Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 35-TC/CTN

Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 1989

THÔNG TƯ

SỐ 35-TC/CTN NGÀY 9-9-1989 HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ THU THUẾ ĐỐI VỚI THUẾ BUÔN CHUYẾN

Để đưa công tác quản lý thu thuế buôn chuyến vào nề nếp, bảo đảm thi hành đúng chính sách, căn cứ vào các điều 7, 8, 35, 36, 42 của Điều lệ thuế công thương nghiệp và điều 20 của Nghị định số 53-HĐBT ngày 27-5-1989 của Hội đồng Bộ trưởng; Bộ Tài chính hướng dẫn nghiệp vụ thu thuế buôn chuyến như sau:

1. Tất cả những người kinh doanh buôn chuyến dù là chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, kinh doanh thường xuyên hay thời vụ đều phải chấp hành đúng những quy định sau đây:

a) Phải khai báo với cơ quan thuế trước khi bắt đầu hoạt động, ngừng hay thôi kinh doanh hoặc có sự thay đổi trong kinh doanh như mặt hàng, tuyến đường.

b) Người kinh doanh buôn chuyến phải mở và giữ sổ buôn chuyến theo quy định của cơ quan thuế, lập và giữ hóa đơn chứng từ mua bán hàng hóa theo đúng quy định của Nhà nước. Người buôn chuyến tự ghi vào sổ buôn chuyến đầy đủ số lượng, trọng lượng, giá mua của từng mặt hàng trong từng chuyến hàng, ngày và giờ vận chuyển...

Những người buôn chuyến nhỏ, thời vụ... có thể được miễn giữ sổ buôn chuyến nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan thuế.

c) Người kinh doanh buôn chuyến phải có trách nhiệm kê khai, nộp thuế trước khi vận chuyển hàng đi; khi kê khai phải ghi rõ mặt hàng, số lượng, giá mua.

Nếu trong khi kiểm tra, thấy có dấu hiệu nghi vấn, người kinh doanh buôn chuyến phải xuất trình đầy đủ những tài liệu theo yêu cầu của cán bộ thuế.

2. Trách nhiệm của cơ quan thuế:

a) Quản lý đối tượng nộp thuế:

Yêu cầu chung là phải quản lý được tất cả các hộ, cơ sở buôn chuyến trên địa bàn. Muốn vậy, cơ quan thuế phải biết dựa vào quần chúng nhân dân, dựa vào số liệu điều tra thống kê, dựa vào việc cấp đăng ký kinh doanh; phải biết kết hợp quản lý đối tượng ở cả 3 khâu là nơi cư trú, nơi xuất phát hàng đi, nơi bán hàng và phân loại đối tượng để có biện pháp quản lý thích hợp.

Biện pháp quản lý từng đối tượng cụ thể:

- Đối với người kinh doanh buôn chuyến phải có sổ buôn chuyến do cơ quan thuế cấp hoặc người buôn chuyến tự đóng theo đúng mẫu quy định, có đóng dấu xác nhận của cơ quan thuế và đóng dấu giáp lai vào từng trang khi sử dụng;

- Đối với người buôn chuyến nhỏ, thời vụ phải phân biệt từng trường hợp để thu thuế đúng đối tượng theo quy định tại điều 36 của Điều lệ thuế công thương nghiệp;

- Đối với các hợp tác xã mua bán đi cất hàng phải có các chứng từ sau:

Hợp đồng kinh tế có xác nhận của cơ quan chủ quản,

Có hoá đơn hoặc hoá đơn kiêm phiếu xuất kho.

Có sổ mua hàng do cơ quan thuế cấp.

Ghi rõ mặt hàng, số lượng vận chuyển.

Có đủ các chứng từ trên thì hợp tác xã mua bán không phải nộp thuế buôn chuyến. Các trường hợp khác phải nộp thuế buôn chuyến.

- Người kinh doanh cố định cất hàng về bán, người làm nghề thủ công, nông dân, người làm kinh tế gia đình... đem sản phẩm do mình làm ra bán ở thị trường phải có sổ mua hàng, sổ bán hàng do cơ quan thuế cấp hoặc đăng ký kinh doanh (nếu là kinh tế gia đình) và hàng hóa vận chuyển phải có hóa đơn hợp lệ. Nếu không có các giấy tờ đó phải nộp thuế buôn chuyến.

b) Quản lý luồng hàng, mặt hàng:

ở những vùng sản xuất tập trung, cơ quan thuế phải nắm được khả năng sản xuất, khách hàng thu mua, người đi mua gom... để phân loại và thu thuế đúng đối tượng.

