, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng, các Ủy viên là đại diện từ cơ quan tài chính, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và các chuyên ngành có liên quan.
2. Thực hiện thẩm định:
a) Đối với các hồ sơ đề xuất nhiệm vụ: Hội đồng thẩm định đánh giá bằng hình thức góp ý, nhận xét sự phù hợp và tính cấp thiết của nội dung đề xuất để đưa vào kế hoạch bảo vệ môi trường của Bộ Công Thương của năm kế hoạch;
b) Đối với các Hồ sơ tham gia tuyển chọn: Hội đồng đánh giá bằng hình thức chấm điểm theo các nhóm tiêu chí đánh giá và thang điểm quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này. Các Hồ sơ nhiệm vụ môi trường tham gia tuyển chọn sẽ được xếp hạng từ cao xuống thấp dựa trên số điểm đánh giá theo các điều kiện sau:
- Hồ sơ có tổng số điểm trung bình của các tiêu chí đạt từ 70/100 điểm trở lên, trong đó, điểm trung bình của từng nhóm tiêu chí không thấp hơn 50% tổng số điểm của nhóm tiêu chí đó;
- Đối với các Hồ sơ có tổng số điểm đánh giá bằng nhau thì điểm cao hơn của Chủ tịch Hội đồng (hoặc điểm của Phó Chủ tịch Hội đồng, trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt) được ưu tiên để xếp hạng; trường hợp điểm của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng (trường hợp vắng Chủ tịch Hội đồng) đối với các Hồ sơ cũng giống nhau, Hội đồng sẽ kiến nghị tại chỗ phương án lựa chọn.
Cơ quan có Hồ sơ tham gia tuyển chọn được xếp hạng cao nhất sẽ được Hội đồng đề nghị Bộ Công Thương chọn làm cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ môi trường.
3. Căn cứ vào kết quả đánh giá, thẩm định của Hội đồng, Bộ Công Thương tổng hợp kế hoạch bảo vệ môi trường để gửi đến các Bộ, ngành liên quan xem xét. Việc tổng hợp kế hoạch phải hoàn thành trước ngày 10 tháng 7 của năm trước năm kế hoạch.
Điều 7. Giao nhiệm vụ và dự toán ngân sách
1. Căn cứ ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương rà soát và phê duyệt Quyết định giao nhiệm vụ môi trường của năm kế hoạch. Việc phê duyệt được thực hiện trong tháng 12 của năm trước năm kế hoạch.
2. Căn cứ Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách năm từ nguồn sự nghiệp môi trường giao cho Bộ Công Thương; Căn cứ Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương giao nhiệm vụ môi trường của năm kế hoạch, Vụ Tài chính trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt và giao dự toán chi sự nghiệp môi trường cho các đơn vị thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 8. Phê duyệt thuyết minh đề cương và ký kết Hợp đồng
1. Căn cứ Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương giao nhiệm vụ môi trường, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp sẽ chuyển Danh mục các nhiệm vụ môi trường thực hiện trong năm kế hoạch để đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ, và đăng tải trên trang của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp và tiến hành phê duyệt thuyết minh đề cương và ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ.
2. Những nhiệm vụ môi trường đã được đưa vào kế hoạch bảo vệ môi trường của năm kế hoạch nhưng chưa bố trí được kinh phí thì được bảo lưu kết quả và ưu tiên thực hiện trong năm kế hoạch tiếp theo.
Điều 9. Báo cáo, kiểm tra giữa kỳ việc thực hiện nhiệm vụ môi trường
1. Căn cứ tiến độ thực hiện theo Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ môi trường, cơ quan chủ trì thực hiện có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ môi trường về Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Căn cứ kết quả báo cáo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ môi trường. Trong trường hợp cần thiết, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tổ chức kiểm tra, đánh giá đột xuất.
3. Đối với các nhiệm vụ kéo dài hai năm trở lên, sau khi kết thúc một năm thực hiện, cơ quan chủ trì có trách nhiệm lập báo cáo cuối năm gửi Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp để đánh giá, nghiệm thu khối lượng công việc thực hiện và làm căn cứ thanh toán kinh phí thực hiện trong năm.
1. Nhiệm vụ môi trường khi hoàn thành phải được nghiệm thu, đánh giá kết quả tại Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở, Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ.
2. Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở do Thủ trưởng cơ quan chủ trì quyết định thành lập gồm tối thiểu 07 thành viên là đại diện Lãnh đạo cơ quan chủ trì và các chuyên gia thuộc lĩnh vực có liên quan.
3. Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ do Bộ Công Thương quyết định thành lập gồm tối thiểu 07 thành viên là đại diện của các cơ quan có liên quan và các chuyên gia có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung, tính chất của nhiệm vụ môi trường.
Điều 11. Tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở
1. Việc đánh giá kết quả thực hiện ở cấp cơ sở được thực hiện sau khi cơ quan chủ trì nhận được đề nghị nghiệm thu của Chủ trì nhiệm vụ.
2. Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở xem xét, đánh giá nội dung, khối lượng sản phẩm; phương pháp thực hiện, mức độ hoàn thành của tài liệu báo cáo và sản phẩm so với thuyết minh đề cương được phê duyệt và kết luận cụ thể về các vấn đề còn tồn tại và cần chỉnh sửa, bổ sung.
3. Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ môi trường theo một trong hai mức: “Đạt” hoặc “Không đạt”.
4. Nhiệm vụ môi trường được đánh giá kết quả thực hiện ở mức “Đạt” là nhiệm vụ được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt bỏ phiếu đánh giá “Đạt” và là cơ sở để xem xét, đánh giá nghiệm thu cấp Bộ.
5. Nhiệm vụ môi trường được đánh giá kết quả thực hiện ở mức “Không đạt” trong các trường hợp sau:
a) Có ít hơn 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt bỏ phiếu đánh giá “Đạt”;
b) Không có giá trị sử dụng, kết quả trùng lặp;
c) Hồ sơ, tài liệu, số liệu cung cấp không trung thực;
d) Tự ý sửa đổi mục tiêu, nội dung thực hiện;
6. Căn cứ kết luận của Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày họp Hội đồng, Chủ trì nhiệm vụ có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ sản phẩm của nhiệm vụ môi trường nộp cơ quan chủ trì.
Điều 12. Tổ chức nghiệm thu cấp Bộ
1. Việc đánh giá kết quả thực hiện ở cấp Bộ được thực hiện sau khi cơ quan quản lý nhận được văn bản của cơ quan chủ trì đề nghị nghiệm thu kèm theo đầy đủ các sản phẩm của nhiệm vụ môi trường.
2. Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ chỉ tiến hành họp khi có mặt từ 2/3 số thành viên trở lên trong đó có ít nhất 01 ủy viên phản biện.
3. Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ môi trường bằng hình thức bỏ phiếu, theo một trong hai mức: “Đạt” hoặc “Không đạt”. Nhiệm vụ môi trường được đánh giá kết quả thực hiện ở mức “Không đạt” trong trường hợp có ít hơn 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt bỏ phiếu đánh giá “Đạt”.
Điều 13. Giao nộp sản phẩm và quản lý hồ sơ
1. Căn cứ kết luận của Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày họp Hội đồng, cơ quan chủ trì có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ sản phẩm của nhiệm vụ môi trường nộp về Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp: 01 bản in và 01 bản mềm trên đĩa CD; hình ảnh sản phẩm (nếu có); 01 báo cáo tóm tắt nội dung nhiệm vụ môi trường đã hoàn thành để đăng tải trên các phương tiện truyền thông của Bộ Công Thương.
2. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm quản lý toàn bộ hồ sơ, tài liệu và tổ chức phổ biến, áp dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ môi trường vào thực tiễn.
Điều 14. Thanh lý hợp đồng nhiệm vụ môi trường
Căn cứ Biên bản nghiệm thu kết quả nhiệm vụ, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thực hiện việc thanh lý hợp đồng nhiệm vụ môi trường đã ký kết với cơ quan chủ trì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ sản phẩm của nhiệm vụ môi trường.
1. Vụ Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp kiểm tra quyết toán kinh phí sự nghiệp môi trường. Đối với các đơn vị chủ trì thực hiện không thuộc đơn vị dự toán trực thuộc Bộ (đơn vị chi thông qua tài khoản của Cục), Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tổng hợp vào Báo cáo quyết toán của Cục trình Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
2. Trường hợp đến ngày 31 tháng 12 còn dư kinh phí dự toán thực hiện nhiệm vụ môi trường chưa sử dụng hoặc tạm ứng kinh phí chưa đủ điều kiện quyết toán, cơ quan chủ trì có văn bản giải trình rõ nguyên nhân và đề nghị chuyển kinh phí sang năm sau gửi Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trước ngày 31 tháng 01 của năm sau (có xác nhận của Kho bạc nhà nước nơi đơn vị giao dịch) để trình Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính xem xét chuyển số kinh phí chưa sử dụng hết sang năm sau theo chế độ quy định.
3. Đối với các nhiệm vụ môi trường thực hiện nhiều năm, trong vòng 30 ngày kể từ ngày được Hội đồng cấp Bộ nghiệm thu, cơ quan chủ trì có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán kinh phí đã sử dụng trong năm và Báo cáo tổng hợp toàn bộ kinh phí nhiệm vụ đã thực hiện.
Thông tư 36/2011/TT-BCT quy định quản lý nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường ngành công thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- Số hiệu: 36/2011/TT-BCT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 28/09/2011
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Hoàng Quốc Vượng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 523 đến số 524
- Ngày hiệu lực: 16/11/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Điều 2. Giải thích thuật ngữ
- Điều 3. Nhiệm vụ môi trường
- Điều 4. Xây dựng danh mục nhiệm vụ môi trường
- Điều 5. Hồ sơ đề xuất nhiệm vụ môi trường và Hồ sơ tham gia tuyển chọn nhiệm vụ đặt hàng
- Điều 6. Thẩm định nhiệm vụ môi trường
- Điều 7. Giao nhiệm vụ và dự toán ngân sách
- Điều 8. Phê duyệt thuyết minh đề cương và ký kết Hợp đồng
- Điều 9. Báo cáo, kiểm tra giữa kỳ việc thực hiện nhiệm vụ môi trường