ở những vũng có hàng nông sản, cơ quan thuế phải nắm được mùa vụ thu hoạch, sản lượng sản xuất, kế hoạch thu mua.

c) Quản lý ở các bến tàu, bến xe, nhà ga: cán bộ thuế phải nắm được ngày giờ tàu đi, tàu đến để bố trí kiểm soát thu thuế.

d) Kiểm tra, kiểm soát hàng hóa:

- Khi kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, cán bộ thuế yêu cầu người buôn chuyến phải tự mở hoặc dỡ hàng để kiểm tra. Trường hợp đặc biệt, cần thiết, cán bộ thuế có thể tự mở gói hàng, kiện hàng để kiểm tra, nhưng phải mở công khai trước mặt chủ hàng hoặc có sự chứng kiến của những người khác không phải là cán bộ thuế.

- Kiểm tra hàng phải cân, đo, đong, đếm cụ thể, ghi rõ mặt hàng, số lượng, trọng lượng, quy cách và phẩm chất hàng hóa.

Kết hợp giữa kiểm tra thực tế với kiểm tra sổ sách, hóa đơn chứng từ kèm theo để phát hiện những trường hợp lợi dụng mua thêm hàng hóa để trốn thuế.

Kiểm tra giấy phép kinh doanh để phát hiện những trường hợp kinh doanh trái phép.

e) Tính thuế và thu thuế:

- Thuế buôn chuyến chỉ thu một lần đối với mỗi chuyến hàng và thu ở nơi hàng đi. Cơ quan thuế ở nơi hàng đến không được thu bổ sung chênh lệch giá vào những lô hàng đã nộp thuế rồi. Người buôn chuyến chưa kê khai nộp thuế ở nơi hàng đi phải kê khai nộp thuế ở nơi hàng đến, ngoài ra còn bị xử phạt nếu trốn thuế, lậu thuế.

- Trị giá tính thuế:

Đối với hàng hóa mua có hóa đơn chứng từ hợp lệ thì trị giá tính thuế căn cứ vào giá ghi trên hóa đơn.

Đối với hàng hóa mua không có hóa đơn thì trị giá tính thuế theo thời giá.

- Để chống thất thu về giá tính thuế và để tránh tùy tiện trong việc định giá tính thuế. Chi cục thuế có thể ủy quyền cho các phòng thuế công thương nghiệp căn cứ vào giá cả thị trường, quy định giá tính thuế cho từng mặt hàng và niêm yết công khai ở nơi thu thuế để người kinh doanh biết.

- Khi thu thuế phải viết biên lai trước mặt và giao trực tiếp cho người nộp thuế. Trong biên lại phải ghi rõ ràng, đầy đủ các chỉ tiêu quy định, ký tên và ghi rõ họ tên người viết biên lai, có lót giấy than để lưu trên liên thanh toán với phòng thuế.

Khi kiểm tra thu thuế xong, cán bộ thu phải xác nhận vào sổ buôn chuyến.

- Căn cứ vào số lượng hàng hóa đã kiểm tra và giá tính thuế suất quy định để tính thuế đồng thời giải thích và công bố cho người kinh doanh biết.

g) Xử lý hàng hóa tạm giữ:

- Việc lập biên bản tạm giữ hàng hóa, tang vật áp dụng đối với những trường hợp cần thiết phải tạm giữ đã xử lý.

- Trước khi lập biên bản tạm giữ các giấy tờ và hàng hóa, phải kiểm tra mặt hàng, phẩm chất, quy cách, cân, đong, đo, đếm, trường hợp cần thiết cần phải niêm phong có chữ ký của đương sự.

- Biên bản phải lập đúng mẫu quy định đã in sẵn, ghi đầy đủ và đúng các nội dung để bảo đảm đủ cơ sở pháp lý cho việc giữ hàng và xử lý như đối tượng vi phạm, tính chất, thủ đoạn vi phạm...

Trong biên bản ghi rõ mặt hàng, số lượng, trọng lượng, phẩm chất hàng hóa và các giấy tờ tạm giữ (nếu có).

Biên bản lập xong đọc lại cho người có hàng nghe và ký tên xác nhận.

Biên bản lập ít nhất là 2 bản, 1 bản giao cho chủ hàng, 1 bản lưu ở phòng thuế.

3. Các trường hợp vi phạm về thủ tục khai báo, giữ sổ sách kế toán và nộp thuế đều bị xử lý theo mục 1, điều 20 Nghị định số 53-HĐBT ngày 27-5-1989 của Hội đồng Bộ trưởng.

Quản lý thu thuế buôn chuyến là công việc hết sức phức tạp, khó khăn nên cơ quan thuế cần kết hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để quản lý đúng đối tượng, đúng chính sách, vừa phát huy tác dụng của chính sách, vừa không gây phiền hà cho lưu thông hàng hóa.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có điểm nào không phù hợp, các Chi cục tổng hợp báo cáo cho Bộ Tài chính (Cục thuế công thương nghiệp) biết để nghiên cứu, hướng dẫn thêm.

Chu Tam Thức

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 35-TC/CTN-1989 hướng dẫn nghiệp vụ thu thuế đối với thuế buôn chuyến do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 35-TC/CTN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/09/1989
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Chu Tam Thức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